Những góc nhìn Văn hoá
Những lá thư của Anh hùng, liệt sỹ Hoàng Kim Giao
Anh hùng, liệt sỹ Hoàng Kim Giao (1941-1968). Ảnh tư liệu
Anh hùng, liệt sỹ Hoàng Kim Giao ngã xuống chẳng để lại thứ gì của riêng mình ngoài công trình khoa học đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và những lá thư đi cùng năm tháng. Có dịp trực tiếp cầm đọc những lá thư của anh được cất giữ hơn 50 năm, thêm một lần cảm phục ý chí và tình yêu của người anh hùng phá bom năm ấy.
Ngã xuống trên tuyến đường 15A
Cuối tháng 5, anh Phan Trọng Lộc – Giám đốc Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn báo tin vừa trở về từ Hải Phòng và được người thân của Anh hùng, liệt sỹ Hoàng Kim Giao trao toàn bộ những bức thư và một số kỷ vật lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua. Dù đã đọc nội dung những bức thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao trên báo và cuốn sách “Sống để yêu thương và dâng hiến” nhưng chúng tôi vẫn muốn tận mắt chứng kiến những dòng chữ và mẩu giấy nhuốm “màu thời gian”. Vài ngày sau, chúng tôi ngược quốc lộ 15A, lên với Truông Bồn và may mắn gặp được anh Lộc, được anh cho xem những lá thư vừa đưa về từ đất cảng. Có đến hàng trăm trang thư được gói ghém trong từng phong bao, chứng tỏ người lưu giữ luôn nâng niu, trân trọng kỷ vật vô giá của người thân.
Anh Phan Trọng Lộc bên và những bức thư được gia đình liệt sỹ Hoàng Kim Giao trao tặng Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ảnh: Công Kiên
Theo tư liệu của gia đình lưu giữ, Anh hùng, liệt sỹ Hoàng Kim Giao (1941 - 1968) quê ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng), là cán bộ khoa học của Cục Nghiên cứu Kỹ thuật, thuộc Tổng cục Hậu Cần (Bộ Quốc phòng). Tháng 9/1968, anh xung phong nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn công tác vào Khu 4 để huấn luyện và phá dỡ bom, trả lại cuộc sống bình yên cho vùng tuyến lửa. Ngày 29/12/1968, Hoàng Kim Giao và đồng đội là Lương Trung Tín (quê Thái Bình) đã hy sinh lúc đang phá quả bom chứa 300 kg thuốc nổ ở xã Nam Hưng (Nam Đàn), cách Truông Bồn mấy trăm mét. Thân xác anh và đồng đội hòa tan vào đất đá, người dân Nam Hưng chỉ tìm thấy một mẩu thi hài và mai táng bên sườn đồi. Giờ đây, ngôi mộ của hai anh đã được giao cho Ban quản lý Di tích Quốc gia Truông Bồn chăm sóc và có nhiều người qua lại thăm viếng. Quanh mộ các anh vẫn còn dấu tích của hàng chục hố bom, là chứng tích một thời ác liệt và khẳng định tinh thần xả thân, chiến đấu quên mình của những người con đất Việt.
Khu mộ Anh hùng, liệt sỹ Hoàng Kim Giao và liệt sỹ Lương Trung Tín. Ảnh: Công Kiên
Xem những lá thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi dù đã nhuốm “màu thời gian”, giấy viết đôi chỗ đã úa vàng nhưng gần như không có lá thư nào bị rách. Nét chữ vẫn còn nguyên vẹn, không bị mờ, nhòe do tác động của thời gian và những yếu tố bên ngoài. Với hàng trăm trang thư chủ yếu viết cho cậu, mợ (bố, mẹ) và người vợ trẻ Nguyễn Thị Lan đã nói lên phần nào phẩm chất, tâm hồn của chàng trai đất cảng.
Hòa quyện “tình riêng” vào “nguồn chung”
Thông thường, thư viết cho bố mẹ và vợ, những người thân yêu, gần gũi nhất của mình, mọi người thường chia sẻ những điều riêng tư, thần kín. Anh hùng Hoàng Kim Giao cũng vậy, nhưng sau những dòng tâm sự riêng tư, anh thường bộc bạch cả những điều lớn lao, mang tính thời cuộc và tinh thần của một thế hệ. Đây là những dòng anh viết cho bố mẹ vào năm 1967: “Được ra chiến trường thật là một điều hạnh phúc nhưng để làm được như thế phải có kiến thức chuyên môn vững chắc và mặt khác điều kiện học tập cũng khó hơn. Vì thế, bây giờ con đang hết sức tranh thủ học tập để có thể nhanh chóng nắm được các vũ khí điện tử mới nhất địch sử dụng trên chiến trường. Chỗ con có rất nhiều đồng chí đã có hơn chục năm chuyên môn và nói chung trình độ đều khá hơn con…”.
Những lá thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao vẫn còn nguyên vẹn, nét chữ vẫn rõ ràng. Ảnh: Công Kiên
Lá thư khá dài, phần lớn nội dung là lời chia sẻ về sự đau đáu với nhiệm vụ học tập, nghiên cứu và chiến đấu ở phía trước; là khát vọng được đem những kiến thức đã học được để “chế ngự” các loại vũ khí hiện đại của kẻ thù, góp phần giảm bớt thiệt hại và nỗi đau cho đất nước. Đó cũng là tinh thần của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ, những con người sẵn sàng gạt bỏ mọi điều riêng tư để khoác ba lô, cây súng vào chiến trường. Vẫn là tinh thần ấy, trong một lá thư khác, anh viết: “Hôm ở nhà đi, con biết cậu, mợ giận con nhiều, con muốn ở lại nhà, dù chỉ một vài giờ cũng thật là quý, thật là ấm cúng. Nhưng vì con không muốn vì thế mà mọi người xung quanh nghĩ không đúng về con, về gia đình ta”.
Chiếm số lượng nhiều nhất là những lá thư gửi người yêu, sau này thành vợ, cô gái có tên Nguyễn Thị Lan. Những lá thư này vừa có sự đắm say của tình yêu đôi lứa, sự nồng nàn của tình cảm vợ chồng, vừa chứa đựng, hòa lẫn với tình yêu quê hương và nghĩa vụ với non sông, đất nước. Một bức thư đề năm 1968, nghĩa là năm anh hy sinh, anh Hoàng Kim Giao viết: “Anh không ngờ lần gặp nhau cuối cùng để rồi sống những ngày đằng đẵng xa nhau lại ngắn ngủi đến thế. Thời gian đáng quý biết bao, mỗi phút gần gũi mới hiếm hoi làm sao, thế mà lúc gần nhau anh không biết hết giá trị những giây phút đó”. Từ nỗi nhớ nhung xa cách, chàng trai đất cảng nhanh chóng hòa vào mạch nguồn đất nước: “Lan ơi! Trước kia lòng tin của em đã đem hạnh phúc cho chúng ta, bây giờ em hãy sống với lòng tin đó và càng có thể tin để mà sống vì anh đã được rèn luyện, được trưởng thành qua năm tháng của cuộc chiến tranh, em hãy tin tất cả và hạnh phúc của chúng ta sẽ là vĩnh viễn…”.
Ở một lá thư khác, anh Giao trải lòng với người người bạn đời đang xa cách: “Lan ơi! Anh biết hiện tại em còn nhiều khó khăn, anh không gần gũi để giúp được em, hãy nghĩ đến tình yêu của chúng ta, nghĩ đến ngày mai tươi sáng mà cố gắng vượt qua. Sống thế nào cho xứng đáng là một con người chân chính của thời đại mới. Vượt qua tất cả mọi thử thách giữ lấy phẩm giá con người mình, con chim nhỏ của anh hãy giữ gìn bộ cánh xinh đẹp để khi trở về tổ đôi cánh ấm áp đó lại ôm ấp hạnh phúc của chúng ta…”.
Một bức thư Anh hùng Hoàng Kim Giao gửi vợ là Nguyễn Thị Lan. Ảnh: Công Kiên
Còn nhiều, rất nhiều những dòng tâm sự của Anh hùng Hoàng Kim Giao gửi gia đình, người thân qua những cánh thư. Đọng lại vẫn là tấm lòng yêu thương, kính trọng dành cho các bậc sinh thành; nỗi nhớ, niềm thương gửi người bạn đời ở chốn quê xa… Tất cả hòa quyện vào dòng chảy của cuộc sống thời đại, của những ngày cả nước đánh giặc, cùng chung quyết tâm chiến đấu, giải phóng non sông; giữa “tình riêng” và “nguồn chung”.
Anh Phan Trọng Lộc cho biết: “Những bức thư và một số hiện vật của Anh hùng, liệt sỹ Hoàng Kim Giao sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn để du khách đến thăm có dịp tận mắt chứng kiến. Qua đó, hiểu thêm về sự hy sinh anh dũng, quả cảm của người con đất cảng khi làm nhiệm vụ ở mảnh đất Nghệ An trong những năm tháng ác liệt và hiểu rõ hơn tinh thần của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ”.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Hình như kiến gió cũng có linh hồn
Thống kê truy cập
114511023
222
2359
21397
217896
121356
114511023