Đất Nghệ

Điền trang của Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào - cơ sở hậu cần của Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược

1. Khái quát thân thế bà Trần Thị Ngọc Hào và điền trang của bà

Bà Trần Thị Ngọc Hào (Hoàng hậu Bạch Ngọc), con gái ông Trần Công Thiệu[1], quê ở làng Tri Bản, huyện Hương Khê. Bà là người tài sắc vẹn toàn nên được tuyển vào cung vua Trần Duệ Tôn (1373-1377) rồi trở thành hoàng hậu. Bà sinh được một con gái là Trần Thị Ngọc Hiên, hiệu là công chúa Huy Chân.

 Sau khi vua Trần Duệ Tông tử trận trước thành Đồ Bàn (năm 1377) trong cuộc chống xâm lấn của quân Chiêm Thành, bà đã cùng với con gái cải trang làm sư ni đem theo 170 nông nô, nô tỳ chạy về quê nhà ở hạt Hương Khê. Tại đây bà đã chiêu tập thêm dân sở tại hơn 3.000 người khai khẩn đất hoang lập nên điền trang với diện tích 3965 mẫu. Sự việc này, tác giả Lê Như Thuỷ trên cơ sở tư liệu sưu tầm trong một quyển phả ký lưu tại chùa Am đã viết vào năm 1942 như sau: “Theo cuốn phổ-ký ấy thì bà Trần Thị Ngọc Hào hiệu Bạch Ngọc hoàng hậu, với con Trần Thị Ngọc Hiền hiệu Huy Chân công chúa tức Trinh Thục công chúa, sau khi vua Duệ Tôn bị giết, chạy trốn về quê, hạt Hương Khê (Hà Tĩnh), cùng với hai viên cận thần Trần Quốc Trung, Nguyễn Thời Kính và 170 cung nhân tôi tớ...

Về tới nơi, ẩn tại dọc dãy núi Cốc và núi Trà (Địa phận phủ Đức Thọ bây giờ), chiêu mộ nhân dân, lập ra nhiều làng xóm, trên từ Lâm Thao, Hoà Duyệt (nay thuộc huyện Hương Khê), Thượng Hồng, Hạ Hồng (thuộc huyện Hương Sơn), giữa đến Lạng Quang, Du Đồng và Đồng Công (thuộc phủ Đức Thọ), dưới đến Thường Nga, Lai Thạch (thuộc huyện Can Lộc), và khai  khẩn ruộng đất được 3965 mẫu”[2].

Tác giả Thanh Khê cũng viết: “Sau 50 ngày trèo non lặn suối, bà tới địa phận mấy hạt Đức Thọ, Hương Sơn và Hương Khê[3]. Nhận thấy tại vùng đó, ngoài mấy khóm làng mạc lơ thơ, còn hàng vạn mầu đất mầu mè bị cây hoang cỏ dại chiếm mọc um-tùm, bà liền khuyên bọn dân nghèo đem nhau tới đấy, để ra công khai phá. Hơn 3.000 người đáp lại tiếng goị của bà. Bà chăm nom săn sóc họ như một người mẹ, đối với đàn con và sắp đặt công việc rất có qui-củ. Vì vậy, họ vui lòng ra sức đốt rừng, sẻ núi, dựng nhà. Chuỗi ngày thấm thoắt qua...Những xóm làng lập lên như nấm, và non 4000 mẫu đất, trước kia là nơi trú ẩn của rắn rết hùm beo, nay đã trở thành những cánh đồng xanh tươi, cò bay thẳng cánh.

Từ đấy, bà nghiễm nhiên là chủ nhân một cái trại mênh-mông bát ngát, một mình riêng một giang-sơn”[4].

Cùng với quá trình khẩn hoang thì nơi này đã mọc thêm nhiều làng xóm mới. Những làng xóm đầu tiên trong điền trang của bà là: Lai Sơn, Hằng Nga, Ngũ Khê và Tùng Chinh. Vấn đề này, tác giả Hippolyte Le Breton đã viết: “Bạch Ngọc và những người còn lại phải chạy vào vùng Bi Bản và lập nên 4 thôn khoảng trên 3.000 người đều là người của Bà. Đó là các thôn: Lai Sơn, Hằng Nga, Ngũ Khê và Tùng Chinh[5]. Bà có hai nô tỳ phục vụ và đối với bà rất thân thiết[6]. Bà đã dựng vợ gả chồng cho họ. Hai cặp vợ chồng đó cũng tiếp tục quá trình khẩn hoang lập nên hai làng xóm mới lấy tên của vợ chồng họ là Trung Phạm và Thời Kính. Sau khi Hoàng hậu qua đời vào khoảng thời Hồng Đức (1460-1497) tại Bản Bị[7], thì công việc khai hoang và duy trì sản xuất không chỉ được nhân dân nơi đây tiếp tục mà cháu ngoại bà là Ngọc Châu (con của vua Lê Thái tổ (Lê Lợi) và công chúa Huy Chân) được ban tước hiệu Công chúa Trang Từ)[8] cũng đóng góp công sức không nhỏ. Cùng với việc xây dựng chùa Tiên Lữ, công chúa Trang Từ đã cho tát cạn Ao Sen, tiếp tục khẩn hoang, phát triển diện tích trồng lúa[9]. Như vậy, làng xóm được thành lập thời gian đầu theo tư liệu hiện có thì có là 6 làng có tên là: Lai Sơn, Hằng Nga, Ngũ Khê, Tùng Chinh, Trung Phạm, Thời Kính[10]. Trong quá trình khẩn hoang, quy mô điền trang ngày càng được mở rộng.

Có điều đáng tiếc là cho đến nay, chưa có tài liệu nào mô tả về điền trang của Bà. Song, trên cơ sở nhiều năm nghiên cứu về thái ấp, điền trang thời Trần (1226-1400)[11], tôi muốn bàn rõ hơn về vấn đề này, hy vọng có thể giúp chúng ta hình dung phần nào điền trang của bà hoàng hậu Trần Thị Ngọc Hào ở Hà Tĩnh.

Điền trang thời Trần, nội dung của nó được thể hiện trong Chiếu ban hành năm 1266: “Cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập những người xiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng hoang lập làm điền trang. Vương hầu có trang thực bắt đầu từ đấy[12]. Nội dung của Chiếu này ít nhất cũng cho chúng ta biết điền trang thời Trần là do khẩn hoang và dành cho các đối tượng: vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vào cuối thời Trần đối tượng lập điền trang còn còn có cả hoàng hậu và quan liêu như trường hợp điền trang của Hoàng hậu Ngọc Hào và  của Tiến sĩ Hoàng Hối Khanh ở Lệ Thủy, Quảng Bình.

Điền trang[13], là loại ruộng đất như thế nào?

Xét các khái niệm điền trang, trang viên, trang điền trong các Hán ngữ từ điển như chú thích 9 ta thấy nội dung cơ bản của loại hình ruộng đất này là do các tôn thất, quý tộc, địa chủ phong kiến chiếm hữu, kinh doanh. Nó hoàn toàn không phải là loại ruộng đất do khẩn hoang như ở thời Trần.

Điền trang Trung Quốc gồm ba loại:

- Trang viên thuộc hoàng thất

- Trang viên thuộc chính phủ

- Trang viên thuộc quý tộc, quan liêu, địa chủ.

Về điền trang thời Trần có hai loại :

- Điền trang của quý tộc tôn thất (chủ yếu)..

- Điền trang của quan liêu (không nhiều).

Tất cả đất đai khai khẩn được đều thuộc sở hữu tư nhân của chủ điền trang.

2. Cách thức tổ chức sản xuất trong điền trang.

Thứ nhất, trong điền trang nói chung đều tồn tại các làng nghề nông - công - thương - chài và nghề nông làm gốc. Trên cơ sở nền kinh tế tự cấp, tự túc, các làng nghề trong điền trang nhằm  đáp ứng nhu cầu cần thiết cho quý tộc vương hầu và cuộc sống của cư dân trong khu vực và tham gia vào thị trường hàng hoá.

Bên cạnh nghề nông, những làng nghề thực sự cần thiết cho quá trình tồn tại trong điền trang. Làng chuyên sản xuất gạch ngói, đồ gốm, làng chuyên đục chạm đá để trang trí phủ đệ, nhà ở và sản xuất các vật dụng bằng đá khác. Làng chuyên trồng dâu chăn tằm, dệt vải cung cấp cái mặc cho dân. Làng chuyên làm nghề rèn để sản xuất công cụ lao động và sửa chữa chúng. Làng chuyên đánh cá, chuyên nấu rượu phục vụ nhu cầu cuộc sống của gia chủ và nhân dân. Năm 1998, trong khi đào thám sát khu vực thành Hà Nội, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy sản phẩm gạch thời Trần còn ghi rõ nơi sản xuất “Vĩnh Ninh trường”. Chứng tỏ sản phẩm của vùng Vĩnh Ninh đã được đưa lên sử dụng ở Thăng Long. Như thế, điền trang không nằm ngoài vòng cương tỏa của tình hình phát triển kinh tế hàng hoá, thương mại chung của cả nước.

Thứ hai, trong điền trang các vương hầu quý tộc đều xây dựng chùa. Đó là nét chung về mặt văn hoá tinh thần của nhân dân Đại Việt thời Trần. Đồng thời phù hợp với xu thế tôn sùng đạo Phật lúc bấy giờ. Chùa không chỉ là chốn sinh hoạt tinh thần cho các quý tộc, vương hầu, mà chùa còn là sản phẩm văn hoá vật chất được xây dựng khắp đất nước thời Trần. Thậm chí những đình trạm dùng làm nơi dừng chân, nghỉ ngơi cho dân trước đây, nhà nước cũng ra lệnh dựng tượng phật làm chùa. Chùa là một kiến trúc Phật giáo, là di sản văn hoá quý giá đối với ngày nay (như Yên Tử, tháp chùa Phổ Minh...chẳng hạn).

Theo tư liệu, Hoàng hậu Bạch Ngọc dựng ngôi chùa Diên Quang (Diên Quang tự). Tác giả Thanh Khê viết: “Năm 1428, đuổi xong giặc Minh ra khỏi bờ cõi, vua Lê Thái Tổ lên ngôi chí tôn. Vốn đã có chí lánh xa trần tục, bà Trần thị xin lập ra, trên sườn núi Am Sơn ở làng Phụng Công, phủ Đức Thọ[14], một ngôi chùa gọi là Diên Quang tự, để sớm hôm vui cùng kinh kệ trong cảnh gió núi trăng ngàn”[15].

Chùa Diên Quang nằm trên đồi Am, thuộc làng Hằng Công (sau đổi là Phụng Công). Sau này cháu ngoại của bà là Ngọc Châu - công chúa Trang Từ cũng lui về ở tại chùa Diên Quang, gần nơi ở của mẹ và bà ngoại. Công chúa đã mua 3 mẫu ruộng của vùng Đà và 3 mẫu ruộng khác tại vùng Bàn làm ruộng tế tự. Việc này có ghi trên bài minh của một tấm bia. Ngoài ra công chúa còn dựng một ngôi chùa khác tên là Tiên Lữ, trên núi Thạch Long tại làng của trang Trung Phạm mà sau đổi là Trung Hoà[16]. Trang Trung Phạm chính là làng xóm mới dựng nên từ công cuộc khẩn hoang của bà Hoàng hậu Bạch Hào.  Theo tôi, niên đại chính xác xây dựng chùa chưa rõ,và, rất có thể chùa đã ra đời từ trước đó. Tôi nghĩ rằng, khi chạy khỏi Kinh thành, bà đã giả làm sư rồi thì không thể đợi đến lúc kháng chiến chống Minh thắng lợi mới xây dựng chùa mà chắc phải có một ngôi chùa được xây dựng trong quá trình khẩn hoang. Chùa đó là chùa Diên Quang chăng.

Tác giả Lê Như Thủy cho rằng Hoàng hậu Trần Thị Ngọc Hào xây dựng cả hai ngôi chùa là Tiên Lữ và chùa Am: “Đến lúc bài Bình Ngô đại cáo, đã được vang đọc khắp nơi, bà (Trần Thị Ngọc Hào – N.T.P.C) xin phép vua lập ra hai chùa: Chùa Tiên Lữ ở xã Mỹ Xuyên (phủ Đức Thọ) và chùa Am ở xã Phụng Công. Bà tu ở chùa này”[17].

Theo tác giả Lê Như Thủy thì bà Hoàng hậu Bạch Ngọc xây 2 ngôi chùa Tiên Lữ và chùa Am nhưng theo kết quả khảo sát thực tế của học giả người Pháp Hippolyte Le Breton thì chùa Tiên Lữ do công chúa Trang Từ, cháu ngoại của Hoàng hậu lập ra. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của hai nhà sử học thuộc Viện Sử học vào đầu tháng 8-2009[18] cho thấy, chùa Diên Quang không phải là chùa Am. Mặc dù cả hai chùa Diên Quang và chùa Am đều thờ bà Trần Thị Ngọc Hào. Nhưng chùa Diên Quang hiện nay thuộc thôn Liên Minh, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa Am thuộc xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hai nơi này cách nhau khoảng 6 km. Bà được dân làng thờ làm thành hoàng, thánh mẫu. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu.

Thứ ba, trong các điền trang, sau khi người chủ qua đời đều được nhân dân thờ làm thần, thành hoàng. Bà Hoàng hậu cũng vậy. Đền Thánh Mẫu, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ phụng thờ hai vị thần: Hoàng Thái hậu triều Trần và Đại vương Thái

3. Điền trang của Hoàng hậu Trần Thị Ngọc Hào – Cơ sở hậu cần trong cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi:

Có thể nói điền trang của bà Trần Thị Ngọc Hào vào loại lớn, với diện tích khai khẩn được 3965 mẫu ở khu vực rừng núi các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc. Một số điền trang thời Trần có diện tích khoảng 250 mẫu (của công chúa Trần Khắc Hãn, con gái thứ 4 của vua Trần Thánh Tông), hoặc 500 mẫu (của Hoàng Hối Khanh) v.v.. Điền trang của Hoàng hậu Bạch Hào tồn tại cho đến lúc Lê Lợi khởi nghĩa chống quân xâm lược Mông- Nguyên, có lẽ phải được trên dưới bốn chục năm. Với số dân mà học giả người Pháp đưa ra là 3.000 người so với số người tùy tòng 170 người[20] trong đoàn của Bà khi chạy khỏi kinh thành thì đủ thấy sự phát triển của điền trang như thế nào. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Lê Lợi trên đường Thượng đạo, tập trung binh lực chống giặc Minh xâm lược đã được Nguyễn Tùng Quy, người phát hiện nơi ở của Hoàng hậu Bạch Ngọc cùng con gái, liền báo với Lê Lợi. Cuộc gặp mặt giữa họ thật là hữu duyên, hữu tình. Lê Lợi nhìn thấy công chúa Huy Chân sắc đẹp “chim sa cá lặn” liền đem lòng yêu mến. Ông đã lấy công chúa và ban cho danh hiệu Cung phi, dựng cho Công chúa và mẹ (Hoàng hậu Bạch Ngọc) hai cung điện gọi là Phượng Hoàng và Ngũ Long[21].

Điền trang của bà Hoàng hậu do địa thế tự nhiên núi non hiểm yếu, thuận lợi về quân sự, nên quân Minh mặc dù canh phòng rất nghiêm, nhưng không thể phát hiện ra chỗ ở của Bà. Vì thế, điền trang của Bà không chỉ trở thành căn cứ địa của cuộc kháng chiến mà còn là cơ sở hậu cần cung cấp sức người, sức của giúp đỡ Lê Lợi chống quân Minh xâm lược. Tác giả Thanh Khê đã khẳng định trong bài viết Một bà chủ đồn điền ở thế kỷ XIV: “Về phần bà, bà dâng cho nhà vua bao nhiêu của cải  thâu góp trong mấy năm trời, và tất cả đất đai đã khai phá. Nhờ tài sản ấy và hoa mầu thu hoạch được, mà trong thời gian đó, lương thực của ba quân rất là đầy đủ”[22]. Các ông Nguyễn Thời Kính và Phạm Quốc Trung, thân tín của Bà được chuyển sang phục vụ cho Lê Lợi, hai ông đã lập được chiến công trong công cuộc chống giặc Minh.

GS, Phan Huy Lê đã khẳng định những đóng góp của Bà: “Vùng hạ lưu sông Ngàn Sâu bấy giờ có một trang trại khẩn hoang của bà Hoàng hậu Bạch Ngọc (vợ thứ ba vua Trần Duệ Tông) rộng trên 3.000 mẫu. Khi nghĩa quân tiến vào vùng này, bà hoàng và dân trong trang trại đều hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Con gái bà Hoàng hậu nhà Trần là Công chúa Huy Chân trở thành cung phi của Lê Lợi và cả trang trại trở thành cơ sở hậu cần của cuộc khởi nghĩa[23].

Tóm lại, ở Hà Tĩnh có một điền trang của bà Hoàng hậu Bạch Ngọc thời cuối Trần và tồn tại tới thời Lê. Không rõ chính sách hạn chế phát triển trang trại ở thời Lê sơ có ảnh hưởng đến sự tồn tại của điền trang hay không, hiện chưa có tư liệu nào cho biết cụ thể. Song, hoàn toàn có thể khẳng định, bà Hoàng hậu Bạch Ngọc đã có công lớn trong việc tạo dựng nên những làng xóm, ruộng đất trên một số địa bàn thuộc các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc. Nếu lấy huyện Đức Thọ làm trung tâm thì giáp giới của huyện Đức Thọ: “Phía đông nam huyện giáp huyện Can Lộc, phía bắc tây giáp huyện Nam Đàn, phía đông bắc giáp huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), phía tây giáp huyện Hương Sơn, phía tây nam giáp huyện Vũ Quang, huyện Hương Khê, phía đông giáp thị xã Hồng Lĩnh[24] thì hoàn toàn có lý khi lý giải các địa bàn nêu trên.

Điền trang của bà đã có những đóng góp lớn, quan trọng cả về sức người, sức của đồng thời là nơi trú quân an toàn cho nghĩa quân của Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

 

                                               Hà Nội, những ngày đầu tháng Tám 2012

 

 

 



[1] Theo tác giả Hippolyte Le Breton trong An Tĩnh cổ lục.Nxb. Nghệ An- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.289 thì Trần Công Thiệu là Trần Công Nhu.

[2] Lê Như Thủy, Bà Trần Thị Ngọc Hào, vợ vua Trần Duệ Tông (1373-1377), Tạp chí Tri Tân, số 70  năm 1942,

[3] Theo Hippolyte Le Breton thì địa bàn bà dừng chân là vùng Bi Bản (Xem Hippolyte Le Breton, An Tĩnh cổ lục, Nxb. Nghệ An- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.290).

[4] Thanh Khê, Một bà chủ đồn điền ở thế kỷ XIV, Tạp chí Tri Tân, số 56 năm 1942.

[5] Hippolyte Le Breton, An Tĩnh cổ lục, Nxb, Nghệ An- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.290.

[6] hai nô tỳ thân cận tên  là Phạm và Kỳ. Bà Hoàng hậu đã tổ chức đám cưới cho họ với những thân tín, trung thành của mình là Phạm Quốc Trung và Nguyễn Thời Kính.

[7] Dưới triều Nguyễn, những đạo sắc phong của các vua Nguyễn đều sắc chỉ cho hai thôn Yên Mỹ, Yên Phú, xã Yên Khánh, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh được thờ phụng thờ miếu Hoàng Thái hậu triều Trần. Năm 1942, lăng bà Bạch Ngọc còn ở núi Phúc Sơn, tục gọi Núi Vua tại địa phận làng Hoà Yên, cách chùa Am 2 cây số về phía Nam (Theo tác giả Lê Như Thủy). Nhưng theo Hippolyte Le Breton thì không còn dấu vết gì của các mộ ấy nữa.

[8] Ngọc Châu – Trang Từ công chúa lấy con trai của Bùi Bị là Bùi Ban. Ông có nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh chống giặc Minh xâm lược tại vùng An Tĩnh, được xếp vào hàng Công thần Khai quốc (Khai quốc Nguyên huân) và được ban tước Minh Quận công. Sau khi kết duyên với Minh Quận công Bùi Ban và chưa có con thì Bùi Ban nhân đi đánh giặc Minh, bị tử thương rồi mất tại làng Thổ Hoàng, huyện Hương Khê. Hiện nay có đền thờ ở đó. Hết tang chồng, Trang Từ công chúa lại tái giá cùng ông Khôi Quận công Trần Hồng, người làng Đồng Lạc, phủ Đức Thọ. 5 năm sau, nàng lại bỏ Trần Hồng về tu tại chùa Am cùng mẹ và bà. Ba người tu hành trong hơn hai mươi năm trời, rất thương yêu nhân dân và được nhân dân hết lòng kính mến.

Vào thời kỳ Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), Bùi Bạn bị thương tại Chăm pa, sau đó chết tại Thổ Hoàng (nay thuộc huyện Hương Khê).

[9] Hippolyte Le Breton, An Tĩnh cổ lục, Nxb, Nghệ An- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.291.

[10] Chúng tôi chưa có điều kiện đối chiếu với địa danh hiện tại.

[11] Xem: Nguyễn Thị Phương Chi, Thái ấp- điền trang thời Trần (Thế kỷ XIII- XIV). Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội- 2002.

[12] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.38.

[13] Khái niệm Điền trang , theo từ điển “ Từ Hải”: “ Là trang viên, được thành lập trên diện tích đất chiếm hữu của hoàng thất, quý tộc, quan liêu và địa chủ. Trang viên thuộc hoàng thất gọi là hoàng trang, hữu uyển, cung trang và vương trang; thuộc chính phủ gọi là quan trang, hữu công điền trang và đồn điền trang; thuộc quý tộc, quan liêu, địa chủ gọi là tư trang, hữu nghĩa trang, biệt thự và biệt trang” (Từ điển Từ Hải,  Thượng Hải từ thư xuất bản xã. 1989, tr. 1884)

Trang viên, theo “ Từ Hải”: “ Là tổ chức kinh doanh điền sản của chúa phong kiến. Trang viên rất thịnh hành ở châu Âu thời trung thế kỷ, được thành lập trên cơ sở của chế độ sở hữu ruộng đất lớn. Lịch sử các nước đều tồn tại hình thức trang viên này. Về tên gọi và quá trình phát triển và đặc điểm của nó ở mỗi nước khác nhau nhưng căn bản là nền kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc, ruộng đất thuộc quyền của chúa phong kiến” (Từ Hải. Tr.995).

Theo “ Hiện đại Hán ngữ từ điển” thì trang viên  là “ vùng đất rộng lớn bao gồm một hoặc vài làng do chủ phong kiến chiếm hữu, đơn vị kinh tế cơ bản là tự cấp, tự túc. Điển hình nhất là trang viên của lãnh chúa phong kiến châu âu vào thời kỳ đầu thời Trung thế kỷ. Các tôn thất, quý tộc, đại địa chủ đền chùa thời phong kiến Trung Quốc chiếm hữu và kinh doanh những đại điền trang cũng được gọi là trang viên Hiện đại Hán ngữ từ điển, tr. 1522).

Trang điền, theo “ Từ Nguyên”: “ Những ruộng đất của tôn thất, quan liêu, địa chủ v.v... thuê nông dân cày cấy thu tô.  Sách “ Cựu Đường thư” phần “ Kỷ Tuyên Tông”, năm thứ ba niên hiệu Đại Trung ( năm 850 sau Công nguyên) chép : Quan kinh ở phủ có những hộ trang điền, huyện Ngưỡng Châu được phép miễn sai dịch” (Từ Nguyên,  Bộ Thân, tr.2659). (Xin cảm ơn Th.s Đào Duy Đạt, Viện Nghiên cứu Trung Quốc đã dịch giúp tôi các khái niệm trong các Hán ngữ từ điển.

 

[14] Thời Lý, Trần, Đức Thọ có tên là Chi La thuộc phủ Đức Quang, Nghệ An châu. Thời Lê sơ, Đức Thọ có tên là La Giang (1428) thuộc phủ Đức Quang, xứ Nghệ An. Thời Lê Trung Hưng (1729 - 1740) để tránh trùng với tên huý của chúa Trịnh Giang nên đổi La Giang thành La Sơn thuộc phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Thời Minh Mạng (1822) vì trùng tên huý nên phủ Đức Quang đổi thành phủ Đức Thọ. Phủ Đức Thọ là huyện La Sơn thời Nguyễn, nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là địa bàn trung tâm của vùng Hoan Diễn thời Lý, Trần. Đây là vùng đất từng là đơn vị hành chính cấp huyện thời Bắc thuộc và diên cách ít thay đổi trong lịch sử. Đức Thọ vốn là vùng trù phú về nông nghiệp, phát triển về thương nghiệp lại là vùng nổi tiếng về truyền thống văn học, nghệ thuật, giáo dục, khoa bảng trong khu vực Nghệ - Tĩnh.

[15] Thanh Khê, Một bà chủ đồn điền ở thế kỷ XIV, Tạp chí Tri Tân, số 56 năm 1942.

[16] Hippolyte Le Breton, An Tĩnh cổ lục, Nxb, Nghệ An- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.291

[17] Lê Như Thủy, Bà Trần Thị Ngọc Hào, vợ vua Trần Duệ Tông (1373-1377), Tạp chí Tri Tân, số 70  năm 1942

[18] Cảm ơn PGS. TS. Vũ Duy Mền và TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học) đã cung cấp tư liệu này.

[19] Đại vương Thái Củng là người có nhiều công lao giúp nước, giúp dân.

[20] Về sau, những người đi cùng bị bọn đảng cướp Ngô Cảnh Cân giết chết ở Kỳ Đà gần Tam Sơn.

[21] Đền Ngũ Long thường gọi là đền Thánh Mẫu, được lập tại làng Hoà Yên, tổng Đồng Công, thờ cả ba người:

1. Hoàng hậu Bạch Ngọc.

2. Công chúa Huy Chân.

3. Công chúa Trang Từ.

 

[22] Thanh Khê, bài đã dẫn.

[23] Phan Huy Lê, Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427) trong: Lịch sử và văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận, Nxb Giáo dục, 2007, tr.294.

[24] Theo wikipedia.org/wiki/Đức Thọ.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511277

Hôm nay

2276

Hôm qua

2359

Tuần này

21651

Tháng này

218150

Tháng qua

121356

Tất cả

114511277