Xứ Nghệ ngày nay

Xuất bản ở Nghệ An đủng đỉnh vào thị trường

Trong khoảng gần 10 năm trở lại nay, hoạt động xuất bản ở Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều trên con đường chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa để chiếm lĩnh thị trường, góp phần vào quá trình xây dựng nền công nghiệp văn hóa và đặc biệt là phát triển văn hóa đọc trên quê hương xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chúng.

Gian trưng bày sách của NXB Nghệ An trong Hội Báo xuân Giáp Thìn 2024

Nỗ lực nâng chất lượng, tăng số lượng

Về hoạt động xuất bản, Nghệ An có lợi thế hơn nhiều địa phương khác bởi có 02 nhà xuất bản đóng trên địa bàn. Nhà Xuất bản Nghệ An thành lập từ năm 1980 và Nhà Xuất bản Đại học Vinh (NXB ĐHV) thành lập từ năm 2011.

Nhà Xuất bản Nghệ An một thời gian dài khó khăn, trầm lắng, sau khi thay đổi cơ quan chủ quản là UBND tỉnh, được đầu tư chăm chút đã có nhiều cơ hội hội hơn. Điều quan trọng là họ đã khai thác tốt cơ hội, nỗ lực vươn lên để từng bước nắm giữ thị trường xuất bản Nghệ Tĩnh. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm cấp giấy phép xuất bản cho 200 xuất bản phẩm/năm và 10-15 đầu sách Nhà nước đặt hàng/năm. Giai đoạn từ 2013 đến 2022, đã xuất bản gần 100 đầu sách đặt hàng với hơn 60.000 bản in.

Trong 5 năm gần đây, NXB ĐHV xuất bản gần 400 đầu sách, trong đó gần 100 đầu giáo trình đại học sau đại học, 30 đầu sách chuyên khảo và hơn 40 đầu sách Nhà nước đặt hàng, phát hành hơn 60 ngàn bản khắp 63 tỉnh, thành. Không chỉ in giáo trình của Trường Đại học Vinh, nhà xuất bản còn xuất bản giáo trình cho các trường trên địa bàn như Đại học Y khoa Vinh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Đại học Kinh tế Nghệ An…  Ngoài các mảng sách truyền thống, năm 2022-2023, NXB ĐHV còn xuất bản hơn 20 đầu sách giáo khoa với gần 1,2 triệu bản.

Điều đáng nói là các nhà xuất bản ở Nghệ An đã hướng tới chất lượng các xuất bản phẩm, có không ít những đầu sách có giá trị cao được giới chuyên môn và bạn đọc ghi nhận. Nhà Xuất bản Nghệ An có: Phan Bội Châu ở Nhật Bản - tác giả Chu Văn Thông - Giải Đồng Sách hay Giải thưởng Sách Quốc gia; Vinh Xưa, tác giả Phạm Xuân Cần - Giải Bạc sách đẹp, Giải Đồng sách hay, giải Nhất Khoa học Công Nghệ Nghệ An; Người Nghệ - nhiều tác giả - Giải khuyến khích sách hay... Riêng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương (Nghệ An) giai đoạn 2015 - 2020 có 15 đầu sách của NXB Nghệ An đạt giải. Trong đó, cả hai Giải A văn xuôi và thơ đều là sách của NXB Nghệ An: Đá xanh máu đỏ - tác giả Nguyễn Ngọc Lợi,  Người lặn biển - tác giả Thạch Quỳ, Chợ phiên Ba Đồn - tác giả Đặng Thị Kim Liên (Giải A) Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư (Quảng Bình) giai đoạn 2016 - 2020.

Sách của NXB ĐH Vinh cũng đã đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (dành cho Lí luận phê bình), Giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương (của UBND tỉnh Nghệ An), Giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian, v.v…

Tuy nhiên chất lượng các ấn phẩm của các nhà xuất bản chưa đồng đều, số lượng và tỷ lệ sách tốt, sách hay chưa nhiều; Kể cả sách đặt hàng, sách đạt giải thưởng thì chưa hẳn tất cả đã có giá trị vượt trội. Làm sao để có nhiều sách có giá trị cao vẫn là thách thức không hề nhỏ đối với các nhà xuất bản.

Đưa sách đến với bạn đọc

Làm ra sách hay đã khó nhưng để sách đến với với bạn đọc, phát huy được giá trị của sách cũng rất khó khăn. Ý thức được điều đó, các nhà xuất bản, nhất là Nhà Xuất bản Nghệ An đã có nhiều nỗ lực, từ việc phát hành đến giới thiệu sách với công chúng. Ngoài giới thiệu nội dung sách trên website của đơn vị, trên các báo chí, các nhà xuất bản, NXB Nghệ An đã chủ động phối hợp với các địa phương, các cơ quan văn hóa, các tác giả tổ chức các buổi giới thiệu sách, nhất là những đầu sách có chất lượng tốt, hấp dẫn. Nội dung và giá trị của sách được lan tỏa nhiều hơn, sâu hơn với bạn đọc, góp phần tạo thành thói quen đọc sách và kích thích tiềm năng sáng tạo của cộng đồng. Các cuộc giới thiệu sách đang dần từng bước trở thành một sinh hoạt văn hóa lành mạnh và sang trọng của cộng đồng, nhất là trong giới trí thức. Thiết nghĩ các hình thức sinh hoạt này đã tạo thêm những giá trị ngoài sách, đó là tinh thần văn hóa, khoa học và dân chủ trong sinh hoạt văn hóa và khoa học cho công chúng.

 

 giáo Bùi Thị Bích Hậu - Giáo viên dạy môn Lịch sử tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu phát biểu về giá trị lan tỏa của cuốn sách “Liệt sĩ Phan Tứ Kỳ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa” đối với các thế hệ học sinh hôm nay trong buổi lễ ra mắt cuốn sách do NXB Nghệ An phối hợp cùng Bảo tang Quân khu IV tổ chức

 

Không gian trưng bày sách của NXB ĐH Vinh tại Hồ Văn, Văn Miếu Quốc Tử Giám

Tuy nhiên, hình thức sinh hoạt này vẫn chưa thường xuyên và chỉ mới dành cho các ấn phẩm tiêu biểu của “nhà”. Nếu các nhà xuất bản, kết hợp với các thư viện, các cơ quan, địa phương và với báo chí duy trì và tăng cường hình thức quảng bá này, nhất là không ngại “vác tù và hàng tổng”, giới thiệu nhiều tác phẩm khác, miễn là hay, có giá trị thì hiệu ứng, hiệu quả xã hội sẽ cao hơn nhiều, có ích hơn nhiều đối với hoạt động lâu dài của các nhà xuất bản. Những hình thức quảng bá, PR chính là mở đường cho sách ra thị trường. Sách có ra được thị trường thì xuất bản mới có cơ hội phát triển bền vững.

Đủng đỉnh vào thị trường

Thị trường của các nhà xuất bản ở Nghệ An là không hề nhỏ. Nghệ An có 3,5 triệu dân, Hà Tĩnh có 1,5 triệu dân; Tổng cộng có hàng chục vạn trí thức, hàng chục trường Đại học, cao đẳng và hàng triệu học sinh, sinh viên. Tất nhiên, có khó khăn là số lượng người đọc sách kiểu truyền thống đang ít dần, nhiều người không đọc sách, đọc rất ít hoặc chỉ đọc sách theo nhu cầu công việc. Các phương tiện nghe, nhìn/đọc bằng kỹ thuật số, mạng xã hội đang chiếm giữ rất nhiều thời gian của rất nhiều người đọc. Mặt khác, thị trường xuất bản là mở, sản phẩm của các nhà xuất bản khác trên khắp cả nước đều có thể phát hành tại thị trường Nghệ An và ngược lại. Đây là những tác nhân vô hình thu hẹp lại thị trường của sách truyền thống. Nhưng dù sao thì Nghệ An và Hà Tĩnh đang là thị trường lớn, các nhà xuất bản trên địa bàn vẫn có thể có lợi thế hơn nếu biết nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu của người đọc để đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp. Thế nhưng quy mô xuất bản của Nghệ An vẫn còn khiêm tốn. Con số khoảng gần 300 ấn phẩm/năm thì còn quá ít nếu so với con số 33.000 xuất bản phẩm trong đó có 29.000 đầu sách, 450 triệu bản in năm 2023, 38.029 xuất bản phẩm năm 2022 của ngành xuất bản cả nước. Đó là chưa nói đến, năm 2023, đã có 24/57 NXB đã xuất bản sách điện tử (năm 2022 là 19) thì ở Nghệ An vẫn chưa có. Sách điện tử, sách số đã và sẽ chiếm lĩnh thị trường. Xuất bản điện tử, xuất bản số là xu thế tất yếu, và sẽ là bắt buộc trong tương lai rất gần. Thế nhưng, xem ra, ngành xuất bản Nghệ An vẫn chưa khởi động, chưa có sự chuẩn bị cho các sản phẩm này để bước vào thị trường.

Ngành xuất bản Nghệ An chưa thực sự mạnh, ngoài các nguyên nhân khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan. Đó là yếu về tài chính, nhân lực, thiếu một tầm nhìn xa và một cơ chế thông thoáng, cởi mở. Sở dĩ chưa có nhiều sách hay, sách tốt, sách bán chạy vì chưa có đủ tiềm lực tài chính, chưa có cơ chế khai thác tác quyền bản thảo. Mặt khác, đội ngũ biên tập viên của chúng ta vẫn chưa đủ mạnh để làm chủ trong khai thác và làm “bà đỡ” cho bản thảo. Vì vậy, cho đến nay, phương thức tự xuất bản vẫn là chính. Tác giả có bản thảo, nhà xuất bản cấp giấy phép, việc in ấn, phát hành là do tác giả chịu trách nhiệm. Các tác giả không có nhu cầu kinh doanh thu lợi mà chủ yếu là để lưu lại di sản cá nhân và trình diện với cộng đồng, cao hơn là quảng bá giá trị tác phẩm nên số lượng bản in rất thấp, thậm chí có đầu sách chỉ có 100 - 150 bản.

Nếu như hầu hết các nhà xuất bản trong cả nước đều có liên kết gắn bó với các công ty/nhà sách thì ở Nghệ An còn rất ít. Sở dĩ sự liên kết này chưa nhiều vì thương hiệu các nhà xuất bản của chúng ta chưa đủ mạnh để gợi mở, hấp dẫn người đọc mà trước hết là các nhà sách. Trong bối cảnh hiện nay, sự liên kết với các nhà sách là một cách đưa sách đi vào thị trường hiệu quả.

Một thuận lợi lớn là các nhà xuất bản của chúng ta đang được hưởng chế độ “đơn vị sự nghiệp có thu”, được bao cấp về cơ sở vật chất, về tiền lương, về chi khác và một phần chi sự nghiệp xuất bản. Riêng NXB Nghệ An, ngân sách Nhà nước đầu tư cho sách đặt hàng khoảng 4 tỷ đồng/năm, NXB Đại học Vinh cũng vài trăm triệu đồng/năm. Chính thuận lợi này đã không tạo ra áp lực lớn buộc các nhà xuất bản phải nỗ lực mạnh mẽ hơn để bước vào thị trường như các nhà xuất bản khác phải “tự làm tự ăn”. Điều này cũng đồng nghĩa với yêu cầu tự đòi hỏi tăng cường mức độ chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, hiện đại hóa, thị trường hóa của các nhà xuất bản từ trình độ biên tập viên, năng lực phát hiện và thẩm định tác phẩm, quy trình xuất bản - in - phát hành, chế độ tài chính… Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ tạo nên sức ỳ, rất bất lợi cho hoạt động xuất bản khi mà yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe và mức độ thị trường hóa ngày càng cao.

Bức tranh xuất bản ở Nghệ An nhìn chung là lành mạnh, tươi sáng, đáp ứng ở mức độ cao nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục. Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh, vẫn là một khoảng trống không hề nhỏ. Các nhà xuất bản vẫn chưa khai thác được nhiều lợi thế khi đang có một thị trường rộng lớn. Nhà xuất bản không chỉ hoạt động với tư cách một cơ quan văn hóa mà còn là một doanh nghiệp, những người làm xuất bản còn có vai trò của một doanh nhân. Điều đó buộc các nhà xuất bản phải nỗ lực hơn nhiều trên con đường chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghệ xuất bản để trở thành một thế mạnh của nền công nghiệp văn hóa trong tương lai. Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ nếu không gây dựng lại thói quen đọc sách, thiết lập lại và phát triển văn hóa đọc sách của xã hội./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 13 - Tháng 6/2024)

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515855

Hôm nay

2193

Hôm qua

2340

Tuần này

21456

Tháng này

213794

Tháng qua

121009

Tất cả

114515855