Những góc nhìn Văn hoá

Đôi điều về mỹ thuật thời Nguyễn

 Bởi những người đi trước đã gọi “mỹ thuật Lý ”,“mỹ thuật Trần”, “mỹ thuật thời Lê Sơ”, “mỹ thuật Tây Sơn”… nên tôi cũng mạo muội gọi “mỹ thuật Nguyễn”, cho dù cảm thấy gọi như thế vô hình trung người ta đã gán cho mỹ thuật chỉ là của các Vương triều. Đành rằng mỗi thời đoạn mỹ thuật đều có tuổi ứng với sự tồn tại của từng triều đại.

Một số tác giả sợ lẩi gọi chung chung như thế nên đã phân giải riêng rẽ thành mỹ thuật dân gian, mỹ thuật cung đình … Thật ra nếu hiểu văn hoá nói chung là sản phẩm của hoạt động xã hội, thì nghệ thuật là những đoá hoa đẹp mang sắc thái tự giác dung chứa ý thức tư duy bất kỳ của tầng lớp nào trong xã hội đó. Dân chúng thuộc về số đông. Tính trội của mọi nền văn hoá thuộc về đại chúng, kể cả nền mỹ thuật bác học mang bản chất, phong cách hàn lâm. Đã là đại chúng thì mặc nhiên là của thế gian. Cái gọi là mỹ thuật cung đình cũng do nghệ nhân dân gian, thợ thủ công dân gian, binh phu dân gian, kể cả hoạ sĩ có nghề cũng là những con người cụ thể xuất thân từ dân chúng làm nên. Thời nào cũng vậy, vua quan chỉ nói và giỏi lắm cũng chỉ làm nên thứ văn hoá cung đình mà thôi. Mà văn hoá cung đình thì thường bay bổng trên cao với thượng tầng kiến trúc. Sắc lệnh, chiếu chỉ, tấu trình, quy cách điển chế, luật lệ…đều có người soạn ra dâng lên. Ngay cái đơn giản nhất là ăn, ta gọi là “văn hoá ẩm thực” thì “vua quan” cũng chỉ tham dự vào công đoạn gần cuối. Phần sản xuất, chế biến, đều thuộc về người làm - đại chúng. Cung đình đặt hàng và thụ hưởng sản phẩm, thành quả, tác phẩm. Ít khi là tác giả. Cho nên cái gọi là văn hoá cung đình cũng là văn hoá bắt nguồn từ đại chúng, của đại chúng. “Dân tộc, khoa học, đại chúng”. Tôi chuộng ba cặp khái niệm ngôn ngữ này hơn là tách bạch thành dân gian, cung đình.

    Vậy nên văn hoá nói chung và tác phẩm mỹ thuật nói riêng đều thuộc về đại chúng. Đại chúng là cộng đồng người. Cộng đồng người lập nên từng “ga” thế hệ để truyền nối. Vì thế, nghệ thuật, mỹ thuật là một chuỗi phát triển liên tục, tiệm tiến, bền vững trải qua trường kỳ lịch sử. “Có con rồi mới có cha. Có cháu giữ nhà rồi mới có ông”. Người là vậy thì nghề mà cao hơn là nghệ thuật, mỹ thuật cũng là vậy. Phát triển, sáng tạo trên cái lõi đã được sinh thành, đã được tiếp thu. Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, mỹ thuật thời Trần không chết theo vua. Mạc Đăng Dung tranh ngôi vua Lê, mỹ thuật thời Lê Sơ không mất theo ngôi. Mùa Xuân năm Kỷ Dậu Quang Trung đánh đuổi quân Thanh chấm dứt Vương triều Lê, mỹ thuật Lê vẫn được bảo tồn trong lòng cộng đồng cư dân Đại Việt. Vì thế phân kỳ lịch sử mỹ thuật theo triều đại chỉ nên coi là ước lệ. Bởi văn hoá là một dòng chảy liên tục, không gián đoạn. Nhanh hoặc chậm, lặng lẽ hoặc ồn ào tuỳ thuộc vào tình thế mỗi thời. Mất nguồn hay đứt hẵn mạch dẫn có lẽ chưa mấy khi xẩy ra. Việc ngắt rời từng dòng nghệ thuật triều này, thời này là do ta muốn vậy, nghĩ vậy. Nhờ thế, đôi khi người ta tưởng tượng ra một thời đoạn nghệ thuật chưa xác lập cho dù là sơ đẳng nhất để khen. Dẫu biết đó chỉ là “di duệ” của quá khứ gần. Từ suy nghĩ như thế nên tôi cho rằng mỹ thuật Nguyễn là mỹ thuật Lý, Trần, Lê nối dài. Cái riêng, chính là sự phản ảnh tâm thức, trình độ, điều kiện sống ở một môi trường địa - lịch sử rộng hơn nên sự hòa đồng dung nạp mỹ thuật Nam Á gần gủi hơn, thuận tiện hơn. Khác Lý, Trần, Lê, phải chăng là thêm bóng dáng Chămpa trong mỹ thuật Nguyễn. 
    Nhiều người viết rằng mỹ thuật dân gian hưng thịnh rực rỡ dưới các triều Lý, Trần, Lê. Mỹ thuật bác học ra đời và hưng thịnh sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bởi các con chim đầu đàn từng học khoá đầu ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương biết gạt bỏ tư tưởng thực dân phong kiến dám “gác bút nghiên theo việc đao cung” làm nên. Xét về hiện tượng, điều đó không sai. Nhận biết bản chất có lẽ lại khác. Với nghệ thuật/mỹ thuật, không nên khiên cưỡng thái quá. Vả lại, thế kỷ XVI, XVII chiến tranh Nam - Bắc triều chưa dứt thì đã tiếp diễn nội chiến Trịnh - Nguyễn tương tàn. Sự hiện hữu vài ba ngôi đình chùa thời đó hãy nên coi là phép thả lỏng lấy lòng để dân quên tai họa. 
    “Sự xuất hiện một phong trào phát triển phong phú với nhiều truyền thống dân gian mở đường cho những thành công suốt thế kỷ XVI và nở rộ vào thế kỷ XVII nhưng rồi lại ngưng đọng, chỉ nẩy nở vào cuối thế kỷ XVIII (mỹ thuật Tây Sơn, tg) trước khi bị bóp nghẹt vào đầu thế kỷ XIX với nhà Nguyễn
                                       (Viện Mỹ thuật, Nghiên cứu Mỹ thuật, Hà Nội, 1992, trang 14).  
    Thế kỷ bị bóp nghẹt thì đương nhiên mỹ thuật chỉ là khoảng trắng. Khoảng trắng đồng nghĩa khoảng trống (dân gian và bác học) được quy vào thế kỷ sau đỉnh cao huy hoàng của mỹ thuật Tây Sơn với hai ngôi chùa Kim Liên ở Hà Nội và Tây Phương ở Sơn Tây cuối thế kỷ XVIII do những người thợ đã thành nghề từ Vương triều Lê làm nên. Thực ra thực tiễn lại không hẳn vậy. Những mảng hoa văn dạng mây vảy trên các con giao làm thành bậc ở đàn Nam Giao (Thái Hà ấp), ở Văn Miếu Thăng Long thời Lê thế kỷ XVII đã nhập thân vào những con giao làm thành bậc ở điện Minh Thành, thành bậc cấp xuống hồ Dài ở cuối sân chầu lăng Gia Long đầu thế kỷ XIX là hệ quả của sự vận hành mặc nhiên bởi những “đoàn tàu” chở tâm thức qua các “ga” chạy dọc “cung đường thời gian”. Vạn vật có nòi. Con người cũng vậy. Nòi còn là nghề còn. Những cái đầu tượng đá bị bắn gãy vở, vùi lấp khuất trong cỏ dại ở lăng Gia Long mà Giáo sư Tiến sĩ Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính là người tìm ra được rất giống tượng quan hầu ở lăng Lê Thánh Tông (thế kỷ XV). Thợ Thanh Hoá thế kỷ XV và thợ Thanh Hoá thế kỷ XIX là “đồng” tác giả những tác phẩm trên đã để lại dấu ấn thừa kế bền vững trong tư duy hồi cố của người đời.
    Như đã trình bày, từng đoàn người từ Bắc vào Nam trong trường kỳ lịch sử Nam tiến thì từng dòng nghề cũng từ Bắc vào Nam với họ là điều dĩ nhiên. Sao lại không ? Bởi thực tế ngầm của văn hóa lại có đời sống tâm hồn như một đoàn tàu. Người vận hành có thể được thay thế từng ga, tốc độ chạy tàu nhanh chậm từng ga, nhưng đích đến thì luôn luôn ở phía trước. Lên án người vận hành nào đó rồi phủ nhận một chặng đường nào đó mà con tàu đã đi qua là tự dối mình. Bởi sự thật khách quan là chặng đường đó đã từng tồn tại với chức năng của chính nó. Ai đó tôn thờ luận điểm hai dòng văn hoá dân tộc rồi ca ngợi bên này, thóa mạ bên kia vô hình trung là đã chia rẽ, phá hoại sự cố kết thiêng liêng của cả cộng đồng. Bởi giàu đẹp, thịnh vượng, bền vững của mỗi quốc gia phải được xây dựng trên tình người, tình dân tộc, quốc tộc. Làm mất tình cảm cố kết thiêng liêng đó cũng có nghĩa là làm mất thế thái nhân tình!
    Vừa qua Tiến sĩ Đinh Trọng Hiếu đấu hụt bức tranh sơn dầu của tác giả Ưng Mộng vẽ chùa Thiên Mụ năm 1900, tại một cuộc bán đấu giá ở Paris, nuối tiếc chụp vài tấm hình gửi về cho bè bạn. Ưng Mộng và tác phẩm của ông ra đời trước dăm bảy chục năm các thế hệ làm nên nền mỹ thuật đương đại xã hội chủ nghĩa Việt Nam cuối thế kỷ XX. Chín đỉnh đồng lại ra đời trước bức tranh chùa Thiên Mụ của Ưng Mộng 63 năm. Hiển Lâm các xây dựng trước ngày đúc Cửu Đỉnh 16 năm. Lăng Gia Long khởi công trước Hiển Lâm các 7 năm. Phạm Như Đăng (Nam), Tống Phước Lương (Trung), Lê Duy Thanh (con trai nhà Bác học Lê Quý Đôn, Bắc) là những đại biểu nhân sĩ, trí thức, nghệ nhân, thợ thủ công cả nước làm nên công trình lăng tẩm đầu tay dưới Vương triều Nguyễn. Điều đó chứng tỏ mỹ thuật Nguyễn trước hết là sự kết tinh hội tụ mỹ thuật đại chúng trên đất Đàng Trong. Người Đàng Trong là hậu duệ của nhiều lớp con dân từng làm nên mỹ thuật Lý, Trần, Lê. Người Đàng Trong còn là hậu duệ của nhiều thế hệ đã từng làm nên đền tháp Chămpa kiêu sa kỳ vĩ. Có con người là có sự sống. Có sự sống là có kết quả lao động sáng tạo. Phủ nhận sạch trơn xem ra lại là tự phủ nhận chính mình. Cửu Đỉnh là sản phẩm, đồng thời là tác phẩm mỹ thuật thuộc loại hình điêu khắc vừa mang tính hàn lâm, vừa mang tính đại chúng là vậy. Từ đó suy ra 9 phẩm đỉnh đồng giữa sân Thế Tổ miếu tại Hoàng thành Huế là hậu duệ của 9 khẩu súng thần công “Vô địch Thượng tướng quân” đầu thế kỷ XIX. Suy rộng hơn, cả hai lớp di sản này lại là di duệ của 11 vạc đồng thế kỷ XVII mà nhiều người đã coi là con cháu của những vạc đồng, trống đồng Đông Sơn loại III có nguồn gốc sinh thành tại Thanh Hoá, Hoà Bình ở những thế kỷ trước.     
    Đứng lặng để chiêm ngưỡng từng vóc dáng, hoạ tiết, đường nét chạm khắc sông, núi, con, cây, hoa trái, tàu thuyền, súng đạn, …, trên 9 đỉnh, không ai không nhận ra bàn tay của cha ông mình trong dặm dài “mang gươm đi mở nước”. Đông Sơn, Sa Huỳnh đã đến với nhau làm nên/để lại bóng dáng bản sắc bên nhau trên những sản phẩm - tác phẩm này.
    Đối với giới mỹ học đích thực thường nhận xét sản phẩm - tác phẩm dựa trên 3 tiêu chí liên đới sinh thành : Chân - Thiện - Mỹ. Đánh giá sản phẩm, tác phẩm chi qua tác giả là việc riêng của một số người. Tôi thực sự tâm đắc với luận điểm sau đây : “Giá trị đạo đức và tư tưởng của nghệ thuật chính là ở chỗ nó tận tụy đi tìm cái đẹp, và khi đã đến đẹp, thì chân, thiện đã nằm đầy đủ và hồn nhiên trong đó”.
    (Thái Bá Vân,Tính lịch sử riêng của nghệ thuật, Nghiên cứu Mỹ thuật, Hà Nội 1992, trang 73)
    Tôi hiểu : Chân là thật thà, hiện thực. Thiện là trung lương, khách quan, trong sáng, vô tư. Mỹ là tốt đẹp, hợp lý, dễ coi. Chưa chân, thiện là chưa mỹ đích thực. Bởi mỹ thiếu chân thiện là mỹ vô hồn. Cái đẹp trước hết là lẽ hoà mục, hợp mắt, được chia sẻ giữa tác giả và khán giả, giữa người sáng tạo nghệ thuật và người thụ hưởng. Cái đẹp đích thực của văn hoá, có văn hoá không dành riêng cho một ai. Mặt khác, nguồn gốc về sự sống thấm trong máu thịt của mỗi con người truyền từ đời này sang đời khác trở thành tâm thức và quan niệm thẩm mỹ truyền thống. Cho đến nay, đôi khi ta còn gặp những pho tượng gỗ dân gian dáng nồi, bầu nước, con chó, … bên nhà gươl, nhà rông, nhà mồ ở một số vùng cư dân Trường Sơn - Tây Nguyên có lẽ cũng nằm trong mạch hồi cố bẩm sinh theo thuộc tính cổ truyền. Cái kiềng ba chân, cái nồi om nước chè xanh, cái bung nấu bánh chưng ngày tết ... biết đâu cũng đã góp phần vào sáng tạo hình dang Cửu Đỉnh. Ta thử tách quai và chân ra khỏi thân đỉnh, sẽ nhận ra ngay dáng một cái nồi mà các gia đình người Việt Nam mọi miền trước đây đã dùng trong sinh hoạt đời thường. Sự bình dị như thế không chỉ làm nên vui mắt mà còn làm nên sự gần gũi, gắn bó thân tình. Trông nghiêng, đỉnh có dáng như một con voi chầu, trông thẳng lại giống một cái bung đặt trên kiềng ba chân nấu bánh chưng ngày tết.
   Về kết cấu vật thể Cửu Đỉnh bằng đồng có quai, miệng, cổ, thân, chân với tỷ lệ thích ứng tạo nên nét cân đối giữa các bộ phận. Sự hợp lý từ đầu đã làm cho người quan sát dễ chịu. Mỹ khoan thai, nhẹ nhàng len vào tình cảm mỗi người rồi làm nên sự chuyển hoá từ thụ đến cảm để cuối cùng thẩm thấu, tổng hoà thành nhận thức thẩm mỹ. Qua kết cấu vật thể dung dị đó, Cửu Đỉnh dẫn người ta đến từng mô típ trang trí dưới dạng phù điêu đúc nổi: núi, sông, cây cỏ, chim muông, hoa trái, tàu thuyền, súng đạn..., vốn là hình tượng mang nội dung đích thực được chuyển tải bằng tài năng nghệ thuật.
    Quan sát thấu đáo ta sẽ nhận ra non sông đất nước ta. Người xưa không đứng ra ngoài trời, càng không bao giờ dám nghĩ đứng lên trên trời, sai trời làm theo ý mình. “Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận” bắt nguồn từ sự biết nương tựa vào trời đất. Chửng chạc, đỉnh đạc mà thanh tú, nuột nà. Khó tìm thấy những điều bất hợp lý về dáng hình và cách bố trí các bức phù điêu trên mỗi đỉnh. Mặt khác, sự thể hiện cũng hết sức tinh tế và bám rất sát đặc điểm từng nội dung đề tài với những nét riêng biệt. Cây hành khác cây kiệu. Đậu trắng không giống đậu xanh. Thiên Tôn sơn khác xa Đại Lãnh. Tiền Giang - Hậu Giang không như Lam Giang, Linh Giang. Mỗi núi, mỗi sông, mỗi cây, mỗi cái... đều được phát hiện chính xác tính đặc thù với dấu riêng, dáng riêng. Loài thú, loài chim, con nào ra con ấy, thứ nọ khác thứ kia. Tất cả thật hài hoà, sống động, vui mắt, rộn ràng biết bao.  Linh hồn của Cửu Đỉnh - nói theo thuật ngữ của các nhà Văn hoá học là di sản vô thể (phi vật thể) nằm bên trong, đằng sau thế giới hình tượng đó. Và, chính những nét tinh tế, tài hoa như thế đã làm nên sức sống vạn vật để làm nên vẻ đẹp hoàn hảo của Cửu Đỉnh.
    Một số người cho rằng Cửu Đỉnh không to, cao lồng lộng giữa trời xanh bay bổng như cánh diều nên được coi là thiếu hoành tráng bởi “bị bóp nghẹt vào đầu thế kỷ XIX”.
    Quả vậy, so với những tượng đài đồ sộ cùng chất liệu thời hiện đại, tầm vóc Cửu Đỉnh quả là quá khiêm tốn. Có lẽ ngày trước quan niệm nếu to cao quá, buộc người ta phải ngước lên thì cách trở. Thấp bé quá bắt người ta phải cúi xuống thì tầm thường vật tôn thờ. Ngang mắt, ngang tim là phải đạo.Từ tầm cao ấn định quy mô, kích thước thân, chân và quai. Tỷ lệ đó tương ứng tỷ lệ năm cung mà tạo hóa nặn ra con người.
    Một bác sĩ nhãn khoa trẻ nói với tôi rằng, 2,50m chiều cao, 1,1m bề rộng là nằm trong góc nhìn chuẩn tạo nên sự quan sát minh bạch nhất, tường tận nhất khi ta đứng thăng bằng, trước đối tượng - ở đây là tác phẩm. Tầm nhìn vuông góc với chiều thẳng đứng tâm thân thường cho người ta phương pháp tiếp cận khách quan hơn khi ngửa mặt lên trời hoặc cúi đầu xuống đất. Quan sát với thái độ chiêm ngưỡng chân, thiện phải được đặt trong cự ly tương ứng này.  Đứng ngắm từ xa. Ngước nhìn thật cao. Ca ngợi thật bài bản thường thì không gần gũi với lòng mình. Cái đẹp dung dị đôi khi, nhiều khi hay bản chất lại chính là mỹ thuật đích thực. Khó và dễ xuất phát từ lẽ đời, lẽ đạo như thế. Lịch sử nghiên cứu mỹ thuật nhân loại đã trải qua một thời kỳ “đồ giấy” nên trên nhiều trang di chỉ chữ viết, người ta chỉ phô bày quan điểm giai cấp, tấm lòng hợp thời hơn là bàn về mỹ thuật đích thực. Bởi vậy cái đẹp hoàn hảo đang hiện hữu trước mắt người không bình thường, thường bị lên án xỉ vả, mà cái đẹp tưởng tượng mơ hồ chưa có hoặc không có của một thời mà người ta cho là mình, lại được suy tôn. Thì ra không phải ai cũng nhận biết mỹ tuy đứng sau chân - thiện như tín đứng sau  “nhân -  nghĩa -  lễ - trí”, chính là sự thể hiện tính tổng kết làm cái gương soi quyết định có hay không một nhân cách văn hoá.  
    Từ tạo dáng, chỉ định nội dung, quy mô, tổ chức đúc, làm nguội đến xác lập vị thế đặt đỉnh là kết quả lao động của cả một cộng đồng có vua quan, binh sĩ, thầy thợ và thứ dân. Dấu ấn hăng hái, nhiệt thành dường như vẫn còn rối rít trên 9 sản phẩm - tác phẩm đúc đồng hoàn hảo này. Cửu Đỉnh là sản phẩm của thế kỷ XIX bị thế kỷ XX ruồng bỏ, lại được thế kỷ XXI xiển dương cũng bắt nguồn từ chân, thiện, bắt nguồn từ nhận thức thực tiễn mà trước hết là bắt nguồn từ cái TÂM.
    Bất cứ ai, bất cứ ở miền vùng nào, hễ là con dân đất Việt, đứng trước Cửu Đỉnh đều nhận ra bóng dáng quê hương mình, nhận ra sự giao hòa, gắn bó của trời đất giang sơn mình. Lòng yêu non sông, đất nước, xao xuyến lâng lâng rồi hun đúc nên tình cảm, tri thức, chí khí mang hoài bảo vững bền cùng đất nước.
    Vậy là từ cái đẹp của kết cấu vật thể đến cái đẹp thể hiện hình tượng đã dẫn người thưởng ngoạn đến cái đẹp tâm hồn cao cả. Một cái đẹp trừu tượng nhưng rất đỗi thiêng liêng. Yêu đất nước và sống vì đất nước. Tác giả và tác phẩm mỹ thuật suy cho cùng phải là như thế. Cửu Đỉnh trước mắt du khách hiện thời được coi là tuyệt tác bởi những điều bình thường như thế. Chân, thiện, mỹ hội tụ kết tinh trên 9 sản phẩm đúc đồng có một tên chung : CỬU ĐỈNH như là chân dung thế kỷ XIX./.    
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445518

Hôm nay

218

Hôm qua

2237

Tuần này

21127

Tháng này

211777

Tháng qua

120141

Tất cả

114445518