Đất Nghệ

Nguyễn Thị Minh Khai - nữ chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của cách mạng Việt Nam

Một số tài liệu về nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam Nguyễn Thị Minh Khai do Tổng cục V, Bộ Công an cung cấp

 

“Vững chí bền gan ai hỡi ai,

Kiên tâm giữ dạ mới anh tài.

Thời cuộc đẩy đưa người chiến sỹ,

Con đường cách mạng vẫn chông gai”

Đã 79 năm trôi qua kể từ khi người nữ chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của cách mạng Việt Nam ngã xuống nhưng những vần thơ đầy khí phách của tiền bối cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai vẫn luôn là tiếng lòng cho các thế hệ chiến sỹ, nhân dân noi theo. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 2020), chúng ta một lần nữa cùng ôn lại về thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và yêu nước, mảnh đất Nghệ Tĩnh như mạch nguồn kết nối đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc nên cốt cách và tâm hồn yêu nước và nghị lực cách mạng phi thường của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910 (có tài liệu viết sinh ngày 01/11/1910) trong một gia đình công chức nhỏ tại xã Vịnh Yên, nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Bố là ông Nguyễn Huy Bình quê ở làng Mọc, Nhân Chính, Hà Nội, là Thư ký ga xe lửa ở Vinh từ năm 1907. Mẹ là bà Đậu Thị Thư quê ở Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh, làm nghề buôn bán nhỏ, là một phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con.

Năm 1919, Nguyễn Thị Vịnh theo học chữ quốc ngữ tại trường Nguyễn Trường Tộ, sau đó chuyển sang trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Tại đây, Nguyễn Thị Vịnh được thầy giáo Trần Phú và các thầy cô giáo trong trường dìu dắt nên sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước.

Năm 1926, Nguyễn Thị Vịnh tích cực tham gia phong trào học sinh đấu tranh tại Vinh. Năm 1927, Nguyễn Thị Vịnh gia nhập Việt Nam Cách mạng đảng (tên gọi mới của hội Phục Việt) và được giao nhiệm vụ phụ trách công tác vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên mới ở khu vực Vinh - Bến Thủy và hai huyện Nghi Lộc, Thanh Chương. Để giữ bí mật, Nguyễn Thị Vịnh đã đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai - cái tên đầy ý nghĩa và đã theo chị đến hết cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của mình. Nhờ hoạt động tuyên truyền vừa mềm dẻo, vừa sâu sát trong giới phụ nữ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã vận động, kết nạp được thêm nhiều phụ nữ vào Việt Nam cách mạng đảng và sau này họ đã trở thành những cán bộ nòng cốt, giữ các vị trí quan trọng của phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh như Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Thị Nhã....

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập,  Nguyễn Thị Minh Khai trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Tháng 3/1930, đồng chí được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước.

Từ năm 1931 - 1933, Nguyễn Thị Minh Khai bị bọn mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu. Ra tù, đồng chí tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng và đến Thượng Hải công tác trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935, Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Moscow. rong thời gian từ năm 1935 - 1936, đồng chí tham gia khóa học ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông.

Đầu năm 1937, đồng chí được phân công về công tác tại Sài Gòn và được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.Ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy Nam Kỳ bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn - Sài Gòn và bị tra tấn hết sức dã man. Sáng ngày 28/8/1941, Nguyễn Thị Minh Khai cùng với một số đồng chí khác bị giặc xử bắn ở Hóc Môn.

Hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ nhưng sự nghiệp cách mạng của đồng chí luôn là tấm gương sáng về sự phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, một lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân.

 

1. Tấm gương “đi đầu dậy trước”, có nhiều đóng góp trong thời kỳ vận động thành lập Đảng ở Nghệ Tĩnh

Năm 1924, Nguyễn Thị Vịnh chuyển sang học lớp Nhất ở trường Tiểu học Cao Xuân Dục do đồng chí Trần Phú trực tiếp giảng dạy. Được sự vận động của thầy, Nguyễn Thị Vịnh đã tích cực tham gia các hoạt động yêu nước như: phong trào vận động nữ sinh góp tiền mua hoa và vải trắng may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh, tham gia ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp trả tự do cho cụ Phan Bội Châu… Đến khi nghỉ học ở trường Cao Xuân Dục, Nguyễn Thị Vịnh vẫn tiếp tục bí mật tham gia các hoạt động yêu nước dưới sự dìu dắt của thầy giáo Phan Kiêm Huy.

 

Tờ Dân Chúng - Tờ báo đăng nhiều bài viết của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với bút danh Kim Anh

Năm 1927, Nguyễn Thị Vịnh được kết nạp vào tổ chức Việt Nam cách mạng đảng (tên mới của Hội Phục Việt). Để giữ bí mật, đồng chí đã đổi tên Nguyễn Thị Vịnh thành Nguyễn Thị Minh Khai - cái tên đã theo chị đến hết cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của mình. Nguyễn Thị Minh Khai trở thành người phụ nữ đầu tiên được gia nhập tổ chức Việt Nam Cách mạng đảng và được giao nhiệm vụ phụ trách công tác vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên mới ở khu vực Vinh - Bến Thủy và hai huyện Nghi Lộc, Thanh Chương.

Cuối năm 1927, đầu năm 1928,  Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong tổ chức đã tiến hành các buổi nói chuyện, tuyên truyền cách mạng, dạy học ban đêm… cho đội ngũ công nhân, nông dân. Nhờ hoạt động tuyên truyền vừa mềm dẻo, vừa sâu sát, Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong tổ chức Việt Nam Cách mạng đảng đã góp phần to lớn cho phong trào cách mạng ở Vinh mạnh lên. Đây là những bước chuẩn bị vô cùng quan trọng trong giai đoạn xây dựng hệ thống cơ sở và các tổ chức quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nghệ Tĩnh, đồng thời góp phần huấn luyện, đào tạo lực lượng cán bộ nòng cốt làm nên một Xô Viết Nghệ Tĩnh rung trời chuyển đất năm 1930-1931.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Nguyễn Thị Minh Khai trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng.

 

2. Tấm gương Người chiến sỹ cách mạng kiên trung, bất khuất

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Thị Minh Khai thật sự là tấm gương về nghị lực đấu tranh, kiên định lập trường giải phóng đất nước, và một tinh thần thép không  nao núng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Nhận nhiệm vụ phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng khi tuổi đời còn trẻ nhưng Nguyễn Thị Minh Khai không hề sợ hãi, luôn vững vàng bản lĩnh, thiên biến vạn hóa trong hoạt động để đi đầu trong công tác vận động quần chúng đấu tranh và huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng.

Năm 1931 - 1933, trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc, khi bị mật thám Anh ở Hương Cảng bắt, mặc dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn, đánh đập, nhưng đồng chí vẫn “Dù bị tra tấn cùm kẹp, quyết không khai” để bảo vệ phong trào cách mạng và tổ chức cơ sở Đảng. Sau khi ra tù, ý chí và niềm tin son sắt đó lại tiếp tục là ngọn lửa dẫn đường để Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục đồng hành cùng các đồng chí chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn… vượt qua khó khăn gian khổ, khôi phục cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Cuối năm 1936, Nguyễn Thị Minh Khai về hoạt động ở Nam Kỳ và được phân công về công tác tại Sài Gòn. Năm 1937, Nguyễn Thị Minh Khai lấy bí danh là “Bảy Khai”, “Năm Bắc”, được tín nhiệm bầu vào Xứ Ủy Nam Kỳ và là nữ Bí thư đầu tiên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhận nhiệm vụ mới trong tình hình khó khăn, nguy hiểm, đồng chí đã vận dụng linh hoạt những lý luận cũng như kinh nghiệm hoạt động thực tiễn được tích lũy thời gian hoạt động ở nước ngoài để lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân, phụ nữ. Bên cạnh đó, đồng chí luôn bám cơ sở, mở nhiều lớp học bí mật để huấn luyện cán bộ, đấu tranh chống các thế lực quốc gia cải lương. Đồng chí cũng viết nhiều bài báo, tham luận tuyên truyền vấn đề giải phóng phụ nữ, kêu gọi phụ nữ tham gia đấu tranh trên báo Dân chúng với bút danh Kim Anh… Nhờ vậy mà phong trào cách mạng Sài Gòn phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Giữa lúc cao trào cách mạng cả nước đang phát triển mạnh mẽ thì ngày 22/6/1939, Nguyễn Thị Minh Khai bàng hoàng nhận được tin đồng chí Lê Hồng Phong đã bị mật thám Pháp lần ra tung tích và bắt giam. Nén đau thương, lo lắng cho người bạn đời, í Nguyễn Thị Minh Khai vẫn hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn. Đầu năm 1940, sau một thời gian sinh hạ con gái Lê Nguyễn Hồng Minh, đồng chí một lần nữa nuốt nước mắt vào trong, gửi con thơ cho cơ sở cách mạng để tiếp tục cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp cách mạng.

Ngày 30/7/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Ngã Sáu, Bình Đông, sau khi dự phiên họp của Xứ ủy Nam Kỳ. Những đòn roi kẻ thù trút lên cơ thể tưởng như chết đi sống lại, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn nêu cao khí tiết người chiến sỹ cách mạng, tiếp tục vận động chị em phụ nữ tiến hành đấu tranh“Đừng nhận mà cũng đừng khai. Khai nhận đều giúp cho quân thù”. Trong phiên tòa của kẻ thù, Nguyễn thị Minh Khai đã dõng dạc tra vấn lại chúng: “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước không có tội sao?”.

Phút cuối cùng của cuộc đời, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn đau đáu nhiệm vụ với Đảng, với nhân dân và đã anh dũng hy sinh khi tuổi còn trẻ và chí khí cách mạng vẫn tràn đầy.

 

3. Nguyễn Thị Minh Khai với phong trào cách mạng của Quốc tế Cộng sản

Đầu năm 1930,  Nguyễn Thị Minh Khai được sự tín nhiệm và giới thiệu của Xứ ủy Trung Kỳ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phong Sắc chuyển ra hoạt động tại Bắc Kỳ và sau đó tiếp tục sang hoạt động ở Trung Quốc, công tác tại Văn phòng Ban Đông Phương của Quốc tế Cộng sản. Đây là một mốc quan trọng trên con đường hoạt động cách mạng của Nguyễn Thị Minh Khai, hướng đồng chí sớm đến với phong trào cách mạng quốc tế, với Quốc tế Cộng sản.

Tại môi trường hoạt động mới, í Nguyễn Thị Minh Khai được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục về lý luận những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm hoạt động bí mật, nhận nhiệm vụ làm giao thông liên lạc với Thị ủy Hương Cảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hàng ngày, Nguyễn Thị Minh Khai vừa tích cực công tác, vừa trau dồi lý luận cách mạng và kinh nghiệm đấu tranh quốc tế, đặc biệt phong trào đấu tranh của phụ nữ, vừa tranh thủ học tiếng Anh, Trung Quốc, Pháp để phục vụ công tác.

Tháng 9/1934, ghi nhận những hoạt động tích cực của đồng chí trong Ban Chỉ huy của Đảng ở ngoài nước, Nguyễn Thị Minh Khai vinh dự trở thành đại biểu dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Trong lúc chờ Đại hội,  Nguyễn Thị Minh Khai với bí danh Phan Lan đã được nhận vào học tập, trau dồi thêm lý luận tại trường Đại học Phương Đông.

Tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Nguyễn Thị Minh Khai đã đại diện cho phụ nữ Việt Nam đọc bài tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương, phụ nữ Việt Nam trong thời đại lịch sử mới “…Đặc biệt là trong thời kỳ cao trào cách mạng ở Đông Dương, phụ nữ đã tham gia đáng kể vào phong trào đấu tranh cách mạng. Họ tham gia các cuộc biểu tình và đã lãnh đạo một số cuộc ấy, đã diễn thuyết trong các cuộc mít tinh, nhiều lần phụ nữ đã dũng cảm đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình và bọn lính phải thoát lui, phải đồng tình… [1] . Đây là lần đầu tiên trên diễn đàn Quốc tế, một phụ nữ phương Đông, nữ đảng viên của Việt Nam đã cất tiếng nói dõng dạc vạch trần chính sách xâm lược của bọn thực dân Pháp đối với Đông Dương, tố cáo tội ác dã man của bọn cướp nước, nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ Đông Dương, trong đó phụ nữ Việt Nam. Bài tham luận của nữ đồng chí trẻ đã gây được tiếng vang và sự chú ý của các đại biểu tham dự Đại hội và được đánh giá cao.

 

4.  Nguyễn Thị Minh Khai với sự nghiệp giải phóng phụ nữ

Trong quá trình học tập tại trường Tiểu học Cao Xuân Dục, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã tích cực tham gia các hoạt động yêu nước của Tổ Nữ sinh yêu nước. Khi được kết nạp vào Việt Nam Cách mạng đảng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là người phụ nữ đầu tiên gia nhập Hội và được phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên mới. Nhiều người sau này đã trở thành cán bộ nòng cốt trong phong trào cách mạng địa phương, từ Xô Viết Nghệ Tĩnh cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc sau này. Năm 1929, Nguyễn Thị Minh Khai là Hội trưởng Hội phụ nữ Giải phóng Nghệ Tĩnh (tiền thân của Hội Phụ nữ Nghệ An).

Năm 1935, với tư cách là đại biểu nữ trong Đoàn đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã thể hiện niềm tự hào to lớn khi được vinh dự đại diện cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến nói lên tiếng nói của mình tại một diễn đàn quốc tế.

Năm 1937, với vai trò là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Nguyễn Thị Minh Khai luôn chú ý để phát triển phong trào đấu tranh của phụ nữ. Nhân sự kiện Ủy ban Phụ nữ ái hữu Sài Gòn - Chợ Lớn ra lời kêu gọi chị em phụ nữ đứng lên đoàn kết với nam giới sáng lập các hội Tương tế ái hữu, viết sách, báo trên tờ Dân chúng và Lao động về cuộc đấu tranh của phụ nữ quốc tế và bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò của phụ nữ, nhờ đó phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn ngày càng có những bước phát triển sâu rộng.

Có thể khẳng định rằng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, nữ chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An đã tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam và trở thành tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời cho các thế hệ noi theo./.

 

 


(*). Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

[1] Nghệ An - Những tấm gương Cộng sản,Tập 1,NXB Nghệ An,1998, tr. 85-86.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513040

Hôm nay

2141

Hôm qua

2436

Tuần này

2977

Tháng này

219913

Tháng qua

121356

Tất cả

114513040