Quán xách xe đi, tôi và Tuân ngồi nói chuyện với nhau. Tuân hỏi: Quán hôm nay lấy đâu ra tiền mà “chịu chơi” thế hả Đài? Tôi bảo: Phùng Quán vừa viết chui được cái truyện ngắn in ở nhà xuất bản Phổ Thông, nghe đâu cũng được vài chục đồng, nó cho tớ 5 đồng để uống bia nên trong túi vẫn còn xủng xỉnh…
Câu chuyện vừa đến đó đã thấy Quán xách xe về, một con gà mái tơ buộc lủng lẳng sau xe. Là tay nấu nướng thiện nghệ, Phùng Quán, trong một nhoáy đã biến con gà ra nhiều món ăn: luộc, rán, xé phay trộn gỏi và một nồi cháo lòng… Hấp dẫn đến mức, tôi nhìn phát thèm. Tuân thư thả, hai cậu cùng ăn với tớ, chứ một mình, tớ ăn hết thế nào được! Tôi bảo, mơ ước của Tuân, ra tù ăn hết một con gà cho bỏ thèm thì hôm nay cậu phải thực hiện cho thỏa lòng mơ ước. Phùng Quán đế vào, thằng Đài nói đúng, cậu cứ ăn đi, nếu ăn không hết, hai thằng tao sẽ chén hết phần còn lại. Tuân cười, ai lại để các cậu ăn thừa của tớ, đối xử như vậy quá địa chủ với người ở đợ trong nhà.
Phùng Quán giục Tuân ăn, Tuân vẫn không cầm đũa và im lặng không nói gì, hai dòng nước mắt chảy đè rạp những lông tơ trên má. Biết là không thể bắt Tuân ngồi ăn một mình, Phùng Quán đi vào bếp, cũng là để giấu những giọt nước mắt thương bạn, xót bạn, quay ra Quán bảo tôi: mày sang bà Hai Hanh mua nửa lít rượu, cứ ghi sổ về đây, chúng ta cùng ăn cùng uống rượu với Tuân. Tôi cầm chai đi ngay.
Hôm đó, ba đứa chúng tôi ăn hết một con gà, tất nhiên tôi và Quán trong lúc ăn, gắp thịt gà vào đầy bát của Tuân. Tuân lại gắp trở lại cho chúng tôi. Cứ nhường nhịn như thế nên bữa ăn kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ mới tàn cuộc. Sau bữa ăn, Quán yêu cầu Tuân đọc thơ trong tù. Tôi can, khoan đã, thơ trong tù đọc sau, tớ muốn nghe lại bài Nghe nhạc Johann Strauss Tuân làm năm 1962 đăng ở báo Văn Nghệ. Tuân cười, bài đó xưa như trái đất nghe lại làm gì. Quán bảo, xưa nhưng mà hay, Tuân cứ đọc lại đi. Chiều hai thằng bạn nối khố, Tuân lên giọng: Sóng sông Hồng bỗng xanh màu Đa nuýp/ Nhạc bồng bềnh trôi tới các vì sao/ Trời lung linh khẽ chao mình theo nhịp/ Những con người nước lạ phải lòng nhau. Quán lên giọng, nếu tớ không nhầm, trước lúc vào tù, cậu đã có vài trăm bài thơ đăng báo và chép trong sổ tay. Cậu là nhà thơ cách mạng, thơ ca chỉ một con đường ngợi ca Đảng, ngợi ca nhân dân lao động, ngợi ca các chiến sĩ chiến đấu ở miền Nam. Bài nào tớ cũng thích, thích nhất là bài Lời chào hy vọng cậu viết tặng phái đoàn miền Nam ra thăm miền Bắc do ông Nguyễn Văn Hiếu cầm đầu, đi cùng có nhà thơ Thanh Hải, quê ở Huế với chúng ta… Theo tớ, cậu nên gom lại thành một tập, đưa cho một nhà xuất bản nào đó, văn học, lao động hay thanh niên… để họ in. Giọng buồn bã, Tuân thủ thỉ, tớ vừa ở tù ra, làm sao họ dám in dù toàn là thơ ngợi ca chế độ. Quán cãi, tớ tin là họ in, lúc này người ta đã bớt định kiến… Tôi bảo, in thơ thành tập tính sau, bây giờ Tuân đọc những bài thơ làm trong tù cho chúng tôi nghe. Im lặng một lúc, Tuân rỉ rả đọc hết bài này đến bài khác. Tôi thích tất cả những bài thơ Tuân sáng tác trong tù vì nó nhân bản, không thù hận, không trách cứ ai… thích nhất hai bài thơ “Cánh cò” chan chứa tình người. Lúc sau, Tuân bảo Phùng Quán và tôi đọc thơ. Tôi lắc đầu, lâu nay mình có thơ phú gì nữa đâu, lo viết bài cho tòa soạn đã mệt bã người. Tuân đọc nhiều rồi, thôi Quán đọc đi. Chỉ chờ có vậy, Phùng Quán lên giọng ngay. Mở đầu là bài : Tết không vào nhà tôi, tết đi qua trước ngõ, tim tôi tan nát rồi, không còn lành được nữa… Cứ thế Phùng Quán đọc hết bài này đến bài khác, rất ít bài ngắn gọn, phần lớn là tràng giang đại hải, thứ thơ đọc ở quảng trường. Quán “tra tấn” chúng tôi cho đến khi đường phố đã lên đèn. Tuân buông đũa kêu no quá, no cả thịt gà cả thơ, cháo của Quán ngon quá, hơn 9 năm mới được một “trận” ăn uống đã đời. Quán hỏi Tuân, thằng Đài đã chép bài thơ “Ngẫm sự đời” viết tặng cậu chưa? Tuân lắc đầu, nó chẳng những không chép tặng mà cả đọc cho mình nghe cũng chưa một lần nào, chắc thơ tặng một thằng tù có vấn đề gì về tư tưởng nên Đài ta còn ngại! Tôi đáp:
- Ngại gì, chẳng có vấn đề sai trái gì cả, thơ này mọi người có nghe chắc cũng gật đầu chấp nhận. Tớ đọc ngay đây:Kỷ niệm vui nhớ lại để mà buồn/Kỷ niệm buồn nhớ lại để mà đau/Nỗi đau đang đau chưa thành kỷ niệm/Chẳng nuối tiếc những gì đã mất/Chỉ xót xa sự trong sạch bị vấy bùn.
Vừa đọc tôi vừa liếc nhìn Tuân, thấy Tuân gật gù ra vẻ tâm đắc. Tôi mừng. Tuân hỏi xin Quán tờ giấy và mượn cây bút đưa tôi: Xuân Đài chép tặng mình đi… Dĩ nhiên, tôi không từ chối lời đề nghị của Tuân.
Tôi thường kể lại chuyện Phùng Quán đãi Tuân cả một con gà cho bè bạn nghe, ai cũng xúc động trước tấm lòng của Phùng Quán với người bạn thơ đã từng ở cùng tiểu đội hồi trung đoàn 101 Thừa Thiên, thời kháng chiến chống Pháp, bỗng dưng bị đọa đầy và xúc phạm kéo dài bằng một cuộc kháng chiến chín năm mà Tuân đã tham gia từ đầu.
Tuân Nguyễn muốn trở lại làm việc, cơ quan chức năng bảo anh: 9 năm 7 tháng anh tập trung cải tạo không án, bây giờ anh khai vào lí lịch là những năm tháng đó cơ quan cho anh đi chữa bệnh. Tuân bảo với anh em, người ta thương mình, coi như tớ chưa bị đi tù bao giờ cả, nghĩ lại cũng thấy buồn cười vì tớ có bệnh gì đâu. Tôi cười, bệnh cậu nặng lắm, đó là bệnh cả tin. Thời học nghị quyết 9, tớ đã bảo các cậu, cứ nhất trí đi, đừng có nói ngang rồi bảo lưu ý kiến. Tất cả những đứa khăng khăng bảo lưu ý kiến đều bị ghi tên sổ đen rồi sau đó đều bị bắt. Đứa đi hai “lệnh”, đứa đi ba “lệnh” (mỗi lệnh ba năm)…
Sau năm 1975, Tuân Nguyễn vào Sài Gòn, được tổ chức bố trí cho đi dạy học một trường cấp 3 ở quận Bình Thạnh. Số phận của Tuân thật hẩm hiu: anh qua đời vào ngày 27 tháng 3 năm 1983 sau một tai nạn .
Mấy năm sau, tôi vào thư viện tìm đọc những bài thơ của Tuân đăng trên các báo trung ương, rồi cất công gặp gỡ bạn bè sưu tầm thơ của Tuân chép tặng họ. Tất cả được hơn 100 bài. Tôi gặp Phùng Quán, bàn chuyện in cho Tuân một tập thơ và đề nghị Quán viết lời giới thiệu vì Quán là tiểu đội trưởng của Tuân thời kháng chiến chống Pháp. Người cầm bài viết của Phùng Quán vào cho tôi là nhà thơ Bùi Minh Quốc. Tôi ngạc nhiên,bài viết của Phùng Quán bị xóa đi rất nhiều chỗ, đều là những đoạn hay cả. Quán nhắn vào là biên tập nhà xuất bản yêu cầu nếu in bài giới thiệu này nhất định phải xóa đi những chỗ họ đã gạch, không đồng ý thì bỏ hẳn bài giới thiệu mà chỉ in thơ của Tuân thôi. Tôi lên nhà Lê Minh Ngọc, bạn của chúng tôi và Tuân một thời, người đã đồng ý xuất tiền cho tôi và Phùng Quán in tập thơ này. Lê Minh Ngọc liền gọi điện thoại cho ông phó giám đốc nhà xuất bản đề nghị in nguyên văn lời giới thiệu của Phùng Quán, chứ chỉ in thơ Tuân Nguyễn thì người ta biết Tuân Nguyễn là ai.
Tôi viết thư trao đổi với Phùng Quán tạm dừng lại để vài năm nữa in cũng chưa muộn. Quán viết thư trả lời đồng ý. Một sự tình cờ thú vị, năm 2007, nhà thơ Trần Phương Trà (Trần Nguyên Vấn) cho biết, anh sẽ xuất tiền ra in tập thơ của Tuân Nguyễn và bài viết của Phùng Quán sẽ in chung vào chương cùng với những bài viết của nhiều bạn bè về những kỉ niệm với Tuân và đề nghị tôi viết một bài. Dĩ nhiên là tôi không từ chối.
Năm 2008, nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã kí hợp đồng với Trần Nguyên Vấn in tập Nhớ Tuân Nguyễn gồm 86 bài thơ của Tuân, 15 bài thơ và 19 hồi kí của bạn bè. Tập sách dày 420 trang in đẹp,trang trọng. Trần Nguyên Vấn và bạn bè đem sách lên mộ Tuân trò chuyện với anh và hỏa táng tập thơ xuống cho anh đọc./.
Nguồn: Xuân Đài - Chuyện cà kê - Nxn Hội Nhà văn,Hn 2014.