Diễn đàn
Từ hương "Bào Đột" hay "Bàu Đót", Bào Trạch... góp phần giải mã gốc tổ họ Hồ
Hiện nay đang có sự tranh luận giữa hai “phái”, hai dòng họ Hồ cùng chung gốc Tổ về nơi phát tích họ Hồ Việt Nam, về thế thứ giữa cụ Hồng và Hồ Cao, về cụ Tổ Hồ Hưng Dật sang Việt Nam xưa là vào thời điểm nào.
Có nhiều cách tiếp cận để làm rõ. Bài này đi sâu giải mã về hai từ Bào Đột hay Bàu Đót, Bào hay Bàu, Bàu Giang, Bàu Trạch này ở Quỳnh Lưu hay ở Yên Thành. Hương Bào Đột hay Bào Đót có gốc tích thế nào? Bào hay Bàu, Bào Đột hay Bàu Đót?
Ở đây có sự nhầm lẫn hay không, vì sao? Liệu đã chứng minh được giả thuyết hay chưa!
Lịch sử họ Hồ Việt Nam trở thành vấn đề của khoa học lịch sử không còn đơn thuần là chuyện nội bộ họ tộc, nên rất cần sự tham gia của giới sử học nước nhà. Bàn luận về vấn đề này cũng không phải là của riêng họ tộc mà là một vấn đề của Văn hóa Nghê An, Lịch sử Nghệ An, Nghệ An học, vì nó nằm ngay trên địa bàn Nghệ An.
Dưới là tìm hiểu bước đầu của chúng tôi, sau hơn hai năm tìm hiểu, nghiền ngẫm về Hương Bào Đột, nêu giả thuyết về Hương Bào Đột (qua trao đổi ý kiến trong Nhóm nghiên cứu).
Mây nằm gần đây chúng tôi luôn chú ý tìm hiểu nghiên cúu về tên gọi Hương Bào Đột, về lịch sử của nó cả về mặt ngôn ngữ học cho thấy rõ hơn một số vấn đề, tuy nhiên cũng còn nhiều băn khoăn...
Mới đây, được biết thêm có hai từ “Bàu Đót ở Kẻ Đót” (nay là xã Phú Thành) - Yên Thành giúp chúng ta hiểu rõ thêm về lịch sử tên gọi Bàu Đột...Một vùng quê Bàu Đót xưa có nhiều cây Đót! Vậy nên Bàu Đót hay Bào Đột đâu chỉ ở Quỳnh Lưu!
Phải chăng sự thật là ở đây?
Bài viết này bước đầu chỉ mang tính chất cung cấp thêm thông tin, nêu vấn đề, phản biện lên quan tới tên gọi hương Bàu Đột để mọi người quan tâm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định.
1-Trước hết hiểu từ Bào hay Bàu, là một hay hai, giống hay khác nhau?
Khi làm sách Một hướng tiếp cận lich sử họ Hồ Việt Nam, chúng tôi đã tìm hiểu và đưa nội dung nay vào phần Phụ lục, nhưng do thói quen và ấn tượng về nhận thức cũ có người vẫn chưa thật rõ và nhất trí ngay cả trong Nhóm nghiên cứu của chúng tôi.
“Bào” nghĩa là gì? Như anh Hồ Hoàng thì bảo: Bào là một giọt nước, một vũng nước ngưng tụ (Bào Đột - Quỳnh Lưu). Còn “Bàu” là một dòng chảy thiên nhiên tạo nên (Ngũ Bàu ở Yên Thành - dòng chảy thiên nhiên từ dãy Trường Sơn)? Sông là ta đào còn Bàu là tự nhiên? Bàu và Bào là khác nhau!
Thực tế không hẳn vậy.Bàu cũng có thể nhân tạo. Sông cũng vậy. Hơn nữa ngôn ngữ bản thân nó uyển chuyển hơn. Không phải “bào” thì không có dòng chảy mà bàu mới có.
Anh Hồ Duy Diệm lại nghĩ trong quê Đà Nẵng - Quảng Nam từ “bàu” được đưa từ xứ Nghệ vào, bào là cái ao lớn hay cái đầm lớn?
Anh Hồ Sĩ Tăng lạicho rằng, miền Trung Việt Nam “bàu” là điểm ngưng tụ nước không quá lớn, nhưng phải có dòng nước chảy vào chảy ra, khác với ao hồ, đầy thì tràn.
Còn tôi đã đưa vào Phụ lục sách Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam về giải nghĩa Bàu hay Bào (2019, tr. 124). Anh Hồ Xuân Anh thông thạo Hán Nôm cũng đã giải thích. Rằng trong Từ điển Hán Nôm không có từ Bàu và từ Bàu cũng không có nghĩa. Trong Từ điển Hàn Nôm chỉ có từ Bào và rất nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là dòng nước ngưng tụ. Nhưng không nên hiểu cứng nhắc là không có nước chảy vào chảy ra. Tôi cũng trao đổi ý kiến này nhưng hình như có người hiểu hơi cứng về từ Bào, Bàu. Do vậy ho, cho rằngchỉ có Bào Đột chứ không có Bàu Đột. Hiểu vậy là chưa trúng!
Từ lâu tôi nghĩ rằng do cách đọc phát âm các vùng có khác nhau chút ít nên đã thành thói quen và ngôn ngữ địa phương, nói thế nào viết thế ấy (my, mày, tao, tau...). Nên chăng khi nói về Bào Đột, Ngũ Bào là nói ở Quỳnh Lưu, còn nói Bàu Đót và Ngũ Bàu là ở Yên Thành. Nhưng không phải phân biệt như vậy về mặt ngữ ngôn học, theo tiếng phổ thông. Thật ra chữ Bào đã biến âm thành Bàu (xứ Nghệ) cho đễ phát âm mà thôi, lâu ngày thành quen nói sao viết vậy! Anh Hồ Hoàng cuối cùng cũng nhất tri về điều này!
Xem giải thích sau đây (Theo cụ Hồ Xuân Anh):
Trong Hán Nôm không có âm “bàu” mà chỉ có âm “bào” với 30 cách viết khác nhau để tạo rất nhiều nghĩa khác nhau.
刨bào • 匏bào • 咆bào • 孢bào • 尥bào • 庖bào • 抱bào • 捊bào • 泡bào • 炮bào • 炰bào • 烰bào • 爮bào • 狍bào • 疱bào • 胞bào • 袌bào • 袍bào • 謈bào • 跑bào • 軳bào • 鉋bào • 鑤bào • 铇bào • 鞄bào • 颮bào • 鮑bào • 鲍bào • 麃bào • 麅bào
- Theo tôi (Hồ Xuân Anh), âm “bàu” ở vùng Nghệ Tĩnh có nghĩa là “vũng nước lớn” chừng mấy hecta như Bàu E, Bàu Ngải, Bàu Phúc Lấu, Ở vùng Lăng Thành có Ngũ Bàu là có 5 cái vũng nước lớn. Âm “Bàu” không thấy có trong từ điển Hán Nôm.
- Còn âm “bào” theo từng cách viết sẽ có nghĩa tương ứng. Tuy nhiên chỉ có 1 nghĩa khả dĩ dùng được là “vật có hình giọt nước”. Còn các nghĩa khác đều có nghĩa gần với “nướng, hơ cháy, . . . “, xem ra không hợp bới âm “bàu”.
- 泡 bào
- Từ điển trích dẫn
-
1. (Danh) Bọt. ◎Như: “thủy phao” 水泡 bọt nước, “phì tạo phao” 肥皂泡 bọt xà bông.
2. (Danh) Chỉ vật gì có hình như bọt nước. ◎Như: “thủ thượng khởi liễu phao” 手上起了泡 tay bị bỏng rộp, “phao đăng” 泡燈 bóng đèn.
3. (Danh) Lượng từ: bãi (nước tiểu, phân, nước mắt, nước mũi, v.v.). ◎Như: “nhất phao thỉ” 一泡屎 một bãi phân.
4. (Tính) Xốp, bở. ◎Như: “phao táo” 泡棗 táo bở, “giá khối mộc liệu phát phao” 這塊木料發泡 miếng gỗ này đã bị mục.
5. (Động) Ngâm nước. ◎Như: “phao tại thủy lí” 泡在水裏 ngâm trong nước.
6. (Động) Pha (dùng nước nóng). ◎Như: “phao ca phê” 泡咖啡 pha cà phê, “phao trà” 泡茶 pha trà.
7. (Động) Dềnh dàng, rề rà, kéo dài mất thời giờ. ◎Như: “phao bệnh hào” 泡病號 giả vờ bị bệnh (để dềnh dàng trốn việc).
8. § Ghi chú: Ta quen đọc là “bào”.
(Hồ Xuân Anh cung cấp và trên Google cũng như v)
Có thể các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và các nhà sử học sẽ nghiên cứu làm rõ thêm về Ngũ Bàu, Ngũ Bào, Bàu Đót và Bào Đột nhất là với địa danh “Hương Bào Đột” xưa (phạm vi Hương Bào Đột hay Hương Bàu Đót -gốc từ (Hương là một vùng quê nhiều xã sát nhau cùng tương đồng về địa lý, là cấp trên xã dưới huyện, có từ thời Nhà Đường) gồm những địa bàn xã nào hiện nay?. Chúng tôi nhờ người nhưng chưa tìm ra và cũng khó tìm địa chính thời Hồ Hưng Dật, thế kỷ thứ 10. TS. Nguyễn Hữu Tâm nhà Hán Nôm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học VN cho biết tìm địa chính về Hương Bào Đột là rất khó!
Khó thật! Nhưng Đót hay Đột? Bàu Đót hay Bào Đột? Làm rõ điều nàỳ rất quan trọng.
Vì có khả năng từ đây giải mã từ Bào Đột, Hương Bào Đột, Ngũ Bàu, Ngũ Bào liên quan đến Yên Thành và Quỳnh Lưu với thời cụ Tổ Hồ Hưng Dật về là trại chủ. Ông từ quan về làm tarị chủ là ở đâu và như thế nào, có đúng như một số tài liệu sử cũ viết hay không? (Chúng tôi cũng đã trình bày ở một số bài viết và sách nhưng ở bài này là xét về mặt ngôn ngữ học mà tài liệu xưa lưu truyền dễ có khả năng, thói quen tam sao thất bản).
2- Hương Bào Đột hay Bàu Đót... có sự nhầm lẫn nào đây?
Cứ ngỡ chỉ có xã Quỳnh Lâm và xã Ngọc Sơn mới có Bào Đột và Ngũ Bào (năm làng trông ra sông Bào hay năm cái Bào như ông Hồ Bá Hiền dẫn ra). Tìm hiểu kỹ sau này chúng tôi mới biết ở Yên Thành cũng có Ngũ Bàu với năm tên gọi rõ ràng! Còn có đâu gọi là Bào Đột hay Bào Đót không? Gần đây qua tranh trao đổi vớicác nhà nghiên cứu lịch sử Yên Thành mới sáng tỏ rằng có Bàu Đót ở Kẻ Đót (nay là xã Phú Thành).
Ở Yên Thành có địa danh gắn với Bàu Đót mà xưa có nhiều cây đót (có khi đọc, phát âm thành Bào Đột). Kẻ Sừng có Bàu Sừng, Kẻ Cuồi có Bàu Cuồi, Kẻ Đót có Bàu Đót. Bàu Đót chảy qua làng Kẻ Đót nay là xã Phú Thành. Bàu Sừng chảy về làng kẻ Đót xã Phú Thành, chảy về Bàu Cuồi. Bàu Sừng và Bàu Cuồi nối liền nhau với xã Lăng Thành và nằm trên xã Phú Thành. Đồng Cuồi nằm sát đồng Sừng và đồng Lạc Thiện (theo Hồ Hoàng).
Nghệ ngữ thường gọi là Bàu Đọt thay vì Bàu Đót, hay Bàu Đột chăng (dễ phát âm)? Chữ Bàu Đột là từ chữ Bàu Đót chứ không phải Đột. Vậy có thể nhầm lẫn, cần xem lại tư liệu cổ nói về Bào Đột. Điều này sẽ làm rõ thêm gốc tích tên gọu Bào Đột - đền Vua Hồ nay là đền Hồ Hưng Dật cụ thể thế nào (Hồ Minh Hiệu).
Cụ Hồ Bá Hiền có nói Đột là nổi lên, đột phá, Bào Đột là giọt nước trời xuống mà thành. Có người bảo gọi là Bào Đót nhưng Hồ Bá Hiền nói không nên gọi là Bào Đót. Tại sao cụ Hồ Bá Hiền hiểu, suy luận và lại khuyên vậy? Bào Đột là giọt nước trời xuống mà thành ư? Suy luận này thiếu cơ sở về mặt ngôn ngữ học và vùng đất xưa (vùng Ngũ Bàu) có nhiều cây đót!
Thực tế ở Yên Thành có Bàu Đót. Đót là loại cây đót làm chổi (Từ điển). Và ở vùng Quỳnh Lâm hay Ngọc Sơn xưa cũng có thể có cây đót? Nhưng phát âm “đột” dễ hơn “đọt” (Hồ Bá Thâm).
Rõ ràng ở đây có sự giống nhau về tên gọi, từ ngữ, phát âm nên có thể nhầm lẫn không biết Bào Đót (Bàu Đót) là ở Quỳnh Lưu hay Yên Thành, khi sách sử viết cụ Hồ Hưng Dật đưa vợ con về Hương Bào Đột sinh sống và làm trại chủ. Ai đó sau này đãchú thích Bàu Đột là Quỳnh Lâm/rồi Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu, nên gây hiểu lầm chăng?
Xin nói thêm, khi tìm hiểu quê quán của vua Ngô Quyền có người cho rằng là ở Đường Lâm - Hà Tây cũ nhưng cũng có người cho rằng ở Đường Lâm - Hà Tĩnh, vì Hà Tĩnh cũng có làng Đường Lâm và Ngô Quyền cũng đã từng tới đây. Vì giống tên làng như vậy nên giới sử học tranh luận mãi, về sau GS Trần Quốc Vượng chứng minh là quê Ngô Quyền là ở Đường Lâm - Hà Tây cũ, mới thôi. Có lẽ trường hợp Bàu Đột (Bàu Đót, Bàu Đột) này cũng vậy (Hồ Bá Thâm).
Đó là chưa kể khi viết sử Họ có người chỉ nói Bào Đột mà không nói Hương Bào Đột, vì Hương Bào Đột rộng lớn nhiều xã hơn một cái bàu là Bào Đột, hay trang Bào Đột. Mà thực tế ở Bàu (Bào) Đót hay vùng Ngũ Bàu là ở Yên Thành, nhất là Lăng Thành, Mã Thành và Thọ Thành... Hơn nữa ở dây rất nhiều dấu ấn, dấu tích về họ Hồ từ xa xưa thời Hồ Hưng Dật như tên đất tên làng như rú Quan, làng Ổ Ồ (Hồ Hồ), rừng lim Hồ, khe Hồ, rú Hồ, bãi tập Hồ và các dòng họ Hồ lâu đời còn hiện hữu... Còn ở vùng Quỳnh Lâm, hay Ngọc Sơn không có dấu tích, dấu ấn gì như vậy về họ Hồ thời Hồ Hưng Dật và hậu duệ tiếp theo trước thời Hồ Quý Ly.
Giả thuyết đã được chứng minh qua tìm hiểu và tranh luận chăng? (Hồ Duy Diệm, Hồ Bá Thâm).
Điều này càng chứng minh chắc chắn rằng, gia quyến cụ Tổ Hồ Hưng Dật là ở vùng Ngũ Bàu (Bào chứ không phải Bàu, Bàu trong Từ điển Hán - Nôm không có chữ và không có nghĩa, nhưng Bàu dễ hơn Bào) Yên Thành gắn liền với nơi Cụ làm quan Thái thú (tức chức như Tri châu, Thử sử) Châu Diễn mà trị sở Châu Diễn thời ấy ở Kẻ Sừng – trị sở này tồn tại gần cả thế kỷ thứ 10 ở đây
TS Trần Đình Phong quê Mã Thành, người đứng đầu Quốc Tử Giám, thời Nguyễn cũng viết rõ đại ý như vậy, tức cụ Hồ Hưng Dật đưa con về Ngũ Bàu và liệt kê cụ thể kèm theo 5 cái bàu ở Yên Thành), chứ không phải là Quỳnh Lưu.
Tiến sỹ Trần Đình Phong thời nhà Nguyễnnày viết như sau“Sau khi thôi quan, Ngài về đất Ngũ Bàu: Bàu Gia, Bàu Canh, Bàu Sàng, Bàu Sừng và Bàu Diệu Ốc, là trị sở làm việc của Ngài”.
Còn ở Bào Đột - Quỳnh Lưu thì có Ngũ Bào (5 đầm nước) như: Bào Diệm, Bào Trung, Bào Ngọc, Bào Yên, Bào Gan (theo Hồ Bá Hiền).
Vì một sự giống nhau tên gọi Ngũ Bàu (Bào), Đót, Đột... mà nhầm lẫn chăng(?) nên đẫn đến việc nhầm lẫn như đã nói ở trên. Và từ đó đã gây nên sự hiểu nhầm về lịch sử, gốc tích, nơi phát tích họ Hồ Việt Nam nhiều thế kỷ nay chăng?
3- Nhưng ngoài cái tên Hương Bào Đột còn cái tên khác là Hương Bào Trạch, rồi Bào Giang[1], hay tên gọi khác của Hương Bào Đột?
Ngô Sỹ Liên (Đại Việt sử ký toàn thư[2]) ghi Hồ Hưng Dật “nhà ở hương Bào Đột, sau làm trại chủ”. Còn Hồ Sỹ Dương (Hồ Tông Thế phả, năm 1660) ghi Hồ Hưng Dật “lui về làm trại chủ ở hương Bào Trạch (Bào Đột) nay là Bào Giang châu ta”[3]. Không có khả năng thực tế sau khi làm Thái thú ở vùng lỵ sở Quỳ Lăng (Quy Lăng)[4] mà Hồ Hưng Dật (hiểu phong thủy) và gia quyến lại chuyển ra vùng Quỳnh Lâm xa lạ, xa xôi, rừng rậm rạp rất ít dân, thậm chí chưa có dân cư (nửa đầu thế kỷ thứ 10) để ở và làm trại chủ! Ngay cụ Hồ Kha sau này khi xuống vùng Hoan Hậu, Thổ Đôi Trang, có đi qua vùng Quỳnh Lâm nhưng cũng không có tâm thức thăm viếng nơi một thời cụ Hồ Hưng Dật sống ở đây (có ý kiến như vậy), thực ra không có chuyện cụ Hồ Hưng Dật sinh sống và làm trại chủ ở vùng Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn! Một số nha nghiên cúu xưa còn cho rằng Hồ Hưng Dật không liên quan gì đến vùng Thượng Đột (Ngọc Sơn nay), có thể các hậu duệ của ông sau này mới đến đây chăng?
Liệu Hương Bào Trạch hay Bào Giang có liên quan gì Tổng Quỳ Trạch hay không và tên gọi hương Bào Đột?
Theo ông Hồ Sĩ Tăng: Hương Bàu Trạch là vùng Ngũ Bàu? Nói Bào Trạch hay Bàu (Bào) Giang tức sự khẳng định Đức nguyên Tổ Hồ Hưng Dật là sống ở vùng Ngũ Bàu, tức vùng Lăng Thành, Mã Thành, Thọ Thành, Tân Thành...thuộc Yên Thành chứ không phải là Bào Đột xã Ngọc Sơn - Quỳnh Lưu vì vùng Quỳnh Lưu này không có Bào Trạch tức Bào Giang.
Qua đây ta thấy người viết có sự nhầm lẫn về địa đanh Bào Đột làm nhiều người cũng nói theo. Vì trước đó đã có nhiều nhà trí thức uyên bác như Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, tác giả Nghệ An ký và TS. Trần Đình Phong, Tổng tài (như là Giám đốc hay Hiệu trưởng bây giờ) Quốc Tử giám thời Nguyễn trong tác phẩm Quỳ Trạch Tổng biên đã khẳng định cụ Hồ Hưng Dật không liên quan ghi đến ngọn đồi Bào Đột
(Xem thêm sách Hiểu về họ Hồ Việt Nam của Hồ Sĩ Tăng, NXB Tổng hợp TPHCM, tái bản 2018)
Theo chúng tôi cần lưu ý:
Một là hương Bào Trạch (Bào Đột) thì hai chữ Bào Đột là nguyên văn của Hồ Sỹ Dương hay đời sau chú giải thêm vào?
Hai là Hương Bào Trạch có tương đồng với Hương Bào Đột về phạm vi cùng thời gian hay không, rồi Bào Giang nữa?
Ba là, ở Yên Thành cũng có Bàu Giang (phía trên làng Quỳ Lăng);
Bốn là, các tài liệu cổ này không có chú thích Bào Đột tức là Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn - Quỳnh Lưu như sau này không ít người viết thêm vào!
Hương Bào Đột hay hương Bào Trạch không hẳn là chỉ địa bàn Quỳnh Lâm mà có thể chủ yếu là địa bàn Yên Thành (Ngũ Bàu) và giáp ranh Nghĩa Đàn nay.
Năm là, Hương Bào Đột hay Hương Bào Trạch thì giữa Hương Bào... với một bào như Bào Đột hay Bào Trạch là khác nhau về phạm vi, nghĩa là một Hương có nhiều bào, ngũ bào, n bào, chẳng hạn.
Sáu là, Ngày xưa một xã dân thưa đất rộng, nên hương là nhiều xã càng rộng hơn ngang như một tổng sau này (lúc đó khoảng 540 hộ)[5], không thể bó hẹp ở Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn ngày nay.
Bảy làxem kỹ ý kiến của Tiến sỹ Trần Đình Phong thời nhà Nguyễn, trong Khoa biên hàng Tổng, thì“Sau khi thôi quan, Ngài (Hồ Hưng Dật- HBT) về đất Ngũ Bàu: Bàu Gia, Bàu Canh, Bàu Sàng, Bàu Sừng và Bàu Diệu Ốc, là trị sở làm việc của Ngài” như đã nêu. Nếu vậy thì Ngũ Bàu và Bàu Trạch gần như là một?
4- Đúng hay có nhầm lẫn nào chăng? Tại sao nhầm?
Sự nhầm như nói trên là do trùng tên và còn do người chú giải (thêm từ Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn - Quỳnh Lưu vào sau từ Hương Bào Đột?) hay văn bản không đủ rõ ràng khi hàng trăm năm sau mới chép lại thời xa xưa (mà tên gọi và phạm vi địa lý Hương Bào Đột có nhiều biến động?). Giờ đã nghìn năm hơn. Đúng là tam sao thất bản rất thường xảy ra!
Nhưng còn có nguyên nhân là họ Hồ Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu từ thế kỷ 17,18, 19, 20 rất nổi tiếng, nhiều người thành đạt, thành danh trên lĩnh vực khoa bảng, chính trị, văn hóa, quân sự. Quỳnh Đôi là làng có học vấn, làng Khoa bảng với nhiều người họ Hồ nổi tiếng. Nên nói họ Hồ thường là nói họ Hồ Quỳnh Lưu, Quỳnh Đôi, thậm chí có lúc có người hiểu gốc Tổ họ Hồ Việt Nam là ở làng Quỳnh, thậm chí nay vẫn có người hiểu vậy.
Và bây giờ thường hiểu Bào Đột là Ngọc Sơn. Trên các phương tiện truyền thông và nay là trên mạng Internet (kể cả một số sách sử họ Hồ) cũng rất nhiều thông tin ngộ nhận như vậy.
Hơn nữa khi “phát hiện” ra Đền Vua Hồ bị phế tích, rồi phục dựng (khang trang) rồi đổi tên từ cái Miếu thời vua Hồ Hán Thương (đền Vua Hồ) dựng ở Lăng Bào Đột (Thượng Đột) thành “Đền thờ Hồ Hưng Dật” thì lại càng nhiều thông tin và giảỉ thích như định đinh cột coi rằng Hồ Hưng Dật khi từ quan về Bào Đột (Quỳnh Lưu) sinh sống làm trại chủ và nơi đây là gốc tổ, là “thánh địa duy nhất” của họ Hồ Việt Nam!? (quên luôn vùng Quỳ Lăng - gốc Tổ - nơi cụ Hồ Hưng Dật từng làm quan ở đó cùng gia quyến).
Từ đây rộ lên hai quan niệm nhận thức khác nhau, tranh luận với nhau: Gốc Tổ ở Bào Đột Ngọc Sơn - Quỳnh Lưu hay ở Lăng Thành - Yên Thành. Hoặc cụ Hồ Hồng- Quỳnh Đôi và cụ Hồ Cao - Thọ Thành ai anh ai em?
Họ Hồ Hồng - Quỳnh Đôi rất nổi tiếng và có nhiều lợi thế từ Ban liên lạc nay là Hội đồng họ Hồ VN, dựa vào một số sách vở xưa gọi là “quốc sử” hay “gia phả gốc” (gọi là “chính thống”!?), cho rằng gốc Tổ họ Hồ VN là ở Bào Đột- Ngọc Sơn Còn một số người họ Hồ khác, nhất là ở Yên Thành, quan niệm nhận thức Gốc Tổ ở vùng Lăng Thành, Mã Thành, Thọ Thành (xưa là Quỳ Lăng) - Yên Thành và đã âm thầm nghiên cứu, trao đổi ý kiến nhưng vẫn chưa thuyết phục được. Nhưng khi có nhóm nghiên cứu ra đời với cuôn sách Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam (NXB Đại học quốc gia HCM, 2019) thì tình hình đã bắt đầu đổi khác.
Họ Hồ Yên Thành hiện tại có nhiều chi họ nhánh đan xen tại chỗ và các nơi khác đến nhưng lâu đời và nổi tiếng nhất là họ Hồ Tam Công bắt nguồn từ họ Hồ Lăng Thành, Mã Thành (Long Sơn). Họ Hồ Tam Công chỉ nổi tiếng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16 với 3 trạng nguyên, nhiều tiến sĩ, cử nhân, tướng công, quận công... Nhưng về sau ít tiếp nối được truyền thống nổi tiếng của mình. Vả lại nhiều thế kỷ nay cũng hầu như có lúc không có hay ít có giới thiệu và bài viết về họ Hồ Tam Công, nên không gây được sự chú ý trong dư luận, ít người biết tới. Hoặc nếu đâu đó trong sách vở sử họ Hồ có nhắc tới cũng qua loa, coi như vai dưới, đời sau, không phải trưởng tộc, nên dễ bị quên!
Nhưng có một thực tế hơn mấy thập niên trước năm 1970,họ Hồ Quỳnh Đôi gọi họ Hồ Thọ Thành là bác sau này thì ngược lại, gọi là chú, không hiểu vìsao?). Sự thật ở đâu?
Nhưng vài ba năm nay khi cuốn sách Hiểu về họ Hồ Việt Nam (2017) ra đời đã gây nên làn sóng phản đối dữ dội và công khai gửi cơ quan chức năng bằng văn bản,đưa lên mạng Web của Ban LLHHVN từ Ban LLHHVN khóa 4.
Sau đó khi Hội đồng Sử học vào cuộc thẩm định, rồi sách Hiểu về họ Hồ Việt Nam được tái bản, có sửa chi tiết nhưng tinh thần nội dung cơ bản vẫn giữ nguyên. Ban LLHHVN và dư luận lắng xuống, im lặng. Rồi Nhóm nghiên cứu ra đời qua nghiên cứu khảo sát thực tế nhiều vùng gắn với lịch sử dòng tộc, làm rõ gốc tổ và năm 2019 ra sách Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Namđã có người của dòng họ đồng tình, hoan nghênh, khuyến khích một cách tiếp cận mới này!
Sắp tới sẽ có hội thảo lớn do Thường trực Hội đồng HHVN tổ chức để lắng nghe nhau, phản biện và làm rõ những ý kiến khác nhau ấynói trên
Vấn đề là không nên chi đơn thuần dựa vào sách xưa (có khi cũng sai lệch, hạn chế) mà còn phải dựa vào dấu tích, hiện vật, phả hệ, lô gích các sự kiện (tức thực tiễn, sự thật lịch sử) mới khắc phục được những mâu thuẫn phi lý, giải mã được tồn nghi làm thước đo chính cho chân lý lịch sử dòng họ.
Trong khi chờ đợi, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, tự phản biện, tranh luận sâu hơn, cụ thể hơn, mà bài này góp phần giải mã gốc tích từ ngữ và dấu tích lịch sử Hương Bào Đột (cùng với một số nghiên cứu khác) là một ví dụ như vậy. Đây là vấn đề khó mong có sự nghiên cúu quan tâm của nhiều người am hiểu ngôn ngữ và lịch sử địa phương xưa.
[1] Vũng nước mà chảy dài như sông gọi là Bào (Bàu) Giang, sông Bào/Bàu
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Thời đại, H 2013, tr 430
[3] Trích theo Đơn kiến nghị của Thường trực Ban LLHHVN nhiệm kỳ 4, xem http://hohovietnam.vn/thong-bao-hoat-dong/don-kien-nghi.html
[4] Theo giới nghiên cứu lịch sử thì xưa gốc từ vốn gọi là Quy Lăng (Qui Lăng), quy về đất Tổ, nơi co Lăng tẩm, nhưng dần dần dể dễ phát âm đã biến âm thành Quỳ Lăng. Quỳ Trạch cũng biến âm tương từ (Quy Trạch).
[5] Nhà Đường thống trị chia nhỏ thành các phủ, dưới phủ là huyện rồi đến hương xã. Các xã cũng không đều nhau, có hạng lớn thì 40- 60 hộ, hương nhỏ từ 70-150 hộ, lớn từ 160- 540 hộ./ Đến thời nhà Lê sơ: Năm 1490, Lê Thánh Tông tiến hành cải cách hành chính trên toàn quốc, đổi phủ thừa tuyên thành các xứ. Như vậy trên cả nước có 13 xứ, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 37 phường, 6.851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường. Mỗi xã thường không quá 500 hộ, nếu nhiều hơn 700 hộ thì sẽ tách ra làm hai xã nhỏ. Theo cánh tính này thì đến năm 1490, toàn quốc có khoảng 8 triệu nhân khẩu. Năm 1858, quân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, đến năm 1883 thì hoàn tất. Tính chung Bắc Kì có 37 phủ, 88 huyện, 38 châu, gồm 1264 tổng, 10105 xã, 29 mường, 2141 bản và 4 đạo quan binh ở vùng biên giới. Trung Kì có 3 đạo, 33 phủ, 58 huyện, 541 tổng, 9093 xã và 6 thành phố. Nam Kì có 78 quận, 197 tổng Kinh và 10 tổng Thượng, 1470 xã. /https://vi.wikipedia.org/wiki/
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511034
233
2359
21408
217907
121356
114511034