H.1. Trống đồng có minh văn đề Thái phó Tô Hiến Thành thời Lý, cúng dàng
(Tại Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á: Ảnh Nguyễn Việt)
Trên báo Thể thao Văn hoá, số ra ngày 3/4/2023, có bài viết “Phát hiện chiếc trống đồng dâng cúng dưới chân núi Tản Viên” của TS. Nguyễn Việt (Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á). Theo TS. Nguyễn Việt cho biết, ngày 1/4/2023, một nhà sưu tầm cổ vật đem đến Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á để nghiên cứu. Tôi chưa từng được tận mắt thấy chiếc trống này ở ngoài đời thực nhưng đã được chiêm ngưỡng qua ảnh chụp và miêu tả của tác giả bài báo: Trống có đường kính 68 cm, cao 55 cm. Đây là trống được xác định thuộc loại hình trống Đông Sơn muộn, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 2 - 3 đến khoảng thế kỷ thứ 11- 12 SCN. Đặc biệt, trên mặt trống có dòng minh văn, khắc chìm, rất sắc nét gồm 25 chữ Hán Nôm khắc lượn theo vành mặt gần với mép trống. Trống lành lặn, trên có 4 tượng cóc như đã từng xuất hiện trên nhiều trống đồng Đông Sơn. Theo nhà Khảo cổ học Nguyễn Việt, đây là loại trống Đông Sơn thường thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta (gần với loại trống Lãnh Thuỷ, vùng Quảng Tây (Trung Quốc). Theo qua điểm của Nguyễn Việt, về niên đại của lần khắc dòng minh văn trên là một niên đại khác với niên đại của trống bởi dòng minh văn này được khắc trồng lên lớp patine. Theo như quan sát của chúng ta, minh văn khắc trên mặt trống thuộc loại chữ to, theo lối chữ khải, khắc sâu như cách khắc đục. Nội dung như sau: Tân mão niên, nhị nguyệt, nhị thập tứ nhật, Tô Thái phó cúng dường Tản Viên sơn hạ tràng (Trường) thần miếu đồng cổ nhất diện 辛卯年二月二十四日蘇太傅供養傘員山下場神廟銅鼓一面(Nghĩa là: Ngày 24 tháng 2 năm Tân Mão, Thái phó họ Tô cúng dường thần miếu ở chân núi Tản viên một trống đồng). Trong bài báo này, TS. Nguyễn Việt đã cung cấp một số thông tin quý giá và bước đầu lý giải được một số vấn đề như:
+ Người dâng cúng là Thái phó Tô Hiến Thành;
+ Địa điểm dâng cúng: là miếu thờ thần ở dưới chân núi Tản Viên;
+ Thời gian dâng cúng là năm Tân mão (1171), dưới thời Vua Anh Tông triều Lý;
Sau khi nhận được thông tin bài báo viết về một hiện vật trống đồng cổ, quý đề cập đến một nhân vật lịch sử quan trọng thời Lý đã khiến cho giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trên phương tiện thông tin đại chúng (internet) cũng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí còn có nhiều ý kiến trái chiều: Có người cho rằng, đây là hiện vật được khắc ngay từ triều Lý với dòng niên đại trên và được khắc trên một chiếc trống cổ có thể đã có trước đó gần ngàn năm. Có người cho rằng, đây là dòng niên đại nguỵ tạo, bởi năm 1171 thì Tô Hiến Thành chưa được phong chức Thái phó mà phải đến năm 1175 ông mới được phong chức này; Hoặc cũng có người cho rằng, địa danh Tản Viên 傘員 bị khắc sai, chữ viên員(trong từ nhân viên), nếu khắc đúng phải là Tản Viên 傘圓 (Nghĩa là: ngọn núi tròn có hình như cái tàn/lọng/ô/ dù) như người ta vẫn hay viết sau này vv…
Vì minh văn khắc quá ngắn ngủi, súc tích (chỉ có 25 chữ), nên thiết nghĩ, rất cần làm rõ từng vấn đề được đề cập. Trong bài viết nhỏ này, tôi cố gắng kết hợp một số nguồn sử liệu khác nhau như minh văn trên trống, thư tịch cổ, bi kí – Nguồn sử liệu tuy khá rời rạc song mong muốn qua những nguồn sử liệu này, may ra có thể giúp cho chúng ta một trong những “định hướng” trong việc xác minh nguồn gốc, địa điểm của chiếc trống đó (?). Trước tiên cần xác định các vấn đề như:
- Tô Thái phó là ai?
- Năm 1171, Tô Hiến Thành đã được phong chức Thái phó chưa hay là phải đến năm 1175 mới được phong?. Vậy, sự thật Tô Hiến Thành được phong Thái phó năm nào?.
- (Giả thiết), chiếc trống đồng này được phát hiện ban đầu ở đâu và trước đó, Tô Hiến Thành đã cung tiến (cúng dàng) vào ngôi miếu thờ thần ở khu vực dưới chân núi Tản Viên nhưng cụ thể hơn có thể (dự đoán) xác định được nó ở khu vực nào?.
- Việc phát hiện chiếc trống này cùng với các nguồn sử liệu khác đã góp phần cung cấp thêm những hiểu biết gì về nhân vật lịch sử nổi tiếng Thái phó Tô Hiến Thành?.
Sau đây, chúng tôi sẽ lần lượt cung cấp thêm một số sử liệu gốc, đặt những thông tin trên minh văn trống đồng bên cạnh các nguồn sử liệu khác, ngõ hầu giúp người đọc có thể hình dung thêm về những vấn đề trên;
1. Thái phó họ Tô triều Lý
Khảo cứu trong các bộ sử cũ như: Việt sử lược (VSL), Đại Việt sử kí toàn thư(ĐVSKTT), thời Lý nửa cuối thế kỷ XII, người giữ chức Thái Phó ngoài Tô Hiến Thành còn có Ngô Lý Tín (năm 1182 được phong chức Thượng tướng quân, 1183 đánh Ai Lao và đến năm 1190 thì chết, lấy Đàm Dĩ Mông làm Thái phó [1]. Không biết Ngô Lý Tín được phong Thái phó năm nào chỉ biết rằng năm 1190, ĐVSKTT viết: Thái phó Ngô Lý Tín chết , lấy Đàm Dĩ Mông làm Thái phó[2]. Vậy trong khoảng thời gian nửa cuối thế kỷ XII, triều đình nhà Lý có các Thái phó: Tô Hiến Thành (được đề cập đến vào các năm 1159, 1175), tiếp đến là Ngô Lý Tín (Phong Thượng tướng 1182), (Năm phong chức Thái phó (chưa rõ ?) và Đàm Dĩ Mông được phong chức Thái phó năm 1190.
Qua trích dẫn ở trên, giai đoạn nửa cuối thế kỷ XII, trong chính sử chỉ đề cập đến 3 người giữ chức Thái phó là: Tô Hiến Thành, Ngô Lý Tín và Đàm Dĩ Mông. Vậy, chúng ta có thể nghĩ ngay rằng, dòng chữ ghi “Tô Thái Phó”蘇太傅 trên dòng minh văn mặt trống đồng mà Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á hiện đang nghiên cứu, đã được TS. Nguyễn Việt công bố trong bài báo trên, không ai khác là Tô Hiến Thành (1102 (?) – 1179).
Trước hết cần giới thiệu sơ qua về một vài đóng góp của Thái phó Tô Hiến Thành đối với Vương triều Lý như thế nào; Xin dẫn ra đây một số đoạn sử quan trọng viết về ông:
Công lao và tài đức của Tô Hiến Thành
Tô Hiến Thành, người làng Hạ Mỗ, (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ông là một vị đại thần nhà Lý, phụng thờ hai đời vua: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Tô Hiến Thành là người văn, võ song toàn. Quá trình làm quan của ông có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu ông đảm nhiệm công việc giữ yên bờ cõi, bảo vệ sự tồn tại của triều đình trước một số cuộc nổi dậy. Sau khi về già, ông được giao công việc phò tá Hoàng Thái tử khi còn thơ trẻ … Trước khi vua Lý Anh Tông mất, Tô Hiến Thành đã được chính thức kiêm chức bên cạnh chức Thái phó còn thêm Bình chương quân quốc trọng sự, tước Vương, giúp đỡ Hoàng thái tử học ở Đông cung. Cũng trong năm 1175, Tô Hiến Thành còn có công theo lời di chiếu của vua Lý Anh Tông, ông phò tá lập Lý Cao Tông (Long Cán) lên ngôi, sách ĐVSKTT chép: “Mùa xuân tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thuỵ Quang. Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu xin lập Long Xưởng, vua nói: “Làm con bất hiếu còn trị dân sao được?”. Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp rập Thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ, Thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói: “Ta là đại thần nhận mệnh Tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lại lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?”. Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao?. Thần không dám vâng chiếu. Việc bèn thôi”[3] …
Tô Hiến Thành mất vào ngày nào, thực không rõ. Chỉ biết rằng, ông mất vào khoảng tháng 6 năm Kỷ Hợi, 1179; Sách ĐVSKTT viết: “Kỷ Hợi [Trinh Phù] năm thứ 4 [1179], Mùa hạ tháng 6 (không rõ ngày), hai mặt trời cùng mọc. Thái uý Tô Hiến Thành chết. Vua bớt ăn 3 ngày, nghỉ thiết triều 6 ngày”[4]. Tô Hiến Thành là người nổi tiếng cương trực, vô tư, hết lòng phò giúp vì sự thịnh trị của quốc gia, của Vương triều Lý. Chính sử còn ghi lời nói trong việc tuyển chọn người nối nghiệp của triều đình khi ông đang trên giường bệnh những ngày cuối đời: “Trước đây khi nằm bệnh, Tham trì chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh, Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi. Đến khi bệnh nặng, Thái hậu thân đến thăm, hỏi rằng: “Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?”. Hiến Thành trả lời: “Trung Tá có thể thay được”. Thái Hậu nói: “Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?”. Hiến Thành trả lời: “Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thi Phi Tán Đường còn ai nữa?”. Thân hậu khen là trung nhưng cũng không dùng lời ấy”[5]. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên cũng đã rất mực đề cao nhân cách của Tô Hiến Thành, có lời ca ngợi phẩm bình về tính cương trực, vô tư của Tô Hiến Thành”[6].
Tô Hiến Thành không chỉ có công giữ yên bờ cõi, bảo vệ biên cương dân tộc, quốc gia mà ông còn là một vị quan vô tư, trung trực, hết lòng phò giúp vương triều Lý và để lại bài học sâu sắc trong công việc tuyển chọn người kế tiếp, gánh vác sự nghiệp của giang sơn, đất nước.
2. Tô Hiến Thành được phong Thái Phó năm nào?.
Về hành trạng của Tô Hiến Thành, sách ĐVSKTT viết: Năm Kỷ mão […]. [Đại Định] năm thứ 20 (1159), Mùa hạ, tháng 5, Ngưu Hống và Ai Lao làm phản. Sai Tô Hiến Thành đi đánh, bắt được người và trâu ngựa voi, vàng bạc châu báu rất nhiều. Phong Hiến Thành làm Thái uý[7].
- Năm Ất Mùi [Thiên Cảm Chí Bảo] năm thứ 2 [1175], (Tống thuần Hy năm thứ 2), mùa xuân tháng giêng, sách lập Long Trát làm Hoàng Thái Tử, ở Đông Cung. Phong Tô Hiến Thành làm hập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, tước Vương, giúp đỡ Đông cung”[8].
Qua Đại Việt sử kí toàn thư cho biết, năm 1159, Tô Hiến Thành được phong Thái úy và đến năm 1175 được phong chức Thái phó.
Ta hãy chú ý dòng “cước chú” bên dưới dòng của năm phong Thái uý Tô Hiến Thành (năm 1175), trong sách ĐVSKTT như sau: “Năm Đại Định thứ 20 (1159), Tô Hiến Thành đã được phong làm Thái uý, lúc này lại là đại thần, nhận di chiếu của Anh Tông làm Phụ chính cho Cao Tông, ở đây lại ghi phong lại chức vụ cũ, Cương mục ngờ rằng Toàn thư có thể chép nhầm” (CMCB5, tờ 18a)[9].
Vậy dòng cước chú trên đã đồng nhất chức Thái uý với Thái phó là một.
Vậy sự thực như thế nào?.
Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đã viết về mục Tam Công, Tam Thiếu như sau:
“Tam công, Tam cô bắt đầu có từ đầu nhà Lý để làm danh hiệu gia thêm cho đại thần, chưa phải là những chức làm việc. Về sau giao cho chính sự, có lúc kiêm làm chức Tể tướng (như đời Lý Anh Tông, Tô Hiến Thành làm Thái phó, đời Lý Cao Tông, Đỗ An Di làm Thái sư, đều kiêm chức Đồng chương sự). Đời Trần cũng theo như thế”[10] …
Như vậy, nếu hiểu theo sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, thì năm 1159 có thể Tô Hiến Thành được phong chức Thái phó (Sử ghi là chức Thái uý – Chúng tôi nhấn mạnh) nhưng không phải chức để làm việc (mà nó là một hư hàm/danh dự), phải đến năm 1175 ông mới chính thức được phong chức này đồng thời kiêm chức Bình chương quân quốc trọng sự, tước Vương, giúp đỡ Hoàng Thái tử học ở Đông cung).
Nếu như thế thì dòng niên đại trên mặt trống ghi năm “Tân mão” 1171, gắn với chức Thái phó của Tô Hiến Thành thì cũng có thể vẫn không có gì là mâu thuẫn.
H.2. Mặt trống đồng nhìn từ chính diện (mặt trống) Ảnh: Nguyễn Việt |
3. Lý do năm Tân mão (1171), Tô Hiến Thành dâng trống đồng cổ
Trong sử cũ, không có một thông tin gì viết về việc Tô Hiến Thành dâng trống đồng lên bất kỳ một ngôi đền nào. Đọc trong chính sử, chỉ có thể biết được mấy thông tin sau: Năm 1171, sách ĐVSKTT viết: “Tân Mão [Chính Long Bảo ứng] năm thứ 9 (1171), (Tống Càn Đạo năm thứ 7), mùa xuân tháng 2, điện Vĩnh Nguyên vô cớ tự rung động; Năm Giáp Ngọ (1174), sách ĐVSKTT cũng viết: Mùa xuân tháng giêng, động đất”[11].
Hiện nay, chưa thể khẳng định sự kiện Tô Hiến Thành cúng dàng trống đồng vào miếu thờ này nhân sự kiện gì ?. Theo phỏng đoán là do sự kiện năm 1171 diễn ra động đất, nhiều đền miếu bị hư hại nên đã tiến hành trùng tu, xây dựng. Sau khi trùng tu xong thì tiến hành dâng trống đồng (?). Theo chúng tôi, có lẽ, đây cũng là một giả thuyết đáng lưu ý mà TS. Nguyễn Việt đã đặt ra.
Như mọi người đã biết, vào thời Lý và thời Trần, tại Kinh thành Thăng Long cũng từng tồn tại một đền Đồng Cổ, hằng năm vào đầu xuân, các văn, võ bá quan thường phải đến đây để làm lễ và thề với nội dung: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, ai trái lời này, trời tru đất diệt”. Nếu có sự kiện Tô Hiến Thành dâng trống cúng dàng thật thì có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi xung quanh sự kiện này; Chẳng hạn như trong cuộc đời, ông có quan hệ như thế nào đối với Phật giáo ?. Hoặc Tô Hiến Thành có nhân duyên gì trong mối quan hệ với các di tích hay các vị Thiền sư, Pháp sư đương thời…vv. Đây cũng là một giả thuyết để chúng ta có thể đi xa hơn nhằm góp phần xác định được nguồn gốc và vị trí cúng dàng của chiếc trống đó.
H.3. Trích đoạn dòng minh văn khắc trên mặt trống (Ảnh: Nguyễn Việt) |
H. 4. Dòng minh văn khắc trên mặt trống. Ảnh: Nguyễn Việt |
4. Quan hệ nhân thân của Thái phó Tô Hiến Thành với Thiền sư Trí Bảo (Chùa Sùng Ân), chân núi Du Hý – Thanh Tước
Trên dòng minh văn có đề cập đến “Tản viên[12] hạ tràng/(trường) thần miếu”傘員下 場神廟. Âm 場 đọc thành hai âm “tràng” và “trường”. Nhưng ở đây, theo tôi nên đọc là “Tràng” (trong từ Đạo tràng/Đàn tràng) - không gian thiết lập nghi lễ thờ cúng. Đây là miếu (thờ thần) chứ không phải là tự 寺 (chùa – thờ Phật). Ngày nay, cũng không thực rõ việc thờ thần ở miếu vào thời Lý như thế nào và việc thờ thần ở đây là thần gì, dòng minh văn không cho biết cụ thể nhưng xét trong ngữ cảnh mà đoạn minh văn cho biết ở dưới chân núi Tản Viên thì có thể đoán rằng miếu này có thể là miếu thờ thần Tản Viên chăng?. Vấn đề cấu trúc không gian thờ thần với thờ Phật khi đó như thế nào?... Trước khi tìm hiểu khía cạnh đó, vấn đề băn khoăn của chúng ta cần xác định ngôi miếu ấy dưới chân núi Tản Viên cụ thể là miếu nào, ở địa phương cụ thể nào?.
Như đã đề cập, tuy chưa thể nói được là đã tìm ra mối liên hệ chắc chắn về Tô Hiến Thành với ngôi miếu thời Lý mà chúng ta muốn đi tìm, nhưng tôi vẫn đưa ra một số sử liệu liên quan giữa Thái phó Tô Hiến Thành với một vị Thiền sư thời Lý- người ấy là Cậu của Tô Hiến Thành, từng trụ trì ở một ngôi chùa nằm trong không gian của núi Tản Viên.
Khảo sát nguồn tư liệu văn bia do Viện Viễn Đông Bắc cổ sưu tầm vào nửa đầu thế kỷ XX (hiện lưu trữ trong Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội), thấy 1 văn bia 4 mặt [No: 06428 – 06432] dòng đầu lạc khoản ghi: 北河府金華縣青雀社鄊老官員社村長阮有教…(Trùm trưởng Nguyễn Hữu Giáo cùng quan viên hương lão xã, thôn, xã Thanh Tước, huyện Kim Hoa, Phủ Bắc Hà …); Niên đại phần cuối ghi: 正和二十三年七月初八日立文約 (Lập văn ước ngày 8 tháng 7 năm Chính Hòa [13] thứ 23(1702).. Mặt tiếp theo ghi về việc cúng ruộng với tổng số 6 mẫu (24 khoảnh ruộng) và 170 quan tiền. Những người tham gia hầu hết là những Cung tần thời Lê Trịnh như: Vương phủ Đệ nhất Cung tần Chiêu Nghi Dương Thị Đồng, Thị nội Cung tần Đặng Thị Nhuận tên hiệu là Diệu Rạng; Thị nội cung tần Võ Thị Tào, tên hiệu là Diệu Thị.
Phần lạc khoản ghi:
特進輔國上將軍督神武四衛軍務事該官署衞事彬郡公鄭改訂.
賜乙丑科進士及第探花卽海法安輪武樸甫撰.
皇朝正和萬萬年之二十三歲在壬午仲秋穀日堅造.
Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân[14], Đề đốc[15] thần vũ tứ vệ quân vụ sự, cai quản thự vệ sự Bân quận công Trịnh Cải Đính.
Người soạn văn bia là Thám hoa lang[16], Hải pháp An luân Võ Phác phủ, đỗ tiến sĩ cập đệ khoa Ất Sửu.
Tạo bia vào ngày tốt, tháng 8 năm Nhậm Ngọ niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702);
Mặt tiếp theo [No: 06429] chủ yếu ca ngợi cảnh đẹp của không gian chùa Sùng Ân, núi Thanh Tước với cảnh vật chung quanh như: Gò Cương, núi Tam Đảo, Sông Cà Lồ. Bia cũng cho biết vào năm Chính hoà 23 (1702) có bà Thị nội Cung tần Lê Quý Thị huý Ngọc Kiên cung tiến 5 mẫu ruộng vào chùa. Mặt cuối cùng của văn bia đề cập đến một vị Thái phó triều Lê Trung Hưng hưng công xây dựng chùa光興拾七年,拾一月,拾八日立囑書,陳氏玉,親男太傅太郡公鄭 “Nguyễn Thị Ngọc lập chúc thư ngày 18 tháng 11 năm Quang Hưng17(1594), Thân nam Thái Phó Thái quận công Trịnh).
Như vậy, mỗi mặt của tấm bia này đã được khắc làm nhiều đợt (thế kỷ XVI, XVII, XVIII), nối dung đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đó có sự đứng ra cung tiến tiền, ruộng của các bậc quý tộc trong triều đình Lê – Trịnh. Điều đó, có thể nghĩ rằng, đây là một ngôi chùa quy mô, bề thế và có ảnh hưởng quan trọng trong vùng.
Đặc biệt, chúng tôi lại hết sức chú ý đến mặt sau của tấm bia này [Kí hiệu 06431] với tiêu đề trên ngạch trán ghi: 青雀社崇恩碑記 Thanh Tước xã, Sùng Ân bia kí; dòng đầu ghi: 遊戱山青雀社崇恩碑記并銘 Du Hí sơn, Than Tước xã, Sùng Ân bi kí tịnh minh (Bài kí và bài minh chùa Sùng Ân, xã Thanh Tước, núi Du Hý). Nội dung của tấm bia đã cho biết ngôi chùa này ít nhất có từ thời Lý và do một vị Thiền sư nổi tiếng trụ trì; Bia này có niên hiệu Hoằng Định thứ Hai (1601), thác bản văn bia nguyên vẹn, không có sự khắc lại với dòng lạc khoản:
皇朝弘定二年辛丑十月上穀日堅造
侍者宜陽縣裴文富字真定潤文
釋迦如來遺教弟子真華嚴譯
嘉林三異社都吏阮廷祐書拙筆
(Tạm dịch nghĩa: Tạo ngày tốt, tháng 10, năm Tân Sửu, niên hiệu Hoằng Định thứ 2 (1601).
Thị giả là Trương Văn Phú tên tự là Chân Định, huyện Nghi Dương (nhuận sắc bài văn).
Thích Ca Như Lai, Thích Giáo đệ tử Chân Hoa Nghiêm (dịch)
Đô lại Nguyễn Đình Hựu, người xã Tam Dị, huyện Gia Lâm (viết chữ).
Đoạn đầu Bài kí viết: (Nguyên văn chữ Hán: […] 永平十八年,此土有三寳之始也.况南越,遊戲山,青雀,崇恩寺,中古亦無有也.越自李朝有智寶禪師,居住浄土,所作衹園,因得成道,乃敞一小寺然未廣也.至今乃大興造乃開甚額雖古跡名蓝所不及,是山寺也.珥河江接界,其南環水帯朝榮于右,衛靈山儼然其北,枕雲峯高聲于左,東巽山引向於前鳳足迹連移就云牙之柏西乾山來應於後,娥嵋遠聲惟尊百獸之王靣勢坦平端倪軒榖遊戱山,大光藏闡開於陀羅尼,門心花灼灼四時榮,禪月亭亭,千里照決,漕溪之一派流,神甸之八荒惟上念…(Tạm dịch nghĩa: Đến năm thứ 18 niên hiệu Vĩnh Bình, đất này có Tam bảo[17] đầu tiên. Huống chi là chùa Sùng Ân, núi Du Hí, Thanh Tước, đất Nam Việt thời trung cổ cũng không có đấy. Nước Việt ta từ thời Lý đã có Trí Bảo thiền sư[18], cư trú ở đất Phật làm ra vườn kỳ viên, nhân đó mà thành đạo, thấy chùa còn nhỏ bé chưa được mở mang đến nay mở mang xây dựng lớn lao, tuy cổ tích danh lam chưa cập, đó là ngôi chùa trên núi này đấy. Sông Nhị tiếp giáp giới, phía Nam có dòng nước uốn quanh ở phía hữu, ở phía Bắc có núi Vệ Linh sừng sừng, ở bên trái lấy núi cao đến tận may xanh làm chẩm, phía Đông có núi Tốn (Tốn sơn) dẫn hướng phía trước, chân phượng còn để lại dấu tích. Phía Tây bắc núi đỡ ở sau, núi Nga My ở đằng xa, duy chỉ có tôn sùng bách thú, mặt nhìn vào đất bằng, sáng sủa. Núi Du Hí sáng tươi, mở mang kinh Đà La Ni[19], cửa thiền rực rỡ, tứ thời vinh hoa, trăng thiền sáng rọi chiếu ngàn vạn dặm, chiếu rõ dòng phái Tào Khê, hàng hàng thần điện...).
Đoạn văn trên đã miêu tả vị thế của chùa Sùng Ân (xã Thanh Tước) trên núi Du Hý với địa thế phong thuỷ thật đẹp tươi với tên của các ngọn núi nổi tiếng như núi Vệ Linh, Tốn Sơn, núi Nga My… bên dòng sông Nhị Hà thơ mộng, hữu tình. Tiếp theo là bài minh 24 câu, ca ngợi công lao trùng tu của Trần Chân Trí 陳真智 thời Trần, đã có công trùng tu chùa.
Điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là đề cập đến thiền sư Trí Bảo đời Lý - người đã có công lao lớn mở rộng quy mô của chùa.
Thiền sư Trí Bảo là ai, quê quán ở đây, quan hệ nhân thân thế nào, văn bia không cho biết thêm một thông tin gì hết!. Trong Bộ Thơ văn Lý Trần[20] cũng không đề cập đến vị thiền sư này. Khảo cứu trong sách Thiền uyển tập anh 禪菀集英 (tác phẩm được biên soạn lần đầu tiên vào thời Trần) cho biết một số thông tin thú vị. Nguyên văn như sau: “常樂,吉利禧鄉,遊戲山,青雀寺,智宝禪師,永康烏鳶人,姓阮氏,原有李朝英宗皇帝,太慰蘇公憲誠之舅氏也.捨俗出家於此山寺,常弊衣,糲食,有十年不易一衣,三日不炊一璺,手足拼眼顏色枯槁見一究人則斂手避道遇一沙門則屈滕禮拜精修禪定六年成道乃擕錫下山或修橋道或建寺塔隨緣普勸不爲利養… (Chùa Thanh Tước, núi Du Hý, Làng Cát Lợi tinh Hy, Thường Lạc. Sư người Ô Diên, Vĩnh Khang (Khương), họ Nguyễn, nguyên là cậu của Thái uý Tô Hiến Thành, triều vua Anh Tông nhà Lý. Bỏ tục xuất gia, ở tại chùa núi đó, thường mặc áo rách, ăn gạo lứt, mười năm không chịu thay một áo, ba ngày không nấu một nồi cơm, tay chân chai cóp, thân thể khô gầy. Thấy một kẻ nghèo thì vòng tay tránh đường, gặp một sa môn thì quỳ gối lễ bái. Siêng tu thiền định, đến 6 năm thì thành đạo, bèn chống gậy xuống núi, hoặc sửa cầu đường, hoặc dựng chùa tháp, tuỳ dương khuyến khích mọi người, không màng danh lợi)[21].
Đoạn Văn trên đã cho biết Thiền sư Trí Bảo, người Vĩnh Khương (Khang), Ô Diên (nay xác định thuộc khu vực khoảng huyện Đan Phượng thuộc thành phố Hà Nội), Sư sống dưới thời Anh Tông triều Lý - người sống cùng thời và là cậu của Thái uý Tô Hiến Thành, trụ trì chùa Thanh Tước, núi Du Hí, hương Cát Lợi Hỷ, Thường Lạc (nay thuộc xã Thanh Tước, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Thống tin trong Thiền uyển tập anh ghi tên “Du Hý sơn, Thanh Tước tự” (chùa Thanh Tước, núi Du Hý), còn trên tấm bia vốn nguyên ở ngôi chùa (niên đại Hoằng Định 2 (1602) lại ghi chùa “Du Hí sơn, Thanh Tước Sùng Ân tự” (Sùng Ân Thanh Tước, trên núi Dui Hí). Vậy hai chùa này là một và đều ở núi Du Hý.
Thật đáng tiếc, ngôi chùa Sùng Ân Thanh Tước tên núi Du Hý đã được đề cập trong sách Thiền uyển tập anh, trong văn bia niên đại Hoằng Định 2(1602) đến nay không còn, không gian này nay đã là bãi tha ma lớn của thành phố Hà Nội và các vùng chung quanh.
5. Một số nhận định và giả thuyết bước đầu
Như trên đã trình bày về những sử liệu liên quan đến Thái phó Tô Hiến Thành: Một số người có băn khoăn về chữ viết theo cách hiểu ngày nay là chưa được chuẩn tắc (ví như chữ “Tản viên” đã nêu). Nhưng chúng tôi có thể nghĩ rằng, không thể loại trừ khả năng đó là cách viết theo cách hiểu của người đương thời (miễn là đọc đúng được tên địa danh mà không cần chuẩn tắc theo cách hiểu thông thường (?)… Chúng ta cần tiếp tục nghiên, so sánh trên một số giác độ thư pháp thời Lý. Tuy nhiên, thư pháp thời Lý được viết trên chất liệu kim loại nói chung và trống đồng nói riêng đến nay biết đến không nhiều nếu không nói là rất hiếm hoi. Tìm hiểu về cách phong chức, tước thời Lý (chẳng hạn như phong chức Tam Thiếu, Tam Thái) thời Lý – Trần qua thư tịch cổ (đặc biệt như cách giải thích trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú) cũng sẽ giúp cho hậu thế bớt băn khoăn về niên đại năm Tân Mão (1171) gắn với tên tuổi của Thái phó Tô Hiến Thành mà thực ra phải là năm 1175.
Ngoài ra, qua khảo cứu văn bia tại chùa Sùng Ân Thanh Tước trên núi Du Hý (Mê Linh, Hà Nội), thể hiện trên thác thác bản văn bia, góp phần hình dung một ngôi chùa thời Lý - Trần – Lê rất bề thế. Đặc biệt, chính ngôi chùa này, Thiền sư Trí Bảo - là cậu, là người sống cùng thời, cũng là người đồng hương với Thái phó Tô Hiến Thành – người có công trụ trì, xây dựng chùa Sùng Ân dưới thời Lý Anh Tông. Từ đó, có thể suy đoán rằng, có thể, bên cạnh ngôi chùa này còn có một ngôi miếu thờ thần mà chính Tô Hiến Thành đã từng dâng trống cúng dàng (?)!. Tất nhiên, đây mới chỉ là một giả thuyết đặt ra để tiếp tục điều tra, khảo sát, nghiên cứu trong tương lai/.
* TS. Nguyễn Quang Hà - Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội
Tài liệu trích dẫn
[1]. Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT), (1998), Bản kỷ (BK), Quyển (Q) IV, tờ 19b, 20a, 21a; Bản dịch (Bd), tập I, tr. 328,329,330;
[2]. ĐVKSTT, (1998), BK, tờ 21a; Bd tập I, tr 330;
[3]. ĐVSKTT,(1998), BK, QIV, tờ 16a,b; Bd tập I, tr 325,326;
[4]. ĐVSKTT,(1998), BK, QIV, tờ 18b; bd, Tập I, tr 327;
[5]. ĐVSKTT,(1998), BK, QIV, tờ 18b,19a; Bd tập I, tr327)
[6]. ĐVSKTT,(1998), BK, QIV, tờ 19a; Bd tập I, tr327).
[7] ĐVSKTT, (1998), BK, Quyển IV, tờ 13a; Bản dịch, tập I, tr 232,233;
[8]. ĐVSKTT,(1998), ĐVSKTT, BK, QIV, tờ 16a; Bd, tập 1, tr 325;.
[9]. ĐVSKTT, (1998), bản dịch tập I, trang 326;
[10]. Phan Huy Chú (2014), Lịch triều hiếm chương loại chí, tập 3 Quan chức chí, Lễ nghi chí, Nxb Trẻ, tr 49;
[11]. ĐVSKTT, BK, QIV, tờ 15b;Bd, Tập 1, tr 325;
[12]. Chúng tôi chép lại chữ “Tản viên” 傘員 đúng như nguyên văn đã viết;
[13]. Niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705);
[14]. Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân: Chức quan nắm giữ quân đội;
[15]. Đề đốc: Chức quan võ phụ trách ở địa phương;
[16]. Thám Hoa lang: Người đỗ Bậc tiến sĩ cập đệ. Trong Tiến sĩ cập đệ thường được phân làm 3: Tiến sĩ Cập đệ Đệ Nhất danh(Trạng nguyên), tiến sĩ Cập đệ Đệ Nhị danh (Bảng nhãn), Tiến sĩ Cập đệ Đệ Tam danh (Thám hoa- hay còn gọi là Thám hoa lang); Bậc tiếp theo là Hoàng Giáp; Tiến sĩ xuất thân và bậc cuối cùng là Đồng tiến sĩ xuất thân. Thời Nguyễn còn lấy thêm Phụ bảng (Phó bảng);
[17].Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo;
[18]. Thiền sư Trí Bảo không được trình bày trong bộ sách Thơ Văn Lý - Trần, Nxb Khoa học xã hội, 1977, 1978. Vậy đây là tư liệu mới bổ sung thêm về Thiền sư triều Lý;
[19]. Kinh Đà La Ni được nhắc sớm nhất trong sử liệu khảo cổ trên tấm bia niên đại 973 “Phật đỉnh tôn thắng Đà La Ni do GS. Hà Văn Tấn công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 1965. Kinh này vừa có yếu tố Thiền tông vừa mang yếu tố Mật tông;
[20]. Nhiều soạn giả (1977), Thơ Văn Lý Trần, Nxb Khoa học xã hội;
[21]. Theo Lê Mạnh Thát, (1999), Thiền uyển tập anh, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr 224, 225; Nguyên bản tờ 50 phần Phụ lục
H.5. Bia chùa Thanh Tước niên đại1601 (kí hiệu: No: 6431 VNCHN, ảnh tác giả)
|
H.6. Trích đoạn bia chùa Thanh Tước viết về sư Minh Trí thời Lý (kí hiệu: No: 6431,VNCHN, ảnh tác giả)
|
- Trong thiền uyển tập anh (Tác phẩm thời Trần viết về sư Minh Trí là cậu của Tô Hiến Thành
H. 7. Một trang sách “Thiền uyển tập anh, tờ 50” viết về Thiền sư Trí Bảo là cậu họ của Tô Hiến Thành (Lê Mạnh Thát,TUTA, tr 780, ảnh tác giả). |
|
[1] Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT), (1998), Bản kỷ (BK), Quyển (Q) IV, tờ 19b, 20a, 21a; Bản dịch (Bd), tập I, tr. 328,329,330;
[2] ĐVKSTT, (1998), BK, tờ 21a; Bd tập I, tr 330;
[3] ĐVSKTT,(1998), BK, QIV, tờ 16a,b; Bd tập I, tr 325,326;
[4] ĐVSKTT,(1998), BK, QIV, tờ 18b; bd, Tập I, tr 327;
[5] ĐVSKTT,(1998), BK, QIV, tờ 18b,19a; Bd tập I, tr327)
[6] ĐVSKTT,(1998), BK, QIV, tờ 19a; Bd tập I, tr327).
[7] ĐVSKTT, (1998), BK, Quyển IV, tờ 13a; Bản dịch, tập I, tr 232,233;
[8] ĐVSKTT,(1998), ĐVSKTT, BK, QIV, tờ 16a; Bd, tập 1, tr 325;.
[9] ĐVSKTT, (1998), bản dịch tập I, trang 326;
[10] Phan Huy Chú (2014), Lịch triều hiếm chương loại chí, tập 3 Quan chức chí, Lễ ghi chí, xb Trẻ, tr 49;
[11] Chúng tôi chép lại chữ “Tản viên” 傘員 đúng như nguyên văn đã viết;
[12] Niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705);
[13] Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân: Chức quan nắm giữ quân đội;
[14] Đề đốc: Chức quan võ phụ trách ở địa phương;
[15] Thám Hoa lang: Người đỗ Bậc tiến sĩ cập đệ. Trong Tiến sĩ cập đệ thường được phân làm 3: Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh(Trạng nguyên), tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh 9bangr nhãn), tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa- hay còn gọi là Thám hoa lang); Bậc tiếp theo là Hoàng Giáp; Tiến sĩ xuất thân và bậc cuối cùng là Đồng tiến sĩ xuất thân. Thời Nguyễn còn lấy thêm Phụ bảng (Phó bảng);
[16] Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo;
[17] Về tiểu sử nhà sư Trí Bảo xin được tìm hiểu thêm trong Thơ Văn Lý- Trần, Nxb Khoa học xã hội, 1977, 1978. Pháp danh của nhà sư nay không thấy đề cập. Vậy đây là tư liệu mới bổ sung thêm về thiền sư triều Lý;
[18] Kinh Đà La Ni được nhắc sớm nhất trong sử liệu khảo cổ trên tấm bia niên đại 973 “Phật đỉnh tôn thắng Đà La Ni do GS. Hà Văn Tấn công bố trên tạp chí nghiên cứu lịch sử, 1965. Kinh này vừa có yếu tố Thiền tông vừa mang yếu tố Mật tông;
[19] Nhiều soạn giả (1977), Thơ Văn Lý Trần, Nxb Khoa học xã hội;
[20] Theo Lê Mạnh Thát, (1999), Thiền uyển tập anh, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr 224, 225; Nguyên bản tờ 50 phần Phụ lục;
237
2389
237
218973
121356
114512100