Nhìn ra thế giới

Nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản

Phan Bội Châu là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Trong cuộc đời của mình, ông đã có 4 năm hoạt động ở Nhật Bản (1905-1909). Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, ông đã phát động được phong trào Đông Du nổi tiếng, đã trước tác một khối lượng lớn các tác phẩm văn thơ yêu nước, đã tiếp xúc với nhiều chính khách lớn của Nhật, đã giao lưu liên kết với các nhà trí thức, các nhà hoạt động dân tộc châu Á.

Cuộc đời hoạt động và những nghiệp tích của Phan Bội Châu được các học giả người Nhật quan tâm nghiên cứu. Nếu tính theo số lượng sách báo nghiên cứu đã công bố, các tác phẩm nghệ thuật được công chiếu, những sự kiện liên quan đến Phan Bội Châu được đưa vào đề thi môn lịch sử thì có lẽ ông là nhân vật lịch sử người Việt Nam được quan tâm tìm hiểu nhiều nhất ở Nhật Bản.

1. Nghiên cứu về Phan Bội Châu  ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ XX đến thập niên 1970

Sự quan tâm tìm hiểu giới thiệu về những hoạt động của Phan Bội Châu ở Nhật Bản đã có từ những năm 1930. Tài liệu giới thiệu về Phan Bội Châu sớm nhất ở Nhật Bản là “Truyện các chí sĩ tiên phong Đông Á” (To A Senkaku Shishi Den) do Hắc Long hội (Kokuryukai) biên tập và được xuất bản năm 1935[1]. Trong cuốn sách này, các tác giả đã khắc họa lại chân dung Phan Bội Châu như là lãnh tụ của phong trào dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX và đặc biệt, đã giới thiệu khá chi tiết các hoạt động của Phan Bội Châu và các đồng chí của ông ở Nhật Bản.

Sau đó đó ít lâu, vào năm 1938, Tòa soạn báo Kinh tế Đông phương (Toyo Keizai Shimbun) đã cho xuất bản tập truyện ký về Inukai Tsuyoshi (Khuyển Dưỡng Nghị), một chính trị gia tầm cỡ của Nhật, người đã có công to lớn trong việc giúp đỡ Phan Bội Châu và các chiến sĩ Đông Du, nhan đề “Khuyển Dưỡng Mộc Đường truyện” (Inukai Bokudo Den)[2] trong đó đã giới thiệu khá đầy đủ về hoạt động của Phan Bội Châu ở Nhật và hoạt động giúp đỡ thiết thực của Inukai Tsuyoshi đối với Phan Bội Châu và các đồng chí của ông.

Những bài viết giới thiệu về Phan Bội Châu và hoạt động của ông ở Nhật Bản là của những trí thức Nhật Bản theo tư tưởng “châu Á chủ nghĩa” (Ajia Shugi). Những nhà trí thức theo tư tưởng này cổ vũ cho tư tưởng và phong trào liên kết các dân tộc châu Á chống lại sự bành trướng và nô dịch của các cường quốc phương Tây đối với châu Á. Họ sưu tầm, nghiên cứu và công bố các ghi chép về phong trào dân tộc châu Á, chú trọng đến các lãnh tụ phong trào này và hoạt động liên kết giữa các nhà chính trị, các nhà hoạt động xã hội Nhật Bản với các nhà dân tộc chủ nghĩa châu Á. Trong hai công trình mà chúng tôi giới thiệu trên, Phan Bội Châu của Việt Nam được chú ý và giới thiệu chi tiết.

Trong những năm 1940, tuy việc nghiên cứu về Việt Nam nói riêng và Đông Dương thuộc Pháp nói chung, đã phát triển có tính chất “bùng nổ” ở Nhật Bản nhưng vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu sâu về nhân vật Phan Bội Châu cả. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, việc nghiên cứu về Việt Nam sớm được khôi phục nhưng việc nghiên cứu về Phan Bội Châu vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể.

Chỉ đến thập niên 1960, sự quan tâm nghiên cứu về Phan Bội Châu được gia tăng một cách đáng kể. Nếu phân chia một cách tổng quát thì có thể nói, nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản được tiếp cận từ hai trường phái lớn. Đó là trường phái “dân tộc giải phóng sử quan” (Minzoku Kaiho Shikan) và trường phái Đông phương học (Toyogakuha).

Trong bối cảnh phong trào giải phóng dân tộc bùng nổ mạnh mẽ vào những năm 1950 - 1960 trên thế giới và đặc biệt là cuộc chiến tranh Việt Nam, đã tác động mạnh mẽ đến xu hướng và quan niệm nghiên cứu của các học giả Nhật Bản.  Họ, ít nhiều, chịu ảnh hưởng quan niệm “dân tộc giải phóng sử quan” từ các nước châu Á. Năm 1961, Tanigawa Yoshihiko cho công bố bài báo “Phong trào dân tộc Việt Nam trước chiến tranh thế giới lần thứ I” (Dai Ichiji Sekai Taisenzen no Vetonamu Minzokushugi), trong đó, về Việt Nam, đã tập trung nghiên cứu về nhân vật Phan Bội Châu và hoạt động cách mạng của ông[3]. Năm 1976, Tanigawa còn trở lại nghiên cứu hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu trong một cuốn chuyên luận lớn hơn “Lịch sử của phong trào dân tộc ở Đông Nam Á” (Tonan Ajia Minzoku Kaiho Undo-shi)[4]. Về phong trào giải phóng dân tộc việt Nam, Tanikawa dựa các sách, báo của giới sử học miền Bắc được xuất bản bằng tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh để nghiên cứu, đánh giá về Phan Bội Châu nên quan điểm đánh giá giá về nhân vật này của ông gần giống với quan điểm của giới sử học miền Bắc Việt Nam.

Năm 1967, Terahiro Teruo, một nhà nghiên cứu phong trào dân tộc Trung Quốc, đã công bố bài viết đề cập đến hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu “Nhật Bản và Trung Quốc trong phong trào dân tộc Việt Nam thời sơ kỳ” (Etunan Shoki Minzoku Undo wo meguru Nihon to Chugoku)[5]. Terahiro đánh giá cao vai trò lãnh tụ dân tộc Phan Bội Châu và minh chứng rằng Nhật Bản và Trung Quốc có vai trò to lớn đối với phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo.

Đầu những năm 1970, ở Nhật Bản xuất hiện nhà nghiên cứu trẻ, nghiên cứu về Phan Bội Châu theo trường phái “dân tộc giải phóng sử quan”: Đó là Sakai Izumi.  Năm 1972, Sakai cho công bố bài viết quan trọng “Phong trào đấu tranh chống Pháp đầu thế kỷ 20 - Tư tưởng và hoạt động của Phan Bội Châu” (Betonamu ni okeru 20 Seki Shoto no Kofutsu Toso – Phan Boi Chau no Shiso to Katsudo), trên “Nguyệt san Nghiên cứu Á - Phi” (Gekkan Ajia-Afrika Kenkyu)[6]. Sakai Izumi đã tiếp cận sách, bài báo của giới sử học miền Bắc Việt Nam được dịch ra tiếng Trung, đã giới thiệu chi tiết sự chuyển biến tư tưởng và hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của quan điểm “dân tộc giải phóng sử quan” của giới sử học miền Bắc, Sakai cho rằng, mặc dầu Phan Bội Châu là một người lãnh đạo tiêu biểu của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX nhưng ông còn có hạn chế là không có quan điểm rõ ràng và sâu sắc về phản đế phản phong và vấn đề liên minh công nông.

Ngoài ra, vào những năm 1970, ở Nhật Bản, cũng có một công trình khác biên soạn theo trường phái “dân tộc giải phóng sử quan” là cuốn “Việt Nam trong lòng Nhật Bản” (Nihon no naka no Betonamu) của Goto Kimpei do Nhà xuất bản Sosh iete ấn hành vào năm 1979[7]. Goto tập trung trình bày về các hoạt động của lãnh tụ Phan Bội Châu ở Nhật và coi ông như lãnh tụ tiêu biểu của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Trường phái thứ hai nghiên cứu và đánh giá Phan Bội Châu là trường phái Đông phương học (Toyogakuha). Trường phái Đông phương học Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam và các nhân vật lịch sử Việt Nam đều dựa vào nguồn tư liệu bằng chữ Hán. Họ khảo sát tỉ mỹ các tư liệu chữ Hán ở Việt Nam, Trung Quốc và các tài liệu chữ Nhật, phân tích, so sánh các nguồn tư liệu đó, dựng lại lịch sử và các nhân vật lịch sử Việt Nam một cách xác thực hơn. Tiêu biểu cho trường phái này là Kawamoto Kunie. Năm 1966, sau một thời gian khảo sát cẩn thận các nguồn tài liệu có ở Đông phương văn khố (Toyo Bunko), Ngoại giao sử liệu quán (Gaiko Shiryokan) của Nhật Bản cũng như các tài liệu của Trung Quốc, ông cùng với Nagaoka Shinjiro  đã dịch, biên tập và xuất bản trước tác quan trọng của Phan Bội Châu ra tiếng Nhật nhan đề “Việt Nam vong quốc sử và những bài khác” (Vetonamu Bokokushi Hoka)[8]. Trong cuốn sách đó, ngoài biên dịch các tác phẩm “Việt Nam vong quốc sử”, “Ngục trung ký” (Gyokuchuki), “Thiên hồ, Đế hồ!” (Tenka Teika), “Hải ngoại huyết thư Sơ biên” (Kaigai Kessho Shohen), Kawamoto còn viết “Tiểu sử Phan Bội Châu - Cuộc đời và thời đại của ông” (Han Bai Shu Shoshi - Sono Shogai to Jidai) và Nagaoka viết “Những người Việt Nam ở Nhật Bản” (Nihon Ni okeru Vetonamu no Hitobito). Trong các bài viết này, hai ôngđã cho công bố nhiều tư liệu mới và đưa ra những kiến giải mới về tư tưởng và hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu. Tuy đây chưa phải là công trình nghiên cứu căn bản về Phan Bội Châu nhưng nó lại có giá trị lớn, đánh dấu bước tiến mới trong việc nghiên cứu Phan Bội Châu ở Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên, một số tác phẩm quan trong của Phan Bội Châu được dịch và công bố ở Nhật Bản. Cuốn sách này trở thành “sách gối đầu giường” của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản và nhiều nước Âu - Mỹ khác.

Trong những năm 1970, Kawamoto liên tục cho công bố một loạt những bài viết về Phan Bội Châu. Đó là các bài “Về tác trước tác thời kỳ đầu của Phan Bội Châu” (Han Bai Shu no Shoki no Chosaku)[9] (1971); “Quan điểm về Nhật Bản của Phan Bội Châu” (Han Bai Shu (Phan Bọi Chau) no Nihon-kan)[10] (1972); “Tư tưởng của Phan Bội Châu trong thời kỳ Duy Tân - Đông Du: Nguyên điểm của phong trào dân tộc Việt Nam” (Ishin Toyu-ki ni okeru Han Bai Shu no Shiso Vetonamu Minzoku Undo no Genten) [11](1973); “Quan hệ giữa Phan Bội Châu với phái Bảo hoàng và phái Cách mạng đồng minh hội trong thời kỳ Duy Tân - Đông Du (Han Bai Shu to Hoko Oyobi Kakumei Domeikai to no Kankei Ishin Toyu-ki ni Tsuite Mitaru) [12] (1979) ... Các bài viết của Kawamoto, về cơ bản, kế thừa quan điểm Đông phương học truyền thống nhưng cũng chịu ảnh hưởng của quan điểm “dân tộc giải phóng sử quan” của Việt Nam khi đánh giá về Phan Bội Châu.

Công lao lớn đầu tiên của Kawamoto là ông đã góp phần luận giải khoa học về “Việt Nam vong quốc sử” dưới góc độ văn bản học. Dựa vào sự khảo sát tường tận văn bản của tác phẩm này, Kawamoto khẳng định rằng “Việt Nam vong quốc sử” là tác phẩm của Phan Bội Châu chứ không phải là tác phẩm của Lương Khải Siêu như một số nhà nghiên cứu Trung Quốc quan niệm. Ông lý giải rằng, vì “Việt Nam vong quốc sử” in ấn đầu tiên ở Nhật và sau đó xuất bản nhiều lần ở Trung Quốc và đưa vào trong các Tuyển tập, Toàn tập của Lương Khải Siêu nên nhiều người cho rằng nó là tác phẩm của Lương Khải Siêu. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ hơn thì thấy rằng văn phong của “Việt Nam vong quốc sử” rõ ràng là văn phong của Phan Bội Châu. Hơn nữa, trong tác phẩm đó, có cả thơ chữ Nôm thì không thể cho rằng đó là tác phẩm của Lương Khải Siêu được. Thực ra, nếu có thì Lương Khải Siêu chỉ viết phần Tiền lục (Lời nói đầu) và Việt Nam tiêu chí Phần cuối), còn nội dung của “Việt Nam vong quốc sử” là do Phan Bội Châu viết. Tóm lại, “Việt Nam vong quốc sử” là tác phẩm của Phan Bội Châu, Lương Khải Siêu là người biên tập lại và cho xuất bản mà thôi.

Cống hiến quan trọng thứ hai của Kawamoto là sự lý giải của ông về quan niệm của Phan Bội Châu về Nhật Bản. Có lẽ, Kawamoto là người đầu tiên chỉ rõ mâu thuẫn trong nhận thức của Phan Bội Châu về Nhật Bản: Một mặt, với sự kiện Nhật Bản đánh chiếm và sát nhập Lưu Cầu (Ryukyu), biến Lưu Cầu thành Okinawa của Nhật thì Nhật Bản cũng hành động giống như các nước đế quốc phương Tây mà thôi (giống như Pháp xâm lược Việt Nam vậy). Nhưng mặt khác, Nhật Bản là một nước châu Á, tiến hành công cuộc duy tân thành công, đã trở thành “phú quốc cường binh”, sánh ngang với các cường quốc phương Tây. Phan Bội Châu và các đồng chí của ông vẫn hết sức ngưỡng mộ Nhật Bản và kỳ vọng rất nhiều về sự giúp đỡ của Nhật cho cuộc đấu tranh chống Pháp giải phóng dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, quan niệm của Kawamoto cho rằng quyết tâm đi Nhật cầu viện là do ảnh hường của Nguyễn Thành, Tăng Bạt Hổ không được các học giả nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật thế hệ sau tán thành.

Nghiên cứu của Kawamoto về Phan Bội Châu còn có ý nghĩa to lớn trong việc đánh giá một cách toàn diện hơn những hoạt động đa dạng và phong phú của Phan Bội Châu trong thời kỳ ở Nhật, đánh giá lại ảnh hưởng của các nhà cải cách và cách mạng Trung Quốc cũng như các nhà hoạt động xã hội Nhật Bản đối với sự chuyển biến tư tưởng của Phan Bội Châu.

Với những thành tựu đó, vào thời điểm những năm 1970, Kawamoto được đánh giá là nhà nghiên cứu hàng đầu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản.

2. Nghiên cứu về Phan Bội Châu  ở Nhật Bản đến thập niên 1980 đến nay

Bước vào thập niên 1980, giới nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản đạt được nhiều thành tựu lớn, có tiếng vang quốc tế nhờ những nghiên cứu theo trường phái khu vực học. Mặc dầu xuất hiện từ trước trong giới học thuật ở Nhật Bản nhưng đến những năm 1980-1990 việc nghiên cứu Việt Nam theo trường phái khu vực học mới khai hoa kết trái. Đó là sự xuất hiện hàng loạt ngôi sao trong giới nghiên cứu Việt Nam theo trường phái này ở Nhật Bản, tiêu biểu nhất là “tứ trụ”: Sakurai Yumio, Tsuboi Yoshiharu, Shiraishi Masaya và Furuta Motoo.

Riêng về nghiên cứu Phan Bội Châu thì công lao lớn nhất thuộc về Shiraishi Masaya. Ngay từ những năm 1970, Shiraishi đã công bố những bài viết đầu tiên của mình về Phan Bội Châu và phong trào Đông Du. Đó là bài viết bằng tiếng Anh “Phan Boi Chau and Japan” [13] (1975) và “Sự hình thành tầng lớp trí thức khai sáng ở Việt Nam đầu thế kỷ XX” (Kaimeiteki Chishikijinzo no Keisei: 20 Seiki Shoto no Betonamu)[14] (1976). Shiraishi đi theo một hướng khác, ông sử dụng rộng rãi các tài liệu của Việt Nam, bằng tiếng Việt của cả miền Nam lẫn miền Bắc, các công trình nghiên cứu của các học giả Âu-Mỹ, Trung Quốc, và kết hợp một cách hữu cơ các quan điểm khác nhau để đánh giá khách quan hơn tư tưởng và hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu.

Từ những năm 1980, Shiraishi Masaya cho công bố hàng loạt các luận văn nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến Phan Bội Châu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau (Nhật, Anh, Pháp, Việt, Hoa, Hàn). Và từ đó, ông sớm nổi lên như nhà nghiên cứu số một về Phan Bội Châu ở Nhật Bản, vượt qua cả tên tuổi của các nhà nghiên cứu tiền bối mà tiêu biểu là Kawamoto Kunie. Các công trình tiêu biểu của ông là: “Giao lưu giữa Phan Bội Châu (Việt Nam) với các nhà hoạt động tỉnh Vân Nam trong thời kỳ ở Nhật” (Tainichi-ki no Phan Boi Chau (Betonamu) to Unnan-sho Katsudoka to no Koryu), Toyo Bunka Kenkyujo Kiyo[15] (1981); “Phan Bội Châu trong thời kỳ Đông Du – Từ khi đến Nhật đến khi giao lưu với các nhà cách mạng Nhật Bản và Trung Quốc” (Toyu Undo-ki no Phan Boi Chau – Tonichi kara Nicchu kakumeika to no Koryu made)[16] (1981); “Sự tiếp xúc giữa Phan Bội Châu (Việt Nam) với Miyazaki Toten và Tôn Văn ở Nhật Bản” (Phan Boi Chau (Betonamu) to Miyazaki Toten, Son Bun to no Nihon ni okeru Sessoku)[17] (1984); “Về việc trục xuất Phan Bội Châu ra nước ngoài - Sự tan rã của phong trào Đông Du của Việt Nam ở Nhật” (Han Bai Shu no Kokugai Taikyo wo megutte - Zainichi Betonamu Toyu Undo no Shuen)[18] (1987); “Lưu học Nhật bản của thanh niên Việt Nam - Phong trào Đông du ở Nhật Bản thời Meiji” (Betonamu Seinen no Nihon Ryugaku – Meiji-ki Nihon ni okeru Toyu Undo)[19] (1992). Năm 1993 ông đã xuất bản công trình “Phong trào dân tộc Việt Nam với Nhật Bản và châu Á - Tư tưởng cách mạng và nhận thức đối ngoại của Phan Bội Châu” (Betonamu Minzoku Undo to Nihon, Ajia – Phan Boi Chau no Kakumei Shiso to Taigai Ninshiki) do Nhà xuất bản Gannando ấn hành[20]. Công trình này là “tập đại thành” nghiên cứu toàn diện nhất, sâu sắc nhất và xuất sắc nhất về Phan Bội Châu ở Nhật Bản. Kể từ đó, Shirashi trở thành nhà “Phan Bội Châu học” hàng đầu của Nhật Bản và có thể là một trong những nhà “Phan Bội Châu học” hàng đầu của thế giới. Shiraishi đặt những hoạt động của Phan Bội Châu vào bối cảnh của quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ Đông Á vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX để lý giải nó. Việc nghiên cứu như vậy đưa đến cho chúng ta một nhận thức mới mẻ về sự hình thành tư tưởng cách mạng và những hoạt động của Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX. Ngoài ra tính hấp dẫn trong các công trình nghiên cứu của Shiraishi còn là ở chỗ, các bài viết của ông được khảo cứu cẩn thận dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau, ông cố gắng không áp đặt tư duy của người hiện nay cho các sự kiện quá khứ mà đặt mình vào tư duy của người đương thời, và dựa trên nguồn tư liệu có được để tái hiện lich sử.

Shiraishi đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về Phan Bội Châu: Trước hết là lý giải rõ ràng tại sao Phan Bội Châu lại chon Nhật Bản để cầu viên vũ khí, Phan Bội Châu đã thay đổi phương hướng hoạt động ở Nhật như thế nào? Thứ hai, Shiraishi đã khảo sát tường tận nhất phong trào Đông Du ở Nhật Bản. Thứ ba, Shiraishi là người nghiên cứu sâu sắc nhất các hoạt động giao lưu liên kết với các nhà hoạt động châu Á ở Nhật Bản. Ông coi Phan Bội Châu là người Việt Nam đầu tiên khởi xướng tư tưởng về liên kết châu Á trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Thứ tư, Shiraishi là người đã chỉ ra được “nguyên tắc kép” trong thái độ của chính phủ Nhật Bản đối với Phan Bội Châu.

Sau khi công bố những thành tựu nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản, Shiraishi tích cực công bố những kết quả nghiên cứu của mình ra nước ngoài bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn…tạo dựng vị trí của ông trong giới học thuật quốc tế.

Trong những năm 1980-1990, ngoài Shiraishi Masaya, cũng có một số nhà nghiên cứu có các bài viết về Phan Bội Châu rất đang chú ý. Đó là bai viết “Chủ nghiã dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX- Trường hợp Phan Bội Châu” (20 Seiki Shoto ni okeru Betonamu Nashonarizumu – Han Bai Shu wo Chushintosite)[21] của Kusunose Masaaki, 1981. Thông qua hoạt động của Phan Bội Châu, Kurunose đã luận giải rằng, phong trào dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ XX đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của tình hình quốc tế, đặc biệt là Đông Á. Vì vậy, không thể lý giải sâu sắc phong trào dân tộc Việt Nam nếu tách rời các yếu tố Trung Quốc và Nhật Bản. Matsumoto Kenichi xuất bản cuốn sách “Sự thể nghiệm tinh thần châu Á cận đại” (Kindai Ajia Seishin no Kokoromi)[22], 1995. Imai Akio tìm hiểu về tư tưởng của Phan Bội Châu trong luận văn “Tư tưởng cuả Phan Bội Châu trong thời kỳ giam lỏng ở Huế” (Hue Kankin Jidai no Phan Boi Chau no Shiso)[23], 1997. Nguyễn Tiến Lực viết về quá trình hình thành tư tưởng nhà nước quốc dân của Phan Bội Châu trong thời kỳ ở Nhật với luận văn “Khảo sát về sự hình thành tư tưởng “quốc dân quốc gia” của trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX - Về quá trình hình thành tư tưởng “quốc dân quốc gia” của Phan Bội Châu trong thời kỳ ở Nhật” (Niju Seiki Shoto no Betonamu Chishikijin no “Kokumin Kokka” kan no Keisei Katei wo Chushin toshite)[24],  1997... Năm 1998, Nguyễn Tiến Lực công bố luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu quan hệ Việt Nam-Nhật Bản – Từ Minh Trị duy tân đến chiến tranh Thái Bình Dương”(Betonamu-Nihon Kankeishi no Kenkyu – Meiji Ishin kara Taiheiyo Senso made)[25], Hiroshima Daigaku, 1998, trong đó dành nhiều chương viết về hoạt động của Phan Bội Châu trong thời kỳ ở Nhật. 

Năm 1999, nhóm các tác giả Utsumi Sanbachiro, Chishima Eiichi và Sakurai Ryoju đã dịch “Tự phán” của Phan Bội Châu ra tiếng Nhật, sau đó viết bài giới thiệu và biên tập chung trong một cuốn sách “Truyện Phan Bội Châu, nhà hoạt động vì độc lập Việt Nam – Cuộc sống của nhà cách mạng ở Nhật Bản và Trung Quốc (Vetonamu Dokuritsu Undo Han Bai Shu Den Nihon Chugoku wo kakenuketa Kakumeika no Shogai )[26], 1999.

Sang đầu thế kỷ XXI, nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản vẫn tiếp tục. Shiraishi cho xuất bản cuốn sách, bổ sung những nghiên cứu của ông về Phan Bội Châu bằng sự phân tích sâu hơn mối quan hệ giữa Phan Bội Châu và Cường Để liên quan tới Nhật Bản: “Vị anh hùng dân tộc và Hoàng tử Việt Nam cùng hướng tới Nhật Bản - Phan Bội Châu và Cường Để” (Nihon wo mezasita Betonamu no Eiyu to Koshi- Phan Boi Chau to Cuong De)[27] (2012).

Gần đây, nhà nghiên cứu trẻ người Việt Nam Đào Thu Vân khi thực hiện luận án của mình  về phong trào dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX cũng đã đề cập đến Phan Bội Châu qua 2 luận văn:  “Tình hình và đặc điểm của phong trào Đông Du ở Bắc Kỳ Việt Nam” (Betonamu Tonkin (Bac Ki) ni okeru Toyu Undo no Jokyo to Tokucho)[28] (2014) và “Phong trào Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục ở Việt Nam thời thuộc địa – Nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đầu thế kỷ XX” (Shokuminchi-ki Betonamu no Dong Du Undo to Gijuku Undo – 20 Seiki Shoto Betonamu-Nihon Kankeishi no Kenkyu), Kanazawa Daigaku, 2016[29].

Riêng về mối quan hệ giữa Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro(Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang)thì ở Nhật Bản cũng đã có những công trình nghiên cứu đáng chú ý: năm 1979, Shibata Shizuo đã công bố bài viết “Asaba Sakitaro đã giúp đỡ nhà hoạt động lưu vong của phong trào dân tộc Việt Nam (Betonamu Dokuritsu Undo no Bomeisha wo tasuketa Asaba Sakitaro) Bannan Bunka[30]. Năm 1985, Tomita Haruo giới thiệu về di sản của phong trào Đông Du trên đất nước trong bài viết “Mộ và bia kỷ niệm - Di sản còn lại của phong trào Đông Du” (Haka to Kinenbi – Toyu Undo ga nokosita mono)[31], 1985.Gần đây, Anma Yukiho, linh hồn của Hội Asaba Việt Nam (Asaba Betonamu Kai), người tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm mối tình Phan Bội Châu-Asaba Sakitaro ở Nhật Bản và Việt Nam cũng có viết nhiều bài về mối quan hệ giữa 2 ông cũng như hoạt động của hội, đáng chú ý nhất là bài “Giao lưu giữa Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro” (Han Bai Shu (Phan Boi Chau) to Asaba Sakitaro no Koryu)[32] . Tuy chưa thể nói đây là những công trình nghiên cứu sâu sắc về sự giúp đỡ của bác sĩ  Asaba Sakitaro đối với Phan Bội Châu và phong trào Đông Du cũng như mối tình sâu đậm giữa Phan Bội Châu với Asaba Sakitaro nhưng những bài viết này là nguồn tư liệu quý cho việc nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn về mối tình của hai bậc tiền nhân đáng kính của hai nước Nhật-Việt.

 

TẠM KẾT

Sau khi đã điểm qua các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản, chúng ta cũng thấy được rằng: ở Nhật Bản có đội ngũ nghiên cứu về Phan Bội Châu khá đông đảo, gồm nhiều thế hệ, nhiều trường phái và đạt được nhiều thành tựu, xác lập được vị thế trong giới nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản cũng như trên thế giới. Vậy, tại sao, nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản lại có được những thành tựu như vậy?

Trước hết là vì khi nói đến Phan Bội Châu, người ta thường gắn sự nghiệp của ông với phong trào Đông Du, mà phong trào Đông Du thì chủ yếu diễn ra trên đất Nhật Bản mà người Nhật rất qua tâm nghiên cứu về phong trào Đông Du và tất nhiên phải tìm hiểu về lãnh tụ phong trào là Phan Bội Châu. Hơn nữa, nghiên cứu về Phan Bội Châu không đơn thuần chỉ để hiểu biết về nhân vật lịch sử này và những công lao của ông đối với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam nên nhiều nhà nghiên cứu Nhật chọn những vấn đề xung quanh hoạt động của Phan Bội Châu và phong trào Đông Du trên đất Nhật làm đề tài nghiên cứu chính của mình.

Thứ hai là, nguồn tư liệu quan trọng nhất để nghiên cứu về Phan Bội Châu phần lớn đều là là tư liệu bằng chữ Hán. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản có khả năng nắm bắt nhanh hơn nguồn tư liệu chữ Hán so với các nhà nghiên cứu phương Tây. Mặt khác, so với các nhà nghiên cứu người Trung Quốc thì các nhà nghiên cứu Nhật Bản nhạy bén hơn trong việc tiếp cận phương pháp nghiên cứu mới, có khả năng kết hợp nhiều quan điểm khác nhau khi nghiên cứu, đánh giá về Phan Bội Châu.

Ba là, khi nghiên cứu về Phan Bội Châu, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng có ưu thế hơn các nước khác vì sự tài trợ mạnh mẽ từ chính phủ, các quỹ phát triển khoa học và từ các công ty để tiến hành học tập, nghiên cứu ở Việt Nam. Để có được những luận văn xuất sắc, chứa đựng nhiều điểm mới, các nhà nghiên cứu Kawamoto Kunie, Shiraishi Masaya, Imai Akio…đã tiến hành hang chục chuyến đi điều tra nghiên cứu ở Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và đặc biệt là ở Việt Nam. Bởi vậy, các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu của họ thường có tư liệu hết sức phong phú, được lý giải một cách khách quan hơn nhờ kết hợp một cách hữu cơ nhiều quan điểm khác nhau.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật Bản vẫn còn một số hạn chế. Đó là, rất ít người quan tâm nghiên cứu thơ văn Phan Bội Châu, một lĩnh vực rất quan trọng trong sự nghiệp của ông. Hơn nữa, các các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu ở Nhật chưa được công bố bằng ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh, tiếng Pháp nên chưa được giới nghiên cứu quốc tế biết đến nhiều. Theo tôi, công bố quốc tế là vấn đề lớn của giới nghiên cứu Việt Nam học ở Nhật Bản nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Furuta Motoo: Japanese Research on Vietnam, Social Science, Japan, No. 8, January, 1987.

2. Furuta Motoo: Nihon ni okeru Betonamu Kenkyu (Nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản) in Kimura Hiroshi (Chủ biên): Nihon-Betonamu kankei wo manabihito no tame ni (Những bài học về quan hệ Nhật Bản-Việt Nam), Tokyo, Sekai Shissosha, 2000. Bản tiếng Việt: Những bài học về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, NXB Thống kê, Hà Nội, 2005.

3. Nguyễn Tiến Lực: Nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Nhật Bản: Trường phái, thành quả và đặc điểm của nó, Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá: Những vấn đề lí luận và phương pháp tiếp cận, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.

4. Roustan, Federic: Và lịch sử vẫn tiếp diễn: Khái lược về ngành Việt Nam học tại Nhật Bản (Nguyên tác: Et l’histoire continue: petite présentation du monde des études vietnamiennes au Japon, Nguyễn Nam Trân dịch, http://www.erct.com/Nghiencuu

5. Shimao Minoru, Sakurai Yumio: Vietnamese Studies in Japan, 1975-1996, Acta Asiatica, No. 76. 1999.

6. Shimao Minoru: Nhìn lại việc nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản, Quan hệ văn hóa-giáo dục Việt Nam-Nhật Bản và 100 năm phong trào Đông Du, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.

7. Takada Yoko: Nihon ni okeru Betonamu-shi Kenkyu no sokatsu to tembo, Ajia-Africa Kenkyu, Vol.9, No.3, 1989). Sau đó được dịch ra tiếng Anh với tựa đề Vietnamese Studies in Japan, Asian Research Trends, 1991, và bản tiếng Việt: Nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Nhật Bản, Nghiên cứu Lịch sử, Số 295 và 286, 1996.

8. Các công trình nghiên cứu của các tác giả đã giới thiệu trong bài viết.



*PGS.TS, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Trường ĐHKHXH &NV, ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

[1]Kokuryukai: ToA Senkaku Shishi Den, Kokuryukai Shuppankai, Showa 8 (1935).

[2]Bokudo Sensei Denki Kankokai: Inukai Bokudo Den, Toyo Keizai Shimbunsha, 1938-1939.

[3]Tanikawa Yoshihiko: Dai Ichiji Sekai Taisenzen no Vetonamu Minzokushugi, Hosei Kenkyu, No. 27, 1961.

[4]Tanikawa Yoshihiko:Tonan Aja Minzoku Kaiho Undoshi, Keiso Shobo,1979.

[5]Terahiro Teruo: Etunan Shoki Minzoku Undo wo meguru Nihon to Chugoku, Osaka Bungei Daigaku Kiyo Jinbunkagaku, No.15(1967.3)

[6]Sakai Izumi: Betonamu ni okeru 20 Seki Shoto no Kofutsu Toso – Phan Boi Chau no Shiso to Katsudo, Gekkan Ajia-Afrika Kenkyu,No.133,No. 134, 1972.

[7]Goto Kinpei: Nihon no naka no Betonamu, Soshiete, 1979.

[8]Nagaoka Shinjiro-Kawamoto Kunie: Vetonamu Bokokushi Hoka, Heibunsha, 1966.

[9]Kawamoto Kunie: Han Bai Shu no Shoki no Chosaku nit suite, Keio Gijuku Daigaku Geibun Kenkyu, Vol. 30, 1971.

[10]Kawamoto Kunie:Phan Boi Chau no Nihonkan, Rekishigaku Kenkyu, No.391, 1972.

[11]Kawamoto Kunie:Ishin Toyuki ni okeru Han Bai Shu no shiso – Vetonamu Minzokuundo no Kiten, Shiso, No. 584, 1973.

[12]Kawamoto Kunie: Han Bai Shu to Hoko oyobi Kakumei Domeikai to no Kankei - Ishin Toyuki ni tuite mitaru, Keio Gijuku Daigaku Gengo Bunka Kenkyusho, No. 11, 1979.

[13]Shiraishi Masaya:  Phan Boi Chau and Japan, Southeast Asian Studies, Kyoto Uviersity, Vol.13, No.3, 1975.

[14]Shiraishi Masaya: Kaimeiteki Chishikijinso no Keisei: 20 seiki shoto no Betonamu, Tonan Ajia Kenkyu, Kyoto Daigaku, 1976.

[15]Shiraishi Masaya: Tainichi-ki no Phan Boi Chau (Betonamu) to Unnan-sho Katsudoka to no Koryu), Toyo Bunka Kenkyujo Kiyo, Vol. 85, 1981.

[16]Shiraishi Masaya:Toyu Undo-ki no Phan Boi Chau - Tonichi kara Nicchu kakumeika to no Koryu made, Gannando, 1981.

[17]Shiraishi Masaya: Phan Boi Chau (Betonamu) to Miyazaki Toten, Son Bun to no Nihon ni okeru Sessoku, Osaka Gaikokugo Daigaku Tai-Betonamugoka Kiyo, No.1, 1984.

[18]Shiraishi Masaya: Han Bai Shu no Kokugai Taikyo wo megutte - Zainichi Betonamu Toyu Undo no Shuen, Toyoshi Kenkyu, Vol.46, No.2, 1987.

[19]Shiraishi Masaya: Betonamu Seinen no Nihon Ryugaku - Meiji-ki Nihon ni okeru Toyu Undo, Kokuritsu Kyoiku Kenkyusho Kiyo, No. 121, 1992.

[20]Shiraishi Masaya: Betonamu Minzoku Undo to Nihon, Ajia - Phan Boi Chau no Kakumei Shiso to Taigai Ninshiki, Gannando, 1993.

[21]Kusunose Masaaki: 20 Seiki Shoto ni okeru Betonamu Nasionarizumu-Han Bai Shu wo Chushintosite, Hiroshima Daigaku Bungakubu Kiyo, Vol. 41, 1981.

[22]Matsumoto Kenichi: Kindai Ajia Seishin no Kokoromi, Chuo Koron, 1995.

[23]Imai Akio, Hue Kankin Jidai no Phan Boi Chau no Shiso, Tokyo Gaikokugo Daigaku Ronju, No. 51, 1997.

[24]Nguyen Tien Luc: Niju Seiki Shoto no Betonamu Chishikijin no “Kokumin Kokka” kan no Keisei Katei wo Chushin toshite, Hiroshima Toyoshi Gakuho, No.2, 1997.

[25]Nguyen Tien Luc: Betonamu-Nihon Kankeishi no Kenkyu - Meiji Ishin kara Taiheiyo Senso made, Hiroshima Daigaku, 1998.

[26]Utsumi Sanbachiro-Chiba Eiichi-Sakurai Ryoju: Vetonamu Dokuritsu Undo Han Bai Shu Den Nihon Chugoku wo kakenuketa Kakumeika no Shogai, Fuyo Shobo, 1999.

[27]Shiraishi Masaya: Nihon wo mezasita Betonamu no Eiyu to Koshi- Phan Boi Chau to Cuong De, Sairyusha, 2012.

[28]Dao Thu Van: Betonamu Tonkin (Bac Ki) ni okeru Toyu Undo no Jokyo to Tokucho, Kanazawa Daigaku Jinbun Shakai Kankyo Kenkyu, No.27, 2014.

[29]Dao Thu Van: Shokuminchi-ki Betonamu no Dong Du Undo to Gijuku Undo – 20 Seiki Shoto Betonamu-Nihon Kankeishi no Kenkyu, Kanazawa Daigaku, 2016.

[30]Shibata Shizuo: Betonamu Dokuritsu Undo no Bomeisha wo tasuketa Asaba Sakitaro), Bannan Bunka, 1979.

[31]Tomita Haruo: Haka to Kinenbi – Toyu Undo ga nokosita mono, Nanpo Bunka, No.2, 1985.

[32]Anma Yukiho: Han Bai Shu (Phan Boi Chau) to Asaba Sakitaro no Koryu,  www.asaba.or.jp

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511910

Hôm nay

2236

Hôm qua

2337

Tuần này

22284

Tháng này

218783

Tháng qua

121356

Tất cả

114511910