Cuộc sống quanh ta

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 1945- Những giá trị văn hóa

Văn hóa- cùng với cách tiếp cận theo nghĩa hẹp như văn hóa giao thông, văn hóa du lịch, văn hóa ẩm thực... còn có cách hiểu văn hóa rộng hơn như văn hóa văn nghệ, văn hóa giáo dục, văn hóa đời sống, văn hóa đạo đức, văn hóa pháp luật... và rộng hơn nữa là những gì là giá trị (cái đẹp) như chân, thiện, mỹ, nhân văn, quyền con người, quyền của các dân tộc...

Văn hóa còn là sáng tạo và phát minh của con người, dân tộc trong cuộc sống, là sự phát triển của chính bản thân con người, dân tộc, làm cho con người và cộng đồng, dân tộc ngày càng hoàn thiện để khẳng định giá trị cao đẹp của con người. Văn hóa mang đặc trưng riêng được hiểu là bản sắc của cá nhân hay cộng đồng, dân tộc. Với ý nghĩa đó, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đích thực là một dấu ấn văn hóa, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa.

Trước hết, Tuyên ngôn là sự đắp bồi và kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại. Là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Hồ Chí Minh có gần 70 năm hoạt động cách mạng, trong đó hoạt động ở nước ngoài hơn 30 năm. Người có mặt ở nhiều nước, viết nhiều, học hỏi nhiều, kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam với tinh hoa văn hóa nhân loại. Người tự nhận mình là học trò nhỏ của Khổng Tử, Giêsu, Tôn Dật Tiên, Mác, Lênin...
Sau ba lăm năm tìm đường cứu nước và chuẩn bị cho toàn Đảng và toàn dân phá gông cùm nô lệ, nổi dậy giành chính quyền, trong thời khắc của bóng tối và ánh sáng, nô lệ và tự do, Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn độc lập. Nhắc lại sự kiện lịch sử có một không hai đó, người nói rằng “trong đời Người đã viết nhiều, nhưng đến lúc đó mới viết được bản tuyên ngôn như vậy. Người có những lần vui mừng khi bài báo đầu tiên được đăng; khi viết truyện ngắn về đời sống công nhân Pari được đăng; khi hoàn thành cuốn sách duy nhất là Bản án chế độ thực dân Pháp và cảm thấy sung sướng nhất khi viết xong Tuyên ngôn độc lập. Nói về “cuộc hành trình văn hóa” của Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đó là kết quả của những bản yêu sách gửi cho Hội nghị Véc- xây năm 1919 và Chương trình Việt Minh năm 1941. Đó là kết quả của những bản tuyên ngôn khác như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác. Đó là thành quả của truyền đơn, sách báo bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước hơn 80 năm nay. Tuyên ngôn đôc lập là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai triệu nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập được hoàn thành dựa trên lẽ phải và những điều hiển nhiên không ai chối cãi được từ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Tuyên ngôn dựa trên cơ sở pháp lý của các hội nghị quốc tế như Hội nghị Têhêrăng với nghị quyết bảo đảm nền hòa bình lâu dài trên thế giới sau chiến tranh; Hội nghị Cựu Kim Sơn thông qua Hiến chương Liên hợp quốc và thành lập tổ chức Liên hợp quốc.
Ngày 22-8, Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội. Từ ngày 25-8, Người làm việc ở 48 Hàng Ngang, nơi ra đời bản Tuyên ngôn độc lập. Trong thực tế Người đã có ý định viết Tuyên ngôn độc lập từ tháng 5-1945 khi đề nghị Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ chuyển cho Người một quyển Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Ngày 27-8 Người đã viết xong bản thảo lần đầu.  Những ngày tiếp theo, Người tiếp tục hoàn thiện bản Tuyên ngôn. “Ngày 30-8 Người mời một số đồng chí đến trao đổi, tiếp tục góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Sau khi đọc bản thảo cho mọi người nghe và hỏi ý kiến, Người nói: “Trong đời, Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy”.
Thứ hai, Tuyên ngôn độc lập đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Cuối bản Tuyên ngôn Hồ Chí Minh viết: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do, độc lập ấy”[1].
Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng đầu tiên nhằm bảo đảm tính hợp pháp của nước Việt Nam mới. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn xứng đáng được hưởng tự do độc lập. Bởi vì cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam không chỉ là cuộc cách mạng chính trị mà còn là cuộc cách mạng văn hóa- cuộc cách mạng của lòng dân Việt Nam và khát vọng của nhân loại xóa đi những trở lực trên con đường đi tới văn hóa, văn minh của nhân loại tiến bộ. Trên ý nghĩa đó, Tuyên ngồn độc lập mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam- kỷ nguyên độc lập, tự do.
Thứ ba, Tuyên ngôn thể hiện khí phách, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Từ mùa thu năm 1940, nước ta trở thành thuộc địa của Nhật. Khi Pháp chạy, Nhật hàng Đồng minh, vua bảo Đại thoái vị thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy đánh đổ xiềng xích thực dân gần trăm năm, giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi năm mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa. Rõ ràng là chúng ta đã “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Vì vậy, chúng ta có quyền “tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Đó là tư tưởng về một nền độc lập dân tộc chân chính, hoàn toàn, thật sự, một nền độc lập đặt tiền đề, mở hướng tới tương lai tới những giá trị văn hóa mới mới là tự do, hạnh phúc.
Thứ tư, Tuyên ngôn thể hiện tư duy của một tầm trí tuệ văn hóa chính trị. Tại sao Hồ Chí Minh- một nhà mácxít thuần thục, thấm nhuần cách mạng Nga lại chọn dòng mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791 viết trang mở đầu lịch sử hiện đại Việt Nam, mở kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam? Có nhiều cách lý giải nhưng đều không nằm ngoài tư tưởng văn hóa chính trị của một lãnh tụ thiên tài. Đây là một tuyên ngôn mang tư tưởng chính trị nhưng lại không bắt đầu bằng học thuyết, lý luận chính trị mà bằng những lẽ phải không ai chối cãi được; bằng những điều hiển nhiên, trời cho.
Quyền được sống, tự do, bình đẳng là những quyền tự nhiên, quyền được Tạo hóa ban cho (quyền Trời cho) không ai có thể xâm phạm. Ngay từ năm 1924, trên báo Le Paria, số 22, khi viết về ông Anbe Xarô và bản Tuyên ngôn nhân quyền, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người ta sinh ra và mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền. Các quyền ấy là: tự do, tư hữu, an ninh và chống áp bức”[2].
Tư tưởng Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập xuất phát từ những nguyên lý vĩnh cửu, hiển nhiên của nhân loại từ khi có bóc lột và bị bóc lột cho đến ngày nay.
Quyền tự do và bình đẳng bắt đầu nảy nở với những hình thức sơ khai khi xã hội có giai cấp, xuất hiện loại người áp bức và bị áp bức. Từ đó loài người liên tục đấu tranh cho tự do và bình đẳng. Từ thế kỷ XVIII ở châu Âu đã xuất hiện nhiều nhà triết học vĩ đại trong Thế kỷ Ánh sáng, đưa ra những luận thuyết đấu tranh chống nền quân chủ chuyên chế phong kiến, hướng con người vươn tới các giá trị nhân văn cao cả về tự do, bình đẳng, bác ái. John (1632-1704), nhà triết học Anh cho rằng từ bản chất bất biến, con người có quyền tự do, bình đẳng và sở hữu, không ai có thể thay đổi được. C.L Montesquieu (1689-1775), một trong các nhà khai sáng Pháp đã nêu lên tư tưởng tự do chính trị gắn với quyền tự do công dân như tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tư tưởng này là cơ sở cho Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp. J.J Rousseau (1712-1778) nhấn mạnh chủ quyền của nhân dân khi bàn về chế độ chính trị. Ông bàn tới trạng thái tự nhiên của con người là tự do và bình đẳng. Theo ông, con người sinh ra tự do và sự bất công chính là do sự bất bình đẳng về sở hữu. Vì vậy, con người phải có quyền tự do công dân và quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Những tư tưởng đó tiếp tục được các nhà tư tưởng cấp tiến Bắc Mỹ đón nhận và vận dụng trong cuộc sống. Khẩu hiệu “Tự do hay là chết” xuất phát từ nước Mỹ bởi tư tưởng của Patrick Henry (1736-1799), người chiến sĩ lỗi lạc của nền dân chủ bang Virginia và là cơ sở cho tinh thần của bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ mà tác giả là Thomas Jefferson (1743-1826). Tác giả Tuyên ngôn độc lập Mỹ lên án chế độ thống trị của thực dân Anh trong việc bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ ở Bắc Mỹ, đi tới khẳng định các nước thuộc địa phải có quyền là Quốc gia tự do và độc lập. Với tư cách là một quốc gia tự do và độc lập từ việc xóa bỏ quyền thống trị của thực dân Anh, chúng ta có thể nói cuộc đấu tranh vì nền độc lập của nước Mỹ là tranh đấu thay mặt cho các quyền tự nhiên của riêng mỗi người.
Tuyên ngôn độc lập của Mỹ tiêu biểu cho nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa ở Bắc Mỹ đấu tranh giành độc lập tự do cho nhân dân Mỹ; là cái mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp cắm cái mốc vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh giai cấp. Đó là tiến bộ ghi một dấu son trong lịch sử phát triển của loài người cả về mặt chính trị và văn hóa. Hồ Chí Minh dẫn Tuyên ngôn Mỹ như một lẽ phải không ai chối cãi được để khẳng định với nhân dân thế giới rằng nhân dân Việt Nam đấu tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc là thực hiện những quyền chính đáng, thiêng liêng không ai có thể xâm phạm. Đồng thời dẫn Tuyên ngôn Pháp để nhân dân thế giới biết rằng nước Pháp đã từng là tấm gương trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến.
 Điều cần chú ý là trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ chỉ nói đến “tất cả mọi người”, còn trong Tuyên ngôn Độc lập 1945, Hồ Chí Minh đã bàn tới “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Nhưng thú vị và quan trọng hơn nữa, theo bà Lady Borton, thì ngay cả khi Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ viết “tất cả mọi người” thì cũng chỉ là mọi đàn ông (all men). Bà Borton dẫn Tuyên ngôn Mỹ : “... chúng tôi coi đây là chân lý hiển nhiên, rằng mọi đàn ông sinh ra đều bình đẳng”. Cũng theo bà Borton, lịch sử Mỹ cho thấy, all men nói ở thời điểm 1776 cũng chỉ mới là đàn ông da trắng có quyền sở hữu, 95 năm sau (1870) , đàn ông da đen mới được đi bầu và 50 năm sau nữa (1920) phụ nữ Mỹ mới được đi bầu (Tạp chí Xưa & nay, số 81B, tháng 11-2000).
Thứ năm, Tuyên ngôn Độc lập 1945 khẳng định quyền cơ bản của con người và quyền của các dân tộc. Đây là hai khái niệm pháp lý cơ bản của quốc gia và quốc tế được Hồ Chí Minh gắn kết với nhau thành một một phạm trù luật pháp quốc tế hiện đại: quyền dân tộc cơ bản, bao gồm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều này càng có ý nghĩa lớn khi ta biết rằng trong hội nghị thành lập tổ chức Liên hợp quốc, còn tranh luận nên đặt các nước châu Á dưới chế độ ủy trị quốc tế trực thuộc Mỹ, hay tiếp tục thừa nhận chế độ bảo hộ của thực dân Pháp. Sau thế chiến II, các nước thuộc địa và phụ thuộc không được luật pháp quốc tế bảo vệ. Các nước đế quốc khẳng định quyền lợi của họ ở các thuộc địa. Chủ nghĩa đế quốc Pháp coi vấn đề Việt Nam là vấn đề nội bộ của nước Pháp. Các trường luật tư sản vẫn dạy môn “pháp luật thuộc địa”, công nhận chế độ thuộc địa là hợp lý, hợp pháp. Với Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã lên án và đặt chế độ thuộc địa ra ngoài vòng pháp luật, ghi một một dấu son trong lịch sử phát triển luật pháp quốc tế.
Điều này một lần nữa đươc ghi nhận tại buổi lễ mít tinh tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tối 14-5-2010 nhân kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Han D’Orville - Phó Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: “Cuộc đời hoạt động chính trị của Người trước hết nhằm đấu tranh cho quyền con người và quyền các dân tộc. Ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tuyên ngôn của Người bắt đầu bằng chính những từ được trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ... Quan điểm của Người đã nói trước được điều mà 15 năm sau, vào năm 1960, Liên Hợp Quốc đã đưa vào trong Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa ” (http://vietnamweek.net, ngày 23-5-2010). Đến tháng 12-1948, Liên hợp quốc mới cho ra đời Tuyên ngôn Nhân quyền và tháng 12- 1970, Đại hội đồng Liên hợp quốc mới nhất trí 100% với tuyên bố “chấm dứt một cách mau chóng và vô điều kiện chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện”. Điều này có nghĩa là Tuyên ngôn độc lập đã góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới vì mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Mỗi lần đọc Tuyên ngôn độc lập 1945 của Hồ Chí Minh, điều đọng lại sâu xa nhất là tầm nhìn xa trông rộng và bản lĩnh văn hóa của lãnh tụ. Tuyên ngôn không chỉ khẳng định quyền sống của con người mà còn khẳng định quyền của các dân tộc. Thế kỷ XX chưa phải là thế kỷ thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, nhưng đó là thế kỷ thắng lợi của nhân loại tiến bộ trong sự nghiệp xóa đi một vết trong lịch sử, cản lực của văn hóa, văn minh nhân loại là chế độ thuộc địa và chủ nghĩa thực dân. Hồ Chí Minh là một trong số ít các nhân vật trên thế giới đã giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa thực dân, để lại một dấu ấn không thể phai mờ về giá trị văn hóa, nhân văn - dấu ấn thể hiện trí tuệ vượt thời đại của Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.4, tr.3-4.
[2] Hồ Chí Minh: Sdd, t.1, tr.240.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511124

Hôm nay

2123

Hôm qua

2359

Tuần này

21498

Tháng này

217997

Tháng qua

121356

Tất cả

114511124