Nhìn ra thế giới
Thế giới 2022: Bức tranh đa sắc
Natali Sevriukova bên căn nhà đổ nát do bị tên lửa Nga tấn công tại thành phố kyiv - Ảnh AP
Thế giới dần bước vào những ngày cuối năm với bầu không khí có vẻ trầm lắng hơn. Giáng sinh năm nay không lung linh, rực rỡ sắc màu như mong đợi bởi người dân ở nhiều nước châu Âu, Mỹ đều đang thắt chặt chi tiêu để đối phó với lạm phát, khủng hoảng. Và, như một họa sỹ bần thần trước tấm toan trên giá vẽ, tôi cũng chợt bối rối không biết nên lựa chọn gam màu chủ đạo nào cho thế giới 2022.
Có lẽ, bức tranh thế giới năm qua để lại cho chúng ta là một bức tranh đa sắc. Và bởi đa sắc nên đã chạm vào ta với đủ đầy cung bậc cảm xúc.
Ở đó ta thấy ánh lên sắc xanh hy vọng khi đại dịch Covid -19 tạm lắng xuống và giảm đi mức độ nguy hiểm; các hoạt động thương mại, dịch vụ, văn hóa, thể thao,…ở hầu hết các quốc gia trên thế giới được nối lại, nhịp sống dần trở về bình thường. Cuối năm, cả thế giới được hòa vào niềm khát khao, say mê của những trận bóng cuồng nhiệt tại World Cup 2022 tổ chức ở Qatar. Nơi đó, thông điệp gác lại bất đồng, khác biệt để cùng gắn kết được thắp lên, rực sáng và lay động lòng người.
Thế nhưng, cũng như một World Cup đầy cảm xúc hân hoan vẫn nổi lên những vấn đề gây chia rẽ, trên nền xanh của hy vọng, thế giới năm qua cũng đã bước qua những tháng ngày mang gam trầm, lạnh của nhiều mối quan hệ và sắc đỏ của những căng thẳng, đụng độ. Đáng nói nhất có lẽ là bức tranh ảm đạm của kinh tế toàn cầu. Lạm phát, giá cả tăng cao và kinh tế thế giới đứng trước bờ vực suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ chỉ đạt 3,2%, giảm đáng kể so với trước đây. Trung Quốc vẫn khăng khăng với chính sách Zero-covid gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa; trao đổi thương mại trong nước và cả quốc tế.
Thế giới 2022 chứng kiến rất nhiều sự chia rẽ, mâu thuẫn mà đỉnh điểm có lẽ là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Dẫu những gì xảy đến hôm nay không bất ngờ theo kiểu “từ trên trời rơi xuống” nhưng cũng để lại nhiều ngỡ ngàng. Bởi những mâu thuẫn, bất đồng đã âm ỉ từ lâu nhưng chúng ta lại không nghĩ trong thế giới văn minh và đề cao những giá trị hòa bình như hôm nay lại có một cuộc xung đột nổ ra theo cách ấy. Bắt đầu từ tháng 2/2022 đến nay, thiệt hại trực tiếp từ cuộc xung đột này gây ra (tính đến tháng 10/2022) đã lên đến khoảng 4.000 tỷ USD. Con số thiệt hại về người là chưa thể tính hết và sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu hai bên không tìm ra giải pháp để tháo gỡ. Theo số liệu đưa ra vào tháng 8/2022, hơn 5.500 dân thường và khoảng 9.000 binh lính Ukraine đã thiệt mạng. Từ phía Nga, không có những con số chính thức song các nguồn tin bên lề cho biết có hàng chục nghìn binh lính Nga thương vong.
Cuộc xung đột này không chỉ trực tiếp gây ra đau thương cho người dân ở hai quốc gia này mà còn lan ra toàn thế giới, khiến cho bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế trở nên xám xịt. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU áp đặt lên Nga không chỉ khiến mối quan hệ giữa các bên rạn nứt mà còn dẫn đến tình trạng giá thực phẩm, giá năng lượng tăng cao. Châu Âu đứng trước một mùa đông lạnh giá theo nhiều nghĩa khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng. Các quốc gia ở đây đã phải chi trả một số tiền lớn để đối phó với tình trạng này, đơn cử như Đức đã chi khoảng 2,8% GDP (khoảng 100,2 tỷ Euro). Các thành viên EU cũng đã thảo luận thông qua giá trần dầu và đang thảo luận về giá trần khí đốt nhập khẩu từ Nga. Không chỉ đối mặt với khủng hoảng năng lượng, châu Âu còn phải đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế và oằn mình với nợ công, với tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm với những chia rẽ nội bộ và bất ổn xã hội.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong buổi làm việc với phó lãnh đạo Lập pháp Viện Đài Loan Thái Kỳ Xương tại Đài Bắc. Ảnh CNA
Thế giới 2022 cũng chứng kiến những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào 02/8 đẩy căng thẳng giữa hai quốc gia này leo thang. Trung Quốc cực lực phản đối Mỹ và Đài Loan khởi động các cuộc đàm phán thương mại. Trong Chiến lược an ninh mới mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào tháng 10/2022 có hẳn một mục riêng đề cập đến CHND Trung Hoa. Bản chiến lược này cũng nhắc đến Trung Quốc 46 lần, chứng tỏ rằng Mỹ vẫn luôn xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh quan trọng trong cuộc đua quyền lực. Trung Quốc đang nỗ lực để xây dựng một trật tự thế giới mới, nơi không còn vị trí độc tôn của Mỹ như trước đây. Điều đó buộc Mỹ và các nước đồng minh phải tiếp tục cuộc chơi nếu muốn thiết lập một trật tự thế giới dựa trên các nguyên tắc dân chủ. Có thể nói, sự ấm nóng hay nguội lạnh của quan hệ Mỹ - Trung có sức tác động rất lớn tới tình hình quốc tế, khu vực, đặc biệt là tình hình Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.
Năm 2022, tình hình Đài Loan tiếp tục nóng lên khi Trung Quốc nhiều lần điều máy bay, tàu quân sự áp sát Đài Loan. Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 16/10 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định: “Giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là một sứ mệnh lịch sử và là cam kết không gì lay chuyển được của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó cũng là nguyện vọng chung của tất cả những người con của đất nước Trung Hoa” và ông tiếp tục nhấn mạnh theo đuổi mục tiêu thống nhất một cách hòa bình. Những diễn biến đó cho thấy không chỉ trong năm 2022 mà tới đây căng thẳng tại Đài Loan vẫn chưa thể hạ nhiệt và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của khu vực lẫn quốc tế.
Tình hình tại bán đảo Triều Tiên cũng không mấy khả quan khi từ tháng 9/2022 đến nay Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử tên lửa khiến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không khỏi lo ngại. Các động thái này đã và đang làm gia tăng căng thẳng và khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên xa vời.
Bên cạnh những bất đồng lớn kể trên, thế giới từng ngày từng giờ vẫn phải chứng kiến nhiều cuộc bạo động, biểu tình, xả súng trường học, ném bom cảm tử,… Có thể kể đến là làn sóng biểu tình, bất ổn diễn ra tại Iran kể từ khi Mahsa Amini, 22 tuổi, thiệt mạng sau khi bị cảnh sát đạo đức Iran giam giữ vào tháng 9/2022 do vi phạm quy tắc đội khăn trùm đầu; là liên tiếp những vụ xả súng vào trường học, siêu thị, hộp đêm tại Mỹ; là đánh bom liều chết khiến hàng chục người thương vong tại Indonesia; là rất nhiều những cuộc biểu tình ở châu Âu và Mỹ;…Cay đắng hơn, cùng với chia rẽ, bạo lực là những thảm họa thiên tai ập đến, những nguy cơ khôn lường do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra đẩy thế giới đứng trước tình trạng khủng hoảng lương thực, gia tăng nạn đói ở nhiều quốc gia. Tháng 11/2022, Hội nghị COP27 diễn ra tại Ai Cập đã đi đến thỏa thuận lịch sử về việc thành lập quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại cho các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và cũng đã tái khẳng định mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều vấn đề quan trọng vẫn chưa được bàn bạc đi đến thống nhất như việc cắt giảm và loại bỏ than đá, các nhiên liệu hóa thạch; cắt giảm lượng khí thải…
Những dòng người rời bỏ quê hương lánh nạn, tìm kiếm một cuộc sống bình an, tốt đẹp hơn vẫn cứ kéo dài…Tiếng khóc, máu và nước mắt vẫn cứ rơi. Nỗ lực của tiến trình toàn cầu hóa, đưa các nước xích lại gần nhau trong hợp tác, hòa bình suốt thời gian qua dường như đang dần nhường chỗ cho một thế giới phân mảnh, đứt gãy bởi nhiều bất đồng, chia rẽ.
Năm 2022, thế giới đạt mốc 8 tỷ người. Cùng với con số ấy là biết bao niềm vui, nỗi buồn nhưng trên hết ta vẫn thắp lên niềm tin, tin như tin vào chính sức mạnh và trái tim của con người. Bởi, dẫu sao đi nữa, giữa những gam màu trầm buồn hay sắc đỏ của các điểm nóng xung đột thì ta vẫn thấy lóe lên sắc xanh hy vọng vào sự phát triển ngày càng cao của khoa học kỹ thuật, dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã giúp tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ em; tin và hy vọng vào những người vẫn miệt mài đấu tranh cho sự bình đẳng, cho môi trường sống của chúng ta.
Hơn hết thảy, trong bức tranh đa sắc hôm nay, ta vẫn được thấy những gam màu dịu dàng, ấm áp của lòng tốt, sự tử tế khắp hành tinh. Bỏ qua những bất đồng chính trị, những chia rẽ, khác biệt, người với người vẫn chìa bàn tay ra để giúp nhau trong hoạn nạn, khốn cùng. Với tình yêu và sự sẻ chia, thế giới sẽ vượt qua chặng đường khó khăn hôm nay, vững bước đối diện với mọi thách thức trong tương lai.
(Bài đã in trong VHTT Nghệ An số 7 - Tháng 12/2022)
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
“Ông tơ” mối Trung Hoa đỏ với “chú Sam”
Thống kê truy cập
114510947
2305
2347
21321
217820
121356
114510947