Góc nhìn văn hóa

Vài suy nghĩ về số hóa di sản văn hóa

Du khách quét mã QR code để nhận thông tin về di tích và hiện vật khi tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Linh Tâm

 

Số hóa di sản văn hóa (DSVH) là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Nó trở thành một nội dung trong chương trình số hóa của Nhà nước và các địa phương. Sự phát triển của khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để tiến hành số hóa các DSVH. Nhưng số hóa DSVH là một vấn đề vô cùng phức tạp chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ. Ngay khái niệm số hóa DSVH là gì còn đang gây ra nhiều sự tranh cãi, nói gì tới việc thực hiện số hóa DSVH như thế nào. Điều đó đòi hỏi cần có những thảo luận nghiêm túc hơn về vấn đề này nhằm có những gợi mở cả về chính sách lẫn thực tiễn cho các chương trình số hóa DSVH hiện tại và tương lai gần.

Số hóa di sản văn hóa

Dù cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng đang từng bước thực hiện chương trình chuyển đổi số, nhưng nhận thức về chuyển đổi số không phải là vấn đề đơn giản. Nhất là trong các lĩnh vực rộng lớn như văn hóa, thế nào là chuyển đổi số lại càng thêm khó để định nghĩa, và càng khó hơn khi vận dụng vào các lĩnh vực cụ thể như số hóa DSVH chẳng hạn.

 

Đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được phục dựng bằng công nghệ thực tế ảo 3D. Nguồn ảnh: hanoimoi.vn

Thế nào là số hóa DSVH? Câu hỏi này đã được thảo luận với nhiều người trong những bối cảnh khác nhau và nhận được nhiều cách hiểu khác nhau. Hầu hết những người liên quan trong lĩnh vực quản lý văn hóa đều cho rằng số hóa DSVH là đi tìm và lập danh mục các DSVH để đưa vào quản lý trong các phần mềm đặc thù của ngành. Nói chính xác thì đây là chuyển từ các danh mục, các hồ sơ dạng viết tay hay in giấy sang quản lý bằng phần mềm. Một số người hiểu rộng hơn một chút, cho rằng số hóa DSVH là sử dụng các trang thiết bị hiện đại như máy quay phim, máy chụp ảnh, máy ghi âm để đi ghi âm, chụp ảnh, quay phim lại các DSVH với những hình thức khác nhau và lưu giữ lại qua các bộ lưu trữ loại lớn hoặc các phần mềm quản lý. Thậm chí họ còn xây dựng các kịch bản cho các DSVH, nhất là di sản văn hóa phi vật thể để dễ bề “số hóa” các DSVH này. Hiểu như vậy phần nào cho thấy người ta đã quan tâm đến vấn đề số hóa DSVH. Việc sử dụng phần mềm quản lý các di sản hay các nội dung liên quan đến di sản cũng là một cách để số hóa. Hay việc đi ghi âm, ghi hình, chụp ảnh các DSVH để lưu giữ, quản lý cũng là số hóa DSVH. Hiểu như vậy không có gì sai, nhưng cũng chưa phải chính xác, nhất là trong bối cảnh mà các giá trị văn hóa vẫn còn nhập nhằng, các DSVH lại biến đổi liên tục, thì càng làm cho việc số hóa DSVH thêm phần khó khăn và thiếu hiệu quả hơn.

Ở đây, để thuận lợi hơn trong việc thực hiện số hóa DSVH, xin phép được đưa ra một cách hiểu rộng rãi về số hóa di sản trên cơ sở đặt DSVH gắn với cộng đồng chủ thể và các bên liên quan đến nó. Theo đó, chúng ta có thể hiểu rằng số hóa DSVH là một phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH được thực hiện bởi các cộng đồng chủ thể và các bên liên quan nhằm giữ lại cả bề mặt biểu hiện lẫn nội dung, giá trị của di sản gắn với bối cảnh cụ thể cùng không-thời gian rõ ràng và hướng đến chủ thể quyết định dưới sự tương tác của các bên liên quan. Nói một cách khác, cũng là việc ghi âm, ghi hình hay chụp ảnh lại các di sản văn hóa để lưu giữ bằng phương thức hiện đại dưới sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, nhưng không chỉ do các nhà quản lý thực hiện mà do cả cộng đồng chủ thể và các bên liên quan cùng tham gia thực hiện. Trong đó cộng đồng thủ thể là nhân tố trung tâm, giữ vai trò quyết định. Và họ cũng là lực lượng chủ chốt thực hiện việc số hóa DSVH của chính họ qua sự giúp đỡ của các đối tượng khác. Cách hiểu này nếu nhìn qua thì phức tạp, nhưng nếu phân tích rõ ra vai trò của các bên liên quan và cộng đồng chủ thể, cùng với đó làm rõ hơn vấn đề quản lý số hóa DSVH thì sẽ cho ta nhiều giá trị tích cực.

Vai trò của cộng đồng chủ thể trong số hóa DSVH

Trong quá trình số hóa DSVH, cộng đồng chủ thể là nhân tố quyết định, là lực lượng chính để thực hiện công việc số hóa di sản và tham gia vào quá trình quản lý số hóa DSVH. Nói vậy không phải đi ngược lại với lập luận phía trên khi nhận định hiện nay ngành văn hóa đang là lực lượng chính thực hiện và quản lý công tác số hóa DSVH. Nhưng như đã phân tích, hiện nay, số hóa DSVH đang mới chỉ bắt đầu ở một mức độ hẹp và do ngành Văn hóa thực hiện. Nhưng đến lúc phát triển mạnh và mở rộng ra theo cách hiểu phía trên thì cộng đồng chủ thể sẽ đóng vai trò quan trọng và là lực lượng chính, quyết định đến hiệu quả công việc số hóa DSVH.

Để rõ hơn điều này, cần phải hiểu khái niệm DSVH một cách sâu rộng hơn. DSVH không chỉ là những di sản đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng, mà nó còn là các DSVH tồn tại và phát triển trong cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận dù nó chưa được xếp hạng về di tích hay di sản phi vật thể. Như vậy, nhiều DSVH là những thực hành văn hóa hàng ngày của người dân, của cộng đồng và là những biểu hiện rõ ràng nhất của bản sắc văn hóa cộng đồng. Một nghi lễ vòng đời hay nghi lễ liên quan đến đời sống sản xuất, một điệu múa truyền thống, một bài mo, bài cúng, cách chuẩn bị và chế biến một món ăn… và nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống… đều là những DSVH gắn với chủ thể. Nó cũng là những biểu hiện của bản sắc văn hóa cộng đồng. Hầu hết những DSVH này lại đang tồn tại và phát triển trong cộng đồng, chưa được công nhận chính thức hay ít được quan tâm hơn các DSVH đã được công nhận và xếp hạng. Vậy nên, công cuộc số hóa DSVH, bên cạnh số hóa các di sản đã được công nhận và xếp hạng thì còn phải số hóa những di sản gắn liền với hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của con người, của cộng đồng. Trong công cuộc số hóa này, cộng đồng chủ thể sẽ là lực lượng chính để thực hiện. Họ là nhân tố quyết định và trực tiếp thực hiện nếu như được tăng quyền và trao quyền trong vấn đề này.

Ngày nay, có rất nhiều người trong các cộng đồng biết sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet. Hầu như gia đình nào cũng có một vài người biết sử dụng. Nếu hướng dẫn cho họ biết cách thức để ghi âm, ghi hình và chụp ảnh lại các DSVH hiểu theo nghĩa rộng thì họ sẽ tự làm một cách hiệu quả. Chẳng ai hiểu rõ các yếu tố văn hóa bằng chính chủ thể và họ cũng là nhân tố quyết định đến bản sắc hay biến đổi văn hóa. Nên việc trao quyền số hóa DSVH cho chủ thể là điều cần thiết. Các bên liên quan khác bao gồm cả cán bộ văn hóa, chính quyền địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp… cần hỗ trợ họ trên các phương diện như có hệ thống chính sách, hành lang pháp lý, thay đổi nhận thức và nâng cao các kỹ năng về số hóa di sản. Đặc biệt, xây dựng một hệ thống dữ liệu quan trọng để người dân có thể tự chuyển tải tư liệu của mình sau khi số hóa lên hệ thống nhằm quản lý và chia sẻ được. Như vậy, mỗi người dân bình thường có thể quay lại việc chuẩn bị một bữa cơm hay chuẩn bị và thực hành một nghi lễ một cách đầy đủ và theo cách hiểu của họ để tạo thành một dữ liệu liên quan đến DSVH mà họ đang thực hành. Và có hàng chục triệu người có thể làm chuyện đó, tạo nên một hệ thống dữ liệu về DSVH cộng đồng có thể tương tác và chia sẻ sâu rộng, hạn chế việc mai một DSVH cũng như có thể nghiên cứu để tìm hiểu sự biến đổi văn hóa qua các trường hợp cụ thể.

Trong quá trình đó, cộng đồng chủ thể quyết định sẽ số hóa DSVH nào và thực hiện số hóa theo cách nào cũng như sẽ quyết định nội dung di sản được số hóa. Nó khác với các kịch bản được chuẩn bị từ những người bên ngoài cộng đồng vốn mang tính chủ quan. Điều quan trọng là người dân cần được hỗ trợ từ ngành Văn hóa, chính quyền địa phương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp hay các tổ chức xã hội để có đủ điều kiện thực hiện số hóa và cách thức cũng như năng lực để quản lý và chia sẻ hệ thống dữ liệu về DSVH của mình khi thực hiện quá trình số hóa.

Quản lý quá trình số hóa DSVH

Đây là vấn đề vô cùng phức tạp và khó thực hiện. Nếu như chỉ số hóa những DSVH đã được công nhận và được xếp hạng thì việc quản lý gần như được mặc định bên ngành Văn hóa. Điều này có thể đảm bảo an toàn nhưng lại rất khó để các nhà nghiên cứu tiếp cận được và cả cộng đồng chủ thể cũng không nắm được chứ chưa nói đến việc tương tác với nhau. Còn khi tạo ra một hệ thống dữ liệu mở về DSVH của các cộng đồng đã được số hóa thì việc quản lý cần phải phù hợp. Dữ liệu mở nghĩa là có thể tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận, chia sẻ và tương tác. Nó thuận lợi là tiếp nhận được nhiều ý kiến trái chiều, cũng như có những sự bổ sung liên tục cho kho dữ liệu số hóa, làm cho người ta rõ hơn về DSVH của các cộng đồng. Nhưng điều này cũng gây ra những khó khăn trong việc quản lý. Sở dĩ chính quyền địa phương hay ngành Văn hóa thắt chặt quản lý DSVH vì sợ nếu quá cởi mở và tương tác thì ai cũng sẽ tiếp cận được và làm cho mất mát hay biến đổi bản sắc văn hóa. Nhưng như vậy thì việc số hóa DSVH nhất là với những di sản gắn với đời sống thường nhật mà chưa được công nhận và xếp hạng sẽ rất khó khăn.

Một hệ thống dữ liệu văn hóa mở được cộng đồng chủ thể chia sẻ là một bước đi quan trọng trong quá trình số hóa di sản. Sự tương tác văn hóa đang ngày càng mạnh mẽ nên việc xây dựng các hệ thống dữ liệu mở không chỉ không làm mất đi quyền hay trách nhiệm của chủ thể và các bên liên quan, mà trái lại còn giúp đỡ cho cả chủ thể lẫn các bên liên quan hiểu và tôn trọng nhau hơn trong quá trình phát triển. Trên thế giới, nhiều hệ thống dữ liệu mở được các nhà khoa học xây dựng và kêu gọi người dân chủ thể tham gia tích cực đã và đang ngày càng lớn mạnh. Điều đó làm cho hạn chế hết mức có thể các định kiến về cộng đồng chủ thể khi mà bức tranh văn hóa của họ ngày càng được nhiều người biết đến đầy đủ hơn, toàn diện hơn dù chưa được khám phá hay trải nghiệm. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề nhạy cảm mà các quốc gia hay chính quyền địa phương không muốn phổ biến thì việc xây dựng hệ thống dữ liệu mở cũng gặp khó khăn vì liên quan đến vấn đề quản lý dữ liệu số hóa.

Để hướng đến một hệ thống dữ liệu mở về DSVH trong quá trình số hóa thì cần có những phân cấp quản lý nhất định. Theo đó, các di sản đã được công nhận và được xếp hạng thì giao cho các cơ quan chức năng quản lý nhưng cố gắng cởi mở để quảng bá văn hóa. Đối với hệ thống dữ liệu văn hóa được người dân cộng đồng chủ thể chia sẻ thì cần có những cơ chế để cộng đồng tự quản gắn với các bên liên quan. Như vậy, cộng đồng chủ thể và các bên liên quan có thể tương tác với nhau để cùng quản lý và cùng chia sẻ hệ thống dữ liệu do mình tạo ra. Muốn vậy, cần phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả người dân chủ thể văn hóa lẫn các bên liên quan, tôn trọng lẫn nhau để cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trong quá trình số hóa di sản./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445619

Hôm nay

2119

Hôm qua

2237

Tuần này

21228

Tháng này

211878

Tháng qua

120141

Tất cả

114445619