Cuộc sống quanh ta

Nhớ Trần Trung Kỳ

Tôi gặp Trần Trung Kỳ lần đầu vào năm 1984 qua giới thiệu của Vũ Quốc Ái. Vũ Quốc Ái bảo tôi: “Là hội viên hội Mỹ thuật Việt nam ở quê hương ta chỉ có mỗi một người, đó là Trần Trung Kỳ.” Ông Ái vốn có cái kiểu trang trọng như vậy. Ông Ái trước khi về Nam Định từng có thời gian dạy ở trường Đại học Mỹ thuật, môn văn, khi ấy ông Kỳ vẫn còn là sinh viên, chẳng biết ông Kỳ có học ông Ái giờ nào không, mặc dù chỉ kém ông Ái có một tuổi, mỗi khi nói về ông Ái ông Kỳ đều một điều “thày Ái”, hai điều “thày Ái”.

Hồi ấy ông Kỳ đang chuẩn bị đi dự một cái trại sáng tác ở Bulgari. Ông nhờ nhà của ông Dương Đình Khoa ở phố Nguyễn Du để làm việc, trong đó có việc ông chép lại tranh Cô gái Đông Hồ để đem đi. Một cô gái quê mặc yếm choán gần hết cả bức tranh ngồi theo kiểu những người hát cô đầu, xung quanh là bầy gà con, lợn con lít nhít, theo mô típ của những bức tranh Đông Hồ. Tôi không thấy bức tranh đặc biệt lắm nhưng ông Ái thì rất thích. Ông có làm bài thơ về bức tranh này:

                        …

Em lặng nhìn chi

Cô gái Đông Hồ, cô gái mắt nâu?

Xin chỉ dùm tôi nếu em đã thấy

Ôi em ở trong tanh còn bồi hồi đến vậy

nữa ở trong đời…thế đấy…mắt nâu ơi!

           

Nhà ông Kỳ ở phố Hàng Sắt, ngay đầu phố giáp với phố Lê hồng Phong. Nhà ông ở cạnh đền Triều Châu, ngôi đền của người Hoa ngày xưa nay đã bị bỏ hoang. Xế trước cửa đền có cây đa không biết đã bao nhiêu tuổi, từng chùm rễ đen sì quấn quít lòng thòng, vào mùa quả chín, quả rụng đầy quanh gốc cây, người đi lại dẫm lên nhoe nhoét cả mặt đường. Chếch sang bên đường một tí là hiệu kẹo lạc Sìu Châu.

Ngôi nhà này vốn là của ông thân sinh ông Kỳ, một công chức cũ, hình như là một đốc công, thời Pháp thuộc, bị chia cho một hộ nào đó ở tầng hai. Ông Kỳ treo tranh, vẽ vời, tiếp khách, sinh hoạt gia đình ở ngay tầng một, cùng với hai cụ thân sinh. Một gian gác xép ở trên cùng là không gian riêng dành cho gia đình ông. Tôi đã có mấy lần theo ông lên đó. Phải đi qua cái cửa ngách giáp với đền Triều Châu, qua mấy lần cầu thang hẹp, ọp ẹp và tối om, không có đèn điện mà cũng chẳng có ánh sáng lọt vào từ một khe hở nào đó, lên tới nơi thì mới có một tí ánh sáng mặt trời.

Bố ông có nhiều nét giống ông. Nói thế thì cũng hơi ngược. Ông cụ người nhỏ thó, mỏng tang như một chiếc lá tre già chớm úa. Bộ mặt dường như bất cần đời. Đôi mắt nhỏ, dài luôn ti hí, đôi đồng tử đôi khi đưa rất nhanh nhưng không bao giờ biểu lộ một điều gì. Nụ cười nửa miệng, nửa như khinh thị, nửa như cam chịu. Ông di chuyển như ở tư thế đi ngang sang một bên, giống như một chiếc lá bay, chỉ có điều là nếu ông có hướng đi sang bên phải thì gió đang thổi về phía bên trái.

Ông Kỳ không nhỏ bằng bố ông. Nếu được sống hết tuổi trời cho chắc ông cũng không thể nhỏ đến thế. Ông là một cây sắn khô, luôn bước đi bập bễnh. Cũng đôi mắt nhỏ dài, luôn ti hí, đầu mắt gập xuống như cái mỏ chim, mỗi khi ông cười cũng ánh lên một chút giễu cợt nhưng trùm lên trong đó là niềm vui thú, chan hòa.

Bà mẹ ông là hình ảnh của những người phụ nữ việt Nam cổ xưa chỉ biết vun vén cho gia đình, núp mình đi sau những thành công hay toan tính của chồng con. Bà luôn ngồi bên cơi trầu với gương mặt bình thản, đúng như những bức chân dung ông Kỳ vẽ về người mẹ của mình.

Vợ ông thì khác hẳn. Một người phụ nữ cao gầy, hơi lòng khòng, mặt sát xương. Làm nhân viên của một cửa hàng chất đốt, mỗi buổi tối bà ta mang bô lên trên gác để đái ở trên ấy, sáng dậy đi làm ngay, ông Kỳ phải đổ bô cho vợ hàng ngày. Vợ ông biết ông có hai thứ quí nhất là con và tranh. Mỗi khi cãi nhau bà ta mang tranh của ông ra cắt nát hoặc lôi con ra đánh. Bà ta đánh đau. Thậm chí có khi bà túm lấy thằng con giơ ra ngoài ban công, sẵn sàng thả cho nó rơi xuống đường.

Tôi không có thú vị gì mỗi khi đến chơi với ông mà phải chạm mặt bà. Nhiều người cũng có cái cảm giác đó nhưng vì yêu quí ông người ta vẫn đến. Cũng may là chỉ thỉnh thoảng mới thấy bà ta đột nhiên xuất hiện. Một lần tôi đã bị bà ta đuổi ra khỏi nhà khi đến báo cho ông Kỳ tin ông Vũ Quốc Ái chết. Tôi đoán bà đã đọc được cảm giác của tôi mỗi khi gặp bà nhưng có lẽ đó không phải là lí do để bà biểu lộ thái độ đối với tôi như thế. Về sau tôi mới biết, chỉ vì cách đó hơn một tháng, ông Kỳ đến nhà tôi vào một buổi tối với một trạng thái hết sức mệt mỏi và chán nản. Ông cảm thấy ghê sợ khi phải trở về sống trong căn nhà với người vợ như thế. Tôi nài ông ngủ lại nhà tôi. Ông ngả mình trên giường chợp mắt thiu thiu một lúc, bỗng ông choàng dậy mồm hỏi giờ mắt tìm nhìn đồng hồ. Khi ấy đã hơn mười một giờ khuya. Mặc cho sự khuyên ngăn của tôi ông vẫn dứt khoát đứng dậy ra về. Chắc hẳn ông đã báo cáo với bà là đã ở nhà tôi lâu đến thế.

            Tôi bảo ông:

  • Thân anh là thân con chó.
  • Siêu chó ấy chứ. Ông đáp
  • Có lẽ kiếp trước anh nợ bà ấy nửa đấu thóc.
  • Thì tao đã trả cho bà ấy bao nhiêu bồ thóc rồi còn gì.

Hồi tôi bỏ vợ sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi chưa đầy ba tháng, ông Kỳ đến thăm tôi, ông bảo:

            -Mày giỏi thật đấy, mới có hai tháng rưỡi đã bỏ được vợ. Tao thì hai mươi nhăm năm nay muốn bỏ vợ mà không được.

  • Anh mới là người giỏi. Tôi đáp    

Có lẽ ông chẳng nghĩ đến hoặc làm điều gì để bỏ vợ. Cam chịu và yên lặng mỗi khi bà lên cơn thịnh nộ. Ông còn vẽ chân dung bà, mua tặng bà những món quà mỗi khi có dịp, chăm sóc bà những khi ốm đau cho tới tận khi bà qua đời.

Những đứa con ông đứa ngoan đứa không. Chúng đều học hành không đến nơi đến chốn và khó khăn trên đường lập nghiệp. Ông gây dựng, chi chút cho từng đứa một. Mỗi đứa một kiểu. nhưng dường như chúng chẳng yêu thương ông lắm. Có lần ông kể cho tôi niềm hạnh phúc của ông khi mỗi đứa con ra đời. Ông đã chăm chú nhìn khi người ta cắt tóc cho đứa con gái, xót xa khi mỗi sợi tóc của nó rơi. Ông thấy mình giống như lão Goriot. Lão Goriot của Honoré de Balzac, hi sinh tất cả vì mấy đứa con gái, chúng đi tìm vui thú trong khi ông đang hấp hối.

Tranh ông Kỳ vẽ rất đẹp. Những đường viền nhỏ li ti, mềm mại. Những mảng màu ngon như trái cây vừa chín. Tôi thích ngay những bức ông vẽ cây cối, cánh đồng, nhà cửa. Chúng như đang đứng lên tự kể chuyện mình. Những bức hơi có vẻ trừu tượng thì tôi không hiểu lắm. Những con chim chết được treo lên. Những cái chân sói kế tiếp nhau, cái ô sáng vàng khè như mắt thú đang cơn thèm mồi.Những nửa mặt người được sắp xếp theo một trật tự nào đó…

Vẽ đối với ông là một đam mê nhưng cũng là một phương tiện để ông giải tỏa những bức súc trong cuộc sống. Ông đọc nhiều, thuộc nhiều thơ, nhất là thơ Nguyễn Bính. Ông có trí nhớ rất tốt. chính ông đã giới thiệu với tôi về thơ Phùng Khắc Bắc. Thơ Phùng Khắc Bắc in trên báo Văn Nghệ, ông đọc một lần là nhớ:

                        Những cây nhang đầu đen, nhọn

                        Lửa đom đóm không thắp lại được mùi thơm

                        Ta đi giữa sự công bằng ở tầng dưới

                        Và sự bất công bằng ở tầng trên…

Cũng có khi ông đọc chính những bài thơ của ông.

                        một mình khóc làm chi

                        trời Chagall xanh

                        …

                        con rắn đầu người

                        trong tranh Mikellage

                        sao không xui

                        em ăn cùng anh trái ngọt

Cũng chính ông nói cho tôi nghe về Vermeer và một số danh họa mà tôi chưa từng biết đến. Ông luôn tìm cách làm mới mình. Ông tìm thấy sự mới mẻ trong các bậc thày, những người đi trước và ngay cả ở những người bạn. Mọi sự thành công của bạn bè đều được ông nâng niu trân trọng.

Có một dạo tự nhiên ông phát hiện ra một người vô gia cư trước nhà Bưu điện tỉnh. Người đàn ông này thường vẽ lên những mảnh bìa cũ, những khoảng tường trống hay vỉa hè những hình người, ngựa, mèo, chó…bằng tất cả những vật liệu mà ông ta có trong tay. Ông Kỳ khâm phục những bức vẽ đó lắm, cho ông ta tiền, đưa họa phẩm cho ông ta vẽ, thậm chí còn tôn ông ta là sư phụ và định khi nào sẽ mở riêng một triển lãm của ông ta nữa. Những người mắc bệnh tâm thần thường có khả năng trực giác rất mạnh. Dường như họ rất gần với thần thánh. Ông Kỳ cũng muốn đến gần với thần thánh.

Vẽ đối với ông Kỳ dường như còn có một động lực nữa, đó là kiếm tiền. Tôi không hiểu sao ông cần đến nhiều tiền như thế. Ông ăn rất ít, có thể nói là ông ăn như mèo. Luôn xa lánh các cuộc tiệc tùng hay nhậu nhẹt. Ngồi vui với bạn bè ông chỉ nhấp một tí rượu hay một tí bia. Lên cơn bi phẫn ông cũng không thể uống được nhiều hơn. Ông chỉ uống chè. Chè ngon, pha trong ấm nhỏ, rót ra những cái chén hạt mít. Thỉnh thoảng ông cũng uống cà phê nhưng là cà phê hòa tan.

Hồi việc mua bán tranh còn rất hạn chế, có những khi ông phải làm trang trí nội thất cho các trường học, công sở mới xây dựng. Ông cảm thấy thật khổ sở vì cái công việc này, nhất là cứ phải đến nhà những tay trưởng phòng nọ, giám đốc kia để được nhận việc. Một nhà sưu tập ở Sài Gòn mến mộ tài năng ông trả cho ông hàng tháng một số tiền khá lớn so với hồi bấy giờ, cung cấp họa phẩm, chu cấp cho ông những chuyến đi hoặc những khi gia đình có việc để ông được chuyên tâm vẽ. Được một thời gian ông bỗng nhận ra rằng mình đã bị bóc lột một cách ghê gớm và cắt hợp đồng với nhà tài trợ. Ông cần phải thoát ra khỏi mối lo về tiền bạc để vẽ, nhưng ngoài nỗi tiếc nuối những bức tranh của mình sau khi vẽ xong đều bị lấy đi ông còn lờ mờ cảm thấy mình bị ràng buộc bởi một sức mạnh ngoài ý muốn. Ông dạy vẽ để kiếm tiền. Bọn trẻ đến học ông khá đông, tiền học phí bổ đầu mỗi đứa, tính ra thu nhập hàng tháng của ông khá lớn thế mà ông vẫn luôn trong tâm trạng của người thiếu tiền. Vẫn những bộ quần áo từ khươm mươi niên, vẫn thân hình gày nhom, bước chân đi ngày càng thêm liêu xiêu. Vẫn đong đếm cả từng mớ rau, con cá. Những bức tranh được vẽ ra ông treo lên và ngắm. Chỉ những khi thật được giá ông mới bán. Ông có bán chúng đi cũng chỉ vì vợ con. Ông muốn giữ chúng lại vì tin rằng chúng sẽ ngày càng có giá và đó là một tài sản dành cho các con ông. Tất cả những cố gắng của ông dường như là không đủ cho chúng. Ông biết thế nên ông càng cố gắng.

Nhớ có hồi, do mâu thuẫn với vợ và cũng để tập trung vào vẽ, ông ở thuê nhà của một gia đình ở gần cổng Sợi C. Đi hết phố hàng Thao, quá tí nữa là cảng than. Căn nhà ở giữa một khu dân cư khá đông đúc, toàn là dân lao động, nhưng cũng khá yên tĩnh. Chủ nhà dành cho ông cả tầng hai. Một lần ông mời tôi dến chơi. Nhìn vào thái độ của chủ nhà tôi biết họ rất tốt và ân cần đối với ông. Ông thực sự thấy thoải mái và yên ổn với cuộc sống ở đó. Ông khoe tôi những bức tranh vừa vẽ. Xem tranh xong, chuyện trò với nhau một lúc, chúng tôi cùng xuống đường ra một cái chợ con gần đấy. Ông mua mấy quả cà, một ít thịt ba chỉ, hai miếng đậu rán, một ít rau thơm. Bữa ăn chỉ có cơm và cà nấu. Tự tay ông nấu. Cà nấu rất ngon. Chúng tôi cùng nhau ăn trong một cảm giác thanh bình và chứa chan tình bằng hữu. Cho đến bây giờ tôi vẫn như còn thấy được từng miếng cà, từng hạt cơm trong bữa ăn hôm ấy. Có lẽ đấy là bữa cà nấu ngon nhất mà tôi từng được ăn trong đời.

Hà nội 15-1-2015

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558625

Hôm nay

2223

Hôm qua

2384

Tuần này

22184

Tháng này

226168

Tháng qua

122920

Tất cả

114558625