Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Nghệ An giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng - vừa là hậu phương lớn, vừa là tiền tuyến bền gan vững chí. Là căn cứ địa vững chắc của Quân khu 4, tỉnh Nghệ An không chỉ kiên cường chống trả những trận mưa bom, bão đạn của không quân Mỹ tại các “tọa độ lửa” ác liệt, mà còn trở thành trung tâm chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, truyền thống cách mạng Xô viết và chủ nghĩa anh hùng cách mạng được hun đúc thành “thế trận lòng dân” vững chắc, huy động toàn bộ nguồn lực của địa phương cho nhiệm vụ thiêng liêng: xây dựng hậu phương vững mạnh, giữ vững mạch máu giao thông chiến lược, tiếp sức kịp thời cho tiền tuyến lớn của cả nước.
Biểu tượng hậu phương lớn trong kháng chiến chống Mỹ
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng bất khuất và chủ nghĩa anh hùng thời đại Hồ Chí Minh. Với vị trí chiến lược đặc biệt, vừa là hậu phương vững chắc, vừa là tuyến đầu trong thế trận phòng không, Nghệ An đã trở thành biểu tượng tiêu biểu cho hậu phương lớn của cả nước, nơi hội tụ ý chí, sức mạnh và khát vọng thống nhất non sông.
Trong khói lửa chiến tranh ác liệt, toàn quân và dân Nghệ An đã biến đau thương thành hành động, biến thử thách thành động lực cách mạng. Bằng tất cả lòng yêu nước và tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Nhân dân Nghệ An kiên cường bám đất, bám làng, kiên quyết giữ vững mạch máu giao thông huyết mạch của Tổ quốc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Phong trào thi đua yêu nước lan tỏa mạnh mẽ, tạo thành cao trào hành động cách mạng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Nhiều mô hình, phong trào tiêu biểu ra đời và trở thành động lực tinh thần to lớn: “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay búa tay súng”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”… đã in đậm dấu ấn trong lịch sử kháng chiến. Quân và dân Nghệ An đã huy động toàn bộ sức lực, trí tuệ, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: giữ vững giao thông vận tải thông suốt, chi viện tối đa, kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Với vị trí chiến lược, Nghệ An trở thành trung tâm trung chuyển quan trọng, hội tụ các tuyến giao thông huyết mạch như đường sắt Thống Nhất, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, quốc lộ 7, quốc lộ 15A và cầu Bến Thủy. Các bến cảng, kho tàng được xây dựng khẩn trương để tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào Nam; hệ thống hầm trú ẩn, trận địa phòng không được bố trí khoa học nhằm bảo vệ an toàn các tuyến vận tải trọng yếu.
Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, quân dân Nghệ An vừa chiến đấu ngoan cường, vừa tổ chức vận tải hiệu quả: huy động 38.367.834 ngày công, vận chuyển 7.310.000 tấn hàng; xây dựng 11.622km hào giao thông, 1.097.008 hầm chữ A, 2.305.555 hố cá nhân, 3.346 hầm cất giấu thuyền, 533 âu dấu xe, 193.335 hầm công sự, kho tàng và 106.364 nhà hầm, nhà âm đắp lũy. Chỉ riêng trong giai đoạn 1965 - 1972 - những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh phá hoại, Nghệ An đã huy động 139.570 người trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có hơn 103.000 bộ đội chủ lực và địa phương, hơn 11.500 thanh niên xung phong không ngại hy sinh gian khổ, gần 25.000 dân công hỏa tuyến ngày đêm cõng gạo, chuyển đạn. Từ hậu phương, Nghệ An vươn mình trở thành trung tâm trung chuyển lớn, vận chuyển hơn 7,31 triệu tấn hàng hóa chi viện cho tiền tuyến, huy động tới 38,36 triệu ngày công, xây dựng hơn 11.600 km hào, 1,09 triệu hầm chữ A - những con số cho thấy sức mạnh bền bỉ, ý chí sắt đá và tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Dù là trọng điểm đánh phá của không quân và hải quân Mỹ, nhưng sản xuất nông nghiệp của Nghệ An vẫn được duy trì và phát triển ổn định. Những cánh đồng vẫn xanh mướt, những mùa vàng vẫn bội thu. Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, tỉnh vẫn chi viện cho miền Nam hơn 6 triệu tấn lương thực, 300 tấn thực phẩm; năm 1972 có tới 6 huyện đạt năng suất 5 tấn/ha - một kỳ tích chưa từng có trong hoàn cảnh chiến tranh, thể hiện sức sáng tạo và tinh thần vượt khó phi thường của nhân dân Nghệ An.
Một số hình ảnh về Nghệ An trong kháng chiến chống Mỹ
Không chỉ giữ vai trò là hậu phương lớn, Nghệ An còn trực tiếp trở thành chiến địa khốc liệt, nơi quân và dân anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công vang dội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nghệ An đã kiên cường chống trả, bắn rơi 553 máy bay - xếp thứ hai toàn miền Bắc, bắn cháy và bắn chìm 36 tàu chiến, tàu biệt kích - đứng thứ tư toàn miền. Những con số ấy là minh chứng hùng hồn cho tinh thần “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, cho ý chí thép đã làm phá sản mọi âm mưu và chiến lược của đế quốc Mỹ. Nhiều địa danh trên đất Nghệ An đã đi vào lịch sử như những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Phà Bến Thủy - nằm trên trục Quốc lộ 1A, tuyến giao thông huyết mạch nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam - giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, phương tiện, vũ khí vào chiến trường. Đây cũng là mục tiêu đánh phá dữ dội của không quân và hải quân Mỹ nhằm cắt đứt tuyến tiếp viện của ta. Cùng với đó, Truông Bồn - được mệnh danh là “tọa độ lửa” - nằm tại điểm nút then chốt của các trục vận tải chiến lược như km số 0 đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, đường 7, đường 34, trở thành tâm điểm đánh phá ác liệt. Địch ngày đêm trút bom đạn với âm mưu biến nơi đây thành “tọa độ chết”. Nhưng bất chấp hiểm nguy, hàng trăm chiến sĩ, dân quân, thanh niên xung phong đã ngã xuống để bảo vệ mạch máu giao thông chi viện cho miền Nam ruột thịt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hơn 45.000 người con ưu tú của quê hương Nghệ An đã ngã xuống, hàng ngàn bà mẹ, người vợ tiễn chồng, con, em ra trận và mãi mãi không trở về. Những hy sinh lớn lao, những đóng góp âm thầm mà vĩ đại ấy đã góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975 - thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.
Nghệ An - với truyền thống cách mạng kiên trung, với ý chí sắt đá và tinh thần “toàn dân đánh giặc”, mãi mãi là biểu tượng cao đẹp của hậu phương lớn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là niềm tự hào và nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ hôm nay và mai sau trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kế thừa giá trị truyền thống và khát vọng đổi mới
Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 - biểu tượng chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, không chỉ khép lại một thời kỳ chiến tranh đau thương, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, cho dân tộc và cho từng vùng quê như Nghệ An - nơi được mệnh danh là "quê hương Xô viết anh hùng", là chiếc nôi sản sinh những người con ưu tú cho Tổ quốc. Từ truyền thống kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc đến tinh thần đổi mới và hội nhập trong xây dựng và phát triển, Nghệ An đã và đang chứng minh khả năng vận dụng sáng tạo những bài học từ lịch sử vào thực tiễn hôm nay.
Nhìn lại chặng đường kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, quân và dân Nghệ An đã nêu cao tinh thần yêu nước nồng nàn, huy động cao nhất sức người, sức của, đóng góp to lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những hy sinh âm thầm mà vĩ đại của quê hương Xô viết anh hùng không chỉ là niềm tự hào chính đáng, mà còn trở thành nền tảng tinh thần vô giá, hun đúc nên bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường.
Điểm số 7 trụ cột trong khung Chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh Nghệ An năm 2024
Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với cả nước, Nghệ An đã nỗ lực vượt khó, huy động mọi nguồn lực để tái thiết và phát triển quê hương. Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, thiếu lương thực, đến nay Nghệ An đã cơ bản bảo đảm an ninh lương thực và có sản phẩm xuất khẩu. Năm 2024, tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,01%, xếp thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 13 cả nước; thu ngân sách nhà nước vượt 160% dự toán; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,9 tỷ USD. Đặc biệt, thu hút FDI đạt 1,75 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay, đưa Nghệ An 3 năm liên tiếp nằm trong top 10 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh với trên 79% số xã đạt chuẩn, nhiều xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu khu vực; chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước. Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua đã khẳng định vị thế ngày càng rõ nét của Nghệ An trong khu vực Bắc Trung Bộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Sự chuyển mình mạnh mẽ về quy hoạch, đầu tư, hạ tầng, nhân lực và chuyển đổi số đang tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục - khoa học và công nghệ của vùng vào năm 2030. Xa hơn, theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2045, Nghệ An phấn đấu trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện và hiện đại; là một cực tăng trưởng quan trọng ở Bắc Trung Bộ, nơi hội tụ đầy đủ giá trị văn hóa - lịch sử - cách mạng, được bảo tồn và phát huy; đời sống nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững; hệ thống chính trị vững mạnh và khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố.
Một số hình ảnh về thành tựu đổi mới của Nghệ An
Muốn hiện thực hóa khát vọng ấy, đòi hỏi Nghệ An phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng, tinh thần trách nhiệm và tính tiên phong của đội ngũ cán bộ; đồng thời xây dựng mạnh mẽ văn hóa đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Trong đó, yếu tố con người - với bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dấn thân và lòng yêu nước sâu sắc - vẫn là trung tâm của mọi chiến lược phát triển. Với Nghệ An, sức mạnh của truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết bền chặt và nền văn hóa đặc sắc, giàu chiều sâu - kết tinh qua các giá trị lịch sử, cách mạng và nhân văn - chính là nền tảng tinh thần vững chắc để bứt phá trong thời đại mới. Đó là thứ tài sản vô giá mà các thế hệ người xứ Nghệ đã hun đúc và gìn giữ, từ trong những năm tháng chiến tranh gian khổ cho đến hành trình dựng xây quê hương hôm nay. Từ bản hùng ca của quá khứ đến bản giao hưởng phát triển trong tương lai, hành trình của Nghệ An chính là minh chứng sinh động cho một chân lý: “Truyền thống là động lực để phát triển”. Trong thời đại của hội nhập và chuyển đổi, tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt” năm xưa cần được kế thừa và phát huy thành tinh thần “tất cả vì sự phát triển phồn vinh, bền vững và giàu bản sắc của quê hương, đất nước” hôm nay. Đó không chỉ là sự tiếp nối truyền thống, mà còn là cách để mỗi người dân xứ Nghệ sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước, góp phần viết tiếp những trang sử vẻ vang trong thời kỳ mới - trên mặt trận xây dựng, bảo vệ và phát triển Tổ quốc trong hòa bình, ổn định và hội nhập sâu rộng với thế giới./.
246
2263
21958
223541
129483
114565017