Những góc nhìn Văn hoá

Bóng thơ qua cửa sổ (Chuyện... về ngày thơ Việt Nam)

1. “…mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi…”[1]

Cách đây gần chục năm, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có ý tưởng, rồi tâm huyết xây dựng dự án tổ chức Ngày Văn học nhằm tôn vinh các giá trị văn chương, đưa văn chương đến với đông đảo công chúng. Song do gặp khó khăn trong cách thức thực hiện một Ngày Văn học có quy mô tôn vinh đủ các thể loại văn chương, cuối cùng Ngày Văn học to lớn, đẹp đẽ đến thế đã bị thu gọn thành Ngày Thơ Việt Nam.

Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức thường niên, lúc đầu hứa hẹn sẽ hình thành được một mỹ tục mới, sẽ nâng cao chất lượng sáng tác thơ và phê bình thơ, sẽ tạo ra sự gắn kết giữa các thế hệ và nhân rộng các sinh hoạt văn hóa lành mạnh.
Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức lần thứ nhất năm 2003 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, mở đầu bằng lễ kéo lá cờ thơ, sau đó có các tiết mục đọc thơ, ngâm thơ, bình thơ, giao lưu thơ... Ngày Thơ lần I do có tính chất thử nghiệm, nên còn sơ sài và lộn xộn. Ban Tổ chức phải ra nhận lỗi trước khán giả yêu thơ. Sự kiện Ngày Thơ Việt Nam lần I đã bước đầu cho chúng ta thấy, quan điểm chọn nơi đào tạo và vinh danh các hiền tài của cả nước chưa chắc đã bảo lãnh được cho thơ. Chẳng phải cứ đem thơ ra đọc ngâm, trình diễn ở sân Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hoặc cứ tổ chức các hoạt động, chương trình trong lễ hội thơ cho thật trang trọng thì thơ ca sẽ trở nên có giá trị hơn, có sức sống lâu bền hơn và thiêng liêng hơn. Cũng không phải chỉ những bài thơ nào đã được xướng lên ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám mới được công chúng sau này tôn vinh, mới diễn tả được ý nghĩa tôn vinh thơ thực sự.
Ngày Thơ lần thứ hai (2004) có đổi mới hơn một chút, song vẫn có nhiều sự cố. Chẳng hạn lá cờ Thơ “có diện tích bề mặt khá to còn cán thì nặng đến mức Hội Nhà văn Việt Nam phải chở ôtô tải vì khiêng không nổi… nhà thơ Cù Huy Cận, đại diện cho các nhà thơ Việt Nam, thì tuổi đã ngoài 80 và sức khoẻ không tốt nên khó có thể kéo được cờ thơ”[2]. Ông Cao Tiến Lê, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam giải thích Ngày Thơ lần 2 không có các thiếu nữ thả thơ happy new year lên trời vì do Ban Tổ chức sợ “những lời gan ruột của các nhà thơ” sẽ rơi xuống những “nơi môi trường ô nhiễm”. Ở diễn đàn Hội thảo Thơ Việt Nam truyền thống và đổi mới chỉ thấy cất lên tiếng nói độc thoại của các nhà thơ thuộc thế hệ già, chẳng có nhà thơ trẻ nào góp dăm ba tiếng nói chung vui hoặc có mặt để… một lần nữa khẳng định, bênh vực những nỗ lực tìm tòi, đóng góp của thế hệ mình. Ngày Thơ lần II được tổ chức một cách “cơ động – linh hoạt”, rất đúng kiểu cái này phình ra, cái kia dẹt lại, ban đầu định thế này rồi cuối cùng thành thế khác. Công chúng chưa quan tâm nhiều đến các ấn phẩm văn học. Các “người thơ” cũng dành tình cảm nhiều hơn cho…mục kết nạp hội viên. Ngày Thơ lần 2 cả âm nhạc và thơ ca trở về các cơ sở. Hội Nhà văn có công văn hướng dẫn các Hội VHNT địa phương triển khai hoạt động ngày thơ ở trường học, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa thành phố hoặc ở các di tích lịch sử địa phương, có cả kế hoạch - chủ trương đưa các nhà thơ hội viên trung ương về các hội VHNT ở địa phương sinh hoạt ngày thơ trang trọng. “Nhà thơ Vũ Quần Phương sẽ về Nam Định, nhà thơ Phạm Tiến Duật về Phú Thọ, các nhà thơ quân đội sẽ lên Điện Biên Phủ...” (Thế Lê Vinh).
Ngày Thơ lần thứ ba (2005) có chủ đềĐất nước, thơ ca và truyền thống, bản sắc văn hóa, dân tôc". Ban Tổ chức rút kinh nghiệm năm trước, bỏ hình thức hội thảo, giảm bớt tính trang trọng, nghiêng về tính chất hội hè, sân khấu. Đến đây các chương trình biểu diễn, trình diễn thơ đã bắt đầu chiếm ưu thế. Sân Thơ đã được phân hóa và trẻ hóa, đã có sân thơ dành cho các nhà thơ thành danh, có sân thơ dành cho các thi sĩ trẻ. Ban Tổ chức chương trình Ngày thơ chắc vì đã hết sợ hãi các câu thơ được thả lên giời sẽ rơi xuống những vùng ô nhiễm nên lại quyết định cho các giai nhân thả thơ, đáng tiếc rằng bóng bay thơ năm ấy bay quá thấp vì bị mắc lại trên cây. Công chúng yêu thơ chưa hài lòng về Ngày Thơ. Sách văn học còn ế ẩm. Báo chí thêm lần nữa mở mắt ghi nhận thành quả xã hội hóa văn học và sự phai nhạt nhanh chóng của Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miêu - Quốc Tử Giám.
Rõ ràng lễ hội thơ mới được người ta đặt ra những năm gần đây chứ không phải phục dựng truyền thống. Đáng lẽ Ban Tổ chức cần nghiên cứu kĩ lưỡng nội dung, diễn trình và hình thức thể hiện thì họ lại cứ phải vội vã, gấp gáp liên miên. Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội  thơ ngày càng được sân khấu hóa quá đà, được hiện đại hóa quá mức… ít nhiều đã gây ra phản cảm và làm giảm giá trị tinh thần, đẹp đẽ của thơ văn. Báo chí đã lên án nhiều lễ hội ở ta đang bị biến tướng, có nhóm người này nhóm người khác lợi dụng thương mại hóa, họ nhìn đâu cũng ra dịch vụ, biến không gian lễ hội thành “một trung tâm” buôn bán. Lễ hội thơ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có hiện tượng đó không? Có ai mua bán sự tôn vinh, mua bán lòng yêu thơ không? Ngày Thơ lần 1 coi sóc phần lễ, chưa chú trọng phần hội. Chưa vui. Ngày Thơ lần 2 phần lễ chưa tốt, tính chất hội hè đã tăng. Có buồn nhưng vui nhiều hơn một chút. Ngày Thơ lần 3 phần hội hè đã trở thành một chủ trương rõ rệt. Đông vui, náo nhiệt hẳn lên…
Ngày Thơ lần thứ 4 (2006) có chủ đề Đất nước và mùa Xuân, cách thức tổ chức “chuyển mạnh sang lễ hội… công chúng đến với ngày thơ được sống trong không khí lễ hội chứ không chỉ là những buổi hội thảo, những bài tham luận khô cứng” (Hữu Thỉnh). Sân bái đường và sân Thái học trong Văn Miếu vẫn tiếp tục đánh dấu sự hiện diện của hai thế hệ, song song hai chương trình hội thơ. Sân khấu dành cho các nhà thơ đã thành danh có hoạt động “đọc thơ trên nền nhạc, thả thơ, thi câu đối, biểu diễn thư pháp, lẩy Kiều, đọc thơ trào phúng, ngâm thơ cổ”. Sân thơ dành cho các nhà thơ trẻ có các cây thơ, các hoạt động giao lưu thơ, đọc thơ, đính dán, gán ép các nhãn mác thơ cho những câu chữ bình thường, giải thích sự sáng tạo ra những bức chữ xưa nay chưa từng có. Ngày Thơ lần thứ 4 còn có nhiều thân nhân, bạn hữu của các người thơ tham dự. Các hội viên mới ngập tràn cảm giác hạnh phúc vì được các người thân và đồng nghiệp ào lên sân khấu ôm hôn, nhốn nháo tặng hoa chúc mừng (Lưu Hà). Các nhà thơ trẻ có thân nhân cùng đi thì được hỗ trợ nhiệt tình ở khâu quảng cáo và thu tiền bán các sản phẩm thơ. Chủ trương tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vẫn chủ yếu hướng đến sự đông vui, sự “hòa trộn” của nhiều giọng, nhiều người, cung cấp đại trà nhiều thực đơn… để các khán giản, độc giả đã mắt.
Có phú quý chưa chắc đã sinh ra thơ văn. Song thơ văn nhiều thì chắc nhiều phần trăm đã sinh ra lễ hội. Lễ hội thơ của Việt Nam đâu chỉ có đọc thơ, ngâm thơ, bình thơ, đố thơ, thả thơ, đánh giá, ngẫm ngợi về thơ… mà còn có nhiều “dịch vụ ăn theo”[3], dịch vụ hỗ trợ. Dịch vụ ăn theo, dịch vụ hỗ trợ ở ngày thơ liệu có xu hướng tăng không? Có thể sẽ tăng nếu người ta mở rộng phần hội, thu hẹp phần lễ, nếu người ta cố tình “sân khấu hóa” sự tôn vinh, ca ngợi những chân giá trị văn học cùng với hội hè hóa sự quảng cáo, và lăng xê các phế phẩm văn chương. Để dự được Ngày Thơ Việt Nam và một số lễ hội đã bị biến dạng khác có lẽ càng ngày người ta càng cần phải dư dả thời gian và tiền bạc…
Ngày thơ lần thứ 5 (2007) được Ban Tổ chức hứa hẹn sẽ tổ chức hoành tráng theo chủ trương thu hẹp phần lễ, mở rộng phần hội, có giao lưu thơ, có thi trắc nghiệm thơ, chơi thơ, có hoạt động khai bút, khai dấu long trọng để…làm kỉ niệm. Rồi ngày hẹn của nàng Thơ đến, người xem chờ mãi cũng chẳng thấy có hoạt động khai bút trên dải lụa trắng nào cả. “Trên sân Thái Miếu, Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam dường như quá vội vã với thơ, nhưng lại thư thả, rông dài với âm nhạc và những thủ tục hành chính” (Hà Linh). Các sân thơ tiếp tục được phân hóa. Sân thơ già nghiêng về hoài cổ. Sân thơ trẻ dành một phần cho các nhà thơ già, và trung niên thi sĩ nhưng cơ bản vẫn thiên về thể nghiệm những lối mới được du nhập. Sân thơ trẻ thay các cây thơ bằng các poster, sơ đồ sân thơ trẻ quá ư rắc rối, nội dung có trình diễn, có sắp đặt và có cả màn các nhà thơ trẻ trình bày những nhận định của mình về thơ và các nhà thơ lớp trước. Ngày Thơ lần thứ 5 ghi thêm vào lịch sử nhiều sự cố, cùng những tiếng ồn và sự lộn xộn. Phan Huyền Thư bị tố giác đạo văn. 100 bài thơ hay nhất thế kỉ 20 được vinh danh trong Ngày Thơ tại Văn Miếu đã nạp cả những bài thơ chưa xứng đáng, “chưa chính xác”, chưa rõ ràng về tiêu chí.. nên không khỏi khiến nhiều người thất vọng… Chỉ tính riêng sự kiện 100 bài thơ được vinh danh đêm Nguyên tiêu đã cho chúng ta thấy có rất nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Ông Chủ tịch Hội Nhà văn nói rằng: “Tôi nghĩ chọn bài thơ hay mà do Hội Nhà văn tổ chức thì phải vô cùng thận trọng bởi chọn thơ hay cho một thế kỷ đâu phải đơn giản. Nếu thực hiện, chúng tôi không thể làm ngẫu hứng được, mà phải lập một hội đồng, trong đó có đại diện là nhà thơ nhiều thế hệ, nhà lý luận phê bình... đại diện cho nhiều kênh để có thể thẩm định được”. Ông Vũ Quần Phương bảo: “Doanh nhân chọn thơ chắc chưa giỏi bằng chọn hàng. Đây là điểm chúng ta nên chú ý để người đọc thơ biết được mỗi giới sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Tôi tin đây là điều rất có ích để tham khảo xem từng giới đến với thơ như thế nào. Tôi có nói với anh Phạm Tiến Duật - một trong hai người sẽ phụ trách đêm thơ, phải nói rõ ra đây là những bài thơ do giới nào chọn để tránh nhầm lẫn bởi mỗi ngành chọn thơ sẽ có những điểm khác nhau. Nếu người làm giáo dục, họ sẽ chọn theo cách phù hợp với sự giáo dục con người. Người làm thơ sẽ chọn những tác phẩm phục vụ cho sự mở rộng hình thức, cách tân nội dung, những câu lạc bộ thơ có thể chọn theo một cách khác... Theo tôi, sự bình chọn này chưa thể coi là tiêu biểu cho ngày thơ được. Bình chọn 100 bài mà chỉ công bố miệng chắc tầm ảnh hưởng cũng không có mấy. Những người chọn thơ trong công việc kinh doanh sẽ khác với người làm trong Hội Nhà văn chọn lựa. Vì thế tôi sẽ không kinh ngạc lắm nếu sau khi công bố sự bình chọn này có nhiều ý kiến khác nhau”[4]. Có thể ngẫm ý kiến của ông Chủ tịch Hội Nhà văn qua những gì mà Ngày Thơ Việt Nam đã làm được. Có thể cũng thôi không cần nhớ đến ý kiến của ông Vũ Quần Phương nữa nếu các thành viên tham gia chấm thơ, chọn thơ chỉ có doanh nhân, người làm giáo dục chẳng liên quan gì đến văn chương, chẳng phải hội viên, nhà văn này, nhà thơ nọ… Chúng tôi muốn nhắc lại, ban chung khảo cuộc thi thơ đó gồm có nhà thơ Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Bằng Việt, Gs Nguyễn Đăng Mạnh…
Ông Vũ Quần Phương trước đó đã đánh giá một chặng đường Ngày Thơ Việt Nam rất vui vẻ: “Năm nay (2007), vừa là mốc đánh dấu 5 năm ra đời và hoạt động rất hiệu quả của Ngày thơ Việt Nam Năm nay, vừa là mốc đánh dấu 5 năm ra đời và hoạt động rất hiệu quả của Ngày thơ Việt Nam đồng thời cũng là năm kỷ niệm tròn 50 năm ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam do vậy Ngày thơ mang tính chất đặc biệt hơn hẳn. Đến thời điểm này, mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất với các hoạt động phong phú, nội dung được cải tiến nhẹ nhàng, phù hợp tâm thế ngày xuân của các văn bút. Ngày thơ Việt Nam lần này không chỉ diễn ra vào buổi sáng như nhiều năm trước, mà sẽ được tổ chức cả 3 buổi sáng - trưa - tối tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám[5], “năm nay… lần đầu tiên, Ngày thơ Việt Nam sẽ có chương trình “Đêm thơ thế kỷ” do nhà thơ Phạm Tiến Duật cùng nhà văn Lê Lựu chủ trì, dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp…”[6]. Sau đó ông chỉ trích “sự kiện – chương trình” đêm Nguyên tiêu đến tệ. Hóa ra, ông Vũ Quần Phương nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong.
Ngày Thơ lần thứ 6 (2008) cũng chia sân thơ làm hai, sân thơ già và sân thơ trẻ. Các hoạt động thường niên của Ngày Thơ vẫn được duy trì, gồm những: đọc thơ, ngâm thơ, đối thơ, trình diễn thơ… Sân khấu trình diễn thơ gây ấn tượng quá đặc biệt, có cả nhà thơ già tham gia, có biểu diễn breakdance đầy tính “hiphop”, có biểu diễn hình thể, có hát ca trù, hát xẩm, hát văn; có kịch câm, múa rối, có tiết mục người diễn mặc quần jean áo nâu trầm, có tiết mục trình diễn áo the khăn xếp, còn có áo tứ thân, compờlết… Sân Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thêm một phen quá tải, nháo nhào, ối a nữa. Nhà thơ Vũ Quần Phương nói: "Không dễ gì để tạo ra được một hình thức hoàn toàn đột phá trong khâu tổ chức. Dựa trên những nội dung đã có, chúng tôi cố gắng tạo ra một cuộc hội ngộ của những người yêu thơ trong không khí những ngày xuân". Có lẽ cho đến bấy giờ ông Vũ Quần Phương đã cảm nhận được sự lặp lại nhàm chán và rất ít hiệu quả của Ngày Thơ Việt Nam. Ngày Thơ lần thứ 6 cũng ghi lại sự kiện ầm ĩ về Thơ Trần Dần. Tôn vinh thơ ư? Chuyện đó chưa quan trọng bằng hội hè. Ông Vũ Quần Phương đã từng bảo rõ ràng rằng:“Ngày thơ Việt Nam theo tôi cần phải nhìn nhận giống như một lễ hội dân gian. Như hội Gióng, hội đền Cổ Loa, chẳng hạn năm nào cũng được tổ chức và ngày một tưng bừng náo nhiệt hơn với đủ mọi trò chơi như đánh cờ, chọi gà, kéo co... mà chẳng liên quan gì tới Thánh Gióng hay Thục An Dương Vương cả. Thế nhưng người tham dự hội vẫn rất đông, đều vui vẻ. Ngày hội của Thơ cũng vậy. Nếu để ngâm thơ, ngẫm ngợi thơ thì thà rằng người nào về nhà người nấy, chọn nơi yên tĩnh để thưởng thức là thích hợp hơn cả còn đến với hội thơ mọi người sẽ được giao lưu, được tiếp cận thơ với góc nhìn mới đời thường và dung dị hơn”[7]. Đại ý ông Vũ Quần Phương bảo đến dự Ngày Thơ Việt Nam mà để “ngẫm ngợi thơ” thì thà rằng cứ ở nhà. Có lẽ ông ấy nói vậy cho vui, cho nó đúng vẻ hội hè, cho nó ra cái nghĩa giải trí náo nhiệt chứ thật ra ông ấy còn báo rõ một tin vui sau đó nữa cơ mà: “Tại Ngày thơ Việt Nam năm nay còn có một cuộc họp gặp mặt đầu năm của các nhà thơ sống ở Hà Nội và các vùng phụ cận. Tại đây, làng thơ sẽ cùng nhau trao đổi về những vấn đề hiện đang được coi là nổi “cộm” như: “Thơ bây giờ nên mừng hay lo?”; “Làm thế nào để bình chọn được những tập thơ hay”; “Nâng cao mối liên hệ giữa tác giả và độc giả bằng cách nào?”…Chừng ấy phát ngôn, sự kiện đã đủ sáng rõ về mục đích, cách thức tổ chức và ý nghĩa của Ngày Thơ Việt Nam rồi!
Ngày thơ lần thứ 7 (2009) cơ bản giữ chương trình hội thơ cũ. Cũng có trống khai hội, có các tiết mục rước kiệu thơ, đọc thơ, ngâm thơ, thả thơ,…Sân thơ già có các cây thơ trưng bày thơ viết về Trường Sơn. Sân thơ trẻ hợp tụ những gương mặt thơ mới và có chút còn non theo chủ đề Thơ Trẻ 360 độ, các nhà thơ trẻ xuất hiện trên sân khấu đọc thơ tương tác. Cuộc thơ lần 7 cũng đã sớm loãng nhạt, báo chí ghi nhận có “nhiều người đã bỏ về giữa chừng hoặc quay sang chụp ảnh kỷ niệm, mua sách và gặp gỡ bạn bè”, nhiều câu thơ do Ban Tổ chức Ngày Thơ chọn thả lên giời trích dẫn sai và chưa đặc sắc.
Ngày thơ lần thứ 8 (2010) diễn ra trong ba ngày, “Ban Tổ chức đã thuê hẳn một công ty bảo vệ chuyên nghiệp để giữ an ninh, trật tự cho ngày hội, đảm bảo cho việc trình diễn sân khấu thơ được trang nghiêm”. Ngày Thơ năm nay có chủ trương đánh động niềm yêu thơ của sinh viên qua chung khảo thơ sinh viên; có các sinh viên tình nguyện sẵn sàng cản bất kỳ du khách nào muốn sờ đầu cụ rùa và… soi ra thơ in sai[8], có sân thơ quốc tế, sân thơ thiếu nhi mừng Thăng Long nghìn năm tuổi; có lễ “cầu siêu” cho các nhà thơ, nhà văn đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tại chùa Quán Sứ; có triển lãm “trăm” miền thơ một cách đơn điệu và chiếu lệ dọc lối ra vào; có triển lãm thơ còn ít nhiều cẩu thả trên gốm sứ chung quanh hồ Thiên Quang trước cổng nhà Thái Miếu, ở triển lãm này du khách có vẻ chăm chú xem gốm hơn xem thơ được chọn nung qua lửa[9]; có bày bán nhiều cuốn tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập thơ, ngoài ra có cả sách… “Bệnh phụ khoa, cách phòng chữa”, sách sức khỏe tình dục… và mật gấu giảm giá[10], có bán thêm tranh cổ điển lại có cả kí họa chân dung. Sân thơ chính có cả lễ rước lửa giống Olympic từ Đền Hùng, rước Chiếu dời đô, có trình diễn thơ các nhà thơ cổ điển, có lễ thả các bóng bay thơ happy new year sau khi ông Vũ Quần Phương đứng ra xin lỗi các danh nho vì bản dịch một câu thơ cổ chưa chuẩn... Sân thơ trẻ có trình diễn thơ, thơ sắp đặt, thơ truyền thống. Các nàng Thơ được vật chất hóa, hữu hình hóa, được dán lên xe máy, được treo mắc trên tường, được đặt bày dưới đất…nói chung ở đâu cũng có thơ, cũng có sự diễn giải hoặc đặt định các câu chữ tách dòng thành thơ. Ban Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm nay cũng lại nói lời muôn năm cũ rằng - vì thời gian gấp gáp cho nên ý tưởng ban đầu thế này rồi sau thay đổi thế nọ: dự kiến khắc thơ bằng tay sau thì in đề can dán lên những chiếc bình, đĩa, lọ gốm; dự định làm khoảng 1000 sản phẩm gốm sau do các nghệ nhân Bát Tràng làm cũng không tránh khỏi méo mó nên đành rút xuống một nửa[11]; dự kiến có màn múa thơ hoành tráng phục vụ người yêu thơ song do quá đắt tiền nên quyết định hát thơ cho nhẹ; dự kiến 14h tại Văn Miếu có triển lãm thơ nhưng vài tiếng sau vẫn thấy chưa khai mạc; do BTC phải lo nhiều việc, chưa kịp chuẩn bị thù lao cho ca sĩ nên nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phải khất nợ[12]. Sao lại phải “cầu siêu” cho các nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ? Cầu xin cho linh hồn các nhà thơ được siêu thoát ư? Sao lại xin lửa, rước lửa từ Đền Hùng cho Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám? Rước lửa Đền Hùng để sưởi ấm Ngày Thơ[13]? Chẳng lẽ các hoạt động phong phú đa dạng từ trước đến nay của Ngày thơ Việt Nam chưa đủ thắp lên ngọn lửa yêu thơ và sáng tạo thơ của một thi quốc sao? Chẳng lẽ Văn Miếu – Quốc Tử Giám chưa đủ thiêng liêng hóa, trang trọng hóa, lộng lẫy hóa thơ ca ư?Lý Thái Tổ ban chiếu chuyển kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay) ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Rước Chiếu dời đô của vua trong Ngày Thơ - Văn Miếu, Quốc Tử Giám có thích hợp… với thơ?; một đại lễ hội thơ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mà chỉ có thêm lễ rước Chiếu dời đô[14]? Chẳng phải Ban Tổ chức đã cho ghi rõ dòng chữ Đại Lễ hội thơ…để mọi người đều biết và thưởng thức đó sao?
Năm nào Ban Tổ chức Ngày Thơ cũng “gấp gáp”, và còn nhiều sơ sót… Đúng là đại lễ hội thơ đa âm, đa sắc.
 
2. “…còn lại của cái thời mới này, chút gì đáng kể, đó là….”
- Lễ hội Thơ (Festival Thơ …)
Đã có đủ thời gian cho chúng ta nhận thấy rằng ngay chính chủ trương, cách thức, mức độ xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật cần phải được cân nhắc lại kĩ lưỡng hơn nếu không muốn đánh mất những giá trị văn học đích thực. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn có nhận xét đúng đắn rằng: “chính lễ hội hóa các hoạt động văn hóa làm hỏng tất cả” “thơ không còn là thơ nữa”[15].
Ý tưởng về Ngày Thơ rất đẹp, nên có. Song biến chuyển Ngày Thơ thành Lễ hội, Đại Lễ hội thì đã ra chuyện… cần cân nhắc lại. Ban đầu người ta so sánh Ngày Thơ giống như Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Thầy thuốc Việt Nam, sau đó người ta ví Ngày Thơ như Hội Gióng, hội đền Cổ Loa; ban đầu người ta nói Ngày thơ, Lễ hội thơ tôn vinh thơ ca, sau đó người ta nói nhiều đến một dịp giao lưu, gặp gỡ. Chủ trương Lễ hội hóa, âm nhạc hóa, sân khấu hóa có gì đó chưa ổn. Có lẽ không thể lấy sự đa dạng của các trò vui, sự đông vui, náo nhiệt làm thước đo sự thành công của Ngày Thơ.“Nhà văn Sương Nguyệt Minh nói nếu thơ đi cùng trò thì người ta theo trò mà bỏ thơ. Vẫn biết đây là điều khó. Ngày thơ dần trở thành lễ hội, lễ hội lại sống bằng tích trò, nhìn thấy rõ Thơ được tôn vinh nhưng Thơ cũng khó sống yên ổn giữa ồn ào trò tích”[16]. Đã tổ chức Ngày Thơ phải cho ra Ngày Thơ, không nên lẫn lộn Ngày Thơ và Lễ hội, tổ chức Ngày Thơ ra Lễ hội. Chúng tôi chưa rõ ý tứ sâu xa của ông Vũ Quần Phương thế nào, khi ông nói: “Ngày thơ Việt Nam theo tôi cần phải nhìn nhận giống như một lễ hội dân gian. Như hội Gióng, hội đền Cổ Loa, chẳng hạn năm nào cũng được tổ chức và ngày một tưng bừng náo nhiệt hơn với đủ mọi trò chơi như đánh cờ, chọi gà, kéo co... mà chẳng liên quan gì tới Thánh Gióng hay Thục An Dương Vương cả. Thế nhưng người tham dự hội vẫn rất đông, đều vui vẻ. Ngày hội của Thơ cũng vậy.”[17]
- Sự trống vắng liên tiếp của các giải thơ thường niên
Những năm gần đây, thơ liên tiếp mất mùa. Đã có Ngày Thơ Việt Nam tôn vinh thơ, được tổ chức hoành tráng hiệu quả thế, sao thơ chưa có nhiều đỉnh cao. Đã có gần chục năm Ngày Thơ được tổ chức, đã có bao nhiêu thơ được in… sao Hội Nhà văn vẫn bỏ trống giải thưởng thơ thường niên. Đã có bao nhiêu hoạt động vì thơ, cho thơ, sao độc giả vẫn …“nói không với thơ”…
- Sự mất thiêng, mất uy tín của các đơn vị trao giải thơ
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày Thơ một cách long trọng, trang nghiêm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Các Hội VHNT địa phương trên cõi thơ nước Việt ta năm nào cũng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, rồi ngày thơ địa phương…thì chẳng phải đề cao thơ hay, thơ đỉnh cao ư, sao lại trao giải thơ cho các tác phẩm “có vấn đề” vậy?
- Sự thờ ơ trước thơ và sự phản đối của độc giả về loại hình thơ quảng trường
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nói: “Tôi không tán thành thơ lễ hội… chính không khí đám đông làm lập lờ đánh lận con đen”. Nhà thơ Đỗ Trung Quân tâm sự: “ngày nào chẳng đọc thơ cho nhau nghe nên mắc gì đem thơ lên sân khấu đọc. Thơ không nằm ở lễ hội, phải kính thưa… Tôi muốn thơ tôi trên bàn, trên giấy, không muốn lên sân khấu đọc thơ”. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Có thể nói, tất cả hình thức tổ chức lâu nay đều không đạt hiệu quả bởi không lôi kéo công chúng đến với thơ. Ngoài ra, tất cả hình thức trình diễn, hát thơ, ngâm thơ, đọc thơ… đều không quan trọng. Thơ cần nội dung chứ không phải múa may, trang sức và trình diễn trên sân khấu”[18]. Có lẽ âm thanh của những loa thùng đã đánh bạt hồn thơ của thế kỷ này rồi?
Có cần tỉnh nào, năm nào cũng tổ chức Lễ hội thơ (và Đại Lễ hội thơ) không? Đã có ngày thơ Việt Nam rồi thì có cần ngày thơ địa phương nữa không?[19] Chọn định thời gian tổ chức Ngày Thơ thường niên như hiện nay đã hợp lí chưa, đã phải vì thơ,  thật thơ, do chính thơ tạo ra chưa? Có ai đó nghĩ rằng nếu tổ chức vào ngày ấy vì có thể ăn theo… Tết, ăn theo không khí và tâm thế xuân và do đó hội thơ dễ đông vui, người thơ dễ giao lưu gặp gỡ…bạn yêu thơ dễ có ảo giác tôn vinh thơ, và thơ được tôn vinh thực sự ư? Chọn định địa điểm tổ chức Lễ hội và Đại lễ hội thơ ở Văn Miếu và Quốc Tử Giám đã hợp lí chưa? Có ảnh hưởng gì đến quần thể di tích đa dạng ở nơi đây không? Văn Miếu, nơi “thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An”; Quốc Tử Giám, nơi vinh danh, đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, nơi lưu giữ văn hóa nghìn năm của dân tộc… có thích hợp để tổ chức bán mua các sản phẩm văn hóa, hoặc biểu diễn ca múa nhạc, trình diễn, thử nghiệm thơ…ồn ào, rầm rộ chăng? Có phản truyền thống không?
Câu trả lời đã có sẵn trong tâm cảm mỗi người dân Việt yêu thơ, coi trọng văn hóa truyền thống…
Có thật Ngày Thơ Việt Nam đã tạo ra được một mỹ tục mới, đã nâng cao chất lượng sáng tác thơ và phê bình thơ không? Có phải các Ngày tôn vinh ngành nghề của ta những năm qua, như Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Thầy thuốc Việt Nam cũng được tổ chức ở các di tích văn hóa lịch sử, ở các nơi thờ tự trang nghiêm, nơi vinh danh các danh nhân? Có phải bất kì người dân nào muốn được tôn vinh ngành nghề, muốn được tỏ bày sự yêu thích, mến mộ thơ, muốn được dự đại lễ hội thơ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thì…cũng phải nhẫn nại bỏ tiền mua vé không?
Câu trả lời còn ở phía trước…phụ thuộc vào trách nhiệm và lương tâm của biết bao người.

 

 


[1] Nhận định của Chế Lan Viên về Hàn Mặc Tử: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thức kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ mới này, chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử” (1940).
[14] Còn đề tài của các câu thơ được chọn, được triển lãm, trưng bày…?
[19] Chẳng hạn Ngày thơ Quảng Ninh…

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512863

Hôm nay

2400

Hôm qua

2400

Tuần này

2800

Tháng này

219736

Tháng qua

121356

Tất cả

114512863