Nhìn ra thế giới

Nhà hát opera Sydney - biểu tượng nước Úc

Nhà hát Opera Sydney thu hút lượng lớn khách tham quan mỗi năm. Ảnh: internet

Sau 10 năm thi công, ngày 20/10/1973, Nữ hoàng Elizabeth đã cắt băng khánh thành nhà hát Opera Sydney. Và cũng từ đó Nhà hát Opera Sydney đã trở thành biểu tượng cho một thế giới hiện đại, niềm tự hào của người dân Sydney nói riêng và nước Úc nói chung, điểm tham quan không thể thiếu được của du khách khi tới đất nước này.

Kế hoạch xây dựng nhà hát này bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ trước. Người khởi xướng ý tưởng là Giám đốc Nhạc viện bang New South Wales Eugene. Từ ý tưởng này, ông đã tổ chức các cuộc vận động hành lang quyết liệt, rầm rộ trong cả nước và mãi đến năm 1954 mới đạt được sự đồng thuận trong chính quyền và nhân dân cả nước.

Năm 1956, chính quyền ở Úc tổ chức cuộc thi quốc tế thiết kế nhà hát Opera quốc gia. Với giải thưởng 5000 Bảng Anh. 233 đề án thiết kế trên khắp hành tinh đã gửi về Úc và cuối cùng Tom Utzon kiến trúc sư chưa có tên tuổi, 38 tuổi người Đan Mạch đã chiến thắng. Tom Utzon chiến thắng bởi ông đã vượt lên khuôn mẫu những toà nhà hình hộp vô cùng phổ biến thời đó để tạo nên một kiến trúc độc đáo với những mái vòm khiến người ta liên tưởng tới những cánh buồm trắng đang thong dong vượt biển khơi hay hình con sò biển quen thuộc của vùng đất này. Tầm nhìn của Utzon về điêu khắc và xây dựng các đường cong trên bến cảng đã phá vỡ hoàn toàn lối tạo hình của giới kiến trúc thế giới thời kỳ đó nhưng cũng gây nhiều tranh cải vì rất khó thực hiện bởi thế giới chưa có một công trình nào như vậy. Chính vì vậy mà mô hình nhà hát Opera Sydney được giới thiệu tại toà thị chính Sydney năm 1957 và hai năm sau công trình mới được thi công. Và toà nhà đã làm thay đổi cuộc đời, sự nghiệp của kiến trúc sư Utzon và đất nước Australia.

Khởi công từ năm 1959 với từ 1.000 kỹ sư, công nhân xây dựng. Ban đầu toà nhà dự kiến xây dựng trong vòng 4 năm với tổng chi phí 7 triệu USD. Việc xây dựng gặp phải nhiều lần trì hoãn vì lý do khách quan và chủ quan và phải mất 14 năm mới hoàn thành với chi phí đội giá lên tới 12 triệu USD (phần lớn số tiền này do một công ty xổ số của Australia đầu tư).

Tổng diện tích của công trình này 1.8 ha (dài 183m, rộng 120m). Công trình đồ sộ này được xây dựng trên một hệ thống chân móng gồm 580 cột bê tông đóng sâu 25m dưới mực nước biển. Nhà hát có hệ thống cung cấp điện riêng với hệ thống truyền tải lên đến 654km, lượng điện tiêu thụ gần bằng một thị trấn 25.000 dân. Nhà hát được thiết kế một hệ thống mái vòm rất đặc biệt để gió biển có thể thổi vào bên trong giúp điều hoà nhiệt độ một cách tự nhiên. Mỗi mái lớn hình võ con sò đều được làm từ bê tông khối và được bao phủ bằng hàng triệu viên ngói màu trắng và màu kem có thể tự làm sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời như kim sa. Tại các mái vòm đều có gắn các tấm pha lê màu giúp nội thất nhà hát trở nên lung linh và huyền ảo hơn mỗi khi đón ánh mặt trời.

Chiều cao với đỉnh cao nhất là 67m (so với mặt nước biển), gần tương đương một ngôi nhà 22 tầng, nội thất bên trong nhà hát đều được sử dụng đá granite màu hồng lấy từ vùng Tanara (bang New South Wales). Ngoài ra nhà hát còn sử dụng rất nhiều gỗ tự nhiên.

Opera Sydney là tổ hợp của 5 khu nhà hát, 5 studio tập diễn, 2 sảnh chính, 4 nhà hàng, 6 quán bar và 8 của hàng lưu niệm trong đó sảnh hòa nhạc có thể chứa 2.679 khán giả, nhà hát opera có thể chứa 1.547 khán giả.

Một đặc điểm đạt đến tuyệt vời nữa chính là hệ thống âm thanh vang vọng tự nhiên mà không có một nhà hát nào trên thế giới có. Bên trong toà nhà kiến trúc như một mê cung bao gồm sảnh hoà nhạc giao hưởng (Concert hall), rạp hát cổ nhạc opera (opera theater), phòng hợp xướng (studio), rạp diễn kịch (drama theater) và rạp chiếu bóng (play hoase). Sảnh hoà nhạc là nơi có cây đàn organ dạng cơ khí to nhất thế giới (với hơn 10.000 ống sáo). Các nhà hát được biểu trưng bằng cách cắt ra thành các bán cầu có hình con sò hay lá buồm. Mỗi cánh buồm là một nhà hát độc lạ trong chỉnh thế toàn nhà hát.

Những sự tuyệt vời về âm thanh ánh sáng, sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và cảnh quan đã giúp nhà hát Opera Sydney trở thành một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất hành tinh, một trong những trung tâm trình diễn nghệ thuật bận rộn và sáng tạo nhất thế giới. Đó là điều làm nên kỳ tích: mỗi năm có từ 8,2 triệu đến 10 triệu du khách trên thế giới đến chiêm ngưỡng.

Nhà hát Opera tổ chức nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng. Ảnh: internet

Đến nay, mỗi năm nhà hát tổ chức khoảng 1.600 buổi biểu diễn hoà nhạc giao hưởng, múa ba lê, opera, kịch sân khấu, khiêu vũ, âm nhạc, hài kịch chương trình của trẻ em, biểu diễn nghệ thuật đương đại… thu hút trên 1,2 triệu khán giả trong nước và nước ngoài tới xem, là đơn ị có số thu khổng lồ của ngành công nghiệp văn hoá đất nước này.

Ngay sau khi ra đời, nhà hát Opera Sydney đã trở thành biểu tượng về sự phát triển của nước Úc. Nhà hát đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2007. Đây là di sản thế giới thứ 2 được công nhận khi vị kiến trúc sư thiết kế ra nó còn sống. Và trong danh sách các Di sản thế giới, nhà hát Opera Sydney là công trình trẻ tuổi nhất, chiếm vị trí tương đương với các công trình nổi tiếng khác trên thế giới như Kim tự tháp ở Ai Cập, Tháp Eiffel ở Pháp./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số Tết Giáp Thìn  - Tháng 01/2024)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511570

Hôm nay

2233

Hôm qua

2336

Tuần này

21944

Tháng này

218443

Tháng qua

121356

Tất cả

114511570