Người xứ Nghệ
Tìm hiểu về thời học sinh của cụ Nguyễn Nghiễm
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 - 1820) là con trai thứ 7 của Đại tư đồ - Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (1708 - 1776) quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng gốc lại là hậu duệ 9 đời của Trạng nguyên Nguyễn Thiến (đỗ năm Đại Chính thứ 3 - 1532 đời Mạc Đăng Doanh) quê ở xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai trấn Sơn Nam. Cháu nội của vị Trạng nguyên này là Nguyễn Nhiệm có mưu đồ khôi phục nhà Mạc, năm 1601 bị thua trận nên chạy vào ẩn cư ở Tiên Điền với danh xưng là Nam Dương công khai sáng ra dòng họ Nguyễn Tiên Điền.
Đến đời thứ 6 là Nguyễn Nghiễm - vào năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) đỗ Hoàng giáp, trở thành người khai khoa của dòng họ. Tháng 3 năm Quý Sửu (1733), anh ruột Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Huệ đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân. Tiếp nối truyền thống khoa bảng đó, các đời sau của họ Nguyễn Tiên Điền cũng có rất nhiều người đỗ đạt: Tiến sĩ, Tam tường, Tứ trường và làm quan to ở triều đình nên ở vùng Nghệ Tĩnh vẫn truyền tụng câu ca:
“Bao giờ ngàn Hống hết cây
Sông Lam hết nước họ này hết quan”.
Tiểu sử của quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm được Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả ghi rất chi tiết, rõ ràng con đường thăng quan tiến chức, nhưng quá trình học hành để trở thành Tiến sĩ của anh em Nguyễn Nghiễm thì chỉ ghi rất sơ lược:
Phần Giới Hiên công Nguyễn Huệ (1705 - 1733) ghi như sau:
“Lúc trẻ, ông có chí lớn, học sách chỉ xét đại lược, văn chương tươi đẹp, có những câu làm cho người ta kinh ngạc. Năm Quý Mão thời Bảo Thái (1723) ông 19 tuổi, thi Hương đậu Tam trường. Năm Kỷ Dậu thời Vĩnh Khánh (1729), 25 tuổi đậu Tứ trường (Cử nhân) đứng thứ 3. Năm Nhâm Tý thời Long Đức (1732) 28 tuổi đậu khoa Hoành từ, vào phúc thí đậu thứ 4, được nhận Thị nội văn chức, bổ Tri huyện La Sơn (Hà Tĩnh). Ông cho việc vì đấu gạo mà phải cúi lưng là xấu hổ cho nên thường thả thuyền đi chơi phiếm, khảng khái tự thề rằng chỉ muốn một lần nhảy qua cửa rồng thì chết cũng không ân hận, tháng 3 năm Quý sửu (1733) ông thi Hội đậu thứ 6 vào thi Đình được đậu Tam giáp Tiến sĩ xuất thân thứ 7. Về nhà ăn mừng, bị cảm bệnh mất ngày 28 - 9 năm Quý Sửu (4 - 11 - 1733). Thọ 29 tuổi”.
Về phần cụ Nghị Hiên công Nguyễn Nghiễm cũng chỉ ghi giản lược như sau:
“Lên 5 tuổi, ông cùng với anh là Huệ học tập, 8 tuổi bắt đầu làm văn. Năm Canh Tý thời Bảo Thái (1720) ông 13 tuổi, đi hạch ở huyện được đậu đầu. Năm Quý Mão (1723) ông 16 tuổi, đi hạch ở tỉnh được đậu đầu huyện, đến kỳ thi Hương đậu Tứ trường (Cử nhân). Năm Giáp Thìn (1724), 17 tuổi, ông dự kỳ hạch Tứ trọng ở Quốc tử giám, được đứng đầu bảng, kinh đô đều biết tiếng. Năm Đinh Mùi (1727) 20 tuổi, ông thi Hội trúng Tam trường. Năm Tân Hợi, hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731), tháng 10 thi Hội được trúng cách thứ 8, đến tháng chạp thi Đình đậu Nhị giáp thứ 2 tức Hoàng giáp. Buổi ấy ông mới 24 tuổi, trẻ nhất trong số các người đậu khoa ấy”(1).
Với cách ghi chép ngắn gọn như trên, chúng ta có thể suy đoán là lúc còn thơ ấu, từ 5 tuổi đến 17 - 20 tuổi, hai anh em Nguyễn Huệ - Nguyễn Nghiễm có lẽ học ở trong tỉnh. Khoảng năm 17 - 20 tuổi (1724) ra dự kỳ hạch ở Quốc tử giám đến năm 1731 cụ Nghiễm đỗ Hoàng giáp, năm 1733 cụ Huệ đậu Đệ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân.
Vậy trong khoảng gần 10 năm (1724 - 1732) hai anh em cụ Huệ - Nghiễm theo học ở đâu, thầy dạy là bậc khoa bảng nào ? Điều này trong gia phả họ Nguyễn Tiên Điền và trong sử sách đều không ghi chép.
Rất may mắn là trong dịp rằm tháng Giêng Tân Mão (2012) vừa qua, chúng tôi cùng đoàn của Hội Kiều học Việt Nam về Phú Thị - Gia Lâm - Hà Nội dự “Ngày Hội mùa xuân tôn vinh văn hoá dân tộc”, khi được nghe tôi đọc bản tham luận: “Ảnh hưởng của nền văn hoá Kinh Bắc với Nguyễn Du và Truyện Kiều” cụ Nguyễn Huy Thuân - cán bộ lão thành của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (hậu duệ của dòng họ khoa bảng Nguyễn Huy) đã mời tôi về nhà và cho chụp ảnh, phôtôcopy bản gia phả của dòng họ Nguyễn Huy ở Phú Thị - Gia Lâm - Kinh Bắc có tiêu đề:
“Di trạch đường gia phả(2) - Gia Long nguyên niên, tuế Nhâm Tuất thu, bát nguyệt, cốc đán, lục thế đại tông chi tôn, Tiền quân văn hàn, Nguyễn soạn” (Tháng 8 - 1802 đời Gia Long nguyên niên).
Phần tiểu sử quan Đông các Đại Học sĩ là cụ Huy Mãn (đời thứ 4), gia phả có ghi:
“Thường thụ đồ chí thiên dư nhân, môn sinh dĩ đắc sư đăng đệ, như Nghi Xuân, Tiên Điền: Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm huynh đệ, dữ La Sơn, Nguyệt Úc Nguyễn Hành, đường điệt Huy Dận”.
Tạm dịch: “Cụ thường dạy học trò, đông đến hơn ngàn. Số học trò nhờ được thầy giỏi mà đỗ đạt thành danh rất nhiều, như ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân thì có anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm và ở làng Nguyệt Úc huyện La Sơn có Nguyễn Hành và cháu gọi cụ bằng chú ruột là Huy Dận”.
Để xác minh thông tin quý hiếm và đặc biệt này, chúng tôi tìm về Văn miếu tỉnh Bắc Ninh để đọc về hành trạng của cụ Nguyễn Huy Mãn thì thấy tại tấm bia thứ 3, bên trái - Kim bảng lưu phương, khoa Tân Sửu đời Lê Bảo Thái (1721) mục số 33 ghi rõ:
“Nguyễn Huy Mãn, Gia Lâm, Phú Thị, Hương nguyên, Tự khanh” tìm đọc thêm Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, trang 182a cũng ghi rõ: “Nguyễn Huy Mãn sinh năm Mậu Thìn (1688) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm. Ông đỗ đầu kỳ thi Hương ở tỉnh, năm 34 tuổi, ông đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 12) khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ 2, đời Lê Dụ Tông (1721) ông làm quan đến chức Tự khanh”.
Như vậy cụ Tiến sĩ Nguyễn Huy Mãn sinh 1688 hơn cụ Nguyễn Huệ (sinh 1705) là 17 tuổi, hơn cụ Nguyễn Nghiễm (sinh 1708) là 20 tuổi. Năm 1721 cụ Nguyễn Huy Mãn đỗ Tiến sĩ, nhưng trước đó, theo Di trạch đường gia phả thì từ năm Vĩnh Thịnh thứ 10, khoa Giáp Ngọ (1714) cụ thi Hương đỗ Giải nguyên, bấy giờ 27 tuổi làm gia sư ở phủ Lượng Quốc công”.
Như vậy theo Nguyễn Tiên Điền thế phả thì cụ Nguyễn Huệ tới năm “Quý Mão đời Bảo Thái (1723) thi Hương đậu Tam trường”. Cụ Nguyễn Nghiễm năm Giáp Thìn (1724), 17 tuổi, ông dự kỳ hạch Tứ trọng ở Quốc tử giám được đứng đầu bảng, kinh đô đều biết tiếng”.
Theo lệ xưa, các nho sinh ở các tỉnh sau khi học ở các trấn, về Quốc tử giám ở kinh đô dự thi nếu trúng thì thường ở lại kinh đô học tại Quốc tử giám hoặc tìm các vị tài cao học rộng để xin làm môn sinh học tập chuẩn bị cho các cuộc dự thi Hội, thi Đình sau này.
Qua các tư liệu ở Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả và đặc biệt là các dòng chữ Hán trong Di trạch đường thế phả biên soạn năm Gia Long nguyên niên (1802) do cháu lãnh chức Tiền quân văn hàn là Nguyễn Huy Doanh, tự Hàm Phủ bái soạn nên lượng thông tin trên là rất đáng tin cậy.
Đọc kỹ toàn bộ cuốn gia phả họ Nguyễn Huy ở Phú Thị - Gia Lâm, Kinh Bắc ta còn thấy mối quan hệ mật thiết với họ Nguyễn Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh ở các tình tiết sau:
1. Cụ Nguyễn Huy Triệt - sinh năm Nhâm Ngọ - Lê Chính Hoà thứ 23 - 1702 (em ruột cụ Huy Mãn): “Năm Cảnh Hưng thứ 8, khoa Đinh Mão, đỗ thi Hương, bấy giờ 46 tuổi, làm Tri châu châu Định Hoá, sau theo quan Quận công Nguyễn Nghiễm đánh giặc ở Nghệ An, thăng Tri phủ Trường Khánh.
2. Cụ Nguyễn Huy Quynh, Tri huyện, là con thứ 5 của cụ Huy Mãn, thứ thất sinh cụ ngày 6/11 - Kỷ Dậu - Vĩnh Khánh nguyên niên (1729) năm Cảnh Hưng thứ 24 thi Hội trúng Tam trường, năm ấy bắt đầu nhận chức Tư vụ Bộ Binh. Năm Cảnh Hưng thứ 25 (1764) nhận chức Thừa ở Phủ Liêu, sau vào hầu quan Tham tụng Xuân Quận công biên tập quốc sử.
3. Đời thứ 6 - cụ Huy Huỳnh - Tri huyện (cháu gọi cụ Huy Mãn đời thứ 4 là ông). “Cụ hay lui tới nhà cụ Lại bộ Thượng thư Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản ở Tiên Điền - Nghi Xuân. Năm Cảnh Hưng thứ 41, cụ Nguyễn Khản phụng chỉ dẹp giặc Hoàng Văn Đồng ở Tuyên Quang, cử cụ làm chức Ký lục Trung quân. Năm Canh Tý (1780) giặc bình. Bấy giờ Chúa Trịnh hạ mật lệnh tra hỏi cụ Nguyễn Khản, nên cụ Huy Huỳnh không được thưởng công”.
Đối sánh với Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả, phần Nguyễn Khản cũng thấy chép khá trùng hợp như sau:
“Trịnh vương cho ông nhận chức đô “Hiệu điển” (chính nhị phẩm) đổi tước là Hồng Lĩnh hầu… Sau đó có tên phụ đạo đất Tụ Long là Hoàng Văn Đồng làm phản, tự xưng là Tân Vương, đem quân đến vây trấn sở Tuyên Quang. Nguyễn Khản được kiêm chức Trấn thủ xứ Hưng Hoá để tiện việc quan phòng… Trịnh vương lại ban cho ông được “Tiện nghi hành sự” thống lĩnh các đạo quân đánh vùng Tuyên Quang, Hưng Hoá… ông sai Trung Định Công (Điều) theo đường Quan Hoá lẻn ra sau lưng giặc mà đánh vào, đại phá đồn giặc. Tên Đồng chạy trốn, sau xin hàng…
Năm Canh Tý (1780) có kẻ mật báo Nguyễn Khản cùng với trấn thủ xứ Kinh Bắc mưu cất quân giúp Thế tử (Trịnh Khải). Trịnh vương xuống chỉ gọi ông về kinh đô dự tiệc yến, rồi giữ ông lại, giao cho Nghĩa Phái hầu là Lê Quý Đôn tra hỏi…”
Như vậy các mối quan hệ giữa hai họ Nguyễn Huy - Phú Thị - Gia Lâm - Kinh Bắc và Nguyễn Tiên Điền - Nghi Xuân - Hà Tĩnh ghi trong 2 cuốn gia phả đều rất trùng khớp - hợp tình - hợp lý và phù hợp với quốc sử.
Vậy từ các kết quả nghiên cứu đã trình bày ở trên, theo thiển ý của cá nhân thì ta có thể tạm thời ghi nhận:
“Cụ Nguyễn Huy Mãn sinh năm Mậu Thìn (1688) người xã Phú Thị - Gia Lâm - Kinh Bắc, đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, làm quan đến chức Đông các Đại Học sĩ, Tự khanh, có thời gian làm gia sư phủ Lượng Quốc công, cụ dạy đến hơn nghìn học trò. Học trò cụ đỗ đạt nhiều như anh em Nguyễn Huệ (1705 - 1733), Nguyễn Nghiễm (1708 - 1776) ở Tiên Điền…”
Thời gian theo học ở Thăng Long, Kinh Bắc có thể vào khoảng sau năm 1723 cụ Nguyễn Huệ thi Hương đỗ Tam trường, sau năm 1724 cụ Nguyễn Nghiễm đứng đầu bảng trong kỳ thi hạch Tứ trọng và vào học ở Quốc tử giám(3).
Một vài điều phát hiện sau khi tìm hiểu các cuốn gia phả họ Nguyễn Tiên Điền và họ Nguyễn Huy - Phú Thị rất mong được sự bổ sung, khảo đính của các bậc thức giả.
Chú thích:
(1) Theo bản Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả tục biên, bản do Nguyễn Mai tục biên năm 1940 và do Lê Thước dịch.
* Có đối chiếu và hiệu đính lại theo bản chữ Hán.
Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả do duệ tôn Trung Cần công (Nguyễn Nghiễm) biên tập, nhĩ tôn, Tú tài Hy Giác phủ tục biên.
Thứ nhĩ tôn Thục tục sao.
Thứ nhĩ tôn Ky bách bái cung sao.
* Thi tứ trọng: thi vào các tháng giữa của bốn mùa, tức các tháng 2, 5, 8, 11 hàng năm.
(2) Di trạch đường: gia phả dòng họ Nguyễn Huy thôn Phú Thị, Gia Lâm - Hà Nội, bản giấy bản, biên soạn năm Gia Long nguyên niên (1802 ).
(3) Nguyễn Quang Khải: Văn bia Văn miếu tỉnh Bắc Ninh, H; Nxb. VHDT 2000 trang 284, Đại Việt Lịch triều đăng khoa thực lục, trang 182a.
....................
Nguồn: hannom.org.vn/Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.80-87
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511974
2300
2337
22348
218847
121356
114511974