PV: Ông có nhận xét gì về đời sống văn học nước nhà trong những năm gần đây ?
Giáo sư Trần Đình Sử(GS. TĐS) : Đời sống văn học nước nhà trong thời gian gần đây, một mặt tiếp tục sự chuyển đổi mô hình văn học đã được thực hiện từ những năm trước. Đó là quá trình chuyển nền văn học từ những yếu cầu đặc biệt của cuộc chiến tranh cứu nước nặng về tuyên truyền và nội dung ý thức hệ sang một nền văn học phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu văn hoá, thẩm mĩ nhiều mặt của đông đảo quần chúng nhân dân. Mặt khác nền văn học của chúng ta tiếp tục được bình thường hoá. Từ sau khi trao giải thưởng Nhà nước cho một số nhà văn thuộc nhóm “Nhân văn Giai phẩm” như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, tác phẩm của họ đều đã xuất bản bình thường. Tác phẩm Trần Dần thơ có lúc gặp trở ngại, nhưng rồi cũng êm xuôi, và được sự quan tâm của nhiều cây bút phê bình. Một biểu hiện của việc bình thường hoá khác là nhiều tác phẩm văn học ở đô thị miền Nam trước đây nay có dịp in lại, tuy có những ý kiến khác, song dư luận chung là chấp nhận có chọn lọc. Một số cây bút hải ngoại đã có sách xuất bản ở trong nước tạo thêm một khoảng cách gần gủi để văn nghệ người Việt, dù ở đâu cũng có thể góp mặt với văn nghệ, văn hoá nước nhà. Đặc điểm thứ ba là văn học Việt Nam đương đại phát triển rất mau chóng, nhiều nhà văn nổi tiếng vào thời Đổi mới trước đây ngày nay xem ra đã bắt đầu cũ đi. Một số độc giả tỏ ra không còn yêu thích tác phẩm thời đổi mới của Nguyễn Minh Châu như trước nữa vì tính luận đề quá đậm và lộ, mặc dù vẫn kính trọng nhiệt tình, tâm huyết đổi mới của ông. Đặc điểm thứ tư là, tuy một số cây bút nổi danh trước đây vẫn tiếp tục sáng tác tốt, song một thế hệ nhà văn mới với những tên tuổi mới đã xuất hiện ngày càng nhiều và được khẳng định. Văn học ngày nay chủ yếu là sáng tác của họ, những sáng tác mới về đề tài, tư tưởng, bút pháp, thể hiện một mặt bằng mới trong nghệ thuật.
PV: Theo ông thì chúng ta đã gần có những tác phẩm lớn ngang và mang tầm thời đại như lâu nay chúng ta vẫn thường nói ?
GS. TĐS : Rất khó nói. Lâu nay theo dư luận chung, chúng ta vẫn nhận định là văn học ta hiện nay chưa có những đỉnh cao, chưa có sự kết tinh thành tinh hoa của nghệ thuật được đông đảo bạn đọc trong nước và thế giới thừa nhận. Tác phẩm ngang và mang tầm thời đại theo tôi vẫn là lí tưởng mà chúng ta mong đợi.
PV : Tại sao chưa ?
GS. TĐS : Vấn đề cũng khó nói. Một số người cho là chúng ta đang thiếu những tài năng lớn đủ để sáng tác ra tác phẩm lớn ngang tầm thời đại. Tài năng là rất cần, như là hạt giống tốt. Nhưng có giống rồi lại phải có nước, phân, thời tiết, khí hậu thì cây mới cho quả ngọt xứng với giống của nó. Lại có người cho là nhà văn Việt Nam nói chung không trường vốn, viết xong tác phẩm thành công đầu tay, họ không có đủ lực để vượt qua chính mình. Nhưng tôi thấy nhiều nhà văn Việt Nam vốn liếng rất giàu, nhìn số lượng tác phẩm họ, nào tiểu thuyết, nào kịch, nào kịch bản phim... rất khủng khiếp, cho nên cũng không thể tuyệt đối hoá điều đó. Cũng có người cho rằng cái tiêu chí ngang tầm thời đại có tính chất trừu tượng, bởi vì thời đại ấy là thời đại nào. Trước đây chúng ta nói tầm thời đại là thời đại xã hội chủ nghĩa với tính ưu việt của nó, tính tất thắng của nó. Nay tuy định hướng ấy vẫn được Trung ương khẳng định, nhưng xã hội ta vẫn đang tiến sâu vào nền kinh tế thị trường theo tiêu chí mà các nước tư bản tiên tiến có thể thừa nhận. Trong thời đại hội nhập, kinh tế thị trường, tri thức toàn cầu hoá, mở rộng giao lưu thì cái “tầm thời đại” bây giờ chắc là phải khác lắm. Muốn biết cái tầm của mình cũng rất cần sự đánh giá của độc giả nước ngoài. Nhưng việc phiên dịch, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài đang làm yếu quá, chưa có điều kiện cọ xát để tự biết được mình. Các giải thưởng Asean là do ta đề cử, nước bạn chấp thuận, cho nên cũng chưa phải là ngang tầm thời đại.
PV: Có trách nhiệm của giới lí luận phê bình văn học không ?
GS. TĐS: Tất nhiên là có rồi. Đánh giá tác phẩm văn học là phần việc của giới lí luận phê bình. Nhưng cái khó của phê bình hiện nay là khó tìm được sự đánh giá nhất trí về các giá trị văn học. Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài được đông đảo nhà văn và bạn đọc khẳng định, nhưng số ý kiến phủ định cũng không ít. Chúng ta ở vào thời đại của sự phân hoá về quan niệm và giá trị, cho nên khó nói chuyện nhất trí trong đánh giá. Nhiều ý kiến mong mỏi có trọng tài để phân xử những đánh giá khác nhau. Nhưng theo tôi, đó là ảo tưởng. Cứ nhìn trọng tài trên sân cỏ thì biết, giữa thanh thiên bạch nhật mà vẫn cứ xử sai như thường. Xử sai thì cứ xử sai mà ai vô địch thì vẫn cứ vô địch. Thời đại của sự đánh gía nhất trí theo tôi đã qua lâu rồi. Nếu có được thì chỉ tương đối, còn nhìn chung là các cách đánh giá khác nhau chung sống hoà bình với nhau, cho đến một ngày nào đó, khi nhận thức có đổi khác thì sẽ có đánh giá nhất trí hơn.
PV : Ông có bình luận gì về ý kiến cho rằng hoạt động lí luận phê bình của chúng ta chậm đổi mới hơn sáng tác, chưa theo kịp sáng tác, thậm chí là lạc hậu so với một số nền văn học khác ?
GS. TĐS : Hoạt động lí luận phê bình của chúng ta vẫn có rất nhiều cố gắng để đổi mới nhận thức về văn học. Trong lí luận văn học theo tôi có hai loại. Một loại là lí luận hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng cho sáng tác. Lí luận ấy sau Nghị quyết Trung ương 5 Đại hội khoá VI của Đảng đã được điều chỉnh lại cũng bằng nghị quyết số 5 của ban chấp hành Trung ương khoá VIII, và đến nay vẫn giữ nguyên định hướng. Theo Nghị quyết của Bộ chính trị số 23 khoá X thì Đảng cộng sản Việt Nam đã tự đánh giá như sau: “Tư duy lý luận và quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển, góp phần cổ vũ khích lệ, tạo niềm tin cho văn nghệ sĩ.” Còn một loại lí luận văn học khác nhằm giải thích các hiện tượng văn học đa dạng. Chúng ta đã vượt qua được các lí luận xơ cứng, giáo điều cũ kĩ trong nhận định, đánh giá, giải thích các hiện tượng văn học phức tạp, tạo điều kiện để đánh giá lại đúng đắn nhiều hiện tượng văn học, văn hoá đã bị đánh giá chưa thoả đáng trong thời kì trước. Về mặt này không thể nói là lí luận văn học của chúng ta chậm đổi mới được. Vấn đề là chúng ta không chỉ đổi mới lí luận, mà còn phải học thêm nhiều lí luận mới trước đây chưa từng được biết đến hoặc bị kì thị. Lí luận hiện đại chủ nghĩa và lí luận hậu hiện đại vẫn được giới thiệu và bước đầu được dùng để giải thích một số hiện tượng văn học dân tộc. Vấn đề là nhiều lí luận mới quá, việc vận dụng khó tránh chưa nhuần nhuyễn. Lí luận văn học của ta không thể so sánh với lí luận của các nước Nga hay Trung Quốc được. Nga là một cường quốc lí luận, còn Trung Quốc hiện đại tuy chưa có tầm vóc đó, song là một nước có tiềm lực vĩ đại, đội ngũ đông đảo. Lực lượng lí luận cả nước ta có khi không bằng lực lượng lí luận một tỉnh của họ. Ta nên bằng lòng với tầm vóc của mình và cố gắng của mình, bởi ta không thể nắm tóc mình mà nâng cao lên khỏi mặt đất được.
PV : Ông có thể cho biết những khoảng trống hay là những mặt nào trong hoạt động lí luận phê bình nào là đáng lo ngại nhất ?
GS. TĐS : Chúng ta đều biết lí luận chỉ trở thành sức mạnh khi nào nó đi sâu vào tâm trí đông đảo những người làm công tác văn học nghệ thuật trong cả nước. Lực lượng này rất đông và theo tôi được biết thì trình độ không đồng đều, quan điểm nhận thức về văn học nghệ thuật nhiều chỗ khác nhau đến mức đối lập. Quan niệm xã hội học cũ, tầm thường vẫn còn đeo bám một số không nhỏ những người làm công tác văn hoá văn nghệ. Đây có thể nói là nơi còn chậm đổi mới quan niệm về văn học nghệ thuật. Tư duy của Trung ương nhiều chỗ đổi mới rồi mà hình như ở địa phương, có nơi vẫn còn chưa theo kịp. Một số người lại có quan điểm đổi mới thiền về tuỳ hứng, chưa có gì sâu sắc, cũng chưa có sức thuyết phục. Chẳng hạn về tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyến Ngọc Tư Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam đã đánh giá rất cao, song nhiều nơi vẫn chưa thông. Họ vẫn dựa vào tính điển hình của phương pháp hiện thực chủ nghĩa để xem đó là hình tượng nghệ thuật không điển hình, thậm chí là xuyên tạc hiện thực. Họ vẫn xem đấy là hình tượng của hiện thực, chứ không xem đấy chỉ như là một biểu tượng hư cấu có tính kí hiệu. Đây là ví dụ về quan niệm lí luận cũ ảnh hưởng đến phê bình văn học. Có thể nói như thế này, phương pháp sáng tác của nhiều tác phẩm văn học của ta đã đa dạng, phong phú hơn trước nhiều, nhưng tiêu chí đánh giá của một số cây bút phê bình vẫn là tiêu chí của chủ nghĩa hiện thực cũ. Chủ nghĩa hiện thực vẫn là phương pháp sáng tác có hiệu lực, dễ hiểu với đông đảo người đọc nước ta, được người đọc ưa chuộng, song thực tế sáng tác thì đã có nhiều thay đổi rồi, ngoài chủ nhĩa hiện thực còn có chủ nghĩa hiện đại, có cả hậu hiện đại nữa. Sự chậm trễ đổi mới là có nhưng chỉ ở trong một phạm vi nhất định. Tôi nghĩ rằng không nên quá lo ngại.
PV : Những nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng ấy ?
GS. TĐS : Nguyên nhân thì có nhiều, song nguyên nhân chính thì vẫn là hiện vẫn tồn tại những quan niệm khác nhau về văn học, nghệ thuật. Không nên quên rằng về lí luận chúng ta đã đi từ quan niệm độc tôn, đối lập tuyệt đối với các quan niệm khác đến chỗ hội nhập, chấp nhận những quan điểm khác nhau là một tiến bộ vượt bậc. Nếu nói về đa nguyên thì hiện tại trong lí luận văn học nước ta đang tồn tại tình hình đa nguyên. Đã là đa nguyên thì phải chấp nhận các quan điểm khác nhau và phải chờ đợi nhau và đã đa nguyên thì không nên hiểu chỉ một mình mình là duy nhất đúng.
PV : ở nước ta hiện nay đã có các trường phái lí luận phê bình văn học khác nhau chưa?
GS. TĐS : Xét về phương pháp tiếp cận thì có thể nói hiện nay ở nước ta đã có một số trường phái lí luận phê bình văn học nhất định. Trường phái lí luận và phê bình xã hội học mác xít đã thịnh hành một thời ở nước ta nay vẫn tiếp tục tồn tại. Trường phái này dựa chủ yếu vào nội dung hiện thực được phản ánh, vào việc phân tích tính giai cấp, quan điểm lịch sử, tính chất thẩm mĩ. Bên cạnh đó có thêm trường phái thi pháp học với cách tiếp cận về các hình thức nghệ thuật mang tính quan niệm trong sáng tạo nghệ thuật. Trường phái này lại đang mở rộng sang lĩnh vực tự sự học nghiên cứu ngôn ngữ của các thể loại văn xuôi. Lại có trường phái phân tâm học dựa vào các tư tưởng hợp lí của Freud và Jung đang có những kết qủa khích lệ. Hiện nay một số nhà nghiên cứu trẻ đang theo đuổi các phương pháp xã hội học của Bourdieu, nghiên cứu mẫu gốc của N. Frye, kí hiệu học văn hoá của Ju. Lotman. Có người đi sâu vào một số vấn đề lí luận hiện đại như tác phẩm văn học, bi kịch hoặc nhân loại học văn học rất bổ ích...Tuy nhiên kết quả chưa đồng đều, có chỗ chưa nổi bật. Có thể nói bức tranh nghiên cứu văn học và lí luận văn học nước ta đang hiện ra đa dạng, phá vỡ cục diện đơn nhất đã tồn tại trong nhiều chục năm. Tuy vậy nói là trương phái nhiều người vẫn nghĩ là còn to tát quá. Theo tôi, gọi là trường phái vẫn đúng, bởi đó là sự thật. Chẳng phải là trước năm 1945 phê bình lí luận văn học Việt Nam cũng đã có nhiều trường phái là gì ?
PV: Theo ông thì có cần thiết có các khuynh hướng, trường phái lí luận phê bình khác nhau không, tại sao ?
GS. TĐS : Có các trường phái lí luận, phê bình văn học khác nhau là tất yếu của một nền lí luận, phê bình văn học phát triển. Thứ nhất lí luận và phê bình văn học xưa nay trên thế giới vốn tồn tại nhiều trào lưu, trường phái, mỗi trường phái bảo vệ một số quan niệm, niềm tin về văn học nghệ thuật. Không có trường phái nào độc tôn. Mỗi trường phái chỉ góp phần giải thích hiện tượng văn học từ một phương diện, chứ không phải tất cả. Phải có nhiều tường phái mới mong giải thích được văn học, nghệ thuật với tư cách là hiện tượng đời sống phong phú, phức tạp nhất của tinh thần con người. Tính nhiều trường phái sẽ góp phần dập tắt mọi tham vọng độc tôn. Không nên nghĩ rằng lí luận phản ánh đã đến hồi kết. Nó sẽ còn mãi như các lí thuyết biểu hiện, tượng trưng, kí hiệu, thần thoại học, phân tâm học...Vấn đề là mỗi lí thuyết đều có giới hạn của nó, không có lí thuyết vô hạn, không có lí thuyết nào có thể thay thế các lí thuyết khác. Sở dĩ nhiều người có lúc phản cảm với phản ánh luận chỉ là vì nó có tham vọng độc tôn, bài xích các lí thuyết khác. Nếu thừa nhận nó chỉ là một trong nhiều lí thuyết thì việc tồn tại của nó vẫn có ích và không ảnh hưởng đến ai cả.
PV: Ông có nhận xét gì về đội ngũ các nhà lí luận phê bình của chúng ta hiện nay ?
GS. TĐS : Theo quan sát của tôi thì đội ngũ lí luận phê bình văn học của ta hiện nay đã khá đông đảo. Bên cạnh thế hệ đã cao tuổi, 60, 70 hoặc cao hơn nhưng vẫn còn làm việc, có thế hệ 40, 50 hiện đang đóng vai trò chủ chốt trên các diễn đàn văn học. Thế hệ các nhà lí luận 30 – 40 lại đang sung sức và có nhiều hứa hẹn. Sau thế hệ các nhà lí luận phê bình văn học trưởng thành từ những năm 60, 70 xuất hiện như là những chiến sĩ trên mặt trận lí luận phê bình, đến những năm 80, 90 có thêm thế hệ các nhà lí luận phê bình văn học độc lập, họ có quan niệm lí luận và phê bình riêng tiếp thu từ các nguồn khác nhau. Sang đầu thế kỉ mới xuất hiện thế hệ các nhà lí luận đào tạo ở Âu Mĩ hoặc ở trong nước, nhưng đọc thông thạo các thứ tiếng Âu Mĩ. Lực lượng này đang tìm tòi những cách tiếp cận mới, là nguồn lực đầy hứa hẹn của lí luận phê bình văn học Việt Nam trong tương lai. Tuy công việc của họ chỉ mới bắt đầu, con đường của họ còn dài và xa, nhưng chúng ta có quyền hy vọng.
PV : Hình như chúng ta vẫn thiếu nhiều các công trình nghiên cứu lí luận và phê bình văn học ? Tại sao vây ?
GS. TĐS : Ông nhận xét đúng, chúng ta vẫn còn thiếu nhiều công trình nghiên cứu lí luận và phê bình văn học. Lí luận vănhọcthế giới rất phong phú mà người Việt chúng ta biết đến còn ít quá. Ngay sách dịch lí luận văn học nước ngoài cũng con rất lơ thơ, còn đọc và trao đổi về chúng thì chưa thấy. Lí do cũng dễ hiểu thôi. Đễ có một công trình nghiên cứu lí luận và phê bình văn học tương đối quy mô đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tâm huyết và tích luỹ. Người viết phải trường hơi, cả vốn. Người viết nghiên cứu ấy phải thật chuyên tâm vào công việc. Hiện tại những người làm lí luận phê bình văn học của ta phần lớn là nguời của báo chí, đài phát thanh, truyền hình, họ quen phát biểu tức thì nhiều hơn là nghiên cứu chuyên sâu. Một lực lượng khác là cán bộ nghiên cứu ở các Viện. Họ được đầu tư lớn, nhưng phần nhiều trong số họ vốn sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế, diện tham khảo hẹp cũng khó làm nghiên cứu chuyên sâu về lí luận. Một lực lượng nữa là giảng viên các trường đại học. Đội ngũ này khá đông đảo nhưng công việc dạy học của họ ngập cổ ngập đầu, họ rất ít có thì giờ để viết một cái gì dài hơi. Họ lại thiếu đầu tư. Nhiều người trong số họ, sau luận án tiến sĩ thì khó có công trình nào dài hơn luận án tiến sĩ ấy nửa. Một số nữa thì bận bịu với việc mưu sinh. Có một mái nhà để ở đối với một cán bộ trẻ không hề là chuyện dễ dàng ở đất nước ta.
PV : Theo cá nhân ông thì chúng ta cần làm gì để nâng cao chất lượng các hoạt động lí luận, phê bình văn học trong thời gian tới ? Then chốt vấn đề nằm ở đâu ? Ai sẽ tháo chốt này ?
GS. TĐS : Nâng cao chất lượng hoạt động lí luận phê bình văn học cũng giống như nâng cao chất lượng sáng tác văn học, là câu chuyện không dễ. Nhiều người quan tâm, trách móc đủ điều về chất lượng lí luận phê bình mà đã khi nào thực sự làm một cái gì cho nó đâu. Nó không phải là phong trào, chỉ cần có chỉ đạo, có giải pháp, có đầu tư là có ngay kết quả. Nó cũng không phải là con ngựa để cầm roi quất cho nó lồng lên được. Chất lượng của hoạt động lí luận phê bình văn học là do các nhà lí luận phê bình văn học thực hiện, cho nên, trước hết phải có những người tâm huyết, đam mê, bản lĩnh trong khu vực này để có thể trụ vững lâu dài với nó. Chúng ta đang có một đội ngũ trẻ có năng lực, có ngoại ngữ, có hoài bão. Tổ chức, đầu tư cổ vũ là điều không thể thiếu. Tôi nghĩ cần phải có một cái Hội của người làm công tác lí luận phê bình văn học của cả nước, thu hút các lực lượng trong cả nước, đề ra những mảng còn trống vắng, phân công nhau thực hiện, tìm đầu tư, cổ vũ nhau làm chắc có thể làm ra được một cái gì. Nguyện vọng lập hội đã đề xuất từ đầu năm 1990 mà nay vẫn chưa thực hiện được. Tất nhiên không phải có hội là đủ. Một số hội đã lập cũng chưa làm được gì nhiều. Nhưng có Hội chăc sẽ có những sinh hoạt bổ ích, trao đổi thông tin, khích lệ người làm nghề. Tổ chức thảo luận một công trình lí luận nước ngoài vừa mới được dịch, thảo luận một công trình mới được công bố, gây một niềm hứng khởi, tạo thêm một luồng gió, thúc đẩy niềm đam mê lí luận phê bình. Những công việc này Hội nhà văn Việt Nam hay Hội đồng lí luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương đều chưa làm hoặc chưa với tay đến. Cần có giải thưởng riêng về lí luận phê bình văn học do những người làm nghề này chọn và trao. Then chốt vấn đề là ở bản lĩnh người làm lí luận phê bình. Làm vì khoa học, không vì danh, vì lợi. Người quản lí và các phương tiện truyền thông cũng góp phần không nhỏ. Nhưng cổ vũ thiếu công tâm, gây nên hiện tượng giả cũng có tác hại cho lí luận, phê bình không nhỏ. Chẳng phải là một số phương tiện truyền thông đã góp củi lửa để lăng xê một nhà phê bình cơ hội, mãi sau mới lộ mặt ? Nhà nước (cơ quan chủ quản hay là ai ? ) cần có hình thức quan tâm, nhất là đầu tư. Tôi đặt niềm tin vào đồng nghiệp, đặc biệt đặt hết niềm tin vào đội ngũ những cây bút trẻ. Không có họ thì sẽ không có gì.
PV: Xin cảm ơn giáo sư. Chúc giáo sư mạnh khoẻ và có nhiều công trình nghiên cứu mới.
PHAN THắNG(Thực hiện)