Cuộc sống quanh ta

Bác Hồ với tổ chức công đoàn

Bác Hồ kính yêu không những là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mà còn là người đặt cơ sở và lý luận cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Vì thế, quá trình hình thành và ra đời của tổ chức Công đoàn cách mạng Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của Bác với những mốc son khắc dấu không thể nào quên.

Còn nhớ, vào ngày 5-6-1911, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đành phải tạm xa đất nước để bước vào cuộc hành trình “đi tìm hình của nước”. Một năm sau, năm 1912, Bác đã trở thành hội viên của Công đoàn Hải ngoại nước Anh. Năm 1918, Bác tham gia Đảng Xã hội Pháp, đóng góp trong việc xây dựng các tổ chức công đoàn trong công nhân Pháp và Bác đã trở thành một đoàn viên công đoàn chính thức của Công đoàn kim khí, quận 17, thành phố Pa-ri (Pháp).
Qua những hoạt động đầu tiên của phong trào công nhân, công đoàn, Bác đã thấy được những mô hình về công đoàn và sự cần thiết của nó đối với giai cấp công nhân Việt Nam. Năm 1920, sau khi tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên thì các hoạt động của Bác dã hướng về phong trào các nước thuộc địa. Người đã yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) tìm mọi cách giúp đỡ công nhân các nước thuộc địa thành lập tổ chức Công hội. Đặc biệt năm 1922, Bác đã gợi ý cho Bùi Lâm (tức Nguyễn Văn Gị) về cách xây dựng hội của những công nhân- thủy thủ Việt Nam tại Marseille và Le Havre. Chính hội này đã góp phần quan trọng vào việc vận chuyển tài liệu, sách báo cách mạng từ Pháp về Việt Nam. Cuối năm 1923, sau khi rời nước Pháp, Bác đã sang Liên Xô làm việc tại Quốc tế Cộng sản, rồi Quốc tế Công hội Đỏ. Người đã tìm hiểu về Công đoàn Liên Xô, nơi giai cấp công nhân đã giành được chính quyền và đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nghiên cứu về tính chất, đặc điểm các hình thức tổ chức công đoàn hiện có ở một số nước thuộc địa hồi đó như : Ấn Độ, Thỗ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc … Bác đã có nhiều bài viết liên quan đến vấn đề này, nhất là bài viết đăng trên báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản ngày 1-1-1924. Bài báo đã phân tích rõ những đặc điểm của phong trào công đoàn ở một số nước thuộc địa lúc bấy giờ để mọi người hiểu rõ hơn và liên hệ cụ thể đến điều kiện hoạt động và tổ chức ra Công hội trong nước. Năm 1925, sau khi thành lập tuần báo Thanh Niên- cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Thanh Niên, Bác đã viết tiếp một số bài về tổ chức Công hội Đỏ quốc tế. Người đã đề cập đến việc thành lập một tổ chức công đoàn ở Việt Nam (lúc đó gọi là Công hội) như sau : “Ở nước ta, công nhân có ba thứ : một là thủ công (nghĩa là làm bằng tay, nước ta phần nhiều làm bằng tay); hai là công xưởng (nghĩa là dùng máy làm công) như máy cưa, máy dệt, xe lửa …; ba là bán công (nghĩa là khi thì buôn bán, khi thì làm công) … Mỗi thứ công nhân một khác, cho nên cách tổ chức cũng không giống nhau được, đại khái chia ra làm chức nghiệp tổ chức và sản nghiệp tổ chức … Chức nghiệp tổ chức là nghề nghiệp nào tổ chức theo nghề nghiệp ấy; Sản nghiệp tổ chức là không theo nghề nghiệp nào mà theo những người làm công tác ở chỗ nào thì tổ chức ở chỗ ấy”. Cuối cùng bài báo kết luận : “Cách tổ chức nào cũng có cái lợi và cũng có cái hại, phải tùy thời, tùy địa mà dùng, nghĩa là về công xưởng thì theo cách sản nghiệp, về các nghề vặt thì theo cách thức chức nghiệp tổ chức”. Đặc biệt, trong cuốn “Đường Kách mệnh”, do Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Châu Á xuất bản năm 1927 (một tác phẩm bao gồm những bài giảng của Bác ở lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu-Trung Quốc), Bác đã viết những dòng chữ về tổ chức Công hội Đỏ mà những dòng chữ ấy có tính chất kinh điển về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn sau này: “ Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Sau khi giải thích về nhiệm vụ của Công hội, Người khẳng định : “Công hội là cơ quan của công nhân để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa”. Cũng vào thời gian này (1927), tại Trung Quốc, Bác đã cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng (tức Sao Đỏ) xuống làm việc ở tàu Bờ Sông và xúc tiến thành lập Hải viên Công hội- một tổ chức tập hợp công nhân thủy thủ Việt Nam trên tuyến đường hàng hải : Thượng Hải-Hồng Công-Hải Phòng. Hải viên Công hội là đường dây liên lạc đã tổ chức đưa đón sách báo, cán bộ cách mạng từ Trung Quốc về Việt Nam. Cũng theo gợi ý của Người, Hải viên Công hội đã ra hai tờ báo “Giác ngộ”“Binh lính” làm công cụ tuyên truyền trong công nhân và binh lính Việt Nam ở Trung Quốc.
Như vậy, từ những năm tháng đầu tiên ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã rất chú ý đến chức năng bảo vệ quyền lợi cho người lao động, một chức năng quan trọng nhất của tổ chức Công đoàn. Từ những cơ sở Công hội đầu tiên trên đất Pháp, những hội tương tế mang nặng tính chất phường hội thị dân, từ những “đốm lửa” Công hội đỏ đầu tiên của Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn- Chợ Lớn đầu những năm 1920, cùng với sự xâm nhập của tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào nước ta qua Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên; từ những năm 1926 phong trào công nhân phát triển như gió lốc, đặc biệt theo sáng kiến của Nguyễn ái Quốc nêu ra ở Quảng Châu, những học trò ưu tú của Người như Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự đã phát động phong trào vô sản nổi tiếng, làm cho tổ chức Công hội ở Bắc và Trung Kỳ thực sự lan rộng, phát triển hết sức mạnh mẽ. Đó cũng chính là bối cảnh để Đông Dương Cộng sản Đảng giao trọng trách cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28.7.1929, tại số 15 Hàng Nón - Hà Nội, là tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay. Đây là kết quả tất yếu được liên kết từ những dấu mốc son trước đó của Bác kính yêu với tổ chức Công đoàn
Năm 1930, phong trào cách mạng Việt Nam dâng lên hết sức mạnh mẽ. Đúng vào thời gian này, Quốc tế Công hội Đỏ chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ V. Được tin, Bác liền cử ba đồng chí là Hoàng Bình, Phạm Văn Đức và Lê Văn Kiệt đi dự Đại hội. Đoàn đã lặn lội vượt biên giới Mãn Châu tới Liên Xô dự Đại hội an toàn. Bác cũng đã thông báo cho nhóm học sinh Việt Nam đang học tại trường Phương Đông biết để giúp đỡ đoàn. Có thể nói, đây là sự kiện rất đáng chú ý của lịch sử tổ chức Công đoàn Việt Nam. Vì đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn đại biểu chính thức trên diễn đàn quốc tế. Qua sự kiện nêu trên, cho thấy sự quan tâm chu đáo, cũng như sự tinh tế của Bác đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam ngay từ những bước đi đầu tiên. Từ năm 1941, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, tại Hội nghị Trung ương lần 8 (19.5.1941), Người đã có sáng kiến lập ra Mặt trận Việt Minh, và Hội Công nhân cứu quốc cũng đã ra đời, các tổ chức Công đoàn phát triển mạnh trong cả nước. Ngày 20.7.1946, Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Việt Nam đã thành lập Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến năm 1961 tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai Công đoàn Việt Nam được đổi tên thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Trong quá trình phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam, bên cạnh sự quan tâm về xây dựng, củng cố tổ chức, Bác Hồ cũng luôn luôn nhắc nhở kêu gọi giai cấp công nhân vận động phong trào Thi đua ái quốc. Từ sáng kiến của Bác, Công đoàn Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua nổi tiếng và đạt được những kết quả vô cùng to lớn như: Phong trào “Thi đua ái quốc”, “Tăng gia sản xuất vũ khí”, “Tất cả cho tiền tuyến” , “Mỗi người làm việc bằng hai vìmiền Nam ruột thịt”, “Năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, “Thi đua 2 tốt” ... đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử phong trào công nhân và lịch sử Công đoàn nước ta. Ngày 18.7.1969, không lâu trước lúc đi xa, Bác đã dành một trong những cuộc tiếp xúc cuối cùng cho đại biểu của Tổng Công đoàn Việt Nam. Người nhắc nhở: “Làm tốt công tác vận động, tổ chức giáo dục quần chúng công nhân viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng, để họ hiểu và tự nguyện, tự giác giữ gìn kỷ luật lao động, giữ gìn của công, thực hành tiết kiệm”. Coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn tạo nên hạnh phúc cho mọi người và cho cả thế hệ mai sau.
Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 -28.7.2009), chúng ta cùng nhau tìm lại những dấu ấn đẹp của Bác đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam để thêm một lần nữa dày trong ta nỗi lòng nhớ Bác, tự hào về Bác và để cùng nhau tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong giai đoạn  mới hiện nay.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512043

Hôm nay

2369

Hôm qua

2337

Tuần này

22417

Tháng này

218916

Tháng qua

121356

Tất cả

114512043