Đất Nghệ

Ví phường Vải (II)

Sau hát mời là đến bước hát hỏi. Chưa biết nhau thì hỏi nhau xem tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, hoàn cảnh của nhau, đôi bên cha mẹ họ hàng ra sao giới thiệu cho nhau nghe:

Hỏi chàng quê quán nơi nao

Sao mà chàng biết vườn đào có hoa.

Trả lời: Anh là khách lạ đường xa

       Biết đây có gái đào hoa đến tìm

Hỏi nghề nghiệp:

Hỏi chàng chơi chốn vườn hoa

Chính chuyên nông, sĩ, hay là công, thương?

Trả lời: Chữ rằng nhất sĩ nhì nông

        Đã hay kinh sử lại thông cày bừa

Hỏi cha mẹ, anh em:

Ơn trên phụ mẫu tại đường

Hòe đình đậu quế phân phương mấy ngành

Trả lời: Cha mẹ sinh được mười người

       Bốn dâu năm rể, còn một người đợi em

Đây là câu hát hỏi một anh chàng hay chàng ràng:

Đến đây em hỏi thiệt lòng

Cao bay xa chạy đã tròn vòng hay chưa?

Trả lời: Em hỏi thì anh xin thưa

Đã ba bốn chốn nhưng chưa nơi mô anh ưa như chốn này

Cô gái lại hỏi:

Hỏi anh chìa khóa ai cầm

Giang sơn ai giữ, tảo tần ai lo

Trả lời: Chìa khóa có mẹ anh cầm

       Giang sơn anh giữ, việc tảo tần em lo

Đó là một số câu hỏi để mà biết nhau. Cũng có những câu hỏi để thử tài, để bắt ví. Ví như câu:

Vấn quân hà quận hà châu

Hà danh hà tính xuân thâu Kỷ hà?

Hay là: Hỏi chàng hà tính hà danh

        Hà châu hà quận niên canh Kỷ hà?

là những câu hắc búa. Vì trong câu hỏi đã hỏi họ, hỏi tên, hỏi châu, hỏi quận, lại hỏi tuổi nữa thì không thể trả lời được bằng một câu lục bát. Có anh không biết chữ Hán, nghe hỏi “hà” anh ta tưởng là hỏi khoai lang có hà, anh ta nghĩ đến “sùng” khoai nên trả lời bừa rằng:

Anh đây sùng quận sùng châu

Sùng danh sùng tính xuân thâu cũng sùng

làm trò cười cho các cô gái: Gặp câu này, Phan Bội Châu là một tay hát ví tài danh cũng chỉ trả lời ỡm ờ qua quít:

Trước Lam thủy sau Hùng sơn

Nhà nào đọc sách gảy đờn là anh

Hay Nguyễn Công Trứ cũng trả lời:

Trước Lam thủy sau Hồng sơn

Nhà ai hay hát hay đờn là anh

Có lẽ câu này của Nguyễn Công Trứ thì đúng hơn, bởi ông vốn nổi tiếng hay hát hay đờn và đã có giai thoại đi gảy đờn cho một cô đào rồi giả vờ quên dây đàn, sai tiểu đồng về lấy và để lại câu hát bất hủ:

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng!

Nghe đâu từ câu hát này mà ông đã lấy cô đào này là thiếp thứ tám. Cũng có cô gái gợi ý hỏi chàng trai:

Búp hoa lý là nụ hoa lăng

Ở nhà thầy mẹ dặn mần răng anh mồ?

Chàng trai trả lời:

Búp hoa lý là nụ hoa lài

Ở nhà thầy mẹ dặn kết một ngài như em

Cũng có cô gái hỏi chàng trai:

Đến đây hỏi khách đôi lời

Đầu giây múi nhợ xe rồi hay chưa?

- Anh hùng ngỏ với thuyền quyên

Đang còn đợi bạn kết duyên Châu Trần

Có cô gái biết chàng trai đã có vợ con, hát hỏi rằng:

Anh đã có vợ có con

Như đọi nước cúng, ai dám chon tay vào?

- Anh đã có vợ có con

Thêm duyên em vô nữa, bằng núi non đại ngàn

Đây là câu hỏi của chàng trai:

Thấy em mắt phượng môi son

Mày ngài da tuyết đào non trên cành

Vậy nên anh muốn tự tình

Hỏi em gia thất đã đành nơi nao?

Cô gái vội trả lời:

Không không, chưa có chi đâu

Con tằm đương đợi nương dâu nhà người

Đây cũng là cách hỏi ví von của chàng trai:

Đến đây cận thủy xa ngư

Hỏi thăm cá đã vào lừ ai chưa

- Con cá đợi gió đợi mưa

Trời chưa phong vũ cá chưa vào lừ

Và cũng có chàng không vòng vo mà hỏi thẳng:

Hỏi người chân đạp tay đưa (dệt vải)

Dầu treo ngang cánh chồng chưa hỡi ngài?

- Chân em đạp, tay em đưa

Dầu treo ngang cánh, em chưa có chồng

Hay là:

Mấy lâu mưa gió bằng biền

Hỏi thăm thục nữ đã kết nguyền mô chưa?

- Không không chưa có nơi nào

Có đông liễu, có tây đào biết cho

Nhưng trong hát ví, người ta tìm cách hỏi ví von tế nhị:

Thân em như tấm lụa đào

Còn nguyên hay đã xé vuông nào cho ai?

- Thân em như tấm lụa đào

Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai

Em vin cành trúc, em tựa cành mai

Đông đào tây liễu biết lấy ai bạn cùng…

Tiếp theo chặng hát dạo, hát chào, hát hỏi là chặng hát đố hát lối. Đây là bước cực kỳ quan trọng trong lề lối hát ví. Thử tài cũng là đây, hơn kém cũng là đây; có nên tình nên ngãi hay muối mặt chửi nhau để chia tay cũng là ở chặng này. Nếu kết nhau thì các chặng sau sẽ rất là đầm ấm, gắn bó giao hòa, nếu không thì sẽ trở thành địch thủ và có khi cạch đến già. Thông thường hát đố chỉ là đố về công việc, đố về thời tiết, đố về sự đời, về y dược v.v…

Ví dụ: Đố anh chi đứng chi quỳ

     Chi đi chi chạy, chi thì ở hang?

- Em ơi hạc đứng voi quỳ

Trâu đi ngựa chạy, rắn thì ở hang

Hay là: Đố anh chi sắc hơn dao

Chi sâu hơn bể chi cao hơn trời

- Em ơi mắt sắc hơn dao

Bụng sâu hơn bể, trán cao hơn trời.

Cũng có những câu đố có tính khái quát hơn, vừa có hình tượng lại vừa phải có óc quan sát mới trả lời được.

Ví dụ câu đố:

Đến đây hỏi khách tương phùng

Chim chi một cánh dạo cùng nước non

- Tương phùng nhắn với tương tri

Lá buồm một cánh bay đi khắp trời

Khi có nhà nho tham gia làm thầy gà thì câu đố trở nên hiểm hơn, có khi đẩy đối phương đến thế bí, phải có trí óc mẫn tiệp để thích ứng thì mới đối kịp nếu không thì có khi phải ôm bụng mà về:

Đi ngang qua bãi cát vàng

Con rồng đau bụng, hỏi chàng uống thuốc chi

- Lông lươn, râu ếch, rễ cột nhà

Xương trùn, mỡ mọi, nước tiểu gà sao lên.

Từ con rồng, đến lông lươn, râu ếch, rễ cột nhà đều là những thứ không thể có, đố như thế thì trả lời như thế, mà hay, mà vui, có khi còn trả lời một cách nghịch ngợm:

Con rồng kia mắc bệnh ngáp dài

Hỏi chàng nho sĩ uống bài thuốc chi

- Một củ nhân sâm, hai củ hoàng kỳ

Vừa nhai vừa ngậm thì bệnh chi cũng lành

Những câu đố như sau chắc phải là của các nho sĩ văn nhân sáng tác để cho đối phương khó trả lời:

Chữ chi anh chôn dưới đất

Chữ chi anh cất trên đầu

Chữ chi anh mang không nổi

Chữ chi gió thổi không bay

Anh mà giải được, thiếp trao tay lạng vàng.

- Chữ hoàng thiên anh chôn dưới đất

Chữ phụ mẫu anh cất trên đầu

Chữ đá vàng anh mang không nổi

Chữ duyên tình gió thổi không bay

Em trao chi cho anh thỏa dạ, chứ trao tay lạng vàng anh nỏ thiết mô.

Có những câu hát đố mà người con gái dùng những từ để gọi bốn mùa nhưng lại được dấu ở tên người, tên vật với hai ý khác nhau:

Cô Xuân đi chợ Hạ

Mua cá Thu về chợ hãy còn đông

Trai nam nhi đối được

Gái má hồng xin theo.

Anh con trai chẳng phải tay vừa, đã lấy sự gọi bốn phương để đối:

Anh ở bên Nam sang bán hàng thuốc Bắc

Chữa cho cô gái Đông Phòng cảm bệnh miền Tây

Ông tơ hồng bà nguyệt lão

Nhủ anh sang đây kết nguyền

Còn người thợ cấy thợ cày lại đố nhau một cách cụ thể nhưng không kém phần hiểm hóc.

Đến đây hỏi thật thợ cày

Một trăm gánh lúa mấy tay mấy gồi

- Hai tay úp lại một bàn

Một trăm gánh lúa sáu ngàn tư tay

Hay là: Đến đây hỏi khách nhà nông

Một trăm mẫu ruộng mấy công cày bừa

Nhà nông đêm nghỉ ngày làm

Một trăm mẫu ruộng một ngàn ngày công

Cũng có tác giả xếp những câu trên vào loại câu hát hỏi, nhưng thực chất, chúng mang ý nghĩa hát đố hát đối nhiều hơn. Việc phân chia từng chặng của lề lối hát phường vải, như trên đã nói, là có tính chất tương đối, không nhất thiết phải rạch ròi mà sự chuyển chặng cũng rất tự nhiên, không bắt buộc phải theo thứ tự. Vả lại, hát hỏi cũng có yếu tố đố, mà hát đối cũng có yếu tố hỏi và khi đã hỏi, đã đố thì phải trả lời, mà trả lời cũng chính là đã đối. Như vậy, hát hỏi, hát đố, hát đối trong cái này đã có nhân quả là cái kia, cho nên chia từng bước, từng chặng là chia cho gọi là có lề lối. Điều này ở hát ví phường vải có khác với hát quan họ mang tính lễ hội. Hát phường vải là hát trong lao động, thì lấy công việc làm chủ yếu, hát chỉ là phần phụ. Phụ nhưng khi có phường bạn đến thi tài thì ai dám cam đoan rằng họ không bỏ xa quay, bỏ khung cửi để dừng tay mà hát, thậm chí bỏ cả để mà đi:

Thẹn thùng đường cưởi đi về

Chân ngừng bàn đạp, tay e thoi chuyền.

Khi các nhà nho tham gia hát ví, thì chặng hát đối, hát đố thường kéo dài ra vì những cách đố oái oăm. Hoặc là lối chiết Hán tự. Ví như:

Đấm một đấm, hai tay ôm quàng

Thiếp trèo lên núi, thiếp hỏi chàng chữ chi

- Lại đây em, anh nói nhỏ em nì

Ấy là chữ mật một khi rõ ràng

Hay:

Hai ngang hai phết kết lại chữ chi,

Chàng mà đối được, thiếp thì theo không

- Hai ngang hai phết, kết lại chữ thất

Thất là mất, mất nước mất nhà

Dân sầu dân thảm em đà biết chưa

Và:

Hai ngang hai phết, thiếp không biết mới hỏi chàng

Nói xằng quay ra rứa, ai biết đàng mà nghe?

- Hai ngang hai phết chữ thiên

Em cho anh chấm chút cho liền chữ phu.

Hoặc là đố về ý nghĩa của các sách Tứ thư Ngũ Kinh và các sách cổ của Tàu:

Ai xô ông Tể, ông Tế Ngã

Ai lôi ông Phàn, ông Phàn Trì?

Chàng mà đối được, nữ nhi theo về?

- Ai đạp ông Cô mà ông Cô Trúc

Ai đơm vua Vũ mà vua Vũ vương

Anh đà đối được thì nường tính răng

Không phải khi nào trong hát đố hát đối cũng nghiêm túc để thử tài năng. Có khi người ta nhân chuyện đố sách đố chữ để trêu ghẹo nhau, hoặc vì bí thế mà có những cách trả lời rất dân gian để quấy quá mà cười. Cô gái nọ hỏi rằng:

Nghe chàng đọc sách Kinh Thi

Con cá nằm dưới cỏ cá chi rứa chàng

Anh con trai trả lời rằng:

Anh đây chẳng đọc sách Kinh Thi

Cá nằm dưới cỏ anh nghi con cá tràu

Cũng có anh trả lời nghịch ngợm hơn:

Cá nằm dưới cỏ chỉ có chạch với lươn

Em mà đơm đó, hắn trườn hắn vô.

Để bắt bí những anh chàng chỉ lo tầm chương trích cú, có cô đã ra câu đố:

Đồn rằng chàng đọc Kinh Thi

Cha thầy Mạnh Tử tên chi rưa chàng

Sách vở chỉ nói thầy Mạnh Tử là học trò Khổng Tử, không hề nói Mạnh Tử con ai, hỏi như thế thật khó trả lời. Biết bên phe nữ có thầy gà giỏi, chàng trai đáp trắng trợn:

Thầy Mạnh do cụ Mạnh sinh ra

Đù mẹ đứa hát, đù cha đứa bày.

Lại có cô gái được thầy gà cho, hát đố rằng:

Chữ rằng Nghiêu hữu cửu nam

Đan Du là một, hỏi chàng còn những ai?

Chàng trai cũng trả lời quấy quá:

Phận em con gái nữ nhi

Biết Đan Du là một biết làm chi chín người?

Câu trả lời này có người nói là của Phan Bội Châu nhưng câu ví thì tồn tại mà tác giả thì người ta quên đi như hàng ngàn câu khác vốn có tác giả nhưng trở thành khuyết danh.

Về ca từ hát đối hát đố, ví phường vải, có đến hàng ngàn hàng vạn câu ở khắp trong xứ Nghệ. Người viết công trình này không chủ tâm tập hợp mang tính sưu tầm ca từ mà chỉ dẫn ra một số câu để nói về lề lối hát phường vải mà thôi!

Sau chặng hát đố hát đối là chặng hát xe kết và hát tiễn. Gọi là hát xe kết, thật ra chưa thỏa đáng nếu nói về hát lề lối. Bởi vì sau khi hát hỏi, hát đố, hát đối thì rất nhiều tình huống xảy ra. Nếu chẳng nên cơm nên cháo gì, thì có khi chửi một câu mà về như: “Đù mẹ đứa hát, tổ cha đứa bày”, hay tế nhị ra thì còn có một câu chào trước khi về:

“Thôi thôi từ giã bạn vàng

Cá lui về sông Vịnh,chim ngược ngàn kiếm đôi

Thôi thôi đã thế thì thôi

Chín mươi chín khe Hồng Lĩnh thiếu chi nơi quế trồng!

Hát xe kết chỉ thành bước, khi đôi bên gắn bó mặn mà, keo sơn đính ước, nên duyên nên ngãi, hoặc ít ra là mến phục mà nên bạn nên bầu. Nói rằng bước này là bước căn bản khi nó được là như thế. Khi đã hiểu nhau, đã mến nhau, đã thương nhau thì bước xe kết có thể là rất dài, là thâu đêm suốt sáng, là hết ngày này qua ngày khác, niềm tâm sự tràn đầy lai láng không bao giờ vơi cạn, và người trong cuộc thấy đêm tàn nhanh quá đến độ tức cả con gà, giận cả ông trời:

Chưa chi đông đã rạng ra

Đến giờ chỉ giận con gà chết toi

Tím gan cho cái sao mai

Thảo nào vác búa chém trời cũng nên…

Chỉ có thế mới thành xe kết chữ nếu như trong cuộc hát chửi nhau cho đã, thì chỉ đến nước bỏ ra về chứ chẳng có gì mà xe với kết. Xe là bện nhau lại, kết là không thể rời nhau ra, chứ không thể là:

Mồ cha mả mẹ chi đây

Mà đêm anh viếng mà ngày anh thăm

Và anh con trai ăn miếng trả miếng:

Trăng sáng thì đi chơi trăng

Anh có trèo lên mả tổ thượng tằng nhà em đâu?

Hoặc không chửi như thế, thì cũng chửi bóng chửi gió:

Đêm ba mươi tháng chạp, rạng ngày một tháng giêng.

Sao anh không về bái yết tổ tiên

Cứ lơ lơ láo láo chốn thuyền quyên mãi hoài?

Và anh con trai:

Ngong sang nhà anh đương còn dăm ba người trưởng phụ

Ngó lại nhà em chưa có người phụng sự ông bà

Trải chiếu lau đài, thắp nến cắm hoa

Nên anh ở lại sáng mồng ba anh về.

Xe kết trước tiên là gần gũi gắn bó:

Anh quen em năm ngoái lại dừ

Cơi trầu anh mang đến, em chối từ không ăn.

Đó là câu trách móc thăm dò. Cô gái mà tha thiết thì sẽ trả lời:

Có phải mô anh, có rứa mô anh

Năm qua bé nhỏ chưa dám ăn trầu người!

Như vậy là cô đã tỏ lòng mình, nhưng còn e ngại, nên phải dặn dò:

Thiếp thương chàng đừng cho ai biết

Chàng thương thiếp  đừng để cho ai hay

Rồi ra miệng thế lắt lay

Cực chàng chín rưỡi khổ thiếp đây mười phần

Chàng trai càng quyết tâm chờ đợi và hứa hẹn:

Chờ em cho trót công chờ

Chờ cho hết mận, hết mơ sang đào

Chờ cho em lớn em cao

Đến mùa em nở như hoa đào trên cây

Và cô gái cũng nhất tâm chờ đợi:

Chờ chàng đã đáng công chờ

Đã mất công đợi bao giờ trả công

Chờ chàng dù có cạn sông

Vẫn mong kết chặt chữ đồng chàng ơi!

Hứa hẹn, thề nguyền cho thâu đêm suốt sáng vẫn chưa nỡ rời nhau ra, ấy là xe kết:

Đêm qua nguyệt lặn về tây

Sự tình kẻ đấy người đây còn dài

Trúc với mai, mai về trúc nhớ

Trúc trở về, mai nhớ trúc không?

Bây giờ kẻ bắc người đông

Kể sao cho xiết tấm lòng tương tư.

Và: Một đêm là năm trống canh

Ngủ đi thì chớ, trở mình lại thương

Ruột tằm bối rối tơ vương

Như ai để nhớ để thương trong lòng

Cô gái cũng:

Mịt mùng đêm vắng trông chàng

Nhớ anh em biết đãi đằng cùng ai

Trông chờ cho chóng đến mai

Ra đường gặp mặt trao vài ba câu

Câu vui lẫn với câu sầu

Góp vào trong cả miếng trầu em trao.

Sau gần gũi gắn bó là hẹn hò, khẳng định tình cảm, đinh ninh thề nguyền:

Anh nói với em như sơn cùng thủy tận

Em nói với anh như nguyệt khuyết sao băng

Đôi ta rồng lượn trông trăng

Dầu mai xa nhau đi nữa cũng khăng khăng đợi chờ

Hoặc: Muối ba năm muối đương còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta tình nặng nghĩa dày

Dù có xa nhau đi chăng nữa ba vạn sáu ngàn ngày nỏ xa.

Và thề bồi:

Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây

Sông Lam hết nước, đó với đây mới hết tình

Nhưng kết được như vậy không nhiều lắm. Đi hát nên ngãi, nên duyên là đẹp nhưng rất hiếm. Phần vì đăng đối, phần vì đã lỡ duyên rồi, phần vì không hợp ý, hợp tình, phần lại vì bội bạc, cho nên mấy khi đi hát mà lại thành duyên, may chăng chỉ thành ngãi cũng là đáng quý lắm rồi. Có khi vì là một khóa đôi rương:

Em thương anh răng nỏ muốn thương

Sợ rồi một khóa đôi rương khó chiều

 - Quý hồ em có lòng thương

Anh có lòng đợi như rương khóa rồi.

Có khi vì là hoa đã nở, đò đã sang sông:

Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở

Anh đến bến đò thì đò đã sang sông

Đến em thì em đã lấy chồng

Em thương anh như rứa hỏi có mặn nồng lấy chi

- Anh đến giàn hoa, hoa đến thì hoa phải nở

Anh đến bến đò, đò đầy thì đò phải sang sông

Đến duyên em, cha mẹ ép phải lấy chồng

Dừ trách nhau chi lắm cho cực lòng nhau thêm.

Có khi bởi là vì ba chốn bốn nơi:

Chợ chiều đắt khế ế chanh

Nhiều con gái tốt cho anh chàng ràng

Chàng ràng như ếch hai hang

Như chim hai tổ, như chàng hai nơi

Đã thế thì cô gái cần một thái độ dứt khoát:

Đã thương thì thương cho chắc

Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn

Đừng như con thỏ đứng đầu truông

Khi vui dỡn bóng, khi buồn bỏ đi.

Hay là: Không thương nỏ nói lắc đi

       Làm chi dan díu cho lỡ thì em ra…

Cũng có khi thật lòng thương nhau nhưng vì lý do này nọ nên không lấy được nhau:

Thương ai em nói khi đầu

Để cho thầy mẹ ăn trầu một nơi

Ăn trầu người như chim mắc nhợ

Uống rượu người như cá mắc câu

Thương nhau chẳng lấy được nhau

Trở về đắp bãi trồng dâu nuôi tằm

Yêu nhau nhưng không lấy được nhau, bị cha mẹ đánh đập, ép buộc là chuyện thường xảy ra ngày xưa:

Hôm qua anh đi trước cửa nhà nàng

Thấy cha mẹ đập nàng nàng khóc nàng than

Nhà nàng cửa sổ song loan

Anh muốn ghé lưng vô chịu trận đòn oan cho nàng.

Dù rằng người con gái vẫn cắn răng chịu đựng:

Tưởng là cha mẹ đập một vài ba roi

Ai ngờ đập đến chín chục một trăm roi

Em bò lăn bò lóc, em khóc đứng khóc ngồi

Dù bầm lưng máu chảy vẫn trọn đời theo anh

Và: Cơm mô mà bát ăn bát để

Đũa mô mà đôi đứng đôi nằm

Ví dù thầy mẹ có đánh đập chín chục một trăm

Đập rồi em đứng đậy, em vẫn nhất tâm thương chàng.

Và anh con trai có thương cô gái đến độ lấy chuyện bị đòn roi làm chuyện vui để an ủi nhau:

Cha mẹ đập một trăm roi trùng vô một lộ

Máu đỏ bầm da

Em ơi em đừng khóc đừng la

Tìm nơi mô vắng vẻ, rồi ta bóp ta thoa lần lần

Nhưng ngày xưa rất khó mà vượt lễ giáo phong kiến vốn đã thâm căn cố đế trong đời sống nông thôn. Hoặc là rủ nhau bỏ nhà trốn đi bởi vì không còn cách nào được nữa.

Tay anh cầm chai rượu, một tay xách buồng cau

Đi ngõ sau cha mẹ chê anh khó

Đi ngõ trước chú bác chê anh nghèo

Nhắm chừng duyên nợ cheo leo

Sóng to thuyền nậy có chống chèo chi được không?

Cô gái cũng nhất tâm nhất dạ, quyết không bỏ người thương:

Một là em bỏ đi xa

Hai là em chết ba là lấy anh

Nói làm ba như thế nhưng thực ra cô chọn tình huống thứ ba:

Một lời thề không duyên thì nợ

Hai lời thề không vợ thì chồng

Ba lời thề đào núi lấp sông

Em quyết theo anh cho trọn đạo, kẻo luống công anh đợi chờ

Quyết tâm như vậy mà không lấy được nhau thì họ quyết thà chết chứ không phụ lời thề:

Đôi ta thương nhau không lấy được nhau

Anh lên rừng xanh tự vẫn, em xuống biển sâu trầm mình.

Hoặc là:

Em mà không lấy được anh

Thì em tự vẫn gốc chanh nhà chàng

- Anh mà không lấy được nàng

Thì anh tự vẫn giữa gia đàng nhà em

Giai thoại dân gian kể lại chuyện O Nguyệt ở làng Phù Minh thuộc huyện Can Lộc ngày nay. O Nguyệt người đã xinh mà tiếng hát như chuông ngân, như suối chảy, vì không lấy được người mình yêu mà lên núi Hồng thắt cổ chết và thành thần hát ví, cứ chiều chiều câu hát lại cất lên làm xao xuyến bao nhiêu chàng trai, và đã có một chàng say câu hát, cùng theo thần hát mãi, đi sâu vào Ngàn Hống không bao giờ về nữa.

Những cuộc hát ví để xe kết thành vợ chồng thành duyên thành nợ không nhiều lắm, mà nhiều hơn là hoặc anh đã có vợ, em đã có chồng, hoặc là chưa vợ chưa chồng nhưng đã có nơi chốn, tìm nhau hiểu nhau rồi đành phải chịu xa nhau:

Em đã thưa với mẹ thầy

Mua chăn cho rộng ta rày đắp chung

Nhược bằng đắt vải hiếm bông

Mua đôi chiếu cói đắp chung ấm rồi

Ai ngờ vật đổi sao dời

Anh chung lưng người khác, em đứng ngồi vẩn vơ.

Và có chàng trai cũng bị lầm:

Khi đầu em nói em thương

Bây giờ gánh nặng giữa đường đứt dây

Tưởng là rồng ấp lấy mây

Ai ngờ rồng ấp lấy cây bạch đàn

Cũng có trường hợp cô gái đã có chồng và vẫn trách được chàng trai:

Khi em chưa có chồng thì anh nỏ dốc lòng gắn bó

Em có chồng rồi thì anh đón ngõ trao thư

Ngãi nhân nhân ngãi chi dừ

Gái có chồng rồi như đạo bùa trừ treo tay.

Hay: Khi xưa thì anh không nói

Bây giờ em lợp ngói anh lại đòi tô vôi

Hai bên thầy mẹ đã khẩu hứa ra rồi

Anh nhủ em buông cây đào liệu, hỏi tội trời ai mang.

Và cũng có khi cô gái lỡ làng tâm sự với chàng trai:

Người ta sang sông em cũng sang sông

Người ta sang sông thành vợ thành chồng

Em sang sông xách nón về không

Trước thẹn thùng với bạn, sau luống công anh chèo đò.

Và đây là lời trách móc của chàng trai, khi tưởng là xong xuôi đâu đó, anh chuẩn bị đầy đủ để cưới vợ về nhưng rồi lại nghe tin đồn đại:

Thà trước em nói không thương anh thì thôi

Sao em đã nói thương anh rồi

Anh về làm một cái nhà to, một cái nhà nhỏ

Cái nhà to mùng che sáo bỏ

Cái nhà nhỏ gian trong phòng ngoài

Bây giờ em đã nghe ai

Để mùng hư sáo gãy mèn sai đằng mèn

Nhưng đó chỉ là lời đồn đại, cô gái khẳng định lại tình cảm của mình:

Đôi ta quyết chí tương phùng

Nhập giang tùy thế, nhập gia tùy phong

Nước cạn thì em xuống sông mò cua bắt cá

Nước dậy thì em lên rừng hái rau má rau mưng

Chàng ơi duyên ưa phận đẹp là mừng

Giàu ăn khó chịu, chàng đừng nghe ai…

Nói tóm lại bước hát xe kết là bước kết luận sau khi đã thử sức thử tài, thấy nên duyên nên ngãi, thấy có thể thành vợ thành chồng hay thành bầu bạn, nghĩa là cuộc hát đi đến nhân đến quả. Đây là bước hứa hẹn, sắp đặt cho tương lai, là bước chỉ còn lo chuyện cưới nữa là thành thất. Sau bước này nếu còn hát nữa thì là hát về chuyện thách cưới thách cheo:

Đôi ta quyết chí tương phùng

Có thầy mẹ đến lo cùng chúng ta

Riêng em xin lại đồng quà

Từ ngày lên một nay đà đôi mươi

Một ngày ba trự (đồng), hai mươi năm là ba mươi sáu vạn quan tiền. Thách xin như vậy thì ai mà đi nổi, nhưng chàng trai khéo léo:

Cha mẹ đòi mấy anh cũng xin đi

Sau về đồng công trự nợ chớ vân vi trong lòng

Hoặc khi cô gái đòi lễ:

Anh về mua lấy trăm me

Gạo thời trăm gánh tiền xe xanh đường

- Quý hồ em có lòng thương

Tiền anh đã sẵn trong rương mẹ thầy

Hay: Anh về liệu lấy trăm mâm

Để cho hai họ tri âm một nhà

- Trăm mâm là bốn trăm người

Nhà thì chật chội biết ngồi vô mô

Nhưng thật ra đối với cô gái, thách là thách vậy mà thôi chứ khi đã yêu nhau thì:

Nói thời nói rứa mà thôi

Năm ba đọi gạo, con gà cũng xong…

Cũng không hiếm trường hợp bước xe kết chẳng đẹp đẽ gì, có khi chỉ là cách đuổi khéo nhau cho tan cuộc:

Trăng lên đến đó rồi tề

Nói răng thì nói anh về kẻo khuya

- Anh về đi ngủ kẻo khuya

Xấu chuôm cá nỏ tới đìa cho mô

- Xấu chuôm thì mặc xấu chuôm

Trời làm một trộ cá tuôn vô đìa.

Hoặc là nói lẩy:

Tưởng là đãy vóc quai vàng

Đãy vải quai vải giữa làng thiếu chi.

Và:  Ruộng ai thì nấy đắp bờ

Duyên ai nấy chọn, đừng chờ uổng công.

Hay: Rượu ngon trong hũ rót ra

    Để lâu cũng lạt nữa là duyên em…

Sau bước hát xe kết là hát tiễn. Hát tiễn là bước chào nhau để về mỗi người một ngả, hẹn đến lần sau sẽ gặp lại, mặn mà khăng khít hơn. Hát tiễn thường ngắn vì có gì đã nói hết ở các chặng trước rồi. Mà thông thường đã gọi là hát tiễn, thì chủ nhà tiễn khách nên câu hát thường là của phe chủ, đúng hơn là của phe nữ nhắn gửi theo bước chân của người về, trong đó có sự tiếc rẻ, sự dặn dò:

Anh về cho em về theo

Thầy mẹ có hỏi, nói cheo nộp rồi.

 - Anh về bên ấy mấy đò

Mấy cầu mấy quán em cho mượn tiền.

Hay hỏi rõ thời gian chàng trai sẽ lại đến:

Anh về mai đã lên chưa

Để em bưng bát cơm trưa em chờ?

Trưa thì chưa thể lên được, nên chàng trai hẹn:

Cơm trưa em cứ ăn đi

Lưa còn cơm túi (tối) em thì đợi anh.

Có khi hát tiễn khá dài vì còn bao nhiêu điều phải dặn:

Ra về răng được mà về

Tay cầm đèn hạnh, tay đề câu thơ

Câu thơ ba chữ rành rành

Chữ trung chữ hiếu chữ tình là ba.

Chữ trung dành để phần cha

Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình

Ra về lòng lại dặn lòng

Cam chua chớ phụ, ngọt bòng chớ theo.

Chàng trai cũng hát với lại:

Ra về dặn bạn một hai

Bóng mình thì dựa, bóng ai thì đừng!

Đó là những chặng, những bước trong hát ví phường vải mà người ta thường gọi là “lề lối hát phường vải”. Như trên đã nói, hát ví phường vải, nếu có lề lối thì cũng là “lề lối động”, nghĩa là không rõ ràng, không cụ thể như “lề lối quan họ Bắc Ninh” bởi vì hát quan họ là hát mang tính hội hè, lễ hội, còn hát ví phường vải là hát trong lao động. Phía khách có thể là người đi hát dạo, có thể không đem xa quay đi vì có khi là khách đường xa đến để tìm hiểu, để thi tài, còn phía chủ, phía phường vải thì rõ ràng phải vừa làm vừa hát, nếu không thế thì không còn là hát ví PHƯỜNG VẢI nữa. Hát lề lối nếu có cũng chỉ ở ví phường vải mà thôi, còn các loại ví khác như ví đò đưa, ví phường cấy v.v… thì không hề có hát lề lối, không có bước có chặng gì mà gặp chi hát nấy, tiện sao hát vậy. Bởi vì ví đò đưa, ví phường cấy, ví trèo non v.v… là những loại ví không gian động chứ không phải là không gian tĩnh như ví phường vải. Hai chiếc đò dẫu là cùng xuôi dòng hay ngược dòng thì cũng khi gần khi xa, khi trước khi sau, chưa nói đông bạn chèo hay ít bạn chèo, buồm một lá hay hai ba lá thì tốc độ cũng không cùng nhau, rồi còn lạch còn dòng, khi hẹp khi rộng, mấy khi cùng song song, cùng sánh đôi bên nhau mà hát tiếp bước này sang bước nọ. Với lại có khi là trên bến dưới thuyền, trên động dưới khe, đầu bờ cuối bãi, chỉ hát vài câu rồi ai theo việc nấy, vậy thì lề lối làm sao được? ngay cả hát ví phường vải cũng không nhất nhất theo các bước như đã nêu; cho nên việc đặt ra lề lối chỉ mang tính tượng trưng, để biết mà thôi.

Hát ví phường vải, nói chung là loại hát ví của phường quay xa, kéo sợ là chính, người dệt vải có tham gia nhưng vì động tác lao động phức tạp nên không thường xuyên, không đầy đủ và mỗi nơi mỗi phường lại cũng có chỗ khác nhau. Như ví phường vải Nam Đàn khác hẳn ví phường vải Hà Tĩnh; mà ở Hà Tĩnh thì ví phường vải  Can Lộc, Thạch Hà lại khác ví phường vải Đức Thọ, Hương Sơn. Sau đây là bản phổ của các điệu ví phường vải mà chúng tôi ghi âm ở các địa phương tiêu biểu.

Xem xét bản phổ của 3 điệu ví phường vải Can Lộc, Thạch Hà, ví phường vải Nam Đàn ta thấy lối hát phường vải I (Can Lộc, Thạch Hà) với quãng chủ đạo 4, hát cao hơn và nhịp độ vừa phải tạo ra không khí ấm áp vui tươi, còn hai điệu ví Nam Đàn, Đức Thọ hát ở âm khu thấp hơn; và nếu so sánh giữa điệu ví phường vải Đức Thọ và ví phường vải Nam Đàn ta lại thấy chúng cũng có những điểm khác nhau. Ví phường vải Nam Đàn trì tục hơn, còn ví phường vải Đức Thọ lại gần với ví đò đưa sông Lam. Như vậy tuy cùng là điệu ví phường vải cả, nhưng tính chất của mỗi điệu ở mỗi nơi cũng khác nhau. Sự khác nhau đó một phần vì vị trí địa lý, hình khe thế núi, phong tục tập quán, dân tình khác nhau mà thói quen sinh hoạt khác nhau dẫn đến tính cách con người khác nhau từ đó cách hát, lối hát, tình điệu cũng khác nhau. 

Ngày nay do tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật bông vải sợi đã được cơ giới hóa, nhất là tự động hóa, thì việc dệt vải bằng tay với những công cụ xa quay, khung dệt, thêu thùa bằng chỉ còn lại ở một số vùng dân tộc thiểu số để dệt thổ cẩm, dệt lanh, dệt đay v.v… còn thì hầu hết những nơi dệt vải như phường vải đã làm ngày xưa không còn nữa. Phường vải gần như đã hết thời, nghề quay xa dệt vải coi như đã chết. Đến các vùng dệt vải nức tiếng một thời như Thịnh Xá, Mĩ Hòa, Thượng Hạ, Trường Lưu, Phù Minh… khó lòng tìm nổi chiếc xa quay khung dệt. Nhưng nơi như Đồng Môn thì chuyển sang nghề dệt màn với chiếc khung bán tự động, tiếng kêu lách cách rầm rập, với tốc độ chóng mặt, inh tai nhức óc suốt ngày, nói chi chuyện hát ví nữa!

Nghề phường vải gần như đã chết ở nông thôn để dồn cho những khu công nghiệp dệt, những nhà máy sợi, nhà máy dệt, ở thành phố, nhưng ví phường vải thì không thể chết, dẫu rằng có lắng xuống, và các nghệ nhân phường vải đã đi về với tổ tiên, nhưng những câu ví phường vải đã có cuộc sống mới bằng nhiều cách thức./.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441578

Hôm nay

2295

Hôm qua

2283

Tuần này

21482

Tháng này

216752

Tháng qua

112676

Tất cả

114441578