Diễn đàn

Luận bàn về văn hóa ứng xử

Trong mâm cơm gia đình Việt, vị trí ngồi của các thành viên cũng là một nét văn hóa

Tôi có người bạn mở tiệc mừng “rửa lon”, thăng chức là chuyện đáng mừng, nhất là đối với anh bạn của tôi là một con người rất đức độ, có tài, nhưng ít gặp may mắn trên con đường quan lộc, đôi lúc còn gập ghềnh, trắc trở. Tôi đến đúng giờ, khách khoảng hơn mười người, người quen thân có, xa lạ có, khi ngồi vào bàn, nhìn mọi người ăn uống hào hứng, tôi thấy tính cách và đức độ của từng người lại lộ ra, đã làm tôi chạnh lòng nhớ tới lúc thời còn đói kém, kham khổ của ngày xưa.

Lúc thiếu thời còn nhỏ, bản thân tôi được mẹ dạy dỗ ngay từ khi chưa biết mặt chữ rằng: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, rồi mẹ tôi lại giải nghĩa: “Khi ăn ta phải luôn chú ý tới mọi người xung quanh và cơm trong nồi, nếu cơm trong nồi mà còn ít, thì phải nhường cho người khác, nếu cơm đã hết mà mình vẫn đưa chén là kẻ “vô sỉ” vô sỉ là kẻ tham lam, ích kỷ, thiếu đạo đức, mẹ tôi đã nâng chuyện ăn uống tới cấp độ đức. Dần dần, khi lớn lên và sống trong thế gian tôi lại càng thấu hiểu, chuyện ăn uống vẫn là vấn đề thuộc về văn hóa đạo đức. Có một câu chuyện tiếu lâm dân gian rất hay mà tôi đã thuộc lòng và coi chuyện đó như là một trong những chuyện tiếu lâm dân gian hay nhất trong văn học Việt Nam. Chuyện kể rằng, có một ông khách nọ tham ăn, tục uống, ăn cơm “ké” của một nhà nghèo. Ông ta ăn hùng hục như tằm ăn rỗi, không cần biết nhường nhịn ai, khi cơm trong nồi đã hết, mà ông ta vẫn đưa chén, đã ăn hết rồi còn đòi bới thêm cơm, với câu nói đưa đẩy che giấu sự tham ăn, người khách nói: “Nhà tôi có cây cam, trái to bằng này?” gia chủ cũng đối lại rất lịch sự, bưng nồi cơm trống rỗng lên đưa sát mặt người khách nọ rồi bảo: “Ăn thua gì, ở nhà tôi có quả cam to bằng cái nồi cơ!”, sự châm biếm người tham ăn ở đây quả là có chừng mực, và đó là nét văn hóa rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Bởi ngay trong thời xa xưa, trong đời sống xã hội nước ta đã lưu truyền những câu châm ngôn rất nổi tiếng “Trời đánh, tránh bữa ăn”. Kèm theo đó còn có một câu nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Mẹ tôi cũng thường dạy: “Miếng ăn là miếng tồi tàn”. Thuở còn nhỏ, bản thân tôi không hiểu rõ, hiểu hết, khi lớn lên tôi đã hiểu ra ý nghĩa sâu xa của câu nói đó. Ví như, trong bữa tiệc, có người bới đĩa thức ăn để chọn miếng thịt ngon nhất cho mình. Thật đáng xấu hổ. Trong bữa cỗ, gia chủ tỏ lòng hiếu khách, khách không thích miếng thức ăn ấy gắp trả lại, cũng thật xấu hổ. Miếng ăn rất đáng trân trọng. Nhưng vì miếng ăn mà quên hết hoặc loại bỏ đạo lý, đạo làm người, chỉ có ở kẻ vô sỉ. Mẹ tôi còn khuyên dạy rằng: “Miếng ăn ngon phải là miếng ăn sạch”, hồi còn nhỏ tôi chỉ hiểu được sạch là vệ sinh thực phẩm, khi lớn lên, tôi lại càng hiểu ra nghĩa “sạch sẽ” nó lại thuộc về phạm trù đạo đức của chuyện ăn.

Lại nói đến chuyện gắp thức ăn. Cha tôi rất ghét người gắp sấp (gắp thức ăn theo kiểu úp lòng bàn tay), ông bảo: “Thức ăn là thứ thiết yếu cho đời sống con người, phải được nâng lên mời mình và mời mọi người. Gắp sấp là đè xuống giữ lấy cho riêng mình, không chỉ xấu về hình dáng, mà còn bộc lộ tính ích kỷ, tham ăn… “Nghiệm ra, cha tôi mắng mỏ chúng tôi có vẻ hơi quá, nhưng không phải đến mức vô lý, gàn dở, không phải bỗng nhiên trong văn hóa ăn uống của người Việt Nam ta có câu: “Vợ dại, không hại bằng đũa vênh”, mâm, chén (bát) và đũa là một phần trong văn hóa ăn uống của người Việt ta, trước khi ăn, người ta phải so đũa, bày chén. Điều này thể hiện sự tôn trọng người ăn, người ăn bao giờ cũng quan trọng hơn miếng ăn, để xứng đáng với sự tôn trọng ấy, người ăn phải biết ăn sao cho có văn hóa. Bây giờ, không phải chỉ giữ gìn đạo đức trong ăn uống, mà còn phải thể hiện nét đẹp trong chuyện ăn. Thôi thì sấp, ngửa đều có thể chấp nhận được, nhưng gắp thức ăn theo kiểu tranh giành miếng ngon hoặc không ngon, vương vãi là điều không đẹp chút nào.

Người xưa, người nay đều nói, bữa ăn ngon phải có ba thứ, người cùng ngồi ăn cho ngon, thức ăn cho ngon, chỗ ngồi ăn cho ngon, ở thời buổi kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng như hiện nay, hai tiêu chuẩn sau rất dễ, tiêu chuẩn đầu hơi khó. Đỉnh cao của văn hóa ăn uống là ở chỗ xử lý tình huống khi mình phải ăn chung với người mình không ưa thích. Ông bạn khổ chủ bữa tiệc của tôi là người từng trải trong chính trường, thương trường, bày tỏ kinh nghiệm “ở trường hợp đó khổ chủ phải là người điều hòa nhiệt độ theo tinh thần nhiệt độ của bữa ăn, bằng nhiệt độ của miếng ăn đưa vào miệng không thể quá nóng hoặc quá lạnh”.

Trở về vế thứ hai “…ngồi trông hướng” có lẽ chuyện ngồi trong xã hội và gia đình ngày nay còn rộng hơn trong chuyện ăn uống bình thường, mẹ tôi bảo: Phật phải có nhang đèn, con người phải có thể diện. Ngồi là sự thể hiện mình ngồi trong đám đông, ngồi làm sao để vừa giữ thể diện của mình, vừa giữ được thể diện cho người khác. Cho nên, trước khi ngồi vào mâm ăn, ngồi chỗ đông người, con nhất thiết phải chọn hướng, không thể quay lưng lại những người khác và người lớn, những điều cần phải biết tôn kính cần thiết, không phải bỗng dưng người Việt Nam ta coi trọng phong thủy trong việc xây dựng và làm nhà, đón điều lành, tránh điều dữ, hướng tới sự phát triển là điều ai cũng mong muốn gởi gấm ở hướng nhà, hướng ngồi, vị trí ngồi cũng vậy, ai ở lành được bao bọc bởi những điều thân thiết, nhận được sự hỗ trợ từ bốn phương, tám hướng. Việc ngồi ấy, phải hội đủ ba yếu tố: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Mẹ tôi còn bảo, trong bốn thứ biết của việc làm người: (biết đứng, biết đi, biết nói, biết ngồi) trong đó biết ngồi là quan trọng nhất. Người biết ngồi là người biết chọn hướng ngồi, hướng ngồi là thể hiện mình “biết người, biết mình”. Kẻ vô sỉ, chỉ thể hiện mình chỉ “biết có mình”, chọn hướng ngồi để đề cao mình, vùi lấp người khác là không được. Lại có câu nói dân gian từ xa xưa mà tôi đã được nghe: “Đi quen chân, nói quen miệng, ngồi quen thói”.

Cái thói quen ngồi dai, chây ì cản trở cho người khác là điều không hay. Ngẫm ra, ở đời khó có ai nhìn ra cái thói quen xấu của mình. Ai cũng thương mình, lẽ tự nhiên mà người ta có thể nhận ra thói xấu ấy nếu mình biết nhìn. Một ngày nọ trên chuyến xe bus, bản thân tôi đi trên xe và trực tiếp nhìn thấy có một chàng trai còn rất trẻ ngồi trên băng ghế mắt nhìn đăm đắm về phía trước, với dáng vẻ rất tư lự, lắm suy tư, nhiều nghĩ ngợi, có vẻ người này làm việc gì đó chắc cũng lớn, chàng trai ấy mải mê với suy tưởng của mình, nên không thấy ở bên anh ta còn có một ông già và một phụ nữ đang có bầu đứng trong tư thế mệt nhọc, lúc ấy, rất nhiều ánh mắt nhìn anh ta với vẻ oán trách, sau cùng rồi cũng có người khác nhắc anh ta nhường ghế cho một bà lão ốm yếu, bệnh tật ở kế bên ngồi. Mẹ tôi bảo, ở chỗ đông người, con chớ chỉ biết có nhìn lên, nhìn xuống, hay nhìn một phía mà phải biết nhìn trước, ngó sau, nhìn xung quanh mình có gây phiền hà hoặc cản trở cho ai không? Đấy là bài học đầu tiên, một bài học rất sơ đẳng về cách biết nhìn, có biết nhìn, mới biết mình ngồi đúng hướng được. Bao năm trôi qua, bản thân tôi đã từng đây đó, lặn lội, bươn chải trên khắp đường đời, đến lúc này khi nghiệm ra chuyện biết nhìn khó lắm thay, người biết ngồi ít lắm thay…

Bữa tiệc của anh bạn tôi tan, khi mọi người lần lượt ra về vui vẻ cả, rồi tôi cũng phải về, anh bạn tôi giữ lại nói nhỏ, anh em mình ngồi thêm một chút nữa, trong mạch suy tư tôi buộc miệng nói: “Có cần thiết phải ngồi lâu hơn không?”. Bạn tôi bảo: “Tri kỷ thì không cần tính thời gian, chúng ta ngồi bao lâu cũng không thừa…” lại mở ra thêm một hướng khác, khi bàn về chuyện ngồi. Đúng là đường đời muôn nẻo, chuyện đời thường vô hạn, vô cùng, nhưng có một điều thực tế ai cũng biết: “khép lại ở đâu, mở ra từ đó, ăn, đứng ở đâu, bắt đầu nhìn từ đó…” chuyện đời muôn nẻo, văn hóa của người xưa sao tôi thấy thật là thâm thúy mà người đời và ông cha ta đã dạy để lại cho con cháu mai sau, theo tôi nghĩ, thế hệ của chúng ta rất cần phải suy ngẫm!./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114497371

Hôm nay

268

Hôm qua

2365

Tuần này

22152

Tháng này

214764

Tháng qua

120308

Tất cả

114497371