Tôi tìm đến những mảnh đời ấy trong ngày đông cắt da cắt thịt. Quanh đống lửa đốt lên giữa đường phố, họ đã chia sẻ cùng tôi thật nhiều về tâm trạng những ngày sắp Tết. Mỗi năm một lần, ai cũng chờ mong Tết để trang hoàng nhà cửa, để mua sắm những bộ đồ mới, để tiệc tùng, đoàn tụ. Và cũng trong chính những ngày như thế ta mới thấy hết được cái ranh giới xót xa giữa những phận người. Còn đó bao con người không biết đến Tết, những mảnh đời thậm chí sợ Tết. Bởi lúc đó, dù không có tiền họ cũng phải chạy vạy làm sao có cái bánh chưng, có một mâm cúng tổ tiên tàm tạm. Tết đến, khi con cái nhà người có manh áo mới, họ cũng nào đâu cam lòng nhìn con mình bao năm vẫn chỉ là bộ quần áo cũ…
Đối với người có điều kiện, chắc hẳn họ sẽ tưởng những lời trên chỉ có trong các câu chuyện cổ, hay là một cách bôi vẽ thương tâm để kêu gọi giúp đỡ như một số tờ báo vẫn làm. Nhưng không, đó là sự thật, sự thật trần trụi vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ.
Trên các góc phố của thành Vinh, không khó để nhận ra những người cửu vạn bởi cái dáng hình khắc khổ, những chiếc xe lỉnh kỉnh nào là cuốc, xẻn, nào là quang, gánh…Họ tập trung ở đó, chờ người gọi là đi, làm bất cứ việc gì có thể. Tại bãi đất trống trước công viên trung tâm luôn có tầm khoảng 20-30 người còn ở khu vực được gọi là Tam giác quỷ, lực lượng cửu vạn cũng khá đông và đến từ cả những địa phương xa như Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Can Lộc (Hà Tĩnh)… Ở đây, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều đang phải bán sức mình để lo cho cuộc sống mỗi ngày. Chị Phạm Thị Đức, phường Cửa Nam cho hay chị cùng một số hàng xóm trước đây làm nghề sông nước nhưng rồi cá tôm cũng hiếm dần, khi lên bờ không có đất, không kiếm ra nghề gì đành chuyển sang nghề này. Các chị đã làm ở đây cả chục năm rồi, thu nhập bữa có bữa không nhưng cũng chả còn cách nào khác. Có chị con học lớp 9 cũng đành bỏ dở đi làm, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Khi được hỏi về tâm trạng và việc chuẩn bị cho Tết, các chị đều đồng thanh trả lời: “Chúng tôi chưa biết gì đến Tết hết, phải tầm 29, 30 tháng Chạp mới lo. Giờ lo cho bữa ăn mỗi ngày trước đã.” Các chị chia sẻ: “Cũng mong Tết có đào, quất, cây cảnh về bày bán thì họ gọi bưng bê, kiếm thêm được ít tiền.” Với họ, Tết có lẽ là một niềm hy vọng, niềm mong mỏi sẽ có nhiều việc hơn những ngày tháng đang “ế ẩm” này. Tết, với người giàu có là được dịp sắm sanh khoe mẽ còn với những con người này là được lao động để có thêm thu nhập.
Họ cũng có những ước mơ, những ước mơ nghe thật xót xa. Người thì mong sắm được mâm cỗ cúng ông bà ngày Tết tử tế và kiếm mua dư thêm mấy yến gạo để có thể yên tâm nghỉ ngơi ăn Tết lâu một chút, không phải đi làm sớm. Người thì lại mong mua sắm cho con đồ áo mới chứ bản thân thì chẳng biết đến đồ đẹp là gì. Khác với những gì tôi nghĩ, họ không mong chờ cái xa xôi, họ không trông chờ sự giúp đỡ hay kêu gọi tấm lòng nào cả. Toàn những ước mơ giản dị nhất, đời thường nhất, điều có lẽ rất nhiều người không bao giờ phải ước. Họ nói họ chẳng dám mơ ước, hy vọng hay trông chờ vào ai cả. “Còn tự mình làm được thì còn có ăn, không thì thôi”. Những lời nói ấy đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Vì đâu những con người cần lao ấy lại mất hết niềm tin vào sự chia sẻ, giúp đỡ của chính quyền, của cộng đồng? Chính tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thái độ đầu tiên của họ là từ chối tiếp chuyện, từ chối nêu tên. Họ nói cũng có một số người đến hỏi, đến viết rồi nhưng mãi chẳng thay đổi thì viết để làm gì. “Viết lên có giúp họ có được việc làm không?”. Đó là câu hỏi xoáy sâu vào lương tâm, trách nhiệm của những người làm nghề.
Bên cạnh những người cửu vạn còn có vô số thân phận khác cũng vất vả, cũng tảo tần như thế. Họ là người đi xe ôm, xích lô, là những người chở hàng thuê tại Chợ Vinh, là người nhặt phế liệu và cả những người bán dạo đến từ nhiều tỉnh thành khác, ngày đi bán, đêm chụm nhau lại trên vỉa hè mà ngủ. Cụ Nguyễn Khang quê tại Nghi Xuân- Hà Tĩnh, năm nay đã 71 tuổi nhưng ngày nào cũng có mặt từ chợ Vinh từ 4 rưỡi sáng để chở hàng thuê. Bằng một chiếc xe đạp cũ kĩ, cụ chở đủ các mặt hàng đến cho các quán trong địa bàn thành phố tới tận chiều tối mới trở về. Khi trao đổi, tôi thấy ở cụ lòng tự trọng và sự kiêu hãnh của một người lao động. Cụ chia sẻ: “Vất vả gì đâu, làm thế cho khỏe. Ở nhà chắc lại mệt hơn.” Với cụ, Tết là dịp mong được vui vầy con cháu. Ngoài ra chẳng có ước mong gì hơn là sức khỏe. Khỏe để lao động, để kiếm tiền từ chính khả năng của mình chứ không muốn trở thành gánh nặng của ai. Tôi cũng tìm thấy niềm tin tưởng, lạc quan từ những bác phu xích lô, bán dạo vỉa hè. Họ chia sẻ: “Tết phải sắm chứ. Người giàu họ sắm cái đắt tiền, chúng tôi nghèo thì sắm cái rẻ tiền. Nhưng cũng phải đầy đủ.”
Tôi hiểu trong cái háo hức, cái vui vẻ ấy là cả gánh nặng để làm sao cho “đầy đủ”, là mồ hôi, là nước mắt, là bao khó nhọc, vất vả. Họ xứng đáng được hưởng những thành quả ấy, những niềm vui ấy trong ngày Tết sau cả năm trời lao động cực nhọc. Có lẽ những người đủ đầy cũng khó có thể có được niềm vui, niềm hạnh phúc như họ bởi những gì họ có hôm nay được đánh đổi bằng sức lực, bằng lao động chân chính. Có lẽ cho tôi sẽ không gọi họ là những người nghèo, bởi họ giàu lắm, giàu hơn rất nhiều chúng ta trước hết ở tấm lòng, ở sự tự trọng. Họ là những người lao động chân chính.
Tết đang về rất gần. Hơi ấm mùa Xuân đang dần xua tan đi những ngày đông buốt giá. Và mong cho cuộc đời những con người cần lao ấy cũng có được ánh nắng của hy vọng, của niềm tin. Mong cho họ có được một cái Tết đầm ấm bên gia đình. Và tất thảy những ai đang sống trong đủ đầy, hạnh phúc, những người có trách nhiệm hãy lắng nghe trong tiếng Xuân về có cả tiếng của những mảnh đời cơ cực ấy: “Viết lên liệu có giúp chúng tôi đỡ vất vả hơn không?”.