Đình Làng Thượng.
Cách đây 95 năm vào đêm 30/4/1930, cùng với tiếng rao khắp làng “Ai thương nước thương dân hãy vùng lên tham gia đoàn biểu tình để đòi quyền lợi”, truyền đơn rải khắp các ngả đường, cờ Đảng được cắm trên mái đình Làng Thượng xã Hạnh Lâm huyện Thanh Chương và các cây cao. Từ 2 giờ sáng ngày 01/5/1930, sau hồi trống phát lệnh tại đình Làng Thượng của chi bộ Đảng, 3.000 nông dân các làng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Yên Lạc và Đức Nhuận mang theo giáo mác, cuốc, xẻng kéo về đình Làng Thượng nghe đại diện Huyện ủy nói rõ ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động và vạch tội ác của tên địa chủ kiêm tư sản Nguyễn Tường Viện. Sau đó, những người tham gia mít tinh được chia làm hai đoàn kéo về đốt phá đồn điền Ký Viện. Dù cuộc biểu tình đã bị dìm trong máu khi 100 tên lính khố xanh với các quan binh người Pháp đến đàn áp làm 18 người chết, 17 người bị thương ngay tại sân đình nhưng cuộc biểu tình ngày 01/5/1930 của nhân dân Hạnh Lâm cùng với Vinh - Bến Thủy là chiến công đầu tiên của công nông Nghệ Tĩnh. Sự kiện này ghi vào lịch sử Việt Nam một cột mốc quan trọng, mở đầu cho phong trào cách mạng 1930 - 1931 trên toàn quốc.
Để ghi nhớ những chiến sỹ trung kiên và người dân đã đổ máu vì cách mạng, Đình Làng Thượng đã được gìn giữ và ngày càng được trùng tu nâng cấp. Đình đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, là nơi để thế hệ trẻ ôn lại truyền thống hào hùng của quê hương. Đồng thời là điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo nằm trên tuyến tham quan thủy bộ: Vinh - Nam Đàn - Thanh Chương.
Người cao tuổi trong dòng họ Nguyễn Duy đang giới thiệu về di tích nhà thờ họ Nguyễn Duy
Nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy ở thôn Diên Tràng, thuộc xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương - nơi Tỉnh uỷ Nghệ An đã chọn làm trụ sở bí mật từ tháng 9/1930 đến tháng 2/1931. Đây chính là thời gian phong trào Xô Viết lên cao nhất tại các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn…
Trong quần thể này còn có cây sui Diên Tràng, cây cổ thụ có nhiều hang hốc được làm nơi cất dấu cờ, truyền đơn và các loại tài liệu của Tỉnh ủy. Di tích nhà thờ Nguyễn Duy, cây sui và nhà thờ các họ Nguyễn Bá, Nguyễn Ích… trong vùng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 1288, ngày 16 tháng 11 năm 1988. Hàng năm, vào mỗi độ Tết đến Xuân về và ngày thành lập Đảng 03/02, các đồng chí lãnh đạo địa phương và các cụ cao niên cùng con cháu đến dâng hương và ôn lại truyền thống.
Giới thiệu về cây sui Diên Tràng
Di tích Đình Võ Liệt còn gọi là gọi là Văn Quán, Quán Thánh Hàng Tổng… là nơi tế lễ và hội họp của Hội Văn, nơi lưu danh 445 người đậu đạt của huyện Thanh Chương. Năm 1929, Đình là nơi hội họp của tổ chức Đảng Tân Việt. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, là nơi sinh hoạt bí mật của tổ chức Đảng, nơi tập trung quần chúng đi biểu tình. Đặc biệt sau sự kiện “cướp huyện phá đồn thành công vào ngày 01/9/1930, Đình là một trong những nơi thành lập chính quyền Xô Viết, trụ sở của tổ chức Nông hội đỏ. Năm 1947 là nơi tiến hành đại hội Đại biểu Khu ủy Khu 4.
Lãnh đạo xã Võ Liệt đang giới thiệu về Đình Võ Liệt cho cán bộ, Nhân dân nhân đầu xuân năm mới
Khi Đảng ta ra đời năm 1930, ngày 01/6 cùng năm, đông đảo dân Tổng Võ Liệt cùng các Tổng Bích Hào, Xuân Lâm, Đại Đồng tập trung về đình kéo lên huyện đường đấu tranh, yêu sách. Đặc biệt, ngày 01/9/1930, cuộc biểu tình thu hút hàng vạn nông dân tham gia tại huyện đường giành thắng lợi, đập tan bộ máy của chính quyền phong kiến thực dân. Mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh. 10 năm sau, năm 1940, đình Võ Liệt chứng kiến chi bộ Đảng Cộng sản Võ Liệt tổ chức lại, Võ Liệt còn là nơi làm việc một thời gian của chính quyền Việt minh huyện sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Năm 1947, Đảng bộ Liên khu IV mở đại hội tại đây với sự có mặt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thiếu tướng Nguyễn Sơn, nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu. Từ ngày văn hóa tâm linh được quan tâm, đình là nơi thường diễn ra hội làng. Đình đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1988.
Trải qua biến thiên của thời gian và lịch sử, đươc Nhà nước quan tâm đầu tư gần chục tỷ đồng tôn tạo, nâng cấp, “Văn miếu huyện” - đình Võ Liệt hoàn thành trong dịp kỷ niệm 80 năm truyền thống Thanh Chương. Cách thành phố Vinh 50 km, Võ Liệt bây giờ đã nâng tầm trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch của du khách gần xa.
Một người cao tuổi đang dịch và giới thiệu các văn bia ghi danh 445 người đỗ đạt của huyện Thanh Chương
Trên địa bàn huyện Thanh Chương còn có nhà thờ Nguyễn Đình Kình tại làng Đồng Xuân, Tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đường, nay thuộc xã Xuân Dương, huyện Thanh Chương. Theo hồ sơ di tích, đây là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ nhất, Bầu Ban Chấp hành chính thức gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tiềm được bầu làm Bí thư. Di tích này đang được tỉnh, huyện, xã và con cháu đề nghị công nhân. Hàng năm vào các kỳ lễ, Tết, con cháu đều tập trung về để dâng hương và ôn lại truyền thống./.