Diễn đàn

Phạm luật và lách luật trong ứng xử với di tích lịch sử văn hoá

1; Có lẽ đến bây giờ không cần phải nói thêm gì nữa giá trị và vai trò của các di tích lịch sử văn hoá trong đời sống cộng đồng. Trong đời sống cộng đồng, các di tích này là sự sống, sự tồn tại, là một biểu tượng của đời sống văn hoá, tinh thần, tâm linh của chính họ, đó là những thực thể sống, không phải là thực thể chết. Trong tâm thức người dân nhìn ngôi chùa không phải là di tích mà là hiện hữu sống động của cõi Phật, các ngôi đình là nơi “sống” của thành hoàng, đền là hiện hữu của không gian thiêng sống động của các vị thánh thần…Rồi các di tích khác, hoặc các địa danh đã từng diễn ra, chứng kiến các sự kiện lịch sử, văn hoá, người dân vẫn quan niệm đó chính là các không gian thiêng, là nơi tồn tại của những con người bất tử. Có lẽ chúng ta cũng cần có cách tiếp cận, cách nhìn như vậy để ứng xử đúng mực với các di tích lịch sử văn hoá.

2; Không nghi ngờ gì nữa, chiến tranh, sự khắc nghiệt của thời gian và thời tiết đã huỷ hoại và làm già nua đi rất nhiều các công trình văn hoá, mà tuỳ theo độ tuổi của nó mà ta vẫn thường gọi là di tích lịch sử văn hoá. Ngay trên xứ Nghệ, cách đây hơn 20 năm, mặc dù không vui, thậm chí rất buồn nhưng cũng phải thừa nhận một phần sự thật trong bài báo của nhà thơ Võ Văn Trực rằng: Nghệ Tĩnh đã cơ bản xoá xong các đình, chùa, miếu mạo!?
Quả thực các công trình văn hoá cộng đồng, như chùa chiền, đình, đền, miếu mạo, kể cả nhà thờ họ tộc, lăng tẩm cũng bị phá đi rất nhiều, có thể nói là gần hết. Một thủa, chùa, đền bị phá, tượng Phật, tượng thần, tượng thánh bị đốt, bị ném ra vung vãi khắp nơi. Là hậu sinh nhưng chúng tôi cũng đã từng chứng kến điều đó. Tôi đã thấy tận mắt, năm 1968, chùa Thạch Động (chùa Đá) - một trong những ngôi chùa đẹp, có bộ tượng nhiều và đẹp của cả vùng xứ Nghệ đã bị trúng bom Mỹ và cháy suốt 2 ngày 2 đêm. Và bên kia sông, chùa Phượng Tường của làng Vĩnh Khánh cũng rất to và rất đẹp, năm 1969, sau khi trụ vững suốt hơn 4 năm với bom giặc ở túi bom Linh Cảm đã bị các cán bộ HTX huy động dân quân dỡ xuống làm nhà kho. Nói chuyện về “cái chết” của hai ngôi chùa để chúng ta biết về sự thảm sát các di tích của một thời chiến tranh và nông nỗi…Không chỉ quê tôi mới có chuyện buồn như vậy, chắc là ở làng quê xứ Nghệ nào thời đó, ít hay nhiều, đều có. Chúng ta đã từng buồn và đau rất nhiều về cái chết hàng loạt đó. Nhưng rồi vết thương đã lên da non. Chúng ta đã nhận thức lại vấn đề, và cái chính là đã nhận thức lại chính chúng ta. Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều quan tâm và nỗ lực cho chương trình chống xuống cấp các di tích LSVH trong tổng thể chiến lược bảo tồn di sản văn hoá. Hiệu quả của một chính sách đúng đã đem lại sự hồi sinh cho rất nhiều các công trình và các giá trị lịch sử văn hoá. Diện mạo văn hoá của đất nước, đời sống văn hoá, tinh thần, tâm linh của nhân dân cả vùng, cả nước đổi thay và khởi sắc là một phần lớn nhờ vào chính sách này.
3; Thế nhưng, bên cạnh những mặt được rất lớn như đã nói, nhiều công trình, nhiều di tích lịch sử - văn hoá của chúng ta vẫn đang tiếp tục bị ứng xử thiếu nghiêm túc, thiếu khoa học, thiếu nhân văn, thậm chí là bị lợi dụng. Nhà nước ta đã ban hành Luật Di sản văn hoá nhiều năm nay. Luật đã được thực thi và trở thành cái khiên chống đỡ của/cho các di sản văn hoá trong đó có các di tích LSVH. Song hiện tượng làm trái luật, lách luật vẫn xảy ra nhiều, hầu như ở địa phương nào, cấp nào cũng có. Qua tìm hiểu thực tiễn, chúng tôi xin đưa ra mấy dạng làm trái luật, lách luật như sau:
(i) Bỏ mặc di tích, không trông nom, không kiểm kê, không xếp hạng, không tổ chức bảo vệ, bảo tồn. Nhiều di tích rất có giá trị nhưng đã bị bỏ hoang phế một cách đáng xót xa. Ví dụ: Đình làng Đan Nhiệm(Quê hương Phan Bội Châu) trước năm 1990 đang gần nguyên vẹn. Thế nhưng sau đó đã bị bỏ hoang phế và bị sập hoàn toàn, và chính thức báo tử vào ngày rằm tháng bảy năm 2006. Đình làng Đông Viên(Nam Đàn) cũng tình trạng tương tự. Sau khi “được” làm trụ sở HTX một thời gian, do không có người bảo quản đã từng bước bị hư hỏng. Cũng xin nói là hầu hết các đình làng đã bị dỡ bỏ từ năm 1955 đến những năm 1970, về sau còn lại một số nhưng hầu hết không được quan tâm và dần bị huỷ bỏ. Đền thờ Trần Hưng Đạo ở TP Vinh do không được quan tâm nên sau một thời gian dài rồi cũng bị dỡ bỏ và nay khuôn viên đền này đang được sử dụng cho một nhà trẻ….
(ii) Một số di tích không những không được quan tâm bảo tồn, tôn tạo, mà ngược lại còn bị “chèn ép”, thậm chí bị “bức tử”. Đền Cờn ngoài là một ví dụ. Chùa Diệc(TP Vinh) cũng là một ví dụ. Trường hợp này không chỉ dừng lại ở mức vô cảm mà rõ rang đã cố ý lách luật khi xử sự với di tích kể cả bên vi phạm và cơ quan có trách nhiệm quản lý.
(iii) Tình trạng phổ biến nhất là sử dụng, bảo tồn, tôn tạo di tích sai nguyên tắc khoa học, sai luật quy định.
Một số các công trình/di tích tôn giáo, nhất là các đền, chùa, trong qúa trình thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đã bị lạm dụng trở thành nơi thực hành mê tín dị đoan. Hiện tượng này khá phổ biến, nhất là ở các đền. Một hiện tượng khác cũng cần phải nói là tình trạng tự ý tu sửa mawcj dù các di tích đó đã được xếp hạng quốc gia. Xin lấy ví dụ: Ở chùa Cần Linh, là di tích đã được xếp hạng nhưng nhà sư trụ trì muốn xây cất, tu sửa, bày biện như thế nào cũng được. thực hành nghi lễ tôn giáo là quyền của nhà chùa nhưng thiết nghĩ khi xây cất, sửa sang nhất thiết phải có ý kiến của cơ quan quản lý văn hoá vì nơi đây đã được xác định là tài sản quốc gia.
Nhiều các công trình tôn tạo, kể cả các công trình do ngân sách nhà nước cấp thì khi thực hiện vẫn sai phạm nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo. Phổ biến nhất là không tôn trọng tính nguyên gốc, nguyên bản của các di tích. Rất nhiều các di tích sau khi trùng tu tôn tạo đã bị sa vào tình trạng “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia”, như sử dụng nguyên vật liệu không phù hợp, phong cách kiến trúc và trang trí không đúng phong cách, không đúng nội dung và chủ đề làm cho di tích bị lai căng, pha tạp kệch cỡm, phản cảm, khó chịu, giảm giá trị. Có những công trình tôn tạo di tích mới xây dựng buộc người ta phải suy nghĩ không biết nó là theo kiểu kiến trúc của ta(Việt Nam) hay của Tàu(Trung quốc)? Khi về vãn cảnh chùa Cần Linh thật là khó chịu về đôi rồng chầu trên bờ ao ngay trước cổng chùa. Lúc xây dựng những công trình như thế này không biết họ có nghiên cứu kỹ về công năng của nó, về các nội dung ý nghĩa mà công trình này phải mang tải và thể hiện?
(iiii) Một điều đáng băn khoăn, đáng nói, và khó nói nhất… là tình trạng quy hoạch và tôn tạo các di tích LSVH, nhất là các di tích có quy mô lớn, thường sa vào tình trạng “hình thức chủ nghĩa”, theo “tư duy dự án”, quan niệm giản đơn như các công trình xây dựng đơn thuần khác, ít quan tâm và chú ý nhiều đến các nguyên tắc khoa học bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, đến các quy định của luật di sản. Chúng tôi xin lấy ví dụ: Để thực hiện đúng các ý định chủ quan của mình, di tích chùa Hương tích(Can Lộc – Hà Tĩnh đã bị “hoá”  để dựng chùa mới). Nhà thờ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ cũng nằm trong tình trạng đó. Đền Cuông(Diễn Châu) tuy không bị “huỷ diệt” toàn bộ nhưng cũng bị làm mới rất nhiều chi tiết đáng ra không nên, không được làm. Rồi tình trạng làm sai lệch di tích không phải là không có. Hố bom ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc là một ví dụ. Hố bom cũ người ta đã lấp đi để mở rộng khuôn viên khu mộ các nữ liệt sỹ, còn hố bom bây giờ là hố bom mới. Rồi quy hoạch tôn tạo các khu di tích quan trọng ở Kim Liên(Nam Đàn), ở Tùng Ảnh(Đức Thọ) thiết nghĩ cũng có những chỗ cần thiết phải cân nhắc để tránh tình trạng đô thị hoá, bê tông hoá cảnh quan không gian các di tích. Bây giờ, không gian, cảnh quan ở hai nơi này đã có thể nói là không gian phố, cảnh quan phố rồi. Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du(Nghi Xuân) cũng là một ví dụ về quy hoạch và tôn tạo còn nhiều điều bất hợp lý. Đến bây giờ khách tham quan chả mấy ai đi vào cổng chính nữa, họ đi lối sau. Cũng chẳng trách được họ, quy hoạch mới nó là như vậy.
 Không biết có phải thời công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên làm cái gì cũng phải thật to, thật rộng, thật cao. Nhà to, đường rộng, tường cao!? Chỉ có cái sâu/sắc là ít khi tới được. Nhiều khi chính sự to cao bất hợp lý của các công trình vô tình đã làm giảm đi ý nghĩa cao - đẹp – sâu - sắc của nội dung lịch sử - văn hoá của các di tích, nhất là các di tích về các danh nhân.
4; Đảng và nhà nước ta rất đề cao và quan tâm chiến lược bảo tồn di sản văn hoá, bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng các di tích lịch sử văn hoá. Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực hành là một khoảng cách. Khoảng cách này rộng hay hẹp là do những người trực tiếp thực hiện. Chúng tôi thiển nghĩ, để làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, nhất thiết phải có một đội ngũ chuyên nghiệp thực hiện các công việc chuyên môn. Thứ hai, phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý thật nghiêm theo đúng luật di sản. Nhưng điều quan trọng hất là phải tuyên truyền, phải giáo dục để cho mọi người dân, già cũng như trẻ thấm sâu trong tâm can mình rằng di sản, di tích lịch sử văn hoá là máu của dân tộc. Ai vi phạm hoặc lợi dụng di tích, làm trái luật và trái đạo lý đều phải xử lý nghiêm minh./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512170

Hôm nay

2107

Hôm qua

2389

Tuần này

2107

Tháng này

219043

Tháng qua

121356

Tất cả

114512170