Đất và người xứ Nghệ

Lê Bá Tùng - Từ cậu bé mê tuồng đến Nghệ sĩ Nhân dân

NSND Lê Bá Tùng

Từ năm 2021, ở thành phố Vinh đã có một con đường mang tên Lê Bá Tùng. Thế nhưng, rất ít người biết ông chính là một “Vinh nhân”, nhà ở phố Đệ Tam, gần Chợ Vinh.

Nhiều tài liệu chính thức ghi Lê Bá Tùng sinh năm 1899, nhưng cuốn “Đời tôi trên sân khấu tuồng” (Lê Bá Tùng kể, Thành Đăng Khánh ghi, NXB Văn Hóa, 1977), lại viết năm 1912 ông 15 tuổi. Như vậy, cũng có thể ông sinh năm 1897.

Từ nhỏ, Tùng đã là một cậu bé mê tuồng. Nhà gần rạp tuồng Thái Mộng Đài, là rạp tuồng duy nhất lúc đó ở Vinh, nên cậu gần như suốt ngày đắm mình trong không khí tuồng. Thuở nhỏ Tùng được cha mẹ cho đi học chữ Hán, rồi sau đó học trường tiểu học Pháp - Việt. Mặc dù thông minh, tiếp thu nhanh và sáng tạo, nhưng tuồng đã có từ trong máu, nên cậu chỉ tìm cách học cho nhanh, thậm chí trốn học để xem tuồng và tập theo các vai diễn trên sân khấu. Đến nỗi, mẹ cậu có lần đã dong cậu đi khắp phố để cho cậu xấu hổ mà bỏ tuồng. Thế nhưng, chứng nào tật ấy cậu vẫn chỉ có tuồng! Không chỉ lúc trẻ con, mãi sau này, khi đã được đích danh Công sứ Vinh và Tổng đốc Nghệ An cử giữ chức phố trưởng phố Đệ Tam (cho nên mới có biệt danh “Chánh Tùng”), ông cũng vì tuồng mà bỏ cả chức vụ.

Mười một, mười hai tuổi cậu đã lập “gánh hát” trẻ con đi diễn. Năm 1912, vừa tốt nghiệp tiểu học thì cha mất. Mẹ gửi cậu cho một người bạn rồi ra Bắc làm ăn. Cậu xin được một công việc khá nhàn hạ là kéo quạt cho nhà một ông xếp Ga Vinh. Có tiền lương, cậu dành dụm mua nhiều sách để đọc. Cậu lại có sáng kiến chuyển việc kéo quạt từ tay xuống chân, để tay dễ cầm sách mà đọc. Công việc đang ổn, thì Tùng nghe tin ở Vườn hoa Bưu điện có gánh hát tuồng toàn bọn trẻ trạc tuổi cậu mới lập. Thế là bỏ luôn nghề kéo quạt, cậu gia nhập ngay gánh tuồng. Gánh hát của cậu nhanh chóng lọp vào mắt vị quan án sát Hồ Quý Thiều. Không chỉ mê tuồng, ông Thiều còn là một nhà biên kịch tuồng nổi tiếng miền Trung khi đó. Ông Thiều đứng ra bảo trợ cho gánh hát và đón Tùng về ở trong nhà. Đặc biệt, ông Thiều còn mời ông Đinh Văn Xuân về dạy tuồng một cách bài bản cho cả gánh hát của Tùng. Ông Xuân nguyên là một kép hát trong gánh tuồng của Đào Tấn, trong thời gian cụ làm Tổng đốc Nghệ An. Khi Đào Tấn chuyển về triều đình Huế, ông Xuân xin ở lại Vinh. Sẵn có năng khiếu, giàu đam mê, lại được học nghề một cách bài bản từ ông thầy giỏi suốt bốn năm, tài năng của Lê Bá Tùng thật sự được chắp cảnh để bay cao, bay xa.

NSND Lê Bá Tùng trong một vai tuồng

Sau 4 năm miệt mài học tập, ông đầu quân vào Đoàn Tuồng Vĩnh Tường Long ở Vinh rồi vào Huế hát cho gánh hát Phượng Lâu, gánh Bang Hồ; ra Phủ Lý (Hà Nam) hát cho gánh Tụ Châu; vào Thọ Xuân (Thanh Hóa) hát cho gánh Viên Quảng; vào Vinh hát cho gánh Sinh Châu của Ông Đặng Bá Tạo; có lúc lại vào Đà Nẵng diễn cho gánh của ông Phó Phẩm; lên Đà Lạt hát cho gánh Năm May; đi Savanakhet diễn cho gánh Thái Mộng Đài… Trong suốt gần 50 năm trên sân khấu tuồng, ông đã diễn gần 90 vai tuồng khác nhau. Trong cuốn Tự điển Nghệ thuật Hát bội Việt Nam, GS Nguyễn Lộc đã viết về NSND Lê Bá Tùng như sau: “… có giọng hát cao, múa đẹp, điểm đặc biệt là ông diễn theo phong cách Huế - Liên khu V hoặc phong cách tuồng Bắc đều nhuần nhuyễn không pha trộn…”.

Năm 1959, Trường Sân khấu Trung ương được thành lập, mặc dù đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn được điều ra giảng dạy tại trường. Năm 1968, khi đã 70 tuổi, ông mới nghỉ hưu. Nghỉ hưu, ông về lại Thái Hòa và tiếp tục dàn dựng, dạy nghề, gây dựng phong trào tuồng cho các đơn vị, địa phương. Năm 1984, ông qua đời khi đang dàn dựng một vở tuồng cổ cho đội văn nghệ huyện Nghĩa Đàn.

Năm 1997, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân.

Mặc dù các con ông không theo nghề tuồng, nhưng dòng máu nghệ sĩ của ông thì dường như vẫn không ngừng chảy trong huyết quản họ. Chúng ta có thể cảm nhận thấy điều đó trong những bức ảnh miền Tây Nghệ An của nhà báo Lê Bá Liễu, hoặc những vần thơ như vọng về từ cõi tâm linh của nhà báo, nhà thơ Lê Bá Dương:

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm!

Lê Bá Tùng, đúng là một nghệ sĩ đích thực, trọn đời sống chết với nghệ thuật tuồng.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444118

Hôm nay

260

Hôm qua

2309

Tuần này

21931

Tháng này

219292

Tháng qua

112676

Tất cả

114444118