Những góc nhìn Văn hoá

Ứng xử với di sản văn hóa trong môi trường cách mạng công nghiệp 4.0


Ảnh minh hoạ ( Nguồn internet)

 

1. Dựa trên nền tảng của thành tựu công nghệ số và tích hợp mọi hệ thống công nghệ thông minh để tối ưu hóa các quy trình, phương thức sản xuất, hướng đến mục tiêu gia tăng năng suất và mức sống của cộng đồng cư dân, nhiều nước trên thế giới đã và đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra môi trường sống chưa từng có của nhân loại, gắn với những đột phá về công nghệ, tác động đến mọi hoạt động của các hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế của thế giới. Nhìn vào thực tiễn khởi đầu cho cách mạng công nghiệp 4.0 ở một số quốc gia có nền kinh tế và thành tựu phát triển công nghệ hàng đầu thế giới, có thể nhận thấy rằng, kỷ nguyên đột phá công nghệ hoàn toàn mới này đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, tạo nên sự thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, dẫn đến sự biến đổi của tất cả các ngành công nghiệp, từ sản xuất đến cơ sở hạ tầng và sức sống của cộng đồng trên phạm vi toàn cầu. Và như vậy, sự hiện hữu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế cũng như văn hóa của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cũng từ thực tế phát triển khoa học kỳ diệu này, các nhà khoa học đồng thời đã chỉ rõ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang hiện diện bước đầu trên thế giới, không đơn thuần chỉ hướng đến sự phát triển đột biến về máy móc, về hệ thống thông minh trong sự kết nối với nhau, mà thành tựu của cuộc cách mạng vĩ đại này còn tác động đa diện và sâu rộng đến những lĩnh vực và phạm vi rộng lớn hơn ở từng quốc gia, với các mức độ, cấp độ khác nhau, vừa hứa hẹn mang lại những lợi ích phát triển xã hội cực kỳ to lớn, vừa ẩn chứa không ít những thách thức, thậm chí nguy cơ đối với nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa bền vững của các quốc gia trong xã hội đương đại. Điều đó có nghĩa là, cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đơn thuần thể hiện sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, mà từ những bản chất cốt lõi hình thành và phát triển có tính đột phá đó, xu hướng tạo ra những làn sóng đột phá xa hơn, rộng hơn và sâu sắc, phức tạp hơn trong các lĩnh vực khác nhau, từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử, từ sự hiện tồn của các nguồn nhân lực mới (gắn với phương thức sản xuất mới, quan hệ sản xuất mới và nhu cầu thụ hưởng văn hóa tương ứng) đến hệ thống các giá trị văn hóa, các chuẩn mực văn hóa ở mỗi quốc gia, dân tộc,…Đương nhiên, để hướng tới việc tiếp nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xây tạo cho mình hướng tiếp cận và năng lực phù hợp, khả sĩ có đủ khả năng tiến hành hiện thực hóa các yêu cầu, nhiệm vụ cần có để đạt được mục tiêu phát triển của xã hội do cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra, mỗi quốc gia, mỗi thể chế chính trị lại có những cách tiếp cận và nhận thức so lệch nhau, thể hiện ở mặt bằng của nền tảng nguồn nhân lực, ở trình độ nhận thức và phát triển giáo dục cũng như năng lực phát triển kinh tế cùng các điều kiện hạ tầng nhất định (mà thực chất là nền tảng của thành tựu các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó đã đạt/hoàn thiện đến mức độ nào). Ngoài ra, sự so lệch mang tính thực tiễn đó còn thể hiện ở sự khác nhau của truyền thống văn hóa, tâm lý tộc người cùng hàng loạt sự giằng néo của các mối quan hệ xã hội, thiết chế văn hóa cùng quan điểm, chính sách của một thể chế chính trị nhất định. Từ thực trạng này, có thể nhận thấy khá rõ trong điều kiện lịch sử phát triển xã hội đương đại, các quốc gia cũng đứng trước những thách thức so lệch nhau và cần có sự tiếp cận đúng hướng cũng như có những ứng xử phù hợp. Dưới giác độ của người làm công tác nghiên cứu di sản văn hóa tộc người, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo hướng ứng dụng, có thể bước đầu nhận diện một số thách thức cũng như nguy cơ đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, từ đó góp phần tạo tiền đề cho việc xây dựng một số giải pháp ứng xử tích cực, phù hợp với quy luật vận động của quá trình phát triển văn hóa nhân loại nói chung và mang đặc trưng văn hóa Việt Nam nói riêng.

 

2. Trong khoảng trên dưới hai chục năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế và văn hóa thế giới. Ở phạm vi kinh tế, Việt Nam đã hoàn tất và bắt tay thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như TPP, FTA với Cộng đồng các nước châu Âu, là thành viên tham gia tích cực của Liên minh kinh tế Á - Âu,…Song hành với quan hệ kinh tế mang tính toàn cầu, sự mở rộng quan hệ hợp tác văn hóa cũng đã và đang phát triển sâu rộng. Hàng loạt các hình thức tổ chức Tuần văn hóa song phương giữa các nước có quan hệ đối tác chiến lược hoặc quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam đã được tổ chức. Nhiều hiệp định quan hệ phát triển văn hóa và du lịch giữa Việt Nam với các nước đã được ký kết, thể hiện hiệu quả thực tiễn ở những chương trình quảng bá và giao lưu văn hóa nghệ thuật, thu hút khách du lịch Việt Nam đi các nước và ngược lại. Nhiều cuộc hội thảo khoa học quốc tế về di sản văn hóa Việt Nam đã được tổ chức trong nước và một số nước có nền khoa học tiên tiến. Hàng loạt các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO quan tâm xét duyệt và tôn vinh. Dưới góc độ khoa học công nghệ, cũng trong vòng trên dưới hai chục năm qua, Việt Nam đã có sự chủ động trong sự nghiệp đào tạo chuyên sâu cả trong nước và ở nhiều nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, tạo ra nguồn nhân lực ngày một tăng, góp phần chuyển dịch tích cực trong công nghệ thông tin, điện toán đám mây, doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp. Theo Báo cáo Việt Nam Digital do We are socialHootsuite thống kê, tính đến thời điểm tháng 1 năm 2021, Việt Nam đã có 68,72 triệu người dùng internet trên tổng số 97,8 triệu người (1). Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trường đại học Cornell và Viện nghiên cứu Instead công bố ngày 15/6/2017, Việt Nam được xếp hạng 47/127 về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 12 bậc so với năm 2016. Trong ASEAN, Việt Nam đứng trên Thái Lan, được đánh giá có thế mạnh về đầu ra tri thức và công nghệ; chỉ số phức tạp/đa dạng của thị trường; chỉ số phức tạp/đa dạng kinh doanh; chỉ số đầu ra sáng tạo và chỉ số tăng trưởng đầu tư cho giáo dục…(2). Xuất phát từ những yếu tố cơ bản được nêu ra trên đây, có thể nói rằng, Việt Nam là nước có nguồn nhân lực đáng quý, mang đủ tố chất (tiềm năng) khả dĩ đáp ứng quá trình tiếp cận công nghệ hiện đại, có năng lực thích ứng nhanh chóng với sự phát triển của lĩnh vực khoa học tiên tiến trên thế giới, một bộ phận nguồn nhân lực đã có điều kiện thuận lợi để tiếp cận cuộc cách nạng công nghiệp 4.0, trở thành đội ngũ nòng cột cho xu hướng tiếp cận bước đột phá công nghệ này trong hiện tại và lâu dài.

Tuy nhiên, nhìn một cách hệ thống và toàn diện trên phạm vi cả nước, với thực trạng phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội hiện nay, không khó để nhận ra những thách thức đã và đang đặt ra trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc trước thời khắc diễn tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới bắt đầu có dấu hiệu lan tỏa đến Việt Nam.

Có thể chân thực mà nhận thức rằng, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam dường như vẫn là quốc gia cùng lúc song hành thực hiện ba cuộc cách mạng công nghiệp, điều mà nhiều nước trên thế giới đã hoàn thành và thậm chí đã bước sang kỷ nguyên của làn sóng cách mạng công nghiệp mới. Nếu như cộng đồng người dân ở Mỹ và châu Âu cho đến thế kỷ XIX đã hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, trong đó, hầu hết nông nghiệp và xã hội nông thôn đã trở thành công nghiệp và đô thị, thì ở Việt Nam, đến những năm cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, kế hoạch tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa/hiện đại hóa đất nước mới được thực sự quan tâm thực hiện, chủ yếu tiến hành ở những vùng trọng điểm (đô thị, thị tứ) và một số địa phương có điều kiện khả thi. Nếu như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đã diễn ra ngay từ đầu thế kỷ XX trên thế giới, đem lại sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp đã có từ trước và mở rộng các ngành mới (thép, dầu, điện) và hướng tới sản xuất hàng loạt, thì phải đến những năm cuối thế kỷ XX và hai chục năm đầu thế kỷ XXI, ở Việt Nam mới thực sự tiến hành trên phạm vi rộng, trong đó tập trung vào các khu vực có sự phát triển mạnh về đô thị, thị tứ. Và cạnh đó, cũng phải đến những năm đầu thế kỷ XXI, Việt Nam mới thực sự bước vào quá trình tiến hành sâu rộng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, làm quen và dần mở rộng sự hiện diện của máy tính cá nhân, internet và các hoạt động công nghệ thông tin truyền thông. Tuy vậy, về cơ bản, các cuộc cách mạng công nghiệp này mới chủ yếu dừng ở các đô thị, các doanh nghiệp lớn và sinh viên các trường chuyên nghiệp. Từ thực tế này, có thể thấy rõ, Việt Nam đã và đang đứng trước những thử thách lớn về hạ tầng cơ sở và mặt bằng tri thức nguồn nhân lực của các ngành nghề nói chung, trong đó có hoạt động văn hóa và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng.

Trước hết, phải nhận thấy rằng, về cơ bản, Việt Nam vẫn đã và đang là quốc gia nông nghiệp chiếm tỷ trọng phần lớn, nghề nghiệp cư dân chủ yếu thuần nông. Văn hóa Việt Nam chủ yếu vẫn giữ được cốt cách của văn hóa làng, quan hệ cộng đồng trên cơ sở của dòng họ và cùng chung nếp sống, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Chính vì vậy, với sự hiện diện của công nghệ hiện đại thu nhận được qua các cuộc cách mạng công nghiệp trên phạm vi cả nước, đa số người dân vẫn còn “bỡ ngỡ”, trình độ dân trí vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt là ở khu vực các dân tộc thiểu số. Mọi cung cách quản lý các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể do các thế hệ sáng tạo, truyền lưu qua các đời, chủ yếu vẫn theo nếp truyền thống. Với sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở hầu khắp các địa phương, những năm gần đây, sự biểu hiện của quá trình phân hóa xã hội càng ngày càng sâu sắc. Cũng vì thế, người dân của hầu hết các dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc anh em đều trực diện với sự biến đổi về môi trường sinh thái cũng như môi trường văn hóa. Sự tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa/hiện đại hóa ở các làng quê ngày càng hiện diện một cách sâu rộng. Tư duy mang tính “tiểu nông” của người dân về cơ bản, chưa bắt kịp được với tư duy nếp sống hiện đại, phi nông nghiệp, với công nghệ và tri thức hiện đại. Và do vậy, sự biến đổi văn hóa đã và đang diễn ra sâu rộng ở Việt Nam vốn xuất phát từ nguyên nhân của sự hiện diện những phát minh kỹ thuật, sự phát triển doanh nghiệp, sự quan tâm chủ yếu đến xây dựng môi trường vật chất, từ đó dẫn đến những thách thức cho cộng đồng dân chúng trước nhu cầu kiểm soát điều kiện xã hội và văn hóa tinh thần, trước sức mạnh của phát triển kinh tế so lệch giữa các thành phần trong xã hội hiện tại, trước sự du nhập của văn hóa ngoại sinh và quá trình giao lưu hội nhập đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Chính sự biến đổi văn hóa diễn ra như một quy luật tất yếu đã đồng thời vừa mang lại những nét tích cực cho con người hướng đến một xã hội văn minh, nếp sống văn minh trong quá trình ứng xử xã hội nói chung và ứng xử với di sản do quá khứ truyền lại nói riêng; đồng thời cũng là quá trình làm nảy sinh các nguyên nhân dẫn đến những nguy cơ xâm hại, xóa bỏ hoặc làm biến thái di sản văn hóa, giá trị của di sản văn hóa.(3)

Đứng trước cơ hội tiếp nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một trong những thách thức cơ bản cần được nhận diện là xây dựng sự tương tác giữa nhu cầu đời sống thực tiễn và phát triển xã hội trong quan hệ hội nhập quốc tế và khu vực với hệ thống cơ chế chính sách gắn với chiến lược phát triển toàn diện đất nước nói chung và gắn/phù hợp với lĩnh vực văn hóa như một đối tượng có chức năng đặc thù (trong đó có sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa) nói riêng. Giữa năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, trong đó đã đề ra hệ thống giải pháp như phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thay đổi nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới... Có thể nói, việc giải quyết những vấn đề liên quan đến thách thức về cơ chế, chính sách mang tầm quốc gia này đã được Chính phủ và Bộ chủ quản quan tâm như nhiệm vụ tiên phong, mở đường cho công tác quản lý văn hóa và ứng dụng, vận dụng vào hoạt động văn hóa, trong đó có bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong điều kiện xã hội mới (4).

Một thách thức vốn đã và đang hiện diện trong hoạt động thực tiễn của ngành văn hóa cũng cần được nhận diện là trình độ am hiểu lý luận và thực tiễn của nguồn nhân lực quản lý văn hóa các cấp trước sự tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tiễn cho thấy, trong số nguồn nhân lực trực tiếp tham gia công tác quản lý văn hóa các cấp, ngoài số lượng lớn được đào tạo từ môi trường đào tạo chuyên ngành văn hóa theo phương thức đào tạo cũ, còn là nguồn đến từ các vị trí công tác và ngành nghề chuyên môn khác (khoa học tự nhiên, kinh tế, công tác xã hội,…). Chính vì thế, trong hoạt động thực tiễn, sự nhận thức cũng như hoạt động quản lý của nguồn nhân lực tham gia công tác quản lý văn hóa luôn có sự so lệch nhau, thiếu đi sự am hiểu về đối tượng quản lý, nhiều khi mang lại hiệu quả kém thuyết phục trong quá trình điều hành, chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động sinh hoạt văn hóa trong môi trường văn hóa - xã hội nói chung và tại các không gian hiện tồn di sản nói riêng của các dân tộc trên phạm vi cả nước. Cũng chính vì thế, cho đến thời điểm hiện tại, nguồn nhân lực tham gia quản lý văn hóa cũng như hoạt động văn hóa gần như chưa được tiếp nhận, bồi dưỡng/tập huấn một cách có hệ thống tri thức về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì, ngành văn hóa và hẹp hơn là các địa bàn bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần những gì, thu nhận được gì và chuẩn bị cho năng lực tiếp cận thành tựu của cuộc cách mạng mới lạ này ra sao, nhằm ứng dụng cụ thể vào vị trí công tác và nhiệm vụ đảm nhiệm của mình theo yêu cầu phát triển của xã hội, hiện tại và lâu dài.

3. Nhìn một cách hệ thống và bao quát thực trạng phát triển xã hội, khi Việt Nam đã và đang tiến hành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có thể thấy rằng, chúng ta dường như vẫn chưa hội đủ điều kiện hạ tầng cơ sở và nguồn tri thức phù hợp để sẵn sàng tiếp cận, đón nhận và tiến hành cuộc cách mạng công nhiệp 4.0. Trong khi đó, hàng chục năm trở lại đây, quá trình thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở các địa phương cho dù đã đạt được những thành tựu nhất định và đang đứng trước thời cơ mới, hứa hẹn mang lại nhiều năng lượng cho sự phát triển và hội nhập, nhưng cũng đã và đang lộ rõ không ít nguy cơ đối với “vận mệnh” của sự hiện tồn di sản văn hóa nói riêng và đời sống xã hội nói chung.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã gắn liền với sự xuất hiện của hàng trăm đô thị, thị tứ, tạo ra các khu vực phi nông nghiệp ngày càng lan tỏa. Thực tế đó đã cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ trở thành nguyên nhân dẫn đến nguy cơ biến đổi văn hóa sâu sắc ở hầu khắp các địa phương. Sự xâm lấn không gian văn hóa - nơi tồn tại các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang hiện hữu. Hàng loạt di tích lịch sử văn hóa bị xóa bỏ hoặc thu hẹp về không gian, biến thái về thực hành di sản, nhường chỗ cho phát triển doanh nghiệp và dịch vụ kinh tế. Thực trạng đó cũng đồng thời tác động xấu đến quá trình bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vốn đã được sáng tạo, bảo vệ và trao truyền từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Chính vì thế, các chuẩn mực về lối sống, nhân cách, đạo đức của một bộ phận lớn trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ đã bị phá vỡ hoặc biến cải, góp phần ảnh hưởng xấu đến sự cố kết cộng đồng cũng như môi trường sinh hoạt xã hội - nhân văn.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ với những phương tiện khoa học truyền thông hiện đại, thế hệ trẻ tại hầu khắp các làng quê đã và đang có cơ hội tiếp nhận tri thức khoa học tiên tiến, nâng cao trình độ và ứng dụng vào thực tiễn và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng vật chất, tinh thần của cá nhân. Tuy nhiên, mặt trái của thực trạng xã hội này đã hiện rõ nguy cơ một bộ phận lớn trong giới trẻ có tâm lý xa rời nguồn di sản quý báu của ông cha, lãnh đạm hoặc không quan tâm đến kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của chính quê hương mình, tâm trí và niềm hứng khởi, say mê dành chỗ cho các nhu cầu tiếp nhận văn hóa hiện đại, đặc biệt là các nguồn văn hóa ngoại sinh mới được trực tiếp du nhập hoặc thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Hàng loạt các hình thức sinh hoạt văn nghệ truyền thống, các trò chơi dân gian, các nghi lễ cùng nguồn tri thức dân gian bản địa đã bị giới trẻ sao nhãng, không quan tâm thực hành hoặc tiếp nhận. Sự gắn bó giữa giới trẻ với các phương tiện công nghệ hiện đại đã lấn át mối quan tâm đến sinh hoạt văn hóa cộng đồng, quan hệ và giao lưu với cộng đồng, tạo cơ sở cho sự trỗi dậy của thói ích kỷ, cá nhân và thói quen vô cảm với xã hội.

Hiệu quả của phát triển công nghiệp và hiện đại hóa lực lượng sản xuất của hiện tại và dự báo sự lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp mới với những phương tiện tự động hóa, lập trình sản xuất,…sẽ dẫn đến nguy cơ tồn tại của hàng nghìn làng nghề thủ công, nơi cung cấp nguồn hàng đáp ứng nhu cầu xã hội hàng trăm năm qua ở các địa phương. Với sự phát triển trong lĩnh vực dệt may, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều dân tộc thiểu số đã và đang mất dần trang phục dân tộc mình, sản phẩm vốn được tự cung, tự cấp trong nội tại tộc người, góp phần tác động xấu đến quá trình bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, ảnh hưởng không ít đến nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.

Cho đến nay, dường như, mọi chủ trương, chính sách hướng đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bước đầu tiếp cận cuộc cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tập trung vào các yếu tố và điều kiện phát triển kinh tế, lấy phát triển khoa học công nghệ làm then chốt. Với lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là môi trường hoạt động văn hóa và bảo vệ di sản văn hóa tộc người, dường như đã và đang được đẩy vào môi trường “xã hội hóa”, khoán cho cộng đồng “tự thân vận động” để duy trì và bảo vệ sức sống của di sản. Nhiều dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc đã và đang đứng trước nguy cơ bị mai một hoặc biến mất của di tích tín ngưỡng, nhà truyền thống và tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Sự biến đổi văn hóa trong đó có sự xâm lấn và đồng hóa về mặt văn hóa đang diễn ra một cách sâu rộng. Với điều kiện kinh tế eo hẹp, thậm chí nghèo nàn, cộng đồng không ít tộc người không đủ điều kiện kinh tế để tôn tạo di tích, mở các lớp dạy chữ, dạy tiếng dân tộc mình. Các thế hệ trẻ mới sinh ra từ đầu thế kỷ XXI trở lại đây phần nhiều thông thạo tiếng phổ thông và một bộ phận không nhỏ rất ít hoặc không giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, từ đó xa rời với truyền thống văn hóa tộc người, dẫn đến những nguy cơ xuất hiện các hành vi đi ngược với giá trị văn hóa truyền thống cũng như tiếp nhận những tiêu cực trong xã hội đương đại.

4. Từ những nhận biết mang tính khái quá về bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, soi vào môi trường quản lý và hoạt động văn hóa nói chung và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tộc người nói riêng để nhận diện một số nguy cơ đã và đang hiện hữu, có xu hướng tác động xấu đến đời sống văn hóa cộng đồng, trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, chúng tôi bước đầu có một số nhận thức về hướng tiếp cận xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ giác độ hiện tồn của văn hóa dân tộc như sau:

Một là, từ giác độ quản lý vĩ mô, bộ máy lãnh đạo và quản lý văn hóa trước hết cần chủ động triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, trên cơ sở đề xuất, thực hiện các đề án nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá bản chất chính xác tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến ngành văn hóa nói chung và các phạm vi phát triển sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo vệ di sản, phát triển du lịch nói riêng cùng các thành tố chức năng liên quan; từ đó xây dựng các căn cứ khoa học và thực tiễn, hướng đến giải quyết nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển tổng thể quốc gia về lĩnh vực văn hóa với mục tiêu hợp lý, hiệu quả cùng nguồn lực tương ứng. Từ đó, tiến hành các nghiên cứu chuyên ngành, chỉ rõ sự tác động tích cực cũng như những nguy cơ hạn chế, tiêu cực của sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng và cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung ở những khía cạnh cụ thể nào đối với từng phạm vi quản lý và hoạt động văn hóa ở Việt Nam, hiện tại và tầm nhìn tương lai gần.

Hai là, chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, khẩn trương biên soạn tài liệu phục vụ cho các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và tri thức cho nguồn nhân lực quản lý văn hóa (trong đó có di sản văn hóa và sinh hoạt văn hóa truyền thống) các cấp và mở rộng đến nhận thức của cộng đồng - Chủ thể văn hóa và nguồn lực trực tiếp thực hành văn hóa, trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa xã hội đương đại về cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ba là, song hành từng bước mở rộng quan hệ hội nhập quốc tế, triển khai nghiên cứu và học tập, kế thừa kinh nghiệm của quốc tế về ứng xử với văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng trong môi trường cách mạng công nghiệp mới mẻ này, trong đó ưu tiên quan tâm nghiên cứu và học tập kinh nghiệm từ các nước có đặc điểm văn hóa tương đồng với Việt Nam. Đồng thời có những tổng kết kinh nghiệm trong nước về tác động - ảnh hưởng của quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với văn hóa nói chung và di sản văn hóa các dân tộc nói riêng từ những chục năm qua, trên cơ sở chắt lọc thành tựu nghiên cứu của hàng trăm công trình, luận văn, luận án đã công bố và bảo vệ ở trong nước những chục năm trở lại đây.

Bốn là, luôn đặt ngành văn hóa trong bối cảnh xã hội chung và quan hệ hợp tác đa dạng, sâu rộng với các ngành khoa học khác nhau, ưu tiên quan hệ với lĩnh vực khoa học công nghệ, tạo ra cơ sở cho sự hỗ trợ và giúp sức cho ngành văn hóa đủ năng lực và điều kiện ứng xử với sự vận động của khoa học và xã hội, chủ động trong quản lý và tổ chức hoạt động thực tiễn văn hóa, góp phần vào mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, khoa học, hiện đại và bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại, hiện tại và lâu dài.

Năm là, từng bước triển khai thử nghiệm việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào quá trình quản lý văn hóa, đánh giá và xây dựng các mô hình quản lý đối với di sản văn hóa phù hợp với các cấp độ, mức độ và phạm vi khác nhau. Đồng thời từng bước tiến hành mở rộng việc số hóa dữ liệu tại từng di tích lịch sử văn hóa, tăng cường công tác quảng bá giá trị di sản trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại, thử nghiệm robot ứng dụng vào thuyết minh di sản, quản lý tiền công đức, quản lý không gian văn hóa,… theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 từ giác độ ứng xử với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là vấn đề mới, lớn và khó. Để đáp ứng được nhu cầu khoa học và thực tiễn đã và đang đặt ra như một quy luật tất yếu, đòi hỏi phải có những nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá thực trạng và nhận diện, dự báo xu hướng từ đội ngũ khoa học liên ngành, đa ngành, hiện tại và lâu dài. Một số nhận thức cá nhân bước đầu ở tham luận này không nằm ngoài mong ước được tham gia tìm hiểu, nghiên cứu để đóng góp khiêm tốn vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam./.

*GS.TS. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

---------------

Chú thích:

(1) http://digitalvn.vi/viet-nam-digital-2021/

(2)Tham khảo thêm: Cách mạng công nghiệp 4.0 với Việt Nam; Báo đầu tư.vn/cch-mang-cong-nghiep-40-voi-viet-nam d77369.html (ngày 23-2-2018).

(3) Tham khảo thêm: Phan Phương Anh - Đặng Hoài Giang, Biến đổi văn hóa: Khái niệm và một số cách tiếp cận nghiên cứu; Tạp chí Văn hóa học, số 6(34) - 2017, tr.3-13.

(4) Tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 16/CT-THg, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã có Quyết định số 3888/QĐ-BVHTTDL ngày 19-10-2017 và sau đó ban hành Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL về việc định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó xác định một số sản phẩm trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa và thư viện được tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ để phát triển.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445484

Hôm nay

2221

Hôm qua

2296

Tuần này

21093

Tháng này

211743

Tháng qua

120141

Tất cả

114445484