Những góc nhìn Văn hoá

Thi pháp của âu lo (về Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm & Cung Oán Ngâm Khúc)

1. Sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh ở cả hai lĩnh vực triết học và văn chương dường như đã cấp cho thuật ngữ “lo âu” một ý nghĩa mặc định, khiến đôi khi người ta quan niệm đó chỉ như là nét tâm lí có tính đặc thù hay đặc quyền của người hiện đại. Nhưng có lẽ nên nhìn lo âu như là một trạng thái tâm lí bình thường theo tinh thần bách khoa toàn thư mở: lo âu “là một trạng thái tâm sinh lí đặc trưng bởi các yếu tố về cơ thể, cảm xúc, nhận thức và hành vi. Đó là cảm giác gây ra bởi sợ hãi và phiền muộn. Cả khi bị hay không bị căng thẳng về tâm lý thì lo âu cũng tạo ra cảm giác sợ hãi, lo lắng, không thoải mái. Lo âu kinh niên là dạng lo âu mà sâu bên trong là một nỗi lo lắng trường diễn với sự gia tăng xúc cảm, một sự mất cân bằng nhiều khi phá vỡ cấu trúc đời sống tinh thần”. Trạng thái lo âu thường xảy đến khi con người đối diện với những khó khăn, bất trắc, những đổ vỡ… có thể tạo nên những sang chấn tâm lý. Có thể nói, lo âu là một đặc điểm cổ hữu của loài người. Xã hội càng biến động thì con người càng trở nên lo âu. Điều này có thể nhìn thấy trong cơ chế vận hành của đời sống tinh thần thể hiện qua văn hóa, văn học…

 Việt Nam thế kỉ XVI, sau cái chết của Lê Thánh Tông, bắt đầu con đường xuống dốc của một xã hội quân chủ đã đạt đến những thành tựu đỉnh cao trước đó trên mọi phương diện. Đời sống nhân dân – nhất là nông dân - những kẻ giữ vai trò nuôi sống xã hội bằng sản phẩm trực tiếp và bằng nguồn thuế - trở nên khốn quẫn, bấp bênh. Những cuộc tranh giành trong nội bộ giai cấp thống trị, hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra với quy mô, tính chất khác nhau. Các thế kỷ từ XVI đến XIX là thời kỳ nước Việt thực sự trở thành chiến trường với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, cả nội chiến và chống ngoại xâm. Cộng với cái chết vì đói, vì rét, vì chiến tranh, người Việt còn chết vì phu phen tạp dịch, vì giặc cướp. Việc thay đổi liên tục các đời vua, sự xuất hiện, tranh giành của các vai chúa, sự chia cắt đất nước, sự sa sút của nền giáo dục, khoa cử Nho học([1]) đã đẩy con người, nhất là các nho sĩ, quan lại vào chỗ thất vọng về xã hội và bất tín với tư tưởng Nho giáo([2]). Việc chia cắt đất nước với sự cát cứ của các tập đoàn quyền lực sản sỉnh các trung tâm kinh tế - chính trị xã hội, kéo theo sự xuất hiện của các đô thị mới, cộng với sự phát triển của thương nghiệp, đặc biệt là ngoại thương, nơi những tư tưởng phương Tây ít nhiều sẽ có điều kiện xâm nhập vào Việt Nam, sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành ý thức cá nhân.

Trong bối cảnh mà mỗi cơ thể sống đều bị biến thành một xác chết dự bị, trong bối cảnh nhà cầm quyền không hề quan tâm đến sinh mệnh của người dân dù quý hay tiện, cùng với sự hình thành con người cá nhân nói trên, tất nhiên mỗi người phải lo tự kiếm cho mình một phương cách tồn tại Trong lịch sử Việt Nam trung đại, có lẽ chưa bao giờ con người bị đặt trước tình huống bấp bênh và niềm hối thúc tự lựa chọn như bây giờ, mà kết quả của sự lựa chọn ấy, về mặt chính trị hay mĩ học đều ít nhiều có tính chất nổi loạn: Nguyễn Du, Phạm Thái, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương... Đối với trường hợp nghệ sĩ, sáng tác của mỗi người chính là giải pháp phù hợp trong việc sáng tạo chính mình để tồn tại trong một hiện thực đã biến thành cái khác - những sáng tạo vừa bộc lộ con người hiện thời, vừa tạo ra con người lí tưởng, mặc dù đó là những lựa chọn đầy bất an trong trạng thái chấn thương sâu sắc.

Viết trong bối cảnh như vậy, văn học nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX là phương tiện để rất nhiều người thể hiện khả năng tự ý thức trong niềm âu lo khắc khoải. Các sáng tác bằng chữ Nôm nở rộ trong thời kỳ này không còn thuần túy là sự thể hiện ý thức dân tộc, mà còn là biểu hiện hết sức sinh động của mong muốn khước từ những gì được coi là chính thống, và là phương tiện để bày tỏ một cách chân thành và sâu sắc hơn những thất vọng cá nhân do đặc trưng của tiếng nói dân tộc. Cùng với việc tìm đến chữ Nôm là sự nở rộ các thể loại, thể tài có nội dung, chức năng gắn bó với nhu cầu thể hiện những tâm sự cá nhân, những câu chuyện đời thường mà ngay tên gọi nhiều tác phẩm cũng đã toát lên tinh thần này: Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn – Phan Huy Ích, Đoàn Thị Điểm)([3]), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Bần nữ thán (Khuyết danh), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Văn triệu linh (Phạm Thái), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), bản dịch Tỳ bà hành (Phan Huy Thực), Thu dạ lữ hoài ngâm (Đinh Nhật Thận), Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh, Long thành cầm giả ca (Nguyễn Du)…, trong đó, theo một số nhà nghiên cứu, ngâm khúc là một trong những thể loại tiêu biểu của văn học nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX.

2.1. Chinh phụ ngâm([4]), Cung oán ngâm khúc([5])Truyện Kiều([6]) là ba kiệt tác của văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, đều cất lên tiếng nói về thân phận cá nhân vớ iniềm tủi hổ, nỗi lo âu thân phận trong mối quan hệ với hiện thực hết sức bấp bênh. Hiện thực đời sống trong cả ba tác phẩm đều là hiện thực bất an, đó là những cuộc bể dâu, cơn gió bụi, là cảm nhận về cuộc đời vô nghĩa… Quan niệm về sự ngắn ngủi, vô nghĩa ấy không chỉ đối với sinh mệnh con người mà ngay cả với sinh mệnh nghệ thuật, đến mức Nguyễn Du cũng ngậm ngùi khép lại tác phẩm để đời của mình bằng một lời chua chát: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” (Truyện Kiều). Chưa bao giờ người ta cảm nhận cuộc sống bất trắc, khó lường như thời điểm hiện tại. Trên tinh thần đó, mọi cảm nhận, miêu tả hiện thực dường như đều thấm đẫm tinh thần hư vô chủ nghĩa. Trong rất nhiều trường hợp, thế giới hiện lên rợn ngợp. Hiện thực dù dưới cái nhìn của nhân vật hay người kể chuyện không mấy khi ở trạng thái tĩnh, mà ở trạng thái động, không mấy khi gợi cảm giác an bình, mà là bất an: “Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt”, “Khi trận gió lung lay cành biếc”, “Hàng cờ bay trông bóng phất phơ”, “Hình khe thế núi gần xa/ Đứt thôi lại nối thấp đà lại cao”, “Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên”, “Nhà thôn mấy xóm chông chênh”… (Chinh phụ ngâm); “Ngổn ngang gò đống kéo lên/ Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”, “Gương nga chênh chếch dòm song”, “Hải đường lả ngọn đông lân/ Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà”, “Vội vàng lá rụng hoa rơi”, “Hoa trôi dạt thắm liễu xơ xác vàng”, “Thuyền ai thấp thoáng bóng buồm xa xa”, “Tường đông lay động bóng cành”, “Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa”, “Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan”… (Truyện Kiều); “Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ/ Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu/ Sóng cồn cửa bể nhấp nhô/ Con thuyền bào ảnh thấp tho mặt duềnh”, “Khi trận gió lung lay cành bích/ Nghe rì rầm tiếng mách ngoài xa”, “Khi bóng thỏ chênh vênh trước nóc”… Ở đó không có chỗ cho sự tồn tại yên ổn của con người. Trong mỗi bức tranh sắc màu ấy đều chứa đầy những tổng kết hay dự cảm số phận.

2.2. Ý thức về sự nhỏ bé và vô nghĩa của con người đã xui khiến những nghệ sĩ đau khổ ấy lựa chọn đề tài/ nhân vật chính của mình là những người phụ nữ - những kẻ bị sỉ nhục bởi các khế ước, lề luật trong xã hội nam quyền, nghĩa là chọn những thân phận bé nhỏ, thiệt thòi và bấp bênh nhất. Những nhân vật được lựa chọn ấy lại bị đặt trong hoàn cảnh éo le vừa cá biệt vừa phổ quát: người có chồng ra chiến trận, người gặp cơn gia biến phải lưu lạc suốt mười lăm năm, lăn lộn, bị vò xé, nếm trải trong guồng máy xã hội đầy mưu toan, người thăm thẳm thân phận cung nữ bị bỏ rơi. (Mà bỏ rơi cũng không phải chỉ có người cung nữ, vì xét trên thực tế, thì Thúy Kiều hay người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm cũng là những thân phận bị bỏ rơi đó thôi!)

Trong hoàn cảnh bị bỏ rơi, bị hắt hủi, cũng là lúc ý thức tự ngã được đánh thức. Đấy là lúc họ phát hiện ra mình, họ cảm thấy quý sự sống hơn, quý bản thân mình hơn trong sự ca tụng, khi là từ phía người kể chuyện, khi từ chính nhân vật. Các nhân vật chính/ chính diện đều được miêu tả với vẻ đẹp tuyệt đối. Theo đó, mỗi phát ngôn, hành động của nhân vật đều ngời lên vẻ đẹp lí tưởng. Tuy nhiên, dường như khi miêu tả vẻ đẹp của các nhân vật cũng chính là lúc các tác giả tỏ ra bất an và đưa ra những dự cảm về bi kịch của chính nhân vật. Thúy Kiều của Nguyễn Du, người cung nữ của Nguyễn Gia Thiều đều có vẻ đẹp mà trời đất, tạo hóa cũng phải ghen ghét, đố kị. Hình ảnh “Áo chàng đỏ tựa ráng pha/ Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in” của chinh phu quả là đẹp, nhưng không phải không gợi lên một chút mơ hồ rợn ngợp, màu đỏ ráng hay màu đỏ máu? Sắc trắng ngựa hay sắc trắng của xương phơi chiến trường? Miêu tả Từ Hải là nhân vật anh hùng “côn quyền hơn sức lược thao gồm tài”, nhưng Nguyễn Du đã kết thúc sự miêu tả ấy bằng một câu ghê người: “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”. Đấy là sự vênh lệch, đấy là sự bấp bênh. Và kết cục, Từ đã phải nhận cái chết thảm khốc, cay đắng.

Những nhân vật của ba tác phẩm này, thậm chí đã ít nhiều khám phá ra con người bản năng của chính mình với những khao khát mang màu sắc nhục cảm. Đó là nỗi hoài nhớ của người cung nữ về “Cái đêm hôm ấy đêm gì/ Bóng trăng lồng bóng đồ mi trập trùng”; người chinh phụ lo âu khi tuổi trẻ vụt trôi mà chồng đương biền biệt; đấy là con mắt Thúc sinh thưởng thức Kiều qua bức trướng hồng… Khám phá con người bản năng, các nhân vật của Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc Truyện Kiều cũng là nhân vật biết hưởng thụ - như là cách chống lại những âu lo, cứu chuộc những bấp bênh của thân phận. Chinh phụ mơ ước có ngày đoàn tụ để tận hưởng hạnh phúc; cung nữ với trùng trùng khao khát ái ân; Mã Giám Sinh Thúc Sinh muốn tận hưởng Kiều; Từ Hải, một bậc anh hùng, cũng lân la ở chốn lầu xanh và sẵn sàng vì Kiều mà “tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn”, để “Đặt giường thất bảo vây màn bát tiên”; thậm chí một văn nhân như Kim Trọng, khi chuyện trò với Kiều đến độ mặn nồng cũng “xem trong âu yếm có chiều lả lơi” kia mà! Hay, niềm ân hận của Thúy Kiều, rằng “Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” cũng mang dáng dấp của một khát khao nhục cảm!

Dường như cả Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn - Phan Huy Ích/Đoàn Thị Điểm, từ sự tự ý thức giá trị bản thân mà cảm nhận được sự chật chội, bấp bênh của hiện thực, và nhận ra rằng con người chỉ có thể tồn tại khi và vì được tự thể hiện. Đã có những khát vọng tự do, khát vọng bứt phá nhưng khát vọng ấy bị kiềm tỏa bởi lễ giáo vừa với tư cách là những điều họ được truyền dạy, vừa với tư cách là một thứ vô thức tập thể, nên đôi khi họ gửi gắm tự do của mình trong tự do của người khác. Tuy nhiên, đấy chỉ là những giấc mơ  dang dở. Các nhân vật hoặ không thể vượt qua được vòng lễ giáo, hoặc thất bại với những khát vọng của chính mình. Một điều cần chú ý là thực ra tất cả các nhân vật trong các tác phẩm này chỉ biết ngồi than thở, hoặc đi tự sát để giải thoát, nhưng cuối cùng cũng đầu hàng hoàn cảnh, dù tác giả đã biện luận cho sự đầu hàng đó bằng nhiều cách khác nhau. Thuyết tài mệnh tương đố lúc này cũng phát huy tinh thần của một cái cớ, biện mình cho sự thể hiện nỗi thất vọng bị bỏ rơi, cho thực trạng không dám đương diện với hiện thực, với chính mình: “trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài/ Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”… Và dù hèn nhát, ý chí sống đôi khi bị nhụt nhưng họ vẫn ý thức được sự cần thiết phải sống, rằng sống như là một phương cách để chờ đến cái chết.

Trong hiện thực bấp bênh ấy, trong ý thức bất an về số phận ấy, người ta cũng nhìn thấy sự bất an, lo âu hành động của nhân vật. Cả người chinh phụ, người cung nữ và Thúy Kiều dường như thật hiếm khi có một hành động thực sự vững vàng, mà trái lại, chống chếnh, chới với trong trạng thái ngập ngừng, lưỡng lập… Sự phấp phỏng âu lo ấy của nhân vật còn thể hiện trong những tình huống khá đặc biệt: “nhác” (“nhác thấy”), “trộm” (“Trộm nghe”, “trộm dấu thầm yêu”, “Trộm nhớ”). Thêm nữa, các nhân vật cũng thường sống trong ảo giác và những giấc mơ, trong đó giấc mơ của Thúy Kiều sau buổi du xuân đã biến thành một hiện thực định mệnh. Âu lo, nhân vật thường tồn tại trong tình thế đối diện với riêng mình. Cung oán ngâm khúcChinh phụ ngâm khúc là hai tác phẩm mà nhân vật đối diện với chính mình suốt toàn bộ tác phẩm, trong khi đó, sự đối diện này của Thúy Kiều rải đều và lặp lại trong các tình huống hay biến cố quan trọng. Ngọn đèn trong cả ba tác phẩm vì thế cũng xuất hiện với tần suất cao với tư cách khi là chứng nhân, khi là nhân vật tham dự vào những đối thoại. Trong tương quan với tác giả của ba tác phẩm, ngọn đèn có thể coi như là sự sáng tạo ra một chủ thể khác. Cùng với ngọn đèn là những cái bóng, đặc biệt cái bóng trong Cung oán ngâm khúc như là sản phẩm hoàn chính nhất của sự sáng tạo này. Ngọn đèn, cái bóng, mặt khác cũng mang đến những ý niệm về thời gian. Trong cả ba tác phẩm, thời gian được đặc tả chủ yếu là quãng thời gian từ khi dấu hiệu của ngày bắt đầu chuyển dần về phía cuối, hoặc đêm, hoặc đêm khuya, khi ngọn đèn, cái bóng, giấc mơ có thể phát huy hết công năng thẩm mĩ hoặc thích hợp với việc con người đối diện với nỗi cô đơn của chính mình. Trong thời khắc mang tính hiện sinh ấy, nhân vật sẽ hồi tưởng những gì đã qua, thường là quá khứ đẹp đẽ, vàng son… Tương ứng với thời gian này là kiểu không gian chật chội, co thít nhân vật vào những khắc khoải cá nhân. Tuy nhiên, trong ba tác phẩm còn có kiểu không gian lưu lạc. Đó là kiểu không gian cửa bể, suối sông, ghềnh bãi, quán, duềnh…

Như vậy, có thể nói, trong một xã hội mà sự chia cắt là một tình thế nổi bật:chia cắt về địa lí, chia cắt về lòng người, chia cắt về các giá trị, trong một xã hội ngổn ngang xác chết trong tiếng khua sắc lạnh của đao thương kéo tới tận hàng trăm năm, khi ý thức cá nhân đã hình thành trong con người đô thị, con người thương mại, nỗi lo âu phổ biến như là kết quả của sự phổ biến tinh thần tự ý thức. Nỗi lo âu ấy soi bóng trong văn học của cả một thời đại, trong đó rất đáng kể ở Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm Cung oán ngâm khúc, trên nhiều bình diện của thi pháp như quan niệm nghệ thuật về con người, nhân vật, không gian, thời gian… Ngoài ra những âu lo còn thể hiện trên nhiều bình diện thi pháp khác, như việc sử dụng từ ngữ, cấu trúc câu bị chia đôi bởi hình thức tiểu đối, nhất là ở các câu lục, tạo cảm giác về sự phấp phỏng, bất an… Chính nỗi lo âu ấy đã góp phần quan trọng làm nên nét đặc thù của văn chương thời đại này: văn chương của thời đại lo âu.                                                                     

   Yên Đồng, mùa đông 2017

 



[1] . Ở thế kỉ XVIII, việc học, thi cử không được chú trọng. Người đi thi không cốt giỏi. Chuyện  thi cử thành chuyện mua bán để lấy tiền phục vụ nhu cầu của nhà nước. Khoa thi năm Tân dậu (1741), những kẻ nhờ thế nhờ của mà đậu có đến một nửa. Năm 1750, có lệ trong kì thi hương, ai nộp ba quan tiền được miễn khảo, coi như đỗ sinh đồ. (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại  chí, (bản dịch), tập III, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961).

[2]. Thực ra, sự bất tín với Nho giáo dường như đã nảy mầm từ trước đó, khi Tướng quốc, cũng là một vị nho quan, một nghệ sĩ thời Trần mạt – Trần Nguyên Đán - đã cảm thán: “Tam vạn quyển thư vô dụng xứ/ Bạch đầu không phụ ái dân tâm” (chúng tôi cho rằng, dịch “Đọc sách triệu trang mà bất lực/ Bạc đầu xin phụ nỗi thương dân” là chưa làm toát lên được tinh thần cốt yếu này).

[3]. Chỗ này chúng tôi dùng dấu phẩy (,) mà không  dùng gạch chéo (/), vì theo một số nghiên cứu thì cả Phan Huy Ích và Đoàn Thị Điểm đều có bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm bằng song thất lục bát, nghi vấn là ở chỗ ai là tác giả bản diễn Nôm được dùng phổ biến nhất hiện nay mà thôi.

[4]. Chúng tôi khảo sát ấn bản của Nxb Đồng Nai, 2006.

[5]. Chúng tôi khảo sát ấn bản của Nxb Thế Giới, H,2001.

[6]. Chúng tôi khảo sát ấn bản của Nxb Văn hóa Thông tin, H, 2011.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114560428

Hôm nay

2101

Hôm qua

2347

Tuần này

21746

Tháng này

227971

Tháng qua

122920

Tất cả

114560428