Diễn đàn

Đừng sống trên sự thừa thãi

Chile giờ đây trở thành “thủ đô” quần áo cũ của thế giới khi phải nhận 39.000 tấn quần áo cũ mỗi năm. Hầu hết chúng được chờ tới sa mạc Atacama khô nóng để vứt bỏ mà không qua xử lý. Nguồn VTC News

Con người đang chạy theo nhu cầu tiêu dùng của mình một cách mạnh mẽ. Và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng tạo ra sức ép kinh khủng lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống của chính con người. Đến một lúc nào đó, chính nhu cầu của con người sẽ đẩy con người vào bước đường diệt vong khi mà các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất cạn kiệt. Vậy nên, con người cần hướng đến sự tiêu dùng hợp lý để tự cứu chính mình.

Hãy nhìn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ thấy chúng ta đang tiêu dùng rất không hợp lý. Trong tủ quần áo của vợ, có hàng chục bộ đồ còn đẹp và dùng được, nhưng vợ vẫn luôn bảo thiếu áo quần khi đi chơi với bạn bè. Trên giá giày dép của cháu có hàng chục đôi giày, dép mà nó vẫn cứ bảo thiếu và cần mua mới mỗi lần đi chơi đâu đó. Bạn tôi vừa đổi điện thoại, còn xịn lắm nhưng cũng dành cả ngày xếp hàng để mua một chiếc điện thoại mới đời cao hơn vừa ra mắt. Anh chị tôi vẫn luôn ao ước đổi chiếc xe ô tô khác đẹp hơn dù xe của anh chị vẫn còn mới và còn sử dụng tốt…. Phải chăng, càng có nhiều thứ thì người ta càng thiếu?

Mỗi một bước phát triển kinh tế xã hội lại đưa nhu cầu của con người tăng lên một nấc thang mới. Và sự tăng trưởng của nhu cầu cũng là một động lực quan trọng làm cho các doanh nghiệp đầu tư để phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Người ta cứ nghĩ nhu cầu của con người gần như vô hạn. Và đương nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, của kỹ thuật sản xuất và chế tác, năng lực đáp ứng nhu cầu của con người cũng không ngừng tăng lên. Nhiều nhà kinh tế còn xem đó là dấu hiệu tích cực thể hiện sự phát triển không ngừng của các nền kinh tế nói riêng và của nhân loại nói chung. Nhưng có lẽ đó là một sự nhầm lẫn tai hại. Nhu cầu của con người có thể vô hạn. Năng lực đáp ứng nhu cầu của con người cũng không ngừng tăng lên. Nhưng Trái Đất có hạn. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất có hạn. Và cuộc đời của con người cũng có hạn. Và những cái có hạn này liệu có đủ làm nền tảng cho sự vô hạn của nhu cầu con người hay không?

Nhìn lại cuộc sống của chính chúng ta trong vài ba thập kỷ gần đây thì rõ về sự tăng trưởng của nhu cầu và theo đó là sự thừa thãi. Vài chục năm trở về trước, trong bối cảnh đất nước mới bước vào con đường đổi mới, về cơ bản đời sống kinh tế xã hội vẫn còn thấp. Lúc đó, người ta vẫn chỉ mong có ăn no mặc ấm. Một con người sinh sống chỉ cần đến những thứ thiết yếu là cơm đủ ăn no, vài ba bộ áo quần đủ để mặc, có nhà để ở, có đất để sản xuất…. Theo các nhà kinh tế học đạo đức thì trong bối cảnh kinh tế tự cung tự cấp hay giai đoạn đầu của kinh tế thị trường, con người vốn dĩ chỉ có những nhu cầu cơ bản. Và đó cũng là tiền đề của nền kinh tế hài hòa: hài hòa giữa con người với tự nhiên, hài hòa giữa nhu cầu với năng lực đáp ứng, hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng. Nhưng trong vài thập kỷ gần đây, kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng của con người tăng lên nhanh chóng. Người ta mua sắm các loại hàng hóa mà ít khi quan tâm đến việc có sử dụng hết giá trị của nó không. Các nhà phân tích thị trường xem đây là dấu hiệu của sự thịnh vượng khi mà văn hóa tiêu dùng không ngừng được phát triển và nhu cầu con người được đáp ứng ngày một tốt hơn. Sự bùng nổ của nhu cầu tiêu dùng là cội nguồn của sự thừa thãi, khi mà các nhà cung cấp chỉ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2019 cho hay, sản lượng quần áo toàn cầu đã tăng gấp đôi trong khoảng từ năm 2000 đến năm 2014. Ngành công nghiệp “thời trang nhanh” cũng chịu trách nhiệm cho 20% tổng lượng nước thải toàn cầu. Nguồn VTC News

Một trong những căn nguyên của sự thừa thãi là do sự phân cấp sản phẩm dẫn đến sự chạy đua tiêu dùng. Các sản phẩm tiêu dùng ngày nay chủ yếu chạy đua theo hai hướng. Một là tạo dòng sản phẩm đặc biệt và phân cấp sản phẩm theo các dòng đời từ thấp lên cao. Dễ nhận thấy nhất là các sản phẩm công nghệ cao từ điện thoại thông minh, xe máy, ô tô… Nó tạo ra làn sóng chạy đua lên đời sản phẩm và làm cho người tiêu dùng thay thế thế sản phẩm như là một cách thể hiện bản thân, thể hiện đẳng cấp. Hai là tạo ra đa nguồn mẫu mã và không ngừng thay đổi để người tiêu dùng lựa chọn liên tục và thay đổi. Dễ nhận thấy nhất của xu hướng này là trong lĩnh vực thời trang. Cả hai xu hướng này đều làm cho người tiêu dùng không ngừng mua sắm, thay đổi hàng hóa vượt xa các giá trị sử dụng của hàng hóa đó. Và lâu dài, nó tiềm ẩn nguy cơ của một cuộc khủng hoảng thừa vô cùng nguy hiểm.

Sự chạy đua sản xuất cũng thể hiện các thói quen tiêu dùng theo nhu cầu thể hiện của con người. Hàng ngàn người xếp hàng chờ để mua một chiếc điện thoại Iphone đời mới ra dù trong túi họ vẫn còn một, thậm chí là nhiều chiếc điện thoại Iphone vẫn còn sử dụng rất tốt. Hàng vạn phụ nữ không ngừng đi mua sắm áo quần, giày dép, túi xách không phải vì họ thiếu, mà vì những mẫu mới xuất hiện hấp dẫn hơn. Thói quen mua sắm theo nhu cầu trở thành một hình thức thể hiện bản thân. Và nó kéo con người vào vòng xoáy tiêu thụ không giới hạn được thúc đẩy bởi cái gọi là nhu cầu. Giá trị sử dụng của hàng hóa có thời hạn nhưng nhu cầu tiêu dùng vô hạn và năng lực đáp ứng nhu cầu cũng ngày được nâng cao nên hệ quả là con người tự tạo ra một sự thừa thãi vô cùng to lớn. Liệu mấy ai thấy đau lòng khi mà hàng triệu bộ quần áo, giày dép chất đầy các tủ phải chuyển ra bãi rác chỉ sau vài lần sử dụng?

Người ta thường dễ bị lóa mắt với sự huy hoàng mà văn hóa tiêu dùng đưa lại và lập luận rằng con người ngày càng được đáp ứng nhu cầu tốt hơn là hạnh phúc. Chỉ sợ thiếu chứ sao lại sợ thừa? Nhưng điều đó không đúng. Đó chỉ là một mặt của bức tranh thế giới, vốn từ rất lâu đã tồn tại là bức tranh hai miền sáng tối với một bên là những con người xa hoa, giàu có và một bên là những con người nghèo đói, rách nát. Nên bên kia tiêu dùng thừa thãi bao nhiêu thì bên này lại thêm phần thiếu thốn. Vì như đã nói, chúng ta sống trên một quả địa cầu có giới hạn chứ không phải vô hạn như nhu cầu của con người. Trong khi những người ở đô thị đang chạy đua với các dòng xe ô tô mới, các dòng xe máy mới, lên đời các điện thoại, liên tục thay thế các mẫu mã thời trang mới, bỏ lại sau lưng hàng kho hàng hóa còn sử dụng tốt, thì hàng ngàn người ở miền núi vẫn còn lo đói cơm, thiếu mặc. Hình ảnh những đứa trẻ ăn mặc phong phanh trong cái rét tê tái ở miền núi vẫn xuất hiện khi mùa đông đến. Rồi những bữa cơm thiếu thốn của những lớp học bán trú vùng dân tộc thiểu số…. Mà ngay ở các đô thị lớn, đàng sau những biệt thư sang trọng là những xóm trọ tồi tàn, những khu ổ chuột đói rách. Rộng hơn nữa, trong khi những quốc gia phát triển đầy rẫy thừa thãi thì hàng chục nước châu Phi, châu Á, châu Mỹ vẫn còn có người chết đói, cuộc chiến chống đói nghèo vẫn còn dai dẳng. Nói vậy để thấy, bức tranh tiêu dùng thế giới đang thể hiện sự phân cấp rất rõ ràng và ngày càng chênh lệch. Sự bùng nổ nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung và thượng lưu càng tạo sức ép lớn lên Trái Đất, lên môi trường. Hàng hóa cũ trở thành một đống rác khổng lồ đe dọa cả hành tinh chúng ta. Khi sự tái chế không thể tiêu thụ hết khối hàng hóa cũ thì xuất hiện hàng loạt nghĩa trang rác thải hàng hóa tiêu dùng rất khó xử lý.

Trái Đất và các nguồn tài nguyên quan trọng có giới hạn nên cần phải hạn chế sự tiêu dùng một cách quá lãng phí. Đành rằng pháp luật không nghiêm cấm người ta bỏ tiền ra để mua các hàng hóa mà họ yêu thích. Thậm chí còn khuyến khích tiêu dùng nhiều, mua sắm nhiều để góp phần tăng GPD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng nhìn rộng ra thì điều đó không tốt cho tương lai, thậm chí còn ảnh hưởng xấu. Chúng ta cần một sự tiêu dùng hợp lý, bao gồm hạn chế các nhu cầu quá lãng phí của mỗi người. Nó không phải hạn chế xuống nhu cầu tối thiểu mà là đáp ứng nhu cầu phù hợp và để dành một phần cho những người kém may mắn hơn mình. Nhiều năm nay, không ít người đã bỏ công sức đi thu gom những hàng hóa cũ ở đô thị để chuyển cho những người nghèo ở miền núi, vùng sâu. Điều đó hạn chế được sự lãng phí. Nhưng xét lâu dài đó không phải là cách phù hợp, mà cần từ mỗi con người. Tiêu dùng không chỉ thỏa mãn nhu cầu hiện tại mà còn dành phần cho các thế hệ tương lai, đó là nội dung đang được nhiều phong trào xã hội trên thế giới hướng đến. Chúng ta cũng cần phải suy nghĩ về điều đó và về bản thân. Ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng nếu giảm đi một chút thì vẫn tốt cho cả bản thân lẫn cộng đồng. Vậy nên, có lẽ đã đến lúc con người cần nghĩ đến việc điều chỉnh nhu cầu của mình cho phù hợp: không chỉ phù hợp với túi tiền mà còn phù hợp với trách nhiệm xã hội lâu dài của mỗi con người nữa./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511760

Hôm nay

286

Hôm qua

2337

Tuần này

22134

Tháng này

218633

Tháng qua

121356

Tất cả

114511760