Xứ Nghệ ngày nay
Đô Lương: Hiệu quả công tác tuyên truyền bằng Dân ca Ví, Giặm
NNƯT Nguyễn Mạnh Cường biểu diễn Ví, Giặm trong chương trình gây quỹ ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn
Đô Lương là một trong những trung tâm của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ nói chung, Nghệ An nói riêng bởi từ xưa đây là nơi thuyền bè tấp nập lên bến xuống chợ với chợ Cồn, chợ Rạng, chợ Lạng, chợ Lường… những trung tâm giao thương một thời của cả một vùng rộng lớn. Người Đô Lương vẫn còn lưu truyền những câu ví từ thuở xa xưa: Muốn ăn khoai sọ chấm đường/Thì trốn cha trốn mẹ ngược Lường với anh… Hiện nay, phong trào hát dân ca Ví, Giặm ở Đô Lương vẫn rất sôi nổi, thu hút nhiều tầng lớp Nhân dân tham gia. Các CLB dân ca Ví, Giặm có nhiều đóng góp thiết thực trong xây dựng đời sống mới, đặc biệt là truyền tải một cách sinh động chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Ví, Giặm sôi nổi xứ Lường
Người dân Đô Lương tự hào là mảnh đất còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, những giá trị văn hóa cổ truyền vẫn được bà con trân trọng giữ gìn và đầy sức sống.
Tính đến năm 2022, huyện Đô Lương có 15 Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, mỗi câu lạc bộ có từ 20- 30 thành viên. Các CLB duy trì hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Hàng năm, các CLB cung cấp nhiều hạt nhân cho phong trào văn nghệ quần chúng của huyện. Hạt nhân văn nghệ của huyện luôn được duy trì trong các cơ quan, đơn vị, trường học, khối, xóm, hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn... Đặc biệt, nhiều thành viên trong các đội văn nghệ quần chúng có khả năng sáng tác và dàn dựng chương trình, tiểu phẩm sân khấu, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu sinh hoạt, thưởng thức văn hóa - văn nghệ của Nhân dân. Bình quân mỗi năm, mỗi xã, thị trấn, dàn dựng được ít nhất 5 chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, các dịp hội hè... Trong đó có nhiều CLB hoạt động có hiệu quả và có sức lan tỏa như CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh các xã Bồi sơn, Giang Sơn Đông và thị trấn Đô Lương... Các CLB dân ca Ví, Giặm ở Đô Lương đều tích cực tham gia các cuộc thi trong huyện, trong và ngoài tỉnh. Liên hoan Tiếng hát Làng Sen - Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023, Đô Lương có 16 đội văn nghệ đến từ các xã: Giang Sơn Tây, Hồng Sơn, Trung Sơn, Lưu Sơn, Hiến Sơn, Minh Sơn, Trù Sơn, Mỹ Sơn, Nhân Sơn, Bắc Sơn, Thượng Sơn, Hòa Sơn, Quang Sơn, Thái Sơn, Bài Sơn và Văn Sơn cùng tham dự.
Hiện nay, Đô Lương có 5 nghệ nhận được công nhận Nghệ nhân Ưu tú và nhiều nghệ nhân dân gian. Huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn như Liên hoan Giao lưu các câu lạc bộ dân ca chào mừng lễ hội Đền Quả Sơn; Liên hoan "Tiếng hát Làng Sen - Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” hàng năm...
Ví, Giặm truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
NNƯT Nguyễn Mạnh Cường (thứ 2 bên trái) trong 1 tiết mục tham gia Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023. Ảnh: Trịnh Văn Phú
Nói đến công tác tuyên truyền bằng dân ca Ví, Giặm ở Đô Lương phải nói đến xã Bồi Sơn, nơi có NNƯT Nguyễn Mạnh Cường vừa là cán bộ văn hóa xã vừa là Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm của xã. Anh vẫn ngày đêm sưu tầm, sáng tác và dàn dựng kịch bản, chương trình để phục vụ bà con và tham gia các hội diễn.
Công tác tuyên truyền được Đảng bộ xã Bồi Sơn quan tâm với phương châm sát dân, mềm dẻo, khéo léo nhằm thu phục nhân tâm, cái gì dân chưa hiểu thì phải làm cho dân hiểu, cái gì cán bộ thiếu sót phải công nhận là thiếu sót. Để làm được điều đó không thể cứ diễn thuyết, chỉ đạo bằng những bài diễn văn máy móc, khô cứng, giản đơn mà phải bằng con đường của cảm xúc kết hợp với lý trí. Công tác tuyên truyền có lúc có tác dụng tức thời nhưng có những vấn đề cần như mưa dầm thấm lâu, lâu nhưng bền vững, khi dân đã thấm nhuần thì không kẻ xấu nào có thể lung lay, thế là văn nghệ vào cuộc. Những thông điệp được chuyển đến với bà con nhân dân, đến cán bộ đảng viên một cách khéo léo, tài tình thông qua điệu hò, câu ví, qua các hình tượng nghệ thuật hấp dẫn.
Một trong số những điển hình dùng văn nghệ tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước ở Đô Lương là NNƯT Nguyễn Mạnh Cường. Đến nay, NNƯT Nguyễn Mạnh Cường có hơn 100 tác phẩm tự biên, tự dàn dựng. Bằng vốn kiến thức phong phú về dân ca Ví, Giặm, bằng niềm đam mê, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường đã ngày đêm nung nấu sao cho kịch bản vừa hay vừa truyền tải được những thông điệp có ích cho đời sống Nhân dân, góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng một cách hiệu quả nhất.
Trong vở Thành phần đội tuyển viết để tuyên truyền, khuyến khích dân mua Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, tác giả lấy bối cảnh là cuộc đối đáp giữa các đôi nam nữ. Qua lời hỏi - đáp, những vấn đề như lợi ích, thủ tục, pháp lí của việc mua Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội đã được Hoa và Duyên - những nhân viên bảo hiểm duyên dáng, xinh đẹp, giải đáp rõ ràng:
“Dù đang nghèo đang khó.
Thẻ Bảo hiểm y tế rất cần
Cho mỗi một người dân
Phải mua ngay để tự cứu mình
Phòng khi ốm khi đau phải đi nằm bệnh viện
Có thẻ thời thuận tiện
Lỡ khi gặp rủi ro
Giảm chi phí thuốc men, các dịch vụ đỡ tiền
Ai ai cũng tham gia là xóa nghèo xóa đói
Lại góp phần giúp người hoạn nạn”.
Vở Việc không của riêng ai - tuyên truyền về an toàn giao thông, tác giả lấy bối cảnh và tình huống những thanh niên uống rượu, chở ba, không đội mũ bảo hiểm bị hai cô gái nhắc nhở đã tìm cách gây sự. Bác xóm trưởng đứng ra phân xử, các thanh niên đã nhận ra lỗi của mình. Các thanh niên vi phạm, hai cô gái cùng với những thanh niên khác và bác xóm trưởng bàn cách đem lại an toàn giao thông cho bà con lối xóm:
“Làng xóm ra quy ước
Kí cam kết toàn dân
Cùng vận động người thân
Phải chấp hành thực hiện
Nếu ai mà vi phạm
Thì xem xét thi đua
Các danh hiệu gia đình
Thì ta nên hạ loại
Xem xét mà hạ loại”
Trong vở Nỗi đau da cam, Nguyễn Mạnh Cường lại cải biên từ thơ của tác giả Bùi Lan, ca khúc dân ca Ví, Giặm này có nhiều đoạn xúc động khiến người nghe rơi nước mắt khi nói về nỗi đau của bậc cha mẹ, những người có con là nạn nhân chất độc màu da cam.
“Là Người ơi.
Vợ đau đớn khi gượng dậy bế con.
Chồng nắm chặt tay kìm nỗi đau vỗ về với vợ.
Nhìn đứa con mới sinh, mang hình hài quái gở.
Đau đớn tột cùng ôi hậu quả chiến tranh”.
Em bé da cam biết trông cậy vào ai khi bố mẹ không còn nữa, câu hỏi xoáy vào tâm can, day dứt và ám ảnh người nghe:
“Sợ một ngày kia cha mẹ sức mòn
Ai sẽ thức cùng con đêm dài giông bão
Ai đút cho con ăn, ai quàng tấm áo
Khi gió mùa về, khi đông lạnh tái tê
Mùa hạ chói chang con nửa tỉnh, nửa mê
Ai dỗ dành ôm chặt tay trong cơn điên dại
Ai cảm thông cho con không biết là phải trái
Một kiếp người không trọn vẹn nhân sinh”.
Vì niềm đam mê và cái duyên với dân ca xứ Nghệ, năm 2013, anh được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong danh hiệu Nghệ nhân Dân gian; năm 2015 được Chủ tịch nước phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; được tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Có những thời điểm, Đô Lương là điểm nóng trên một số vấn đề như giải phóng mặt bằng, sáp nhập điểm trường… Một số đối tượng chống phá tìm cách chia rẽ, gây mất niềm tin giữa chính quyền và Nhân dân. Nhưng đến nay, mọi việc đã đi vào ổn định, bà con phấn khởi làm ăn trong không khí vui tươi, đoàn kết. Để có được cuộc sống bình yên như hôm nay là nhờ sự đồng lòng, dốc sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác tham mưu và vào cuộc của Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Trên mặt trận tư tưởng, Đô Lương là địa phương có những cách làm sáng tạo đưa dân ca Ví, Giặm vào cuộc sống nhằm tuyên truyền chính sách, vận động Nhân dân và xử lý các vấn đề còn tồn tại một cách hài hòa, cảm xúc và gần gũi./.
tin tức liên quan
Videos
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Địa điểm khảo cổ học Đồng Mỏm – Một trung tâm luyện kim thời cổ
Bế giảng Lớp truyền dạy năng khiếu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cộng đồng tại thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên năm 2024
Thống kê truy cập
114515844
2182
2340
21445
213783
121009
114515844