Đất và người xứ Nghệ
Đời sống văn hóa của người Khơ Mú ở Thanh Chương
Bản của người Khơ mú ở miền Tây Nghệ An
Người Khơ Mú ở Thanh Chương không nhiều, tập trung ở xã Thanh Sơn là chính, ngoài ra còn có khoảng chục hộ ở bên xã Ngọc Lâm. Ở xã Thanh Sơn, dân tộc Khơ Mú có 328 hộ với 1.580 nhân khẩu, chiếm 27,20% tổng dân số của xã. Trước đây, người Khơ Mú tập trung ở các bản Thanh Bình, Tân Lập, Hóa Sơn, Cao Sơn, Xốp Lặm, Kim Hòa. Nay các bản này đã sát nhập vào các bản khác nhau. Trong bản, người Khơ Mú sống xen kẽ với người Thái và quan hệ chặt chẽ với người Thái cả về kinh tế, văn hóa và hôn nhân. Người Khơ Mú di cư xuống Thanh Chương trong khoảng từ 2006 đến 2010, có trường hợp di cư cả bản, cũng có trường hợp theo nhóm hoặc gia đình xuống nơi này. Dù di cư đến vùng đất mới, kiến tạo cuộc sống mới, nhưng người Khơ Mú cũng luôn ý thức về việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Họ vừa hòa nhập với cuộc sống mới, vừa góp phần tạo ra bức tranh văn hóa đa dạng hơn ở trong huyện. Nhân dịp kỷ niệm 555 năm danh xưng huyện Thanh Chương, chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm một chút về đời sống văn hóa của người Khơ Mú ở đây.
Đặc trưng văn hóa truyền thống của người Khơ Mú thể hiện rõ nét trên cả hai phương diện văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Trong văn hóa vật chất, đặc trưng văn hóa thể hiện trong các lĩnh vực ăn, mặc, ở, đi lại. Đầu tiên là văn hóa ẩm thực, người Khơ Mú chủ yếu là ăn đồ nếp. Họ trồng lúa nếp trên nương rẫy và sử dụng để làm xôi. Xôi chính là thức ăn chính của người Khơ Mú. Công thức chính là xôi-thịt/cá-măng/rau. Xôi được hông lên rồi đồ và sử dụng hàng ngày, thỉnh thoảng mới ăn cơm tẻ. Ngoài lúa gạo thì người Khơ Mú trồng một số cây lương thực quan trọng khác là sắn và ngô. Thịt chủ yếu là từ vật nuôi và từ việc săn bắt ở trong rừng. Thịt được giàng để bảo quản. Người Khơ Mú thích chế biến các món thịt theo các phương thức như làm mọc, làm nhoọc, nướng, nấu canh. Còn cá thì họ đánh bắt ở suối và một số áo hồ gần bản. Cá được chế biến theo kiểu nướng, nấu canh hoặc xào rán. Người Khơ Mú ăn nhiều món chế biến từ măng. Cùng với đó là nhiều loại rau cỏ mà họ trồng ở nương hoặc lấy ở rừng để bổ sung vào bữa ăn. Người Khơ Mú cũng sử dụng các loại cây rừng để nấu làm nước uống. Và họ sản xuất rượu cần để sử dụng trong các nghi lễ cũng như để uống với nhau. Thứ hai là văn hóa mặc. Người Khơ Mú trước đây cũng có những bộ trang phục truyền thống nhưng khá hạn chế. Khố và áo của họ làm từ vải thô nên xấu, thô và không bền. Do nghề dệt may không phát triển nên trang phục cũng không có những bản sắc riêng như các cộng đồng bên cạnh họ như Thái, Mông. Ngày trước, theo người già kể lại thì phụ nữ Khơ Mú cũng biết dệt vải hay biết lấy các sợi cây rừng để kết thành áo, khố để mặc nhưng kỹ thuật rất thô sơ. Sau này, họ thấy áo quần người Thái bên cạnh đẹp và họ mang các hàng hóa khác để trao đổi với người Thái lấy áo quần mặc. Vì vậy mà dần dần người Khơ Mú lại mặc trang phục từ nghề dệt may của người Thái là chủ yếu. Thứ ba là văn hóa ở. Người Khơ Mú sinh sống trong các nhà sàn. Hình dáng nhà sàn của người Khơ Mú khá giống với người Thái. Nhưng trước đây, nhà sàn của người Khơ Mú thô sơ hơn, không được kiên cố như nhà sàn người Thái. Nhà sàn người Khơ Mú bề ngoài có giống với người Thái nhưng bài trí trong nhà lại có những điểm khác biệt gắn với phong tục tập quán. Quan trọng nhất là vị trí bàn thờ. Người Thái đặt bàn thờ ở phòng khách. Còn người Khơ Mú đặt bàn thờ ở góc trong của gian nhà đặt bếp lửa. Thứ tư là văn hóa đi lại và vận chuyển. Người Khơ Mú vận chuyển các vật nặng bằng sức kéo của trâu, bò và con người. Khi chặt gỗ trong rừng để làm nhà thì họ phải vận chuyển những cây gỗ nặng qua những đoạn đường rừng dốc quanh co nên vừa phải dùng sức người vừa phải dừng sức trâu bò để kết hợp vận chuyển. Lúc này họ phải nhờ anh em họ hàng và hàng xóm trong bản đi giúp đỡ. Trâu, bò được chăn nuôi để lấy sức kéo và lấy thịt. Còn vận chuyển những đồ vật hay hàng hóa nhẹ thì người Khơ Mú sử dụng gùi. Các loại nông sản, lâm sản đều được gùi từ nương, rẫy và trong rừng về. Đường đi lại nhỏ hẹp, dốc cao nên họ dùng gùi để vận chuyển là phù hợp nhất. Gùi do họ tự đan lấy với các kích cỡ khác nhau. Hầu như khi nào đi làm thì sau lưng người phụ nữ cũng có một cái gùi. Họ di chuyển đi lại chủ yếu là đi bộ. Có một số hộ gia đình giàu có thì mới có ngựa để đi lại.
Bếp lửa - một không gian văn hóa quan trọng của người Khơ Mú
Trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, người Khơ Mú cũng lưu giữ được nhiều nét văn hóa trong lĩnh vực đám cưới, đám tang, tôn giáo tín ngưỡng, văn học nghệ thuật… Trước hết là đám cưới hay các phong tục liên quan đến hôn nhân. Trong xã hội truyền thống, người Khơ Mú tuân theo nhiều quy tắc chặt chẽ. Bên cạnh những quy tắc cởi mở như tự do yêu đương thì có nhiều quy tắc nghiêm ngặt như chế độ một vợ một chồng, cùng một họ thì không được lấy nhau, hôn nhân trao đổi một chiều giữa hai dòng họ (khi con trai họ này lấy con gái họ kia thì con trai họ kia không được lấy con gái họ này nữa mà phải đi lấy con gái họ khác), khi mới cưới thì chồng phải ở rể bên nhà vợ một thời gian và trong thời gian này sinh con thì vẫn lấy họ mẹ cho đến khi chuyển về nhà chồng mới đổi sang họ cha. Các bước trong việc thực hiện quy trình về tổ chức hôn nhân của người Khơ Mú cũng phức tạp. Sau khi đôi trai gái tìm hiểu nhau và quyết định đi đến hôn nhân thì họ tiến hành ăn hỏi nội bộ trong gia đình rồi ăn hỏi mở rộng hơn. Trong lễ ăn hỏi thì nhà trai phải chuẩn bị nhiều lễ vật đưa qua nhà gái, thường là bạc, rượu, lợn và trang phục vải vóc. Sau đó mới đến đám cưới, cũng được tổ chức hai lần tại nhà gái trước và nhà trai sau. Sau đó làm lễ nhập gia cho cô dâu và buộc chỉ vào dòng họ cho con dâu ở nhà chồng. Khi người chồng hết thời gian ở rể thì làm một cái lễ cưới về để chính thức đưa vợ con khỏi nhà vợ về nhà chồng hoặc ra ở riêng. Trong đám ma, người Khơ Mú có nhiều phong tục tập quán liên quan. Việc tổ chức tang ma của người Khơ Mú trước đây cũng khá phức tạp, qua nhiều bước khác nhau. Về cơ bản, người Khơ Mú tổ chức đám tang một cách trang trọng để thể hiện tình cảm của những người đang sống dành cho người đã khuất. Sau khi cha mẹ chết thì con trai sẽ thờ cúng và làm đám giỗ cho cha mẹ. Họ không làm giỗ ông bà vì đó là việc của cha mẹ. Trước đây, trong đám tang còn có nhiều hoạt động diễn xướng. Thầy mo sẽ đọc những bài mo để cúng linh hồn người chết cầu cho họ về được với tổ tiên, trở về đúng con đường đã đi qua. Rồi anh em bạn bè cũng có những bài tơm cho người quá cố nghe, kể lại những kỷ niệm, những tình cảm của họ lúc còn sống. Trong tín ngưỡng tôn giáo, người Khơ Mú cũng có tục thờ cúng các ma. Họ quan niệm vạn vật hữu linh, các vật đều có linh hồn và họ gọi là ma. Có hai loại ma là ma lành và ma dữ. Ma lành gồm ma tổ tiên, ma nhà, ma trời, ma đất, ma thuồng luồng, ma hổ,… Những loại ma này tượng trưng cho các quyền lực và các mối quan hệ khác nhau. Đây là những ma sẽ phù hộ, giúp đỡ cho con người và không làm hại con người. Còn lại có rất nhiều loại ma khác mà họ coi là ma dữ, sẽ làm hại con người nếu như con người bắt gặp nó hay ứng xử không đúng với nó. Họ phải tìm cách chống lại các ma dữ bằng các taleo và các bài cúng của thầy mo. Khi bị đau ốm thì người Khơ Mú cho rằng có thể do bị một loại ma nào đó làm hại nên phải tìm thầy mo để đuổi ma đó đi chữa trị cho người bệnh. Họ thờ cúng tổ tiên và vật tổ vì theo họ tổ tiên và vật tổ luôn bảo vệ mình đánh đuổi các ma dữ không cho làm hại mình. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, người Khơ Mú cũng có một hệ thống các truyện kể khá phong phú. Đó là truyện Quả bầu nói về nguồn gốc con người và giải thích người Khơ Mú da ngăm đen. Hay các “lái” mà nổi tiếng như “Lái Chương Han”, “Lái Ọt Tón”… Đây là những truyện kể mang tính thần thoại, sử thi, thể hiện thế giới quan của người Khơ Mú khi giải thích về nguồn gốc của mình, về những hiện tượng văn hóa xã hội hay những khát vọng, mong ước của họ. Những câu chuyện này lý giải một số hiện thực như việc người Khơ Mú sinh sống ở vùng lưng chừng núi, về cuộc sống đơn giản, thô sơ của người Khơ Mú, hay về nguồn gốc và các tín ngưỡng vật tổ…. Dân tộc Khơ Mú cũng là cộng đồng yêu thích âm nhạc. Tiêu biểu nhất là những bài hát tơm của người Khơ Mú. Tơm là một làn điệu cổ truyền được người Khơ Mú yêu thích và được họ biểu diễn trong những nghi lễ quan trọng từ đám cưới, đám ma, các lễ tết hay hát với nhau trong quá trình lao động. Tơm là những làn điệu mà tùy theo hoàn cảnh con người ta sáng tác thêm lời để thể hiện những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của họ dành cho nhau. Bên cạnh tơm thì còn có điệu re ré cũng được người Khơ Mú hay biểu diễn. Điệu re ré được hát nhiều trong các lễ cúng ma từ ma nhà, ma tổ tiên hay ma hang, ma hóc… Đây là điệu hát có âm điệu đều đều được thầy mo hay những người biết cúng hát để gửi các thông điệp mình muốn đến với các ma, hoặc là cầu mong ma lành phù hộ hoặc là xua đuổi ma dữ tránh xa đừng làm hại mình. Tóm lại, đời sống tinh thần của người Khơ Mú cũng phong phú nên nền văn hóa phi vật thể của họ cũng đa dạng.
Từ khi chuyển xuống Thanh Chương sinh sống, người Khơ Mú với quy mô dân số còn nhỏ nên chưa tạo ra được những bản sắc riêng. Nhưng họ vẫn lưu giữ được một số nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong quá trình hòa nhập. Trên phương diện văn hóa, người Khơ Mú tiếp thu nhiều giá trị văn hóa của người Thái, nên cả khi tái định cư thì điều này cũng khó tách bạch. Người Khơ Mú chủ yếu mua trang phục truyền thống từ người Thái. Hiện tại cũng chỉ có những người già trong bản còn mặc trang phục truyền thống mà thôi. Một số phong tục tập quán truyền thống vẫn lưu giữ được, từ tục thờ cúng tổ tiên, lập bàn thờ trong nhà hay giữ bếp lửa. Người Khơ Mú cũng làm cơm mới, nhà mới, cúng vía hay buộc chỉ tay… Bên cạnh đó, họ cũng tiếp thu nhiều giá trị văn hóa mới từ sản xuất đến giải trí. Người Khơ Mú đang dần làm quen với sản xuất bằng máy móc, vận chuyển bằng xe máy, xe tải, cùng với đó thì hệ thống tri thức dân gian về canh tác nương rẫy, về khai thác lâm thổ sản cũng đang mai một dần.
Tóm lại, dân tộc Khơ Mú ở Thanh Chương chỉ là một bộ phận nhỏ tái định cư về đây. Về sinh hoạt kinh tế, họ có sự chuyển đổi từ canh tác nương rẫy sang canh tác ruộng nước và trồng chè, keo, hay đi làm thuê, đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Trong đời sống xã hội, người Khơ Mú tăng cường các quan hệ với nhiều nhóm khác nhau hơn mà chủ yếu là người Kinh ở các đô thị cũng như các địa phương xung quanh, một mặt họ giữ được một số phong tục tập quán truyền thống, mặt khác cũng tiếp thu nhiều yếu tố xã hội mới. Trong đời sống văn hóa cũng vậy, người Khơ Mú ở Thanh Chương giữ gìn được một số giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng trong môi trường mới thì nhiều yếu tố văn hóa truyền thống bị mai một và tiếp nhận một số giá trị văn hóa mới. Đó là xu hướng chung chứ không chỉ diễn ra ở mỗi người Khơ Mú.
tin tức liên quan
Videos
Đôi điều ngộ nhận về Phan Yên báo và Gia Định báo
Yếu tố thiêng trong văn hóa của người Việt
Sôi động và đa sắc màu gala nghệ thuật “Nghệ An trong trái tim Tổ quốc” và “Hào khí sông Lam” - Chào năm mới 2025
Tỉnh Nghệ An tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Xoài Tương Dương và hành trình xây dựng thương hiệu
Thống kê truy cập
114524474
2252
2309
21176
211170
0
114524474