Góc nhìn văn hóa
Tình quê trải dọc đường thơ

Thơ như là tình yêu, là đau khổ, là đắm đuối, là sầu mộng… Thơ là một thứ gì đó không định nghĩa được tuyệt đối. Nhưng chắc chắn, thơ là tâm tư từ trái tim, từ tâm can của con người. Vậy nên, sự thương nhớ, buồn tủi và khổ đau là một nguồn cảm hứng quan trọng trong thơ ca.
Nhà thơ thương nhớ, buồn tủi và đau khổ vì nhiều thứ, trong đó có một thứ luôn day dứt các nhà thơ: Đó là quê hương. Ai cũng có quê hương. Và ai cũng có niềm vui, nỗi buồn và lòng thương nhớ đối với quê hương. Xa quê hương cho người ta nhiều tâm trạng nhớ thương, hờn tủi. Về lại quê hương làm cho người ta nhiều hoài niệm, vấn vương hay có khi lạc lõng. Nhưng người không có quê hương mới bất hạnh làm sao. Quê hương - một hình tượng đa sắc màu trải dọc đường con đường thơ ca của nhiều thế kỷ.
Nhà thơ viết về quê với nhiều nỗi niềm nhất khi xa quê hoặc khi về lại quê hương. Không có nhiều nhà thơ sinh ra, lớn lên và chết đi chỉ ở một làng quê nào đó và viết nhiều về quê hương. Bởi có lẽ, trong mỗi con người, có quê là niềm hạnh phúc, xa quê là sự đau buồn, là bất đắc dĩ, là tìm kiếm một điều gì đó to tát và về lại quê hương là sự đan xen giữa hoài niệm, giữa niềm vui, nỗi buồn, giữa quá khứ và thực tại, giữa mình và… chính mình… Con người phức tạp và tâm trạng con người lại vô cùng phức tạp. Nên nhiều khi chính mình lại đi tìm mình trong bản ngã của mình. Chính tâm thức của mình lại mâu thuẫn kiểu như là xa thì nhớ muốn tìm về mà tìm về rồi lại thấy lạc lõng.
Đầu tiên phải kể đến đại thi hào Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV. Trong hàng trăm bài thơ của Ức Trai thì có rất nhiều bài thơ viết về quê hương với những tâm trạng khác nhau. Nguyễn Trãi một đời phiêu bạt nhiều nơi. Phần vì thời cuộc, phần vì chí lớn mà buôn ba. Đến khi về già mới quay lại quê nhà. Khi đó, tâm trạng của ông là tâm trạng của một người từng trải nhiều năm, kinh qua sinh tử, nếm đủ thăng trầm. Khi xa quê, Nguyễn Trãi không ngừng hoài niệm về quê, thương nhớ quê. Những bài thơ như Mạn thuật 11 (Quê cũ), Mạn thuật 13 (Nhà ta)… thể hiện rõ điều đó:
Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân,
Lãng thưởng chưa lìa lưới trần.
Ở thế những hiềm qua mỗ thế,
Có thân thì sá cốc chưng thân.
Vườn còn thông trúc đáng năm mẫu,
Câu ước công danh đổi một cần.
Miệt bả hài gai khăn cốc,
Xuềnh xoàng làm mỗ đứa thôn nhân.
(Mạn thuật 11 – Quê cũ)
Hay:
Quê cũ nhà ta thiếu của nào,
Rau trong nội, cá trong ao.
Cách song, mai tỉnh hồn Cô Dịch,
Kề nước, cầm đưa tiếng Cửu Cao.
Khách đến vườn còn hoa lạc,
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào.
Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ,
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào.
(Mạn thuật 13 – Nhà ta)
Nguyễn Trãi thương nhớ quê bởi trong quê có bạn:
“Nghèo ốm ta thương bạn,
Ngông cuồng bạn giống ta.
Cùng xiêu nơi lạ lẫm,
Đều đọc sách dăm ba.
Nông nổi dùng chi được,
Nhởn nhơ thạo quá mà.
Nhuỵ Khê năm khác hẹn,
Nón chụp cuốc xuân nhà”.
(Tặng hữu nhân)
Thương nhớ quê cũng thương cảm thân mình:
“Già người: đời tiếp tang thương đến,
Não khách: thu đưa cảm hận vào.
Ba chục năm giời danh tiếng hão,
Ngoảnh đầu, muôn việc tựa chiêm bao”.
(Loạn hậu cảm tác)
Trải bao thăng trầm của cuộc đời, về lại quê hương chính là tìm lại sự thanh bình cho chính mình. Với người thường, đó là chuyện thường, là hạnh phúc, là niềm vui tuổi xế chiều. Nhưng Nguyễn Trãi lại là một ước mơ. Cả một đời nuôi chí lớn vì giang sơn đất nước, đáng ra thành công rồi có rất nhiều thứ. Thế nhưng rồi lại chỉ mơ ước về quê cất một ngôi nhà nhỏ để uống trà và gối đầu lên đá quê hương để ngủ:
“Xa cách mười năm chốn cổ san,
Quay về tùng cúc đã lan man.
Suối rừng có hẹn sao nên phụ,
Đất bụi cúi đầu chỉ tự than.
Vừa lại quê nhà như thấy mộng,
May trong binh lửa vẫn tuyền thân.
Bao giờ dưới ngọn mây về ở,
Nước suối chè tươi ngủ thạch bàn”
(Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác)
Ấy vậy mà cuối cùng giấc mộng không thành, lại để lại cho đời một “thiên thu di hận” với cái kết đau buồn bậc nhất lịch sử đối với một người anh hùng dân tộc.
Sau Nguyễn Trãi, thế kỷ XVIII, một thi hào nữ là Bà Huyện Thanh Quan cũng thể hiện nỗi nhớ nhung quê nhà da diết. Cũng như Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan cũng sống xa quê nhiều năm. Dù sống ở đâu, trong tâm trí bà vẫn luôn nhớ về quê cũ. Sinh ra nơi Thăng Long phồn hoa nhưng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bà cũng đi đến nhiều nơi, lúc theo chồng, lúc theo lệnh vua. Tuy vậy, lòng thương nhớ Thăng Long quê bà vẫn luôn sâu đậm:
“Vàng toả non tây, bóng ác tà,
Đầm đầm ngọn cỏ, tuyết phun hoa.
Ngàn mai lác đác, chim về tổ,
Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà.
Còi mục thét trăng miền khoáng dã,
Chài ngư tung gió bãi bình sa.
Lòng quê một bước nhường ngao ngán,
Mấy kẻ tình chung có thấu là?”
(Chiều hôm nhớ nhà)
Nỗi nhớ quê nhà nhiều khi là nhớ cảnh, nhớ người, nhớ những thứ gần gũi với cuộc đời mình, với gia đình hay tuổi thơ. Nhưng nhiều khi, nỗi nhớ đó kèo về cả một lịch sử đầy trầm mặc. Thăng Long thành hoài cổ là một tuyệt thi của Bà Huyện Thanh Quan về điều đó:
“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”.
(Thăng Long thành hoài cổ)
Đến thế kỷ XX, Hồ Chí Minh lại tiếp nối đoạn đường thơ về quê hương, về nỗi nhớ quê nhà qua những tác thi ăn sâu vào nhiều người. Nhớ quê của Bác trước hết là về một quê hương rộng lớn - là đất nước. Nó đúng với tâm thế của một người chiến sĩ cách mạng bôn ba qua nhiều nước: "Ngoại cảm" trời Hoa cơn nóng lạnh/"Nội thương" đất Việt cảnh lầm than” (Trọng bệnh). Trong thơ của Bác, phần dành cho quê hương không nhiều. Nhưng nỗi nhớ quê hương thì không lúc nào nguôi. Chỉ là nỗi nhớ đó thoảng qua trong tâm trí ở một khoảng khắc nào đó. Đó có thể là lúc hoàng hôn đến:
“Gió sắc tựa gươm mài đá núi,
Rét như dùi nhọn chích cành cây.
Chùa xa chuông giục người nhanh bước,
Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay”.
(Hoàng hôn)
Nhớ quê hương là sự hoài niệm về bạn cũ, quê cũ. Nỗi nhớ đó ẩn uất thật nhiều nỗi niềm của một người luôn đau đáu với quê hương lớn hơn là đất nước. Nỗi nhớ đó gắn với những lời hứa với bè bạn, với chính quê nhà:
“Ngày đi bạn tiễn đến bên sông,
Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng.
Nay gặt đã xong, cày đã khắp,
Quê người, tôi vẫn chốn lao lung”.
(Nhớ bạn)
Nếu Hồ Chí Minh nhớ về quê hương với một cảm thức cách mạng mãnh liệt, thì nhiều nhà thơ khác vẫn tiếp tục dòng chảy truyền thống với tình yêu quê hương, yêu sự quen thuộc đầy hoài niệm. Huy Cận có lẽ là một người như thế. Tràng giang của ông là một tuyệt phẩm gây tiếng vang trong thi ca lúc trình làng. Và Tràng giang cũng là một bài thơ dành cho quê hương, bởi nó đơn giản là một hoài niệm về những thứ thân thuộc trên con sông quê của thi sĩ: là sóng, là thuyền, là bờ, là bèo, là củi, là chợ…
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót,
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Tràng giang)
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, tình quê được thể hiện qua những cung bậc khác nhau. Một Hồ Chí Minh với một tình cảm quê hương rộng lớn - đất nước và tình cảm dành cho quê gắn với tâm tư của một nhà cách mạng, một người đau đáu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một Huy Cận với tình quê man mác buồn và là cái buồn của thi sĩ lãng mạn. Có lẽ ảm đạm hơn, sâu lắng nhất lại là Nguyễn Bính với một nỗi nhớ quê nặng trĩu buồn thương. Quê trong thơ Nguyễn Bính gắn với sự dang dở, với sự chia xa. Quê trong thơ Nguyễn Bính gắn với nỗi đau của kẻ xa nhà, xa mẹ thầy, xa chị, xa nàng hàng xóm, xa cô láng giềng, xa giàn thiên lý, xa dậu mồng tơi… Chao ôi. Người xa quê đã đau khổ lắm rồi. Xa quê mà đọc thơ Nguyễn Bính lại còn đau buồn hơn, nhớ quê hơn, thương mình hơn. Cái tình quê đó, chẳng mấy ai mong chờ, nhưng hầu như ai cũng phải nếm trải.
Tình quê của Nguyễn Bính trước hết là tâm trạng của kẻ nửa đời xa quê, một kẻ giang hồ lỡ bước: “Anh về quê cũ: thôn Vân/Sau khi đã biết phong trần ra sao/Từ nay lại tắm ao đào/Rượu dâu nhà cất, thuốc lào nhà phơi/Giang hồ sót lại mình tôi/Quê người đắng khói, quê người cay men” (Anh về quê cũ). Kẻ giang hồ đó đã xa quê lang bạt kỳ hồ để biết gió bụi cuộc đời (phong trần) như thế nào. Và khi biết rồi, về lại quê nhà mới thấy mình như lạc lõng:
“Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Phương nào kết dải mây Tần cho ta.
Từ nay, khi nhớ quê nhà,
Thấy mây Tần biết đó là thôn Vân.
Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Anh em ly tán, lầu dần thành ra.
Không còn ai ở lại nhà,
Hỏi còn ai nữa? Để hoa đầy vườn,
Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn,
Anh về quê cũ có buồn không anh?”
(Anh về quê cũ)
Nhưng sự lạc lõng đó chỉ là một phần nhỏ trong cái nỗi buồn đau xa quê nhiều năm của thi sĩ. Nỗi đau đó ảm đạm nhường nào: “Đất khách tình dâng hoà mắt lệ/Ôi nhà! Ôi chị! Ôi quê hương!” (Xuân vẫn tha hương). Cuộc sống xa quê nào dễ dàng gì, thậm chí còn vô vàn gian khổ. Nó càng làm cho kẻ thi sĩ càng nhớ thương nhớ quê nhà hơn: “Áo xanh bạc nửa màu sương gió/Xót kẻ ăn nằm trong gió sương/Đầy vơi tâm sự cùng ai tỏ/Mộng lạnh đêm xưa, chiếu lạnh giường” (Xuân vẫn tha hương).
Một kẻ đa tình, dong đời ngược thế để tìm kiếm những thứ viển vong mà xa quê, xa nhà, xa nàng hàng xóm, xa cô láng giềng… Nhưng không phải tự dưng chàng thi sĩ ấy rời quê. Đó là sự “trốn chạy” của một kẻ đa tình dang dở, rời quê để quên đi một mối tình, rời quê để người mình yêu được ở lại: “Tôi sẽ đi đây! Tôi sẽ quên/Suốt đời là một kẻ vô duyên/Trọn đời làm một thân cô lữ/Ở mọi đường xa, ở mọi miền...” (Thôi nàng ở lại). Để rồi, khi mưa rơi, khi tết đến, khi đói bụng, khi lạnh trời… lại đau đáu nỗi nhớ quê nhà:
“Một thân lận đận nơi trời xa.
Nằm nghe mưa rơi trên mái nhà
Gió bắt vào thu đầy tiếng lá
Đời tàn, mộng đẹp, tiếc xuân qua.
Long tong mưa nhỏ gieo từng giọt
Vắng lặng không nao một tiếng gà
Chờ nửa vầng trăng, trăng chẳng lại
Đêm dài đằng đẵng, đêm bao la”.
(Đêm mưa đất khách)
Cái buồn đau, cô quạnh giữa đất khách quê người, trong quán trọ tồi tàn không bè bạn, không người thân, phải “Nằm đọc Liêu Trai bạn với ma” hay “Nằm tạm qua đêm quán dọc đường” ấy càng làm cho con người cảm thấy sự đáng sợ của cô đơn, hiu quạnh, mới cảm thấy thèm khát tình thân, tình yêu:
“Hỡi ôi! Trời đất vô cùng rộng
Nào biết tìm đâu một mái nhà?
Có như mắt Tịch xanh mà uổng
Đất khách cùng đường ta khóc ta!
Mưa mãi mưa hoài mưa bứt rứt
Đêm dài đằng đẵng đêm bao la...”
(Đêm mưa đất khách)
Chàng thi sĩ trốn chạy vì tình yêu để rồi đau khổ, ân hận vì tình thân. Xa nhà không làm cho mình nguôi ngoai đi tình yêu, nhưng lại làm cho bao nhiêu người thân, là thầy mẹ, là chị phải đau buồn. Nỗi nhớ nhà, sự ân hận giằng xé tâm hồn thi sĩ, và cũng làm đau đáu trái tim của những kẻ có cùng hoàn cảnh khi đọc thơ:
“Con đi mười mấy năm rồi,
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương.
Thày đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi.
Thày mẹ ơi! Thày mẹ ơi!
Tiếc công thày mẹ đẻ người con hư.
Con đi năm ấy tháng tư,
Lúa chiêm xấp xỉ dỗ từ tháng ba.
Đi thôi, quạnh cửa quạnh nhà,
Cha già đập lúa, mẹ già rũ rơm.
Cha dạm gạo, mẹ làm cơm,
Có con, con vắng, ai làm thay cho?
Con dan díu nợ giang hồ
Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.
Ai ngờ ngày tháng lưu liên,
Đã không gọi chút báo đền dưỡng sinh.
Lại mang ân ái vào mình,
Cái yêu làm tội làm tình cái thân.
Bó tay như kẻ hàng thần,
Chán chường như lũ tàn quân lìa thành.
(Mẹ cha thì nhớ thương mình,
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi.)”
(Thư gửi mẹ thầy)
Với nỗi đau thương, với niềm ân hận cũng thắp lên trong tâm hồn thi sĩ những mơ ước nhỏ nhoi: “Em thường cầu nguyện thường van vái/Một sớm thanh bình mặt đại dương/Bao giờ em được về quê cũ/Dâng chị bài thơ xuân cố hương” (Xuân vẫn tha hương).
Trong nửa sau thế kỷ XX, tình cảm quê hương lại càng thể hiện một cách đa dạng và phong phú hơn trong thơ ca. Lúc này, đội ngũ thi sĩ trở nên dày hơn, thế giới quan và triết lý nhân sinh cũng thay đổi đi nhiều, nhưng tình cảm quê hương thì vẫn là dòng chảy xuyên suốt lịch sử thi ca. Hầu như các nhà thơ lớn đều có những bài thơ về quê hương. Quê hương là một thứ gì đó da diết, mãnh liệt và thậm chí là ám ảnh đối với hầu hết các nhà thơ. Vậy nên, dù ít hay nhiều, dù phảng phất hay sâu đậm thì nhà thơ nào cũng bộc lộ những tình cảm quê hương theo những cách khác nhau.
Bối cảnh lúc này là chiến tranh, là ly tán. Có người rời quê vì chạy giặc, có người rời quê vì… yêu quê, để bảo vệ quê hương. Nhưng đó cũng là sự xót xa của một thế hệ, bởi chẳng ai muốn rời xa quê mình. Quê hương lúc đó, trong thơ Quang Dũng là một quê hương ám ảnh bởi chiến tranh và chết chóc: “Mẹ tôi em có gặp đâu không/Những xác già nua ngập cánh đồng/Tôi cũng có thằng con bé dại/Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông” (Đôi mắt người Sơn Tây). Chiến tranh làm quê hương điêu tàn, làm người người đói khổ phải rời quê để tìm đường sống sót. Như Nguyễn Đình Thi bộc bạch: “Đói nghèo nên phải chia ly/Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường” (Việt Nam quê hương ta). Xa quê là nhớ. Nhớ quê, nhớ những gì thân thuộc với chính cuộc đời mình: “Ta đi ta nhớ núi rừng/Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ/Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô/Bữa cơm rau muống quả cà giòn tan …” (Việt Nam quê hương ta).
Nhưng bên cạnh đó, một số vùng quê đã được thanh bình. Sự thanh bình đó cũng dần được hiện hữu vào thơ ca. Đỗ Trung Quân với bài thơ Quê hương đã đặt ra câu hỏi “Quê hương là gì hả mẹ?” để rồi tự trả lời quê hương “là chùm khế ngọt”, “là đường đi học”, “là con diều biếc”, “là con đò nhỏ”, “là cầu tre nhỏ”, “là vòng tây ấm”, “là đêm trăng tỏ”… Giang Nam cũng có một Quê hương đượm buồn với mối tình chưa nở đã tàn sau sự hi sinh của “cô gái nhà bên…”. Để rồi tình yêu trai gái được gắn liền với tình yêu quê hương: “Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm/Có những ngày trốn học bị đòn roi/Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi”.
Tình quê trong giai đoạn này trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều thi sĩ và sự thể hiện cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Trong vô vàn các nhà thơ với nỗi niềm về quê hương đó, Tô Thùy Yên hiện ra như một cái gì đó buồn, đau, giằng xé, thậm chí ám ảnh đối với nhiều người. Người ta biết đến Tô Thùy Yên với một Chiều trên phá Tam Giang, nhưng với nhiều người thì bài thơ Ta về mới thực sự là một thi tác đầy trăn trở. Ta về như là một bản trường ca của một kẻ xa quê đau đáu cùng sự xát xuốt trong tâm can với quê nhà. Chỉ một điệp khúc “ta về” với bao nhiêu tâm thế cũng làm cho người đọc không khỏi xót xa: “Ta về - một bóng trên đường lớn”, “Ta về qua những truông cùng phá”, “Ta về như bóng chim qua trễ”, “Ta về cúi mái đầu sương điểm”, “Ta về như lá rơi về cội”, “Ta về như hạt sương trên cỏ”, “Ta về như sợi tơ trời trắng”, “Ta về như tứ thơ xiêu tán”, “Ta về khai giải bùa thiêng yểm”, “Ta về như đứa con phung phá”, “Ta về như tiếng kêu đồng vọng”, “Ta về như bóng ma hờn tủi”… Những cái “ta về” này không hẳn là một cuộc đi về quê hương thực, còn là một cuộc hồi hương trong tâm thức, trong mơ ảo của nhà thơ.
Là một người phải rời quê vì thế sự, trở về nhà là một khát khao cháy bỏng nhưng đâu dễ gì. Nhà thơ chấp nhận thân phận lỡ bước, xa quê của mình: “Ta về như hạt sương trên cỏ/Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời/Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt/Tội tình chi lắm nữa, người ơi!”. Cứ nghĩ về quê rồi sẽ vui hơn. Nhưng về được rồi, nhìn quê nhà chẳng phải như xưa, lại đượm buồn:
“Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền
Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương khó quá, sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa…”
(Ta về)
Về quê, đối diện với sự đổi thay: Người thân xa cách, cha mẹ không còn, bạn bè vắng mặt, cảnh cũ hoang tàn… Xa quê thì mang nỗi đau nhớ quê. Về quê thì ôm nỗi đau nhớ người. Trong cuộc đời con người, hẳn ai rơi vào tình cảnh đó, thật sự đau đớn, khó chịu vô cùng. Những vần thơ của Tô Thùy Yên, vì thế càng thêm ám ảnh:
“Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian, kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh
Ngồi đây, nền cũ nhà hương hoả
Đọc lại bài thơ buổi thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức?
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi”
(Ta về)
Đúng như Đỗ Trung Quân nhận định “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người” (Quê hương). Ai cũng có quê và ai cũng nhớ quê. Quê như hành trang không thể thiếu của con người. Vậy nên, tình quê cũng là một nguồn cảm hứng cho biết bao thi sĩ. Trải dọc đường thơ hàng trăm năm đó, tình quê hiển hiện theo nhiều tầng lớp, nhiều tâm trạng khác nhau. Nhưng hầu như các thi sĩ đều có chung những tâm thế, những cảm xúc: Xa quê rồi nhớ quê, về quê lại hoài niệm, xót xa. Buồn và nhớ là cảm xúc của nhiều nhà thơ khi đối diện với cuộc sống xa quê. Tình quê với ai cũng thiêng liêng. Điểm qua một số tình quê của vài thi sĩ ở các giai đoạn khác nhau để thấy sự quan trọng của quê, cũng là để vơi đi chút nào nỗi nhớ quê của kẻ xa quê./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Ất Tỵ - Tháng 01/2025)
tin tức liên quan
Videos
Văn hóa là nền tảng của xã hội (Nhìn từ sự lan tỏa quan điểm về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay)
Trung tâm Văn hóa tỉnh trưng bày chuyên đề ảnh “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử trong trường học" tại thị xã Hoàng Mai
Nhật bản và cải cách Minh Trị (1868) trong nhận thức của Nguyễn Trường Tộ
Chung tay phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
Đọc sách giáo khoa "Việt Sử" của Từ Ngọc [Viết cho lớp ba Tiểu học]
Thống kê truy cập
114552894

231

2265

2590

220437

122920

114552894