Văn hoá học đường

Văn miêu tả ở tiểu học, thực trạng và giải pháp

I. Thực trạng

Trong chương trình Tiếng Việt tiểu học, văn miêu tả chiếm một vị trí quan trọng. Ở lớp 4, văn miêu tả được dạy 30 tiết với ba kiểu bài cụ thể: Tả đồ vật, tả cây cối, tả con vật. Chương trình TLV lớp 5 tiếp tục dạy về văn miêu tả với hai kiểu bài: Tả cảnh – 14 tiết, tả người – 12 tiết.

Mục đích của việc dạy văn miêu tả ở tiểu học, giúp HS có thói quen quan sát, biết phát hiện những điều mới mẻ, thú vị về thế giới xung quanh; biết truyền những rung cảm của mình vào đối tượng miêu tả; biết sử dụng những từ ngữ có giá trị biểu cảm, những câu văn sáng rõ về nội dung, chân thực về tình cảm. Một bài văn hay là một bài văn mà khi đọc, người đọc thấy hiện ra trước mắt mình: con người, cảnh vật, đồ vật,…cụ thể, sống động như nó vẫn tồn tại trong thực tế cuộc sống. Như vậy, có thể xem văn miêu tả là một bức tranh về sự vật bằng ngôn từ. Và để làm tốt một bài văn miêu tả, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp của các môn học. Kiến thức của các môn học này cộng với vốn sống thực tế sẽ giúp học sinh trình bày suy nghĩ của mình một cách mạch lạc và sống động. Qua đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương đất nước, vốn sống, vốn ngôn ngữ và khả năng giao tiếp.

Trên thực tế, việc dạy và học phân môn TLV ở tiểu học hiện nay còn rất nhiều vấn đề bất cập. Về phía người dạy đây quả là một phân môn khó, đòi hỏi HS phải tổng hợp được kiến thức, phải thể hiện sự rung cảm cá nhân, phải biết thể hiện tiếng mẹ đẻ một cách trong sáng. Trong quá trình giảng dạy, hai thái cực thường xảy ra:

- Hoặc hướng dẫn chung chung để học sinh tự mày mò.

- Hoặc dùng “văn mẫu”, học sinh cứ việc sao chép.

Cả hai cách trên đều làm cho HS không biết làm văn, ngại học văn, mặc dù vẫn có tình yêu đối với văn học (ví dụ rất thích đọc truyện). Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, một phần là do trình độ nhận thức, năng lực sư phạm của GV, cũng có thể chính ngay trong GV cũng thiếu những tri thức khoa học cũng như vốn sống thực tế. Một nguyên nhân nữa đó là “bệnh thành tích” trong Giáo dục. Vấn đề này cho thấy, nhiều GV chưa đánh giá đúng mức vị trí của môn Tiếng Việt trong chương trình Tiểu học và đặc biệt là phân môn TLV. Phải hiểu rất rõ rằng: phân môn TLV là môn thực hành tổng hợp, là kết quả của các môn học, đồng thời cũng là môn tạo tiền đề để học tốt các môn học khác. Bởi lẽ, bất cứ môn học nào cũng cần biết quan sát, nhận xét, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, sáng sủa.    

Về phía HS,kiến thức sách vở cũng như kiến thức thực tế còn rất nhiều lỗ hổng. Nhiều HS ở nông thôn chưa hề được ra thành phố, có em chưa từng được đến công viên, vườn bách thú hay những danh lam thắng cảnh khác… Nhiều HS ở thành phố chưa hề được nhìn thấy con gà đang gáy, con trâu đang cày ruộng, hoặc được ngắm nhìn những đêm trăng sáng, hoặc quan sát cánh đồng lúa khi thì xanh mướt, lúc thì vàng óng, trĩu bông… Một HS lớp 4 đã tả chú gà trống như sau: “Chú gà nhà bà em nặng tới 6 kg. Sáng sớm chú nhảy tót lên đống rơm nhà bà gáy một hồi dài kéc…ke….ke….” . Rõ ràng, đây là tiếng gáy của một chú trống choai chứ không phải tiếng gáy của một chú gà trống nặng hơn 3 ki-lô-gam và trong thực tế, không có một chú gà nào nặng tới 6 ki-lô-gam. Hay khi tả về con sông Hồng, một học sinh lớp 5 đã viết: “Mùa hè, chúng em thường ra sông Hồng tắm mát. Nước sông trong vắt, mát rượi như đang ôm ấp em vào lòng”. Sông Hồng là một con sông chở nặng phù sa, đỏ chói như son khi về mùa lũ, mùa xuân mang màu hồng nhạt. Đúng như tên gọi của nó. Vì vậy, không thể gọi là “trong vắt” được. Qua đó có thể thấy, khi làm bài, nhiều HS không hề nắm được đặc điểm đối tượng mình đang tả và đã viết không chân thực. Do vậy bài văn khó có thể truyền cảm cho người đọc. Việc học tập trên lớp, vì thiếu tập trung và chưa có phương pháp học nên cũng có những hạn chế nhất định. Có HS khi đọc đề bài lên, không biết mình cần viết những gì và viết như thế nào, viết cái gì trước, cái gì sau,.... Hơn nữa, hiện nay, trên các cửa hàng sách GD có bày bán rất nhiều sách tham khảo, văn mẫu từ các luồng khác nhau nên đã tạo điều kiện cho HS chép văn mẫu.

Tuy nhiên, lỗi không ở các bài “văn mẫu” mà là ở chỗ sử dụng các bài văn mẫu đó như thế nào. Nếu GV và cha mẹ HS biết tận dụng các bài văn tham khảo đó sẽ là những tư liệu tốt để HS có kiến thức về thế giới tự nhiên và xã hội, học được cách viết văn (bố cục, viết câu, sử dụng từ ngữ,...), bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, yêu con người, tình yêu tiếng Việt,... 

Ngoài ra có thể kể đến các nguyên nhân khác, như sự hấp dẫn của các trò chơi hiện đại. Ngoài giờ học, các em thường bị thu hút vào các trò chơi GAMES hoặc các trang WEB hấp dẫn khác trên INTERNET mà quên đi rằng thế giới thiên nhiên xung quanh các em thực sự hấp dẫn khác. Trẻ em ngày nay đang bị lãng quên một thế giới thơ mộng ở xung quanh, cái thế giới mà không phải chỉ nhà văn Tô Hoài mới có. Đó là thế giới của ruộng đồng, cây cỏ, côn trùng, của mưa, của gió... Đây là thế giới có khả năng làm phong phú tâm hồn tuổi thơ và rèn luyện óc quan sát, nhận xét,....

Việc đọc sách của các em hiện nay cũng đang bị xem nhẹ. Phần lớn HS tiểu học ít quan tâm đến việc đọc và có đọc thường là truyện tranh, thậm chí có những truyện tranh không mang tính giáo dục. Việc trò chuyện, tiếp xúc với bố mẹ, với những người thân trong gia đình và cộng đồng cũng rất hạn chế bởi những lí do: người lớn thì bận công việc còn các em thì ở trường cả ngày, tối về lại ôn bài. Cho nên vốn liếng về cuộc sống, về văn học của HS tiểu học rất hạn chế. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến việc học văn và tập làm văn của HS.

Trong các nguyên nhân trên, nguyên nhân chủ quan  - Việc dạy TLV trong nhà trường Tiểu học còn bất cập vẫn là nguyên nhân chính  dẫn đến chất lượng học tập phân môn TLV sa sút. Vì vậy, cần phải có những biện pháp khắc phục.

II. Giải pháp

Lí thuyết về văn miêu tả được trình bày đầy đủ trong SGK. Phương pháp để làm một bài văn miêu tả GV cũng đã hướng dẫn HS trong chương trình học. Dưới đây là một số những gợi ý, giúp GV và HS có những tham khảo nhằm khắc phục những tình trạng trên.

1. Tích luỹ kiến thức:

1.1. Kiến thức từ các tác phẩm văn học

Mỗi một TPVH là một sáng tạo rất riêng của nhà văn, cho dù là đoạn trích thì cũng có nội dung làm nên chức năng thông báo của văn bản. Có thể thấy nội dung của các TPVH tập trung chính vào các vấn đề sau:

        * Kiến thức về các hiện tượng tự nhiên được miêu tả ở dạng sinh động, cụ thể, có thể cảm nhận được trực tiếp. Có thể kể ra đây hàng loạt các TPVH rất thành công về vấn đề này, VD: Bài “ Mưa” của Trần Đăng Khoa, người đọc cảm nhận ở đó một âm điệu lạ, dồn dập, gấp gáp như tiết tấu một trận mưa rào mùa hạ;  bài “Đại hạn” của Nam Cao, phác hoạ những hậu quả vô vùng thảm khốc của mặt trời đối với vạn vật (lá cây mềm rũ, cá úi lên trên mặt nước, đất dộp lên, nứt toang, rắn câng); hay bài “Giữ đê” của Ma Văn Kháng. Điệp từ “mưa” xuất hiện trong ba câu văn ngắn gọn cùng với một loạt các từ  ngữ gợi tả: rả rích đêm ngày, tối tăm mặt mũi, thối đất thối cát đã vẽ ra trước mắt người đọc những trận mưa không dứt. Dường như chưa hài lòng, tác giả còn diễn tả thêm cái dữ dội của thời tiết: Tưởng như biển  có bao nhiêu nước, trời hút lên đổ hết xuống đất liền…v,v..

       * Kiến thức về mối quan hệ giữa con người với con người: TPVH là bức tranh sinh động về đời sống con người. Nó miêu tả được hình ảnh của con người, cho ta thấy cách sinh hoạt , cách giao tiếp, những suy nghĩ và cả những cảm giác vui buồn,…Nhà văn Ngô Tất Tố đã phác hoạ một phiên chợ trung du như một bức tranh mà mọi màu sắc, âm thanh, hoạt động được diễn tả hết sức sống động:Vai kĩu kịt, tay vung vẩy, chân bước thoăn thoắt. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng gà chíp chíp, tiếng vịt cạc cạc, tiếng người nói léo xéo…màu nâu, màu chàm, màu ka ki, các thứ quần áo trà trộn dưới bóng cây… Nhưng luồng phát âm của hàng nghìn cái  miệng cũng đủ làm cho khu rừng ầm ầm” Hay khi đọc bài “Tình quê hương” của Nguyễn Khải, người đọc cảm nhận được tâm trạng của người lính sau những ngày ăn tết ở quê hương trở về đơn vị,. Những từ ngữ như: Đăm đắm, quyến rũ, nhớ thương, mãnhliệt, day dứt đã diễn tả được niềm nhớ thương quê hương da diết. Kỉ niệm cứ tuôn chảy trong hồi ức, trong những câu văn âm vang giai điệu thiết tha, trìu mến,…

       * Kiến thức về ngôn ngữ: Đọc các TPVH  người đọc sẽ tìm thấy ở đó nhiều khía cạnh của cuộc sống, dẫn đến sự đa dạng, phong phú trong cách sử dụng ngôn từ, cách giao tiếp. Ngôn ngữ  giao tiếp cứ vì thế mà tự nhiên ăn sâu vào tiềm thức của người đọc, nó như cái vốn để người đọc huy động khi cần thiết.

Để HS  nắm bắt được những kiến thức phong phú từ các TPVH,vai trò của người thầyhết sức quan trọng: Giúp HS tiếp cận với những giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của TPVH. Tìm hiểu được ngôn ngữ nghệ thuật qua sự chuyển hoá các lớp nghĩa tinh tế. HS cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ, vẻ đẹp của hình ảnh, có được những hiểu biết về con người cũng như cuộc sống xung quanh các em. Từ đó, HS  chuyển kiến thức đã tiếp nhận thành năng lực sử dụng tiếng Việt. Kiến thức Tiếng Việt chỉ thực sự có ích với HS khi nó được vận dụng vào thực tế tiếp nhận và tạo lập văn bản. 

     Về phía học sinh: Bồi dưỡng cho mình tìnhyêu văn học bằng thói quen đọc sách và đọc có chọn lọc. Hiểu được nội dung văn bản và biện pháp nghệ thuật của bài thơ, bài văn đó; biết ghi chép những chi tiết, những hình ảnh, những đoạn thơ, đoạn văn đặc sắc; biết lắng nghe và chắt lọc những ý của thầy cô. Biết tổng hợp kiến thức để bổ sung thêm cho vốn kiến thức của mình.

    1.2. Từ các môn học khác:Các môn học khác cũng là nguồn cung cấp vốn sống cũng như vốn từ khá phong phú. Môn TN-XH cung cấp những kiến thức về cuộc sống xung  quanh các em, giúp các em tìm hiểu về những hiện tượng thiên nhiên như nắng, gió, mây, mưa,…nhữngcon suối, dòng sông,… nhữngcánh rừng, ngọn núi,… nhữngcon vật, đồ vật thân thiết, gần gũi với các em,…Những bức vẽ về đề tài thiên nhiênsinh hoạt của con người; những bức vẽ về người và vật trong môn Mĩ thuật cũng giúp HS rèn luyện kĩ năng quan sát, trí tưởng tượng phong phú, sự cảm nhận tinh tế về màu sắc.

    1.3.Từ vốn sống thực tế: Cuộc sống xung quanh các em thật phong phú, các em hãy hoà mình với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá,… mỗi khi có dịp. Hãy nhìn xem: mặt trời buổi sáng có gì khác với mặt trời khi sắp lặn; hàng cây sẽ như thế nào khi không có gió, khi có gió to,…Chú gà trống trưởng thành và chú gà trống choai tiếng gáy có giống nhau không, hay cũng là tiếng nước chảy  khi thì ồ ồ, khi thì ầm ầm, khi thì róc rách,… Những lời hát ru, những câu thành ngữ, tục ngữ, những lời ăn tiếng nói trong giao tiếp hàng ngày,…

VD như câu ca dao: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”, tại sao không sử dụng từ ngày ngày mà lại dùng từ chiều chiều… Những bản nhạc hay, những câu chuyện hấp dẫn, những chuỗi sự việc cứ ngày tiếp ngày diễn ra,… sẽ là những tri thức rất quý báu giúp các em rèn luyện khả năng giao tiếp, khả năng sử dụng ngôn từ và khả năng tạo lập văn bản.

       Như vậy có thể thấy, việc bồi dưỡng và tích luỹ kiến thức là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các thầy cô giáo, các bậc làm cha mẹ định hướng cho các em, tạo cho các em có cơ hội được hoà nhập với thế giới thiên nhiên và những mối quan hệ xung quanh các em. Mỗi ngày một ít, mỗi lúc một ít, mỗi nơi một ít sẽ làm giàu thêm vốn sống, vốn liếng văn học cho các em.

2. Quan sát và ghi chép:

2.1.Quan sát:

Trong văn miêu tả, quan sát rất quan trọng. Việc quan sát và vị trí quan sát tốt, góc quan sát phù hợp: xa hay gần, trong hay ngoài, ban ngày hay ban đêm, mùa xuân hay mùa hạ, … sẽ giúp ta nắm được cái thần của đối tượng, cảm nhận đối tượng một cách rõ ràng, cụ thể và tinh tế hơn. Có thể thấy, qua quan sát của Tô Hoài mà chú gà chọi hiện lên với những nét khác thường. Từ đôi chân cứng lẳn như hai thanh sắt phủ đầy những vẩy lớn sắp vàng đến bộ mặt tím lịm, lùi xùi những mào, những tai và những mấy cái ria mép. Nổi bật lên trên tất cả là màu của da: đỏ gay, đỏ gắt, đỏ tía, đỏ bóng. Rõ ràng đây là một chú gà không giống bất cứ một chú gà nào khác. Tô Hoài đã tìm được những nét chính, nét riêng biệt của chú gà chọi.

Quan sát đối tượng không chỉ bằng thị giác như các em vẫn nghĩ, mà phải biết huy động mọi giác quan: thính giác (nghe), khứu giác (ngửi), xúc giác (sờ, nắm), vị giác (nếm). Những đoạn văn hay và hấp dẫn là những thành công của tác giả trong việc dùng nhiều giác quan để quan sát. Cũng tả về gà nhưng nhà văn Võ Quảng lại đi vào tả cụ thể ba con gà. Mỗi con một dáng vẻ, một đặc điểm sinh động về tính cách. Trình tự miêu tả đi từ tiếng gáy (thính giác), đến màu sắc, hình dáng và hoạt động (thị giác), để từ đó làm nổi bật lên tính cách của từng con (nội tâm): Con gà của anh Bốn Linh: tiếng gáy dõng dạc, dáng đi oai vệ, kiêu hãnh, cái vẻphớt lờ, thách thức; Còn con gà của ông Bảy Hoá lại có: bộ mã khá đẹp, lông trắng, mỏ búp chuối, mào có hai cánh như hai vỏ trai úp . Đặc điểm ngoại hình ấy tạo nên ưu thế “láo khoét”, thích “tán tỉnh” này. Cuối cùng là con gà của bà Kiến, một chú gà trống tơ, không đẹp, không khoẻ: Lông đen, chân chì, bộ giò cao, cổ ngắn. Tính nết bộc lộ rất rõ trong tư thế: Nó xoè cánh, nghển cổ, chuẩn bị chu đáo, nhưng rốt cuộc chỉ rặn được ba tiếng éc, e, ê cụt ngủn.

Tuy nhiên, tuỳ từng kiểu bài ta có những cách quan sát khác nhau. Đối với kiểu bài tả đồ vật ta có thể quan sát theo trình tự: mắt nhìn, tay sờ, tai nghe, mũi ngửi,… nhưng đối với bài văn tả cây cối cần phải quan sát theo một trình tự: từ xa đến gần, từ bao quát đến bộ phận, quan sát nét khác biệt của cây đó với cây khác. Đối với bài văn tả loài vật ta quan sát: ngoại hình rồi mới đến những thói quen sinh hoạt và những hoạt động của con vật. Còn đối với bài văn tả cảnh, ta quan sát theo trình tự: thời gian, theo đặc điểm nổi bật của cảnh và theo từng góc độ của cảnh. Với bài văn tả người, lại cần phải quan sát kĩ về: ngoại hình (tầm vóc, cách ăn mặc, khuôn mặt, mái tóc, cặp mắt, hàmrăng,…);về tính tình và hoạt động (lời nói, cử chỉ, thói quen, cách cư xử với người khác, việc làm…).

Sự vật trong tự nhiên, mỗi sự vật có một đặc điểm riêng, chỉ khi nào ta nắm được đặc điểm riêng đó của sự vật thì khi viết ra mới có hình ảnh như thật. Thế nhưng, chỉ làm nổi bật đặc điểm bên ngoài thôi chưa đủ, cần nêu được cái đặc sắc ẩn chứa bên trong sự vật đó để nói lên những suy tư, những tình cảm không chỉ của người viết gửi gắm vào đó mà còn là của sự vật đó. Muốn làm được điều này, dứt khoát phải có sự quan sát tinh tế và phải có được những phát hiện rất riêng về đối tượng và rung cảm với nó. Người đọc đã thực sự bất ngờ và thích thú trước những phát hiện độc đáo, mới mẻ của Trần Đăng Khoa khi tả: “Bác mặt trời đạp xe qua đỉnh núi” ;“ Lá rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”

2.2. Ghi chép:

Quan sát luôn đi liền ghi chép. Ghi chép làm giàu thêm cho trí nhớ, ghi chép giúp HS lựa chọn những chi tiết, những hình ảnh đặc sắc.Vậy thì phải ghi chép thế nào? Cần phải xây dựng cho HS thói quen ghi chép khi quan sát. Phải ghi được những đặc điểm cơ bản: hình dạng, màu sắc, hoạt động,… của đối tượng, hãy cố tìm và viết được những điều mà người khác không nhìn thấy để bài viết của mình có cái mới, cái riêng, cái độc đáo .

Quan sát và biết ghi chép lại những gì đã quan sát một cách có chọn lựa, đó là một yếu tố rất quan trọng trong học tập phân môn Tập làm văn.

3. Rèn luyện cách dùng từ ngữ biểu cảm và các thủ pháp nghệ thuật

Trong văn miêu tả, thường xuất hiện các lớp từ có giá trị hình tượng, có giá trị biểu cảm như từ láy, tính từ tuyệt đối. Chúng là thế mạnh đặc trưng của Tiếng Việt và là phương tiện miêu tả hiệu quả.

Từ láy luôn có giá trị gợi tả, đó chính là mối quan hệ giữa âm và nghĩa. Nó có khả năng tạo nên nhịp điệu và hình ảnh cho bài văn. Có thể thấy điều này qua đoạn văn sau: “Vai kĩu kịt, tay vung vẩy, chân bước thoăn thoắt. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng gà chíp chíp, tiếng vịt cạc cạc, tiếng người nói léo xéo. Thỉnh thoảng lại điểm những tiếng ăng ẳng của con chó bị lôi sau sợi xích sắt, mặt buồn rầu, sợ sệt.”. Ngô Tất Tố đã phác họa một phiên chợ vùng trung du như một bức tranh có những mảng màu lớn, đậm nét khái quát cao. Mọi màu sắc, âm thanh, hoạt động miêu tả được thể hiện qua một loạt các từ tượng thanh: eng éc, chíp chíp, cạc cạc, léo xéo, ăng ẳng và các từ tượng hình như: kĩu kịt, vung vẩy, thoăn thoắt, sợ sệt.

Khi dạy HS viết văn miêu tả, GV cần hướng dẫn HS khai thác và sử dụng có hiệu quả các từ tượng thanh như: tiếng gió vi vu, lao xao, xào xạc,…; tiếng mưa lộp bộp, tí tách, long bong, …; tiếng nước chảy róc rách, ào ào, tí tách,…và thế giới âm thanh xung quanh các em tiếng gà gáy, tiếng chim hót, tiếng lợn ủn ỉn, tiếng bát đũa va vào nhau, tiếng người cười nói,… Những từ có giá trị tượng hình như: đỏ chon chót, sâu hun hút, xanh ngăn ngắt, sâu thăm thẳm, rộng mênh mông,…Các tính từ chỉ màu sắc như: vàng óng, vàng hoe, vàng xuộm, vàng lịm, vàng ối,…; xanh um, xanh thẳm, xanh trong, xanh lét,…; đỏ ối, đỏ chon chót, đỏ hoe,… tím ngắt, tím biếc, tím hoa cà,… Các tính từ chỉ mùi vị: thơm ngát, thơm nức, thơm thoang thoảng, thơm ngan ngát,…Thế giới âm thanh, hình tượng và màu sắc tạo cho bài văn miêu tả của các em thật hơn, sinh động hơn. đóng góp một phần không nhỏ làm nên vẻ đẹp bài văn.

Các biện pháp tu từ: nhân hoá, so sánh cũng là thế mạnh đặc trưng, là phương tiện miêu tả hữu hiệu. So sánh là biện pháp tạo hình, khiến sự vật được so sánh trở nên đẹp đẽ, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn và gợi liên tưởng cho người đọc. So sánh có giá trị gợi âm thanh, hình ảnh. Sử dụng so sánh trong bài văn miêu tả còn là cách thức làm đẹp ngôn từ. Trong văn miêu tả có rất nhiều hình ảnh so sánh, cách so sánh khác nhau. Có khi so sánh quả với vật “Trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông giống như những tổ kiến”; người với cây cối “Ông lão như cây lim, cây sến giữa rừng”; loài vật với đồ vật “Chú gà trống như một chiếc đồng hồ báo thức”,…Cũng có khi có những so sánh khác, chẳng hạn “Nước sông xanh biếc như bầu trời mùa thu” hay “Những chú bọ ngựa bé tí như con muỗi, màu xanh cốm.” Có thể thấy sự thành công và sáng tạo của Tô hoài trong việc sử dụng biện pháp so sánh trong đoạn văn sau: “Đầu hung dữ như chiếc nắm đấm, chân cứng như hai thanh sắt, tiếng gáy ồ ồ như nước mưa rào chảy vào vành cống hẹp.”.  Hiển hiện trước mắt mọi người một chú gà chọi như được tạc bằng đồng với những đường nét thật là động, sắc sảo.

Nhân hoálà biện pháp miêu tả sinh động, hấp dẫn, lí thú các sự vật, hiện tượng, Làm cho những đối tượng này không phải là người nhưng lại mang dấu hiệu, thuộc tính của con người. Nhân hoá là con đường thú vị nhất, ngắn nhất đưa những vấn đề trìu tượng đến với nhận thức của con người. Khi sử dụng nhân hoá, người viết thả sức vùng vẫy, lựa chọn ngôn từ để làm tăng sự uyển chuyển, mềm mại khi diễn đạt. Khi tả hình dáng bên ngoài của chào mào, nhà văn Tô hoài viết: “Mắt, mỏ Chào Mào nhâng nháo, phởn phơ. Đứng đâu cũng nhún nhảy làm điệu. đã thế đỉnh đầu lại chênh vênh đội lệch cái mũ nhung đen nháy.”. Hay khi đi sâu tả nội tâm, tính nết của từng con bò, nhà văn Hồ Phương đã viết như sau “Con Ba Bớp phàm ăn tục uống nhất…Con Hoa hùng hục ăn. Mẹ con chị Vàng ăn riêng một chỗ…,cu Tũn dở hơi chốc chốc lại ăn tranh mảng cỏ của mẹ, chị Vàng lại dịu dàng nhường cho nó.”  Bài thơ “Buổi sáng nhà em” cũng là một ví dụ. Cả bài thơ là một bức tranh sinh hoạt vui tươi và sinh động qua cái nhìn của Trần Đăng Khoa. Mọi vật  đều được nhân hoá: Từ ông trời, bà sân, đến cậu mèo, mụ gà, cái na, cu chuối, chị tre, bác nồi đồng, bà chổi với những công việc như: đi cày, tát nước là: vấn khăn, chải tóc, soi gương, quét nhà, những hoạt động reo vui: vỗ tay cười, vỗ bùng boong, những âm thanh rộn ràng của tiếng gà cục tác, tiếng loẹt quẹt quét nhà.Tất cả được nhân hoá trong thơ vừa gợi hình vừa biểu cảm.

Như vậy, so sánh và nhân hoá giữ một vai trò quan trọng trong việc biểu đạt đặc điểm, thuộc tính của đối tượng miêu tả. Chúng tạo nên bức tranh sinh động với những gam màu ấn tượng bằng ngôn ngữ  trong miêu tả. Cần hướng dẫn và khuyến khích HS có thói quen sử dụng trong viết văn miêu tả.

 Hãy định hướng các em học tập điều này ở các nhà văn, nhà thơ như Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng, Trần Hoài Dương, Trần Đăng Khoa,…

Trên đây là một số những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng học kém môn văn hiện nay, nhất là ở bậc Tiểu học – bậc học nền tảng. Tuy nhiên, để có được sự chuyên biến đồng bộ thì cần:

            - Phải có một quan niệm mới về môn học: Phân môn TLV là môn học sáng tạo chứ không phải sao chép,…Là môn học tổng hợp kiến thức của  các môn học khác và kiến thức của cuộc sống, là môn tổng hợp các kĩ năng (kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sử dụng ngôn ngữ, kĩ năng trình bày và tạo lập văn bản,...)

Giải pháp đồng bộ:

 +  Nghiêm túc thực hiện việc Giáo dục toàn diện cho HS.

 + Hiểu được tầm quan trọng của từng môn học, dạy đúng môn, đủ thời lượng, không coi trọng môn này hoặc xem nhẹ môn kia.

+ Đổi mới thi cử, đánh giá

 + Khuyến khích việc đọc sách bằng cách: thư viện trong nhà trường phải hoạt động hiệu quả, lượng sách phong phú, đầy đủ chủng loại, quân tâm nhiều đến sách văn học,…. Bố mẹ thường xuyên đưa con đến các hiệu sách, định hướng việc chọn sách cho con, mua sách thưởng cho con mỗi khi con có thành tích tốt,…

      + Cân bằng bằng giữa thời gian học tập và vui chơi.

      + Tạo điều kiện cho các em hoà nhập với thiên nhiên, đưa vào các chương trình sinh hoạt tập thể những trò chơi, những nội dung nhằm phát triển kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sử dụng ngôn ngữ,… các trò chơi dân gian, các bài đồng giao,….

 

 

 

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558412

Hôm nay

210

Hôm qua

2384

Tuần này

21971

Tháng này

225955

Tháng qua

122920

Tất cả

114558412