Cuộc sống quanh ta

Tương lai nào cho Ví , Giặm?

Thông tin Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã tác động sâu sắc đến tình cảm của các tầng lớp nhân dân xứ Nghệ, ở quê hay nơi xứ người. Ai cũng vui mừng và tự hào. Và, với trách nhiệm, tình cảm của mình, hầu như ai cũng quan tâm đến tương lai của Ví Giặm. Ví, Giặm trong bối cảnh của thời đại mới sẽ tồn tại, vận động và phát triển như thế nào trong đời sống của cộng đồng người Nghệ? Văn hóa Nghệ An đã có các cuộc trao đổi với một số cán bộ quản lý, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Trần Nhật Tiến - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh:

Ví Giặm sẽ trường tồn, không thể chết được vì nó là di sản nhân loại, tức là nó thực sự có giá trị lớn với cuộc sống. Tất nhiên, nó sẽ có sự thay đổi vì môi tường, hoàn cảnh xã hội thay đổi.

Để Ví Giặm mất đi là một tội lỗi lớn với cha ông. Vì vậy chúng ta phải giữ nó. Tôi nhớ một thời cả hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đều sôi động phong trào sưu tầm, phổ biến âm nhạc âm dân gian. Cán bộ ngành văn hóa “sục sạo” đi điền dã khắp các làng quê sưu tầm văn hóa dân gian trong đó có Ví giặm, như anh Lê Hàm, An Thuyên, Thanh Tùng v.v… Tiếc là vì khả năng bảo quản lúc đó kém, rồi vì ý thức con người, vì một số cá nhân nặng tư lợi nên các giá trị văn hóa dân gian đó đã bị mất đi nhiều. Nhưng cũng phải thấy rằng nhờ các kết quả sưu tầm những ngày đó, sau này bổ sung tiếp nên đến nay Ví Giặm vẫn còn được một kho tàng quý giá. Chúng ta phải bảo tồn những cái đó. Sẽ có nhiều cách để bảo tồn, phát huy phát triển nó, để nó thích ứng với cuộc sống hiện nay. Chúng ta phải đưa cho dân hát, đưa vào nhà trường để các thế hệ hôm nay, mai sau tiếp thu tinh hoa của cha ông. Lâu nay chúng ta cũng đã làm việc này một cách khá nề nếp. Lời có thể thay đổi để thích ứng với cuộc sống đương đại, nhưng phải giữ hồn, giữ chất của Ví Giặm. Chúng ta phải bảo tồn những cái đó. Các nghệ nhân trước đây người ta hát có hồn lắm. Còn trên sân khấu kịch hát dân ca, diễn viên lúc đó, như trong vở Mai Thúc Loan, diễn viên người ta cũng hát rõ được tính cách tâm trạng nhân vật. Còn bây giờ nhiều người hát thiều hồn quá. Vì sao? Vì họ không hiểu rõ, hiểu hết gốc rễ của dân ca Ví Giặm. Vậy thì phải tuyên truyền, phổ biến mạnh hơn vào trong dân. Trước khi hát dân ca thì phải hiểu nguồn gốc dân ca. Hiểu rồi sẽ yêu. Dân mà vẫn hát Ví Giặm thì Ví Giặm trường tồn.      

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới - Nguyên Gíám đốc sở VHTT Nghệ An:

Hiện nay, Ví, Giặm đang được thưc hành trong trường học, trên sóng phát thanh truyền hình, trên sân khấu liên hoan, trong các câu lac bộ, trong sinh hoạt gia đình, thôn xóm… chứng tỏ Ví, Giặm vẫn sống và đang được trả lại cho cộng đồng. Đó cũng là những hình thức để bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm trong tuộc sống đương đại. Tôi tin chắc Ví, Giặm vẫn sống mãi dù cuộc sống có đổi thay.

 Chúng ta đang xây dựng một cộng đồng biết hát dân ca. Ngoài những hình thức bảo tồn và phát huy dân ca như hiên nay, cần phát huy hơn nữa hình thức hát dân ca theo phương pháp truyền thống; Không hát theo bài bản, có nhạc đệm, có âm thanh, ánh sáng nữa, phải trở lại với lối hát truyền thống mới đảm bảo sự tồn tại và phát triển của Ví, Giặm. Trong cộng đồng vẫn còn những người hát không nhạc đệm, có sáng tạo cả giai điệu lẫn lời ca. Đó chính là cách hát truyền thống của ông cha để lại.

Chúng ta có thể thí điểm trong từng câu lạc bộ hát dân ca, bên cạnh những tiết mục hát có bài bản như diễn viên sân khấu diễn theo kịch bản, thì vẫn có những tiết mục hát không theo bài bản, hát ứng tác ngay tại chỗ. Nếu thành công ở các câu lạc bộ, chúng ta có thể mang lên sân khấu các cuộc liên hoan hát dân ca. Nếu như vậy thì lối hát truyền thống sẽ được bảo tồn. Chính đây là giải pháp quan trọng để đảm bảo sự tồn tại và phát triển Ví, Giặm Nghệ Tinh đúng nghĩa của nó trong đời sống đương đại.

 Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, rất cần đưa Ví, Giặm đến với khách du lịch trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là những điểm du lịch quan trọng, coi đây là món ăn tinh thần không thể thiếu khi đếnvới xứ Nghệ. Những việc trên muốn làm có hiệu quả, cần tăng cường truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong hệ thống du lịch nhất là du lịch nước ngoài.

Ông Cao Đăng Vĩnh: Nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL Nghệ An:

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vừa được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này vinh dự cho nhân dân xứ Nghệ nhưng từ đây cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề trong việc bảo tồn và phát huy di sản.

Tương lai nào cho Ví, Giặm?Đây là trăn trở từ rất nhiều năm qua của các cán bộ quản lý ngành văn hóa, của các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhạc sĩ và những người yêu thích dân ca. Nhiều người đã lo lắng rằng, môi trường lao động thay đổi, phương thức sản xuất thay đổi thì dân ca Ví, Giặm cũng khó mà tồn tại. Nỗi lo này không phải là không có cơ sở. Tôi lại cho rằng, trong cuộc sống hiện đại, môi trường diễn xướng truyền thống không còn nhưng dân ca vẫn còn, dưới phương thức thể hiện mới, trong các câu lạc bộ, trên sân khấu các liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ, trong các đám cưới, thậm chí cả trong đám tang đều có hát dân ca Ví, Giặm. Trong môi trường học đường, dân ca Ví, Giặm cũng đã được đưa vào giảng dạy cho học sinh hơn chục năm nay. Trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang cũng đã có các CLB dân ca Ví, Giặm và hoạt động khá tốt như CLB chiến sĩ hát dân ca của BCH Quân sự tỉnh là một ví dụ. Dân ca Ví, Giặm cũng đã được in thành sách, thu đĩa, làm phim. Tất cả những điều đó chứng tỏ Dân ca Ví, Giặm vẫn có sức sống lâu bền dù cuộc sống có nhiều đổi thay.

Lấy gì để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của Dân ca Ví, Giặm?Bây giờ, Dân ca Ví, Giặm đã được thế giới vinh danh, phải quản lý, bảo vệ và phát huy như thế nào cho phù hợp với cuộc sống đương đại là việc không dễ dàng.

Trước hết các cộng đồng dân cư, các CLB  dân ca và các địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ và phát huy di sản. Thực tế, nhiều địa phương đã làm khá tốt điều này, như Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu,…

Cần phát huy tốt hiệu quả các CLB dân ca Ví, Giặm đã có và khuyến khích thành lập các CLB dân ca Ví, Giặm mới ở các địa phương. Để làm được điều này cần sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ, các phòng, Trung tâm VHTT-TT huyện, thành, thị.

Cần phải tổ chức các cuộc thi, từ sáng tác đến biểu diễn về dân ca Ví, Giặm nhằm huy động được các cá nhân, nghệ nhân dân gian, đội ngũ nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp tích cực tham gia sưu tầm, bảo tồn và phát huy, phát triển các làn điệu dân ca Ví, Giặm.

 Cần quan tâm hơn công tác nghiên cứu, sưu tầm vốn di sản trong dân gian, việc này chúng ta đã làm nhưng chưa được nhiều, chưa thật hiệu quả.

Điều hết sức quan trọng là phải tôn vinh và có chính sách đãi ngộ các nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc nắm giữ và truyền dạy di sản này cho thế hệ trẻ..

Đoàn thanh niên cũng cần tổ chức các diễn đàn giáo dục thị hiếu, thẩm mĩ âm nhạc cho giới trẻ, các sinh hoạt học hát dân ca, liên hoan dân ca.

Cần tiếp tục hoàn thiện, mở rộng chương trình dạy hát Dân ca Ví, Giặm trong trường phổ thông, trên truyền hình.

Nhiều người cho rằng, muốn bảo tồn dân ca phải đầu tư nhiều kinh phí, quan niệm như thế không ổn. Mọi sinh hoạt cộng đồng đều phải bắt nguồn từ sự đam mê, phải có sự truyền lửa từ những người tâm huyết, có trách nhiệm. Dân ca cũng vậy, một khi đã đam mê, yêu thích thì người ta xem việc hát dân ca là nhu cầu tự nhiên, như cơm ăn, nước uống hàng ngày vậy.

NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nghệ An:

Ví Giặm có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ, được thực hiện trong nhiều hoạt động của đời sống như trồng lúa, dệt vải, hát ru con... Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đương đại, môi trường diễn xướng, môi trường văn hóa – xã hội, thị hiếu văn hóa của cộng đồng đã có nhiều thay đổi thì Ví Giặm cũng có những thay đổi nhất định. Trong nhiều chục năm qua, các cơ quan hữu quan và nhân dân hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của Ví Giặm và tìm tương lai cho Ví Giặm. Ví Giặm vẫn tồn tại ở nhiều hình thái, phương thức khác nhau. Sự thành lập của hàng trăm CLB dân ca trên địa bàn hai tỉnh với sự tham gia của hàng ngàn thành viên tham gia sinh hoạt đã thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng, khát vọng gìn giữ, phát huy vốn di sản của cộng đồng nhân dân hai tỉnh. Ví Giặm đã được đưa lên sân khấu tạo thành một kịch chủng mới là “Kịch hát dân ca Nghệ - Tĩnh” với nhiều vở diễn được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao. Trong các hội thi, hội diễn, các ngày lễ kỉ niệm, ngày lễ Tết, hội hè và trong sinh hoạt đời thường như ru con, cưới, đám tang…người dân vẫn hát các làn điệu Ví Giặm. Các ca khúc mang âm hưởng Ví Giặm được nhiều thế hệ nhạc sỹ sáng tác đã chứng tỏ sức sống và giá trị, đứng vững với thời gian. Tôi nghĩ Ví Giặm sẽ có nhiều hình thức mới phù hợp với hoàn cảnh, môi trường văn hóa – xã hội mới.

Tôi tin Ví Giặm sẽ trường tồn cùng cộng đồng nhân dân hai tỉnh. Cơ sở của niềm tin ấy trước hết là truyền thống văn hóa/nhân văn đậm đà, tình yêu ca hát, ý thức bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của con người xứ Nghệ. Thứ hai, lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp và ngành văn hóa cùng các tầng lớp nhân dân hai tỉnh đều quan tâm, quyết tâm và có những hành động thiết thực để bảo tồn, phát huy di sản Ví, Giặm. Và quan trọng nhất, với những giá trị đặc sắc, có sức sống mạnh mẽ và sự phát triển linh hoạt, Ví Giặm sẽ tìm được hình thức tồn tại phù hợp với hoàn cảnh văn hóa – xã hội hiện tại và tương lai.

Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ:

Ví, Giặm sống hay là không đều do chính quyền và nhân dân xứ Nghệ quyết định. Không có trách nhiệm với nó thì nó chết, yêu nó và có trách nhiệm với nó thì nó mãi mãi tồn tại và phát triển.

Từ trước đến nay Ví, Giặm đi theo tiến trình của lịch sử. Ví, Giặm phản ánh đời sống lịch sử, và bây giờ Ví, Giặm cũng tiếp tục vận động để theo kịp diễn biến của cuộc sống đương đại.

Ví, Giặm sinh ra không phải để hát rồi bay đi mà để lắng lại, để suy ngẫm. Thế hệ hiện nay phải có trách nhiệm với nó, với cha ông, nhất là tầng lớp trí thức. Ví Giặm vừa mang tính đại chúng lại vừa mang tính bác học. Trước đây Nguyễn Du, Phan Bội Châu đã từng say mê xem và tham gia hát, làm thầy gà cho các cuộc hát phường vải, đã mang đến cho Ví Giặm những câu hát mang vẻ đẹp của trí tuệ vô cùng hay. Không lẽ ngày nay, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của chúng ta đông đảo thế lại thiếu trách nhiệm với Ví, Giặm. Cả cộng đồng quần chúng, các trí thức phải làm cho Ví Giặm tiếp tục sống, phù hợp và toả sáng trong cuộc sống hiện đại. Sáng tác thêm nhiều câu hát hay phù hợp với thời cuộc mà không mất đi cái chất, cái hồn của Ví Giặm. Đội ngũ trí thức phải vào cuộc một cách tự nguyện và có trách nhiệm để mỗi thời kì đều có những Nguyễn Du, những Phan Bội Châu của phường vải, của Ví, Giặm.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Đắc, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ:

Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định Ví, Giặm vẫn sống và được bảo tồn, gìn giữ. Điều quan trong là chúng ta phải làm gì để bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của Ví, Giặm trong tương lai mà thôi.

 Theo tôi, đây là trách nhiệm của cả cộng đồng. Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác gìn giữ thông qua các CLB địa phương để truyền dạy cho lớp trẻ, đưa dân ca vào trường học, đi điền giã sưu tầm, in ấn thành đĩa, thành sách để lưu lại; tổ chức liên hoan dân ca, tăng cường truyền thông, quảng bá… Điều quan trọng là cần trả về điểm xuất phát, có nghĩa là phải đưa dân ca trở về với người dân. Nhưng cũng phải thừa nhận thực tế rằng cuộc sống hiện nay đã khác rất nhiều, đừng bắt dân ca phải quay lại môi trường cũ vì bây giờ môi trường cũ làm gì còn để quay lại. Chúng ta phải tìm môi trường mới cho nó. Phải để Ví, Giặm thích nghi với cuộc sống hiện tại, xuất hiện trong hội hè, liên hoan, sinh hoạt các cụm dân cư, làng xã…; Đưa dân ca ví, giặm vào các tụ điểm du lịch, các sản phẩm du lịch, phải làm sao để bất kỳ ở đâu, dù ngồi trên xe hay nhìn vào cái cốc, cái nón,.. cũng nghe, cũng thấy ví giặm ở đó…

Ông Nguyễn Ban- Nguyên trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Nghi Xuân- Hà Tĩnh:

Nhớ lại những năm 1950 đến năm 1984, phong trào hát dân ca xứ Nghệ trên đất Nghi Xuân cứ yếu dần và đến những năm 80 thế kỷ XX coi như mất hẳn. Trước tình hình đó, từ năm 1984, phòng Văn hóa thông tin huyện đã quyết tâm khôi phục hát dân ca trên đất Nghi Xuân bắt đầu từ việc đưa hát dân ca vào phong trào văn nghệ quần chúng, lên sân khấu. Từ hát đơn, đối ca, tổ khúc dân ca đến ca cảnh và kịch dân ca. Những làn điệu phổ biến lúc đó được sử dụng là vè, hò, đặc biệt là ví giặm. Phong trào hát dân ca bắt đầu từ các đội văn nghệ xã, thôn xóm, dần dần đi vào các cơ quan trường học, bệnh viện, đến các lực lượng vũ trang. Từ đó đến nay, dân ca nói chung, ví giặm nói riêng đã cựa mình sống lại trên đất Nghi Xuân.

Tuy nhiên để nó thực sự sống được như trước đây là rất khó bởi cuộc sống, nhịp sống của xã hội đã thay đổi rất nhiều. Vậy cần làm gì để bảo tồn, phát huy thể cách hát Ví, Giặm, hát dân ca? Theo tôi, trước hết những người cầm cân nảy mực phải thực sự thấm nhuần chủ trương để có hướng đi đúng đắn, phù hợp. Thứ hai, phải bồi dưỡng và quan tâm đội ngũ những người viết, soạn lời dân ca. Phải chăm lo cho lớp nghệ nhân hát dân ca và quan tâm hơn nữa đến việc truyền nghề. Ngoài ra, khi đưa nhạc cụ đệm hát dân ca, chúng ta phải đưa đúng cách, chỉ sử dụng các nhạc cụ truyền thống như sáo, nhị… để tránh làm mất đi cái hồn cốt của thể loại hát vốn không có nhạc đệm này. Ngành văn hóa cũng cần mở và duy trì được các lớp dạy hát dân ca cho phong trào văn nghệ quần chúng, mở các lớp hướng dẫn soạn lời dân ca để các tiết mục biểu diễn có nội dung phong phú, mới mẻ, phản ánh được hơi thở của cuộc sống hiện đại hơn. Khi những câu hát trở nên gần gũi, thiết thực hơn với cuộc sống hiện nay thì tự nó sẽ lan tỏa và có chỗ đứng trong lòng người.

Ông Cao Xuân Thưởng: Trước thực tế cuộc sống hiện nay thì ví giặm không còn giữ nguyên hình thái diễn xướng như xưa nữa. Chúng ta phải biết chấp nhận điều đó. Ví giặm sẽ xuất hiện trong đời sống cộng đồng ngày nay với hình thái mới nhưng vẫn giữ nguyên làn điệu. Người ta vẫn sẽ thấy người dân lao động hát dân ca ở những buổi họp hành, hội hè, giao lưu ở các làng, các xóm, giao lưu phụ nữ, nông dân, thanh niên... Ví, Giặm được đưa lên sân khấu với mục đích lưu giữ các làn điệu cổ, được phát huy bằng những bài hát mới mang âm hưởng ví giặm,… Điều quan trọng là cần làm gì để giữ vững và phát triển tương lai đó mà thôi.

Để làm được điều đó, Nhà nước, mà đại diện là những người làm công tác quản lý phải thấy được mình phải làm gì để cộng đồng có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy bền vững di sản. Đặc thù của ví, giặm là tính đa dụng, trong mọi hoàn cảnh vẫn có thể ứng tác, vậy nên cần tổ chức như thế nào để người dân quen với nề nếp được nghe và hát ví, giặm mọi lúc mọi nơi; Cần phát huy hiệu quả hơn nữa các CLB dân ca ví, giặm trong việc trao truyền, gìn giữ,… Và, điều quan trọng là phải tôn vinh và có chính sách động viên, cổ vũ các nghệ nhân làng quê, họ là những người trực tiếp giữ gìn tương lai cho Ví, Giặm. 

Nhà nghiên cứu folklore Nguyễn Hùng Vĩ - giảng viên Đại học KHXH &NV Hà Nội:

Tương lai cho Ví Giặm, với tư cách là một Di sản văn hoá phi vật thể, là rộng mở theo nhiều hướng.1, Sự thấu hiểu nó: không ai có thể nói rằng đã thấu hiểu hoàn toàn nó, điều này mở ra chân trời tìm hiểu nó theo thời gian bất tận. 2, Việc bảo tồn truyền thống: Điều này khó hơn vì môi trường xã hội đã đổi khác, không thể và không cần thiết tái lập lại môi trường cổ xưa. Tuy nhiên sẽ có những cách bảo tồn khác khả thi hơn. 3, Phát huy và phát triển: đây là chân trời rộng mở nhất cho Ví Giặm. Có thể xem nó là nguyên liệu tinh thần cho sáng tạo nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau trong hiện tại và tương lai. Trước mắt là trong các nghệ thuật sân khấu, âm nhạc và văn học, tương lai là trong nghệ thuật điện ảnh, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc v.v. 4, Sư truyền bá và giao lưu: đây cũng là một hướng phát triển cần thiết trong tương lai.
Giải pháp cho những tương lai Ví Giặm có nhiều. Giải pháp thứ nhất là tìm hiểu nghiên cứu nó với nhiều phương pháp, thao tác khác nhau trên các mặt diễn xướng, âm nhạc, ngữ văn và đặc biệt là về mặt giá trị xã hội. Điều này tuỳ thuộc vào việc tổ chức nghiên cứu và nhiệt tâm, tài năng của lực lượng nghiên cứu. Với Ví Giặm, còn vô số đề tài và vô số cách thức tiếp cận nó vì khoa học là liên tục đổi mới và liên tục phát hiện. Có người sẽ nói, còn gì nữa đâu mà tìm hiểu, đó là cách nói tự ti mà thôi. Giải pháp để bảo tồn cũng rất phong phú: lập kho dữ liệu    văn bản, hình ảnh và âm nhạc, dạy hát  bài bản truyền thống ở các trường chuyên nghiệp và phổ thông, mở các hội diễn bài bản truyền thống. Trong đó, việc đào tạo ở các trường chuyên nghiệp phải đặt lên hàng đầu, là trọng tâm số một để bảo tồn. Nhưng tương lai của Ví Giặm lại nằm chủ yếu ở hướng sáng tạo để phát huy và phát triển nó. Đứng yên là tự đào thải khỏi dòng chảy văn hoá. Ví Giặm có đủ công năng để sáng tạo lời mới rất thuận tiện và hữu dụng cho cuộc sống hôm nay. Trại sáng tác lời mới có thể mở ra cho những cộng tác viên văn hoá. Tổ chức các hội diễn Ví Giặm lời mới. Về âm nhạc, tổ chức sáng tác phong cách Ví Giặm trong ca khúc, hợp xướng...Về sân khấu, khuyến khích sáng tác, cải biên từ tiểu phẩm đến kịch hát dân ca v.v. Về truyền thông, các phương tiện truyền thông chú trọng tuyên truyền cho Ví Giặm trên phạm vi cả nước và trong giao lưu các nền văn hoá quốc tế.
Tương lai là rộng mở nhưng điều cần nhất là tầm nhìn  cũng như chính sách hữu hiệu của thiết chế văn hoá hiện nay.

Nhạc  sĩ Ngọc Thịnh, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Hà Tĩnh:

1.Bây giờ nếu ta nhìn kỹ lại sẽ thấy dân ca Ví, Giặm đã cởi chiếc áo cũ đồng thời đang khoác trên mình một chiếc áo mới.  

Bản chất củaVí, Giặm là dân "ca", tức là những câu hát của người nông dân, trong bối cảnh của không gian lao động nông nghiệp hoặc nghề thủ công, từ công việc đồng áng, làm nghề thủ công hay ngược xuôi buôn bán.  Sáng tạo ngẫu hứng là đặc trưng của Ví, Giặm. Với Ví, Giặm, lời ca có trước mà hình thành nên giai điệu âm nhạc. Giai điệu ấy đã trải qua hàng ngàn đời nay, trong sáng, đẹp đẽ, tinh khiết, chứa đựng hết thảy tâm tư tình cảm của người nông dân. Đó là những âm hưởng thuần khiết, bay bổng mà sâu đằm, không gì có thể dễn tả hết được. Ví, Giặm không có, không cần nhạc cụ, không có động tác vũ đạo, đơn giản là những câu hát mộc mạc của người nông dân chân lấm tay bùn trong lao động.

Không gian cổ tuyền đang mất dần đi theo năm tháng. Ví, Giặm, dẫu muốn hay không cũng phải thay đổi. Nhưng, tôi nghĩ, trong không gian hiện tại và mai sau, dân ca không cũng bao giờ mất đi, nó luôn tồn tại ở dạng này hay dạng khác trong hình hài và sức sống mới. Nó như gen di truyền của ông, bà, cha, mẹ sinh ra con cháu, con cháu mang mần sống để tiếp nối. Ông bà cha mẹ có thể đã mất đi, nhưng "Gen" thì không bao giờ mất đi. "Gen" là những gì tinh túy nhất đã thấm vào từng huyết mạch trong cơ thể, trong mỗi tế bào, chúng ta đang sống có nghĩa là ông bà cha mẹ đang hiện hữu ở trong ta. Nhưng, muốn cho nó phát triển tốt cần có sự chăm sóc chu đáo, như thế thì những mầm gen chắt lọc tinh túy của cha, mẹ, ông, bà đã truyền trao cho các thế hệ sau mới phát huy hiệu quả, sự tồn tại của nó sẽ được hòa vào hơi thở mới, nhịp điệu mới.

2.Bảo tồn có hai trạng thái "Tĩnh" và "Động". Trạng thái "tĩnh" gồm hồ sơ văn bản, băng, đĩa tiếng, băng, đĩa hình....lưu giữ lại Ví Giặm trong nguyên trạng môi sinh/môi trường diễn xướng truyền thống của nó.

Trạng thái "động", tức là biến cái "tĩnh" đó thành tác phẩm nghệ thuật mới để phục vụ cho số đông công chúng thưởng thức. Đó là các loại hình ca, múa, nhạc, kịch hát... Chiếc áo mới của dân ca Ví, Giặm chính là đây. Ca sỹ, nghệ sỹ đóng vai trò thể hiện tiếp sức cho hơi thở “Dân ca” được thăng hoa, người dân lúc này không "diễn" nữa mà trở thành đối tượng khán giả thưởng thức, là những người được thụ hưởng.

3. Muốn đảm bảo cho Ví, Giặm tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới cần tạo ra không gian hình hài mới, tác phẩm mới thật đa dạng thông qua các thể loại như khí nhạc, ca khúc, tổ khúc dân ca, kịch hát, thậm chí có thể là ngôn ngữ của vũ đạo..., mà không nhất thiết phải đưa cái nguyên gốc lên không gian sân khấu mới, cốt sao cho Ví, Giặm được chắt lọc tinh khiết mà thấm nhuần, làm nền móng cho phát triển xuyên suốt trong từng tác phẩm, từng thể loại nghệ thuật mới. Đây là một công việc không dễ chút nào. Muốn được thế, trước hết, cần phải có sự đầu tư đào tạo và chăm lo đội ngũ nghệ sỹ có năng lực nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật từ di sản Ví, Giặm; Tạo nhiều điều kiện thuận lợi để đội ngũ nghệ sỹ mới bám sâu vào mạch nguồn dân ca của xứ sở để phát triển, làm thăng hoa nghệ thuật Ví Giặm trong thời đại mới, không gian mới.

Và, điều cuối, rất cần tăng cường truyền thông, quảng bá. Thêm điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định là thực hiện sứ mệnh trao truyền, "truyền nghề" cho các thế hệ trẻ./.

                                                                                   

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558632

Hôm nay

2230

Hôm qua

2384

Tuần này

22191

Tháng này

226175

Tháng qua

122920

Tất cả

114558632