Toàn cảnh chùa Giai
Văn Hoa cổ tự và huyền tích về pho tượng phật cổ
Truyền thuyết kể lại, đầu thế kỷ XVI, thời vua Lê Uy Mục, vùng đất nơi giao nhau của dòng Sông Cả (sông Lam) và Sông Đa Cương (sông Gang) đã là một vùng có cư dân sinh sống, trong đó dòng họ Văn là đông nhất nên làng có tên là Văn Hoa. Các dòng sông đã nuôi sống người dân nơi đây bằng nghề chài lưới và trồng lúa.
Dưới chính sách cai trị bạo tàn của vua Lê Uy Mục, đời sống nhân dân hết sức lầm than. Trời xanh oán hận làm mưa lũ triền miên. Năm đó, làng Văn Hoa gặp một trận đại hồng thủy chìm trong biển nước Trong dòng nước lũ có một pho tượng phật Tổ bằng gỗ cứ quanh quẩn, không chịu trôi đi. Đặc biệt, càng lại gần bức tượng Phật, dòng nước càng phát ra âm thanh trầm hùng. Thấy vậy, mọi người hò nhau rước tượng Phật về nơi cao ráo, dựng tạm nhà tranh để thờ, ai cũng cầu mong an lành đến với dân làng, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát triển… Thật kỳ lạ là tất cả những lời cầu khẩn của mọi người đều rất linh ứng!
Từ ngôi nhà tranh che tượng Phật đơn sơ buổi ban đầu, dân làng và các làng lân cận đã đầu tư tiền của xây dựng một ngôi chùa ngay đúng nơi an vị pho tượng Phật. Gọi là chùa Văn Hoa theo tên làng lúc đó. Pho tượng Phật Tổ bằng gỗ mang nét phúc hậu, trang nghiêm, che chở cho làng Văn Hoa từ đó đến giờ. Đến thời vua Thiệu Trị, làng Văn Hoa đổi tên thành Văn Giai, ngôi chùa nhỏ khiêm mình cũng khoác lên mình một tên mới - Chùa Văn Giai. Người dân nơi đây gọi tắt thành quen là Chùa Giai.
Theo sự biến thiên lịch sử, tín ngưỡng người dân ngày càng phong phú, chùa Giai trở thành nơi phối thờ: Phật, Thánh, Thần và những người có công với đất nước. Giữa chính điện là tượng Phật Thích ca uy nghi hàng trăm năm tuổi, bên phải là nơi phối thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Đức Thánh Trần - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và thành hoàng làng. Bên trái từ ngoài vào thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cạnh cổng chùa là tượng Phật Quan âm Bồ tát đang ban phép lành cho chúng sinh.
Tượng Phật tổ có từ thời xa xưa tại Chùa là một cổ vật quý hiếm. Ảnh: Huy Thư
Chùa Giai nằm trong một khuôn viên rộng, được bao phủ bởi những cây cổ thụ và hồ sen xanh mát. Kiến trúc của chùa mang phong cách truyền thống của đền chùa Việt Nam, với những công trình như chính điện, nhà thờ, nhà sư, đài quan âm, giá gương, câu đối, đại tự. Riêng hệ thống tượng có trên 10 pho gồm nhiều loại: Phật, thánh, thần, tất cả đều được chạm khắc tỉ mỉ và tinh xảo thể hiện trình độ và truyền thống văn hóa của người Việt. Đặc biệt pho tượng Thích Ca tại chùa cao khoảng 1,6m làm từ chất liệu gỗ, đức Phật được tạc trong tư thế ngồi thiền trên tòa sen. Tượng gồm 3 phần: thân tượng, đài sen và bệ đỡ, ngày trước được sơn màu đỏ, sau khi tôn tạo chùa, tượng đã được sơn lại màu nâu gắn với các huyền tích được tạc với nghệ thuật điêu luyện, khuôn mặt đầy đặn với đủ các tướng quý từ mặt, mũi, tai, miệng… toát lên sự từ bi, nhân hậu. Chùa Giai là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Thanh Chương (gần như là duy nhất) còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ độc đáo, trong đó có hệ thống tượng Phật.
Nhiều cổ vật tại chùa được chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Huy Thư
Chùa Giai không chỉ là một công trình kiến trúc tâm linh cổ kính, còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân quanh vùng và du khách thập phương. Trong những năm gần đây, tại chùa diễn ra nhiều ngày lễ quan trọng: Lễ Đức Phật Di Lặc (mồng 1 Tết Nguyên đán); Lễ Thượng nguyên (ngày 15 tháng giêng âm lịch); Lễ Đức Phật Thích Ca xuất gia (ngày 08/02 âm lịch); Lễ tế Đức Thánh mẫu (ngày 03/3 âm lịch)… Ngoài ra, tại chùa còn có lễ Phật Đản, Vu Lan, các tuần tiết, sóc vọng hoặc mỗi khi có việc người dân đều lên chùa lễ Phật dâng hương cầu cho người sống, phát nguyện cho người đã khuất. Du khách đến đây có thể cảm nhận được sự bình yên, thanh tịnh và tìm thấy sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Ngoài những nét văn hóa đặc sắc, chùa Giai còn ẩn chứa những giá trị nghệ thuật kiến trúc và lịch sử. Giai đoạn 1930 - 1931, đây là nơi sinh hoạt bí mật của các chiến sỹ cách mạng tiền bối và là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Thanh Khai (Chi bộ Kiên Tiền, sau này sáp nhập vào chi bộ Xuân Bảng). Từ đó, chùa Giai là nơi sinh hoạt bí mật thường xuyên của chị bộ Xuân Bảng, Phúc Yên, kết nối với chi bộ Tú Viên và Huyện ủy Thanh Chương. Năm 1945, chùa là nơi tổ chức thành lập Mặt trận Việt Minh, vận động Nhân dân nổi dậy cùng cả nước đứng lên giành chính quyền. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vị trí chiến lược quan trọng, chùa được lựa chọn là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược và thiết bị của Nhà máy Cơ khí Vinh về sơ tán.
Cùng với dấu ấn thời gian và các biến thiên của lịch sử, Chùa Giai từng bị tàn phá, hư hỏng. Đến năm 1990, chùa được phục hồi trên nền đất thiêng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của bà con Nhân dân địa phương, góp phần cố kết cộng đồng, giúp người dân hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, năm 2013, chùa Giai được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tạo nét khởi sắc và làm tiền đề cho công cuộc phục hưng trùng tu, nâng cấp.
Lễ khánh thành việc trùng tu tôn tạo chùa Giai được tổ chức trang trọng
Năm 2023, được sự phát tâm công đức của gia đình ông Bùi Mạnh Cường, là người con xa quê thành đạt, đặc biệt là Quỹ Thiện tâm của tập đoàn Vinguop, sự ủng hộ góp đất của những người dân sống cạnh chùa, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Dự án bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử chùa Giai. Sau gần 2 năm thi công với tổng nguồn vốn được đầu tư trên 40 tỷ đồng, chùa Giai đã được mở rộng khuôn viên (từ diện tích ban đầu 464 m² lên 3.800 m²), trùng tu tôn tạo tất cả các hạng mục đảm bảo khang trang sạch đẹp, xứng đáng với lịch sử, truyền thống, là điểm sinh hoạt tâm linh, nơi giáo dục truyền thống của một vùng đất.
TĐH