Cuộc sống quanh ta

‘Phái viên bộ Tổng’ lần cuối truyền hịch

Tôi có cái may được nghe dịch giả Nguyễn Văn Sự nhắn tới nghe ông kể chuyện đời mình. Nhưng, rủi thay, vì những chuyện lo miếng cơm manh áo, nên tôi không kịp ghi nhận lại nhiều trong những ký ức ấy – nay đà theo ông về chín suối.

Bác Sự kể cho tôi nghe chuyện ông tới một khu rừng Việt Bắc 1947 truyền đạt cho chỉ huy tiểu đoàn Bình Ca “mệnh lệnh như lời hịch” sau đây của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp:

 “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca-Thái Nguyên”

Tiểu đoàn Bình Ca (ltrong chiến dịch Việt Bắc-Thu đông năm 1947 mang phiên hiệu tiểu đoàn 42), có nhiệm vụ chặn không cho địch đổ bộ lên đánh tập hậu ATK, nơi Chính phủ VNDCCH trú đóng.

Bác Sự cũng nhớ lại lần đầu ông gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau Tổng khởi nghĩa, thuộc lực lượng tự vệ canh gác Ủy ban khởi nghĩa một tỉnh Bắc Bộ, ông được báo mở cửa cho ‘Anh Văn’ vào gặp lãnh đạo Việt Minh tỉnh. Chàng thanh niên tuổi đôi mươi Nguyễn Văn Sự lúc đó chưa biết bí danh cách mạng của Bộ trưởng nội vụ Võ Nguyên Giáp, nên định không cho vào…

Bác Sự cũng kể cho tô nghe về những ngày rung chuyển Đông Dương mùa thu 1945, lúc Việt Nam vừa tuyên bố độc lập thì giặc ngoài đã lăm le cửa ngõ. Trong các cuộc mít tinh khi đó trên đường phố Hà Nội, các phe phái chính trị đối lập thường xô xát. Có hôm ông đang đi xe đạp trên phố nay là Đường Điện Biên Phủ, thì nghe một đám thanh niên tụ tập gần đó bảo: “Kia là tay Sự, học trường (Pháp) Albert Sarraut. Nện cho nó một trận”. Ông phải dừng xe lại, tuyên bố; “Này, có sức thì để dành đánh Pháp, đừng có gà nhà đá nhau”.

Sự thực thì bác Sự giữ những kỷ niệm thú vị về tuổi học trò. Vốn là người vui tính, bác kể, hồi đi học Albert Sarraut, bọn con trai kháo nhau về hai hoa khôi của trường này, là Đặng Bích Hà  (được người Pháp xem là con nhà “cừu gia đệ tử” chống Pháp, nhưng vẫn học giỏi) và Trần Lệ Xuân, sau này lấy em trai của Ngô Đình Diệm…

Bác Sự hay đến nhà tôi, dù phải chống ba toong leo cầu thang tầng ba. Tôi đã viết về một lần ông tới nhà tôi nhưng chỉ gặp con tôi (Mơ, tuổi teen) và đứa bạn nó (tên ở nhà là Súp Lơ), đều là những đứa con chiều kinh khủng.

Bài của tôi được đăng trên tờ phụ trương của Phụ nữ Thủ đô, có đoạn:

{Chiều ấy Súp Lơ (người Âu, tóc xoăn) mang sa lat gà đến cho Mơ – vì bố mẹ Mơ đi vắng nên cô bé chưa có ai nấu ăn cho. Nhưng một việc đột xuất đã xảy ra. Đầu tiên là tiếng đập cửa duỳnh duỳnh. Súp Lơ đi trốn, còn Mơ đành phải ra mở cửa. Thấy một ông già thấp bé, đeo kính dày cộp, gù lưng như một nhân vật trong phim hoạt hình, Mơ định đóng cửa lại. Ông già hét to: ‘Mở ra, ông học trường Albert Sarraut cùng với bà nội cháu đấy’. Súp Lơ làu bàu: cùng học với bà của Mơ còn có cả một trường, bây giờ tất cả họ đều đến đây ư?”

Đối với hai đứa trẻ, chuyện trò trên thế giới ảo là quan trọng hơn, nên chúng chỉ muốn ông cụ đi. Nhưng ông lại có vẻ muốn ở lại. Ông hỏi có xì dầu không để ông ăn với xôi. Mơ giang tay, nhà cháu không có gì cả. Đúng hơn là có những thức trong tủ lạnh có thể nấu ăn, nhưng Mơ không chịu nhớ cách chế biến mẹ nó đã từng bày nhiều lần... Ông cụ mang đến cho bố Mơ một cuốn sách quý. Bố sẽ lại mải miết đọc cuốn này, rồi viết một bài báo được đôi trăm K bọ. Ông cụ này và bố đều là những vị chẳng biết cách làm ra nhiều tiền hơn …

(Gần đây cụ ông dịch nhiều cuốn sách có ích cho lớp trẻ Việt. Nguyên là tham tán sứ quán Việt Nam ở Đông Âu, ông từng dịch nhiều tư liệu về Việt Nam ra tiếng nước ngoài). Như có lỗi, Mơ chợt thấy cần tiễn ông xuống nhà.

“Ông đi xe đạp, lại mắt kém, không sợ người ta đâm phải ư?”.

“Người ta phải tránh cho ông đi chứ”, (người cựu phái viên bộ Tổng) cười đáp}.  [hết trích bài viết trên phụ trương PNTĐ].

Hôm đó bác Sự tới đưa cho tôi cuốn hồi ký của một nạn nhân cuộc diệt chủng ở Campuchia. Cuốn này cụ cho một em vừa vào đại học, con nhà dân nghèo thành thị, cùng dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, một nhà xuất bản ở Pháp đang sắp in. “Có đoạn cháu dịch, ông Sự xem lại, đoạn nào khó quá thì ông dịch, cháu xem lại” kỳ tài tiếng Pháp này chia sẻ với tôi.

Hẳn là cụ Sự muốn tôi (và một đồng nghiệp dịch thuật người Mỹ) sẽ dịch cuốn hồi ký của nạn nhân Khmer Đỏ nói trên ra tiếng Anh. Trên thực tế chúng tôi mới chỉ lần hồi đến các “trang” chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Cuộc chiến biên gới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc (1979) như một viễn cảnh còn khá xa vời với chúng tôi, vốn thường gọi đùa nhau là “lũ rùa” (turtle - vì dịch chậm).

Vợ tôi vô cùng ấn tượng về bác Sự: “Ngoải 80 vẫn phi ‘ngựa sắt’ dầm mưa dãi gió, mang sách đến cho người khác”.

Có lần tôi cự nự cụ đã dịch chưa hết ý một số đoạn trong cuốn “Võ Nguyên Giáp hay là chiến tranh nhân dân” của Gérard Lê Quang (NXB Denoel, Paris, 1973). Cụ bảo: “Tao phải làm nhanh”. Vốn là môn đồ của trường phải “ít mà tốt” (dịch thuật như “rùa”), tôi không hiểu hết ý cụ.

Chiều qua nhiếp ảnh gia đại tá Trần Hồng, gọi điện báo bác Sự vừa ra đi nhẹ nhàng, sau một cuốc đạp xe suốt ngày khắp Hà Nội… Tôi sững người, Nguyễn Văn Sự đã phải dịch nhanh, để kịp ra một loạt sách về Võ Nguyên Giáp và về chiến tranh Việt Nam, hiểu rằng mình sắp về bên Cụ Hồ, Tướng Giáp…

Nửa đêm tôi choàng dậy, chợt hiểu vì sao dịch giả Nguyễn Văn Sự gần đây dấy lên cơn “giông tố” - cuốn hồi ức của một nạn nhân của nạn diệt chủng Pol Pot nói trên. Thông điệp của ông và đồng chí của mình hẳn là: Những ai còn mơ hồ về các thứ quyền lực mềm và cứng của “láng giềng phương Bắc” nên hiểu rằng các mô hình, kiểu “Ăng Ka” của Khmer đỏ chưa có dấu hiệu chấm dứt. Học giả Nga đang lo lắng về nguy cơ “nạn kiều” ở miền Sibir và Viễn Đông Nga…

Giữa đám tang quạnh vắng tiễn ông, tôi chợt ngẩng nhìn bầu trời xám. Thấy như hiện bóng người “Phái viên bộ Tổng” gò lưng phóng ngựa giữa rừng Việt Bắc, thảy thảy phải dạt ra cho ông truyền những mệnh lệnh, như nước dâng, lửa cháy…

                                                                                               

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558633

Hôm nay

2231

Hôm qua

2384

Tuần này

22192

Tháng này

226176

Tháng qua

122920

Tất cả

114558633