Cuộc sống quanh ta

Giáo sư Đinh Gia Khánh với Viện nghiên cứu văn hóa dân gian và bộ Lịch sử văn hóa Việt Nam

Nhớ lại, khoảng giữa năm 1983, với tư cách là Vụ trưởng Vụ TCCB, tôi đã tìm gặp GS. Đinh Gia Khánh nhằm thuyết phục ông về Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Phải nói là, lúc đầu GS. Đinh Gia Khánh rất do dự, vì lúc đó ông đã là nhà khoa học đầu ngành đang có uy tín ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong khi đó ngành nghiên cứu văn hóa dân gian ở Ủy ban Khoa học xã hội còn rất mới, chưa hình thành một ngành nghiên cứu khoa học như bây giờ. Nhưng sau đó, được biết đó là mong muốn của GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn với ý định xây dựng ngành nghiên cứu văn hóa dân gian và chuẩn bị viết bộ lịch sử văn hóa Việt Nam, ông đã nhận lời. Do đó, trước khi nói đến những đóng góp của GS. Đinh Gia Khánh với ngành nghiên cứu văn hóa dân gian và Viện nghiên cứu văn hóa nói chung, phải nói đến ý định của GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn về lĩnh vực nghiên cứu cơ bản này, như đầu đề bài viết mà tác giả nhớ lại, và muốn nói rõ đôi điều có thể nhiều người chưa biết. Bài viết có vẻ hơi xa với chủ đề cuộc Hội thảo khoa học quan trọng này nhưng lại có liên quan rất mật thiết đến một bước ngoặt trong khoa học của GS. Đinh Gia Khánh.

Là người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn đã thấy rõ các khoa học xã hội và nhân văn chỉ thành công khi có tầm nhìn văn hóa, và các ngành nghiên cứu khoa học xã hội chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình khi viết được bộ lịch sử văn hóa Việt Nam. Đó là bộ lịch sử liên quan đến tất cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn, nhưng trước mắt, theo ông, chỉ có thể viết một bộ lịch sử văn hóa giản lược, nhằm khẳng định vị trí dân tộc ta, vị trí đất Việt mà từ lâu những thế lực ngoại bang ở phương Bắc cũng như ở phương Tây không muốn thừa nhận. Muốn vậy, phải nói lên sự thật về sức mạnh văn hóa Việt Nam, về nền văn minh Sông Hồng với kỹ thuật lúa nước mà chúng ta vẫn tự hào. Đây là một tầm nhìn hết sức sâu xa và thâm thúy có quan hệ đến tư tưởng Hò Chí Minh khi Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”, đồng thời chủ trương: “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản”. Có lẽ thấy rõ một chủ trương sẽ rất khó được sự chấp nhận của Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh nói tiếp: “Khẩu hiệu này do Mátcơva tung ra, đánh vào các nhà tư sản như một nghịch lý táo bạo, nhưng thực ra điều đó có ý nghĩa gì? Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời”. Tại sao Hồ Chí Minh đã nói là một nghịch lý táo bạo, đồng thời lại nói là một chinh sách mang tính hiện thực tuyệt vời ? Có lẽ, chỉ những người thấy rõ vị trí, tầm cỡ tư tưởng Hồ Chí Minh như GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS. Trần Văn Giàu và nhiều nhà lãnh đạo khác, mới thấy hết ý nghĩa sâu xa của việc nghiên cứu những di sản văn hóa đất Việt và biên soạn bộ lịch sử văn hóa Việt Nam. Đó là câu chuyện dài, không thể nói ở đây. Hơn nữa, tôi tin chắc chúng ta đều hiểu, đều biết Việt Nam chiến thắng được các loại quân xâm lược là nhờ sức mạnh văn hóa trên cơ sở coi chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Đó là một chân lý hiển nhiên, nói mãi vẫn không bao giờ thừa, mà gần đây, trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại Hội đồng LHQ đã toát lên những sự thật hiển nhiên đó trong tham luận của ông được gọi là Thông điệp xanh của Việt Nam. .

Tôi muốn nói đến Hồ Chí Minh là để nói đến GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn là một trong những người đầu tiên thấy rõ tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh và đưa ra chủ trương nghiên cứu tư tưởng của Người, là người sớm có ý định hình thành các ngành nghiên cứu văn hóa và viết bộ lịch sử văn hóa Việt Nam. Sau nữa, nói đến GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, tôi muốn khẳng định những đóng góp của GS. Đinh Gia Khánh ở Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Văn hóa hiện nay.

Không chỉ có ý định, với tầm nhìn văn hóa, từ năm 1982, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn rất muốn có Viện nghiên cứu văn hóa và đã viết cả bản đề cương hàng trăm trang rất công phu về bộ lịch sử văn hóa Việt Nam, nhưng do những khó khăn khách quan, nhất là chủ quan, ông thấy chưa thể thành lập viện nghiên cứu văn hóa và cả bộ lịch sử văn hóa Việt Nam. Ông chỉ quan niệm đơn giản là làm sao khẳng định được Việt Nam có 4000 năm văn hiến, bắt đầu từ thời ra đời nhà nước Văn Lang do các Vua Hùng dựng nước, và văn hóa Việt Nam thực chất là gì ? Nó là bản địa hay du nhập từ ngoài vào, hay là lai căng ? Nó lấy triết lý nào của phương Đông hay phương Tây, làm bó đuốc soi đường. Bởi lẽ, hàng nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ và gần trăm năm bị phương Tây chiếm đóng, Việt Nam đâu có được xem là một dân tộc có nền văn hóa riêng với những anh hùng hào kiệt thời nào cũng có. Họ chỉ xem Việt Nam là những quận huyện của họ, hoặc chỉ là một chủng tộc man di, lạc hậu, chưa có nền văn hóa riêng, thì sao có sức mạnh dân tộc. Cho nên, việc viết bộ lịch sử văn hóa này là hết sức quan trọng, không thể không nghĩ đến.

Nhằm thực hiện ý định trên, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn đã quyết định thành lập những tổ chức nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến bộ lịch sử văn hóa này như Ban nghiên cứu Hán – Nôm, Ban nghiên cứu Đông Nam Á, Ban nghiên cứu Trung Quốc học và Ban nghiên cứu Văn hóa dân gian cùng với việc mở rộng và củng cố các Viện đã có, như tách ban Xã hội học từ Viện Triết học thành Viện Xã hội học…Hơn nữa, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn là người đầu tiên chủ trương biên soạn bộ Từ điển bách khoa Việt Nam và đề nghị thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Rất tiếc là, vào thời kỳ những năm sau 1980, đất nước ta vô vàn khó khăn, trong khi đó GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn lại đến tuổi nghỉ hưu, nên nhiều dự định của ông đã không thể hoàn thành.

Liên quan đến những tổ chức nêu trên là đội ngũ các nhà khoa học có tâm huyết. Chính GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn đã căn dặn chúng tôi phải tìm mọi cách thu hút cho được những nhà khoa học có năng lực ở các trường đại học, đồng thời có chính sách cởi mở thỏa đáng với các nhà khoa học hiện có. Thực hiện ý định của Ông, chúng tôi đã làm được một số việc trước khi đất nước “đổi mới” vào năm 1986. Nhiều việc làm lúc bấy giờ thường được gọi là “vượt rào”, sau khi đất nước “đổi mới”, Nguyễn Văn Linh gọi là “tự cởi trói”, đều nhằm mục đích vượt qua những rào cản vô lý do chính mình tạo ra.

Ngày nay, không chỉ có Viện nghiên cứu văn hóa mà còn có cả hệ thống các viện chuyên ngành liên quan đến văn hóa khu vực và thế giới. Hơn nữa, bộ Từ điển bách khoa cũng đã hoàn thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chính thức được thành lập. Tóm lại, nhiều dự định của GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn đã trở thành hiện thực. Trong những dự định ấy, có dự định tìm cách hội tụ những nhà khoa học có chuyên sâu và tâm huyết, nhất là ở các trường Đại học, về Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.

Với ý định ấy, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn nghĩ đến việc xin GS. Đinh Gia Khánh về Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, không chỉ để nghiên cứu mà trước mắt là phụ trách Ban nghiên cứu văn hóa dân gian, sau này là Viện Văn hóa dân gian mà ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện này. Tiếp thu được những ý định của GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, trong việc hình thành ngành nghiên cứu văn hóa học và viết bộ lịch sử văn hóa Việt Nam, (tôi tin chắc Đinh Gia Khánh cũng có bản đề cương bộ lịch sử văn hóa Việt Nam của Nguyễn Khánh Toàn), có thể khẳng định, GS. Đinh Gia Khánh là một trong những nhà khoa học thành công nhất khi về Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam với những ưu điểm nổi bật sau đây:

1. Trước hết, cần khẳng định rằng Viện nghiên cứu văn hóa có được như ngày nay là có phần công lao của GS. Đinh Gia Khánh, không chỉ với tư cách nhà khoa học mà với tư cách nhà quản lý và đào tạo cơ sở đội ngũ các nhà khoa học cho ngành khoa học quan trọng này. Nếu những ai biết những khó khăn thời kỳ những năm 80, thì phải thấy vai trò Đinh Gia Khánh không chỉ cho Viện nghiên cứu văn hóa dân gian mà cho cả ngành khoa học nghiên cứu văn hóa dân gian, trong đó có Hội văn nghệ dân gian Việt Nam.

Là một Viện tuy ra đời muộn, nhưng Viện nghiên cứu văn hóa hiện nay có cả một đội ngũ các nhà khoa học đông về số lượng, mạnh về chất lượng, đã hoàn thành rất nhiều công trình khoa học xuất sắc có tầm quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc biên soạn bộ lịch sử văn hóa Việt Nam. Đã đến lúc phải nghĩ đến việc biên soạn bộ lịch sử văn hóa Việt Nam, mà theo tôi, đó là nhiệm vụ của Viện nghiên cứu văn hóa hiện nay. Tôi không dám nói thay các nhà khoa học của Viện nghiên cứu văn hóa, chỉ khẳng định Viện nghiên cứu văn hóa là một trong những Viện mạnh của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có sự đóng góp hết sức to lớn của GS. Đinh Gia Khánh. Ngày nay, Viện nghiên cứu văn hóa có được bề thế, không chỉ những con người mà cả hệ thống những công trình đã hoàn thành. Tuy chưa có bộ tổng tập về văn hóa, nhưng Viện nghiên cứu văn hóa đã có rất nhiều công trình sưu tầm rất công phu, có cả bộ sử thi các dân tộc Việt Nam đã hoàn thành và đang hoàn thành nhiều công trình cấp nhà nước về danh nhân văn hóa Việt Nam. Mặt khác, các Viện chuyên ngành liên quan đến văn hóa như Khảo cổ học, Dân tộc học, Tôn giáo và cả Viện Triết học… đều đã có những công trình về lịch sử ngành mình. Đó là những công việc do các thế hệ nhà khoa học sau này, nhưng không thể không nói đến vai trò GS. Đinh Gia Khánh trong nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, không chỉ ở nhà trường mà cả ở Viện nghiên cứu văn hóa hiện nay.

2. GS. Đinh Gia Khánh không chỉ là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, ông cũng là người có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu văn hóa nói chung ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cụ thể là bộ Tổng tập văn học Việt Nam đồ sộ gồm 42 tập, bao quát cả 10 thế kỷ, không dễ thực hiện nếu thiếu GS. Đinh Gia Khánh với tư cách người Tổng Chủ biên. Chính bộ Tổng tập ấy là tiền đề cho việc ra đời bộ Lịch sử văn học Việt Nam mà tập đầu do Nguyễn Khánh Toàn Chủ biên đã được xuất bản từ lâu. Nhưng rất tiếc, cho đến nay bộ lịch sử văn học cũng chưa ra đời chứ đừng nói đến bộ lịch sử văn hóa Việt Nam.

3. Thành công đáng kể nhất của GS. Đinh Gia Khánh cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, còn phải nói đến đức độ đoàn kết, bao dung, hội tụ giữa các nhà khoa học trong Ủy ban Khoa học xã hội, nhất là trong các trường Đại học. Tôi không thể quên được GS. Trần Quốc Vượng và nhiều nhà khoa học khác tuy là những người của nhà trường nhưng cũng là những nhà khoa học có nhiều việc làm ở Viện nghiên cứu văn hóa dân gian trong thời gian GS. Đinh Gia Khánh làm Viện trưởng. Theo tôi, thành công lớn nhất của ông chính là ở sự hợp tác, tập hợp được đông đảo các nhà khoa học không chỉ trong cơ quan mà cả các nhà khoa học trong toàn quốc. Nếu không có được đức độ ấy thì không dễ có được bộ Tổng tập văn học Việt Nam với rất nhiều nhà khoa học tham gia, như chúng ta đã thấy.

4. GS. Đinh Gia Khánh không chỉ có những đóng góp về quản lý và đào tạo mà bản thân ông cũng là nhà khoa học xuất sắc đã có nhiều công trình để lại dấu ấn cho ngành khoa học này, như công trình: Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian; công trình Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á và nhiều giáo trình về văn học dân gian Việt Nam.

Nhìn chung, có thể nói, GS. Đinh Gia Khánh đã tiếp nhận rất thành công những dự định khoa học của GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn trong việc nghiên cứu văn hóa và chuẩn bị viết bộ lịch sử văn hóa Việt Nam. Với những đóng góp đáng ghi nhận cho khoa học xã hội và nhân văn, rõ ràng GS. Đinh Gia Khánh không chỉ là người thầy của các thế hệ sinh viên ở trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn mà ông cũng là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hóa học ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Là người được làm việc lâu năm với ông, tôi thấy ở ông những đức tính thật đáng trân trọng, như sự giản dị, khiêm tốn, dễ gần, nhưng trong khoa học thì rất nghiêm túc, luôn có ý thức tìm tòi cái mới trong khoa học và có ý thức giúp người khác hoàn thành nhiệm vụ. Vì quá lâu, nhiều việc tôi không còn nhớ hết, chỉ kể đôi điều không thể nào quên về ông, như đầu đề bài viết.

 Tháng 9 năm 2013

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570850

Hôm nay

24

Hôm qua

2298

Tuần này

2599

Tháng này

229374

Tháng qua

129483

Tất cả

114570850