Cuộc sống quanh ta

Vượt quyền và không dám … thực quyền!

Đọc bài “Hà Tĩnh vượt quyền ưu đãi Formosa” (TN, 2.3.2015), đọc xong, giật mình vì đây không hề là “chuyện riêng” của Hà Tĩnh, mà thực chất là vấn nạn của nền hành chính nước ta lâu nay: Vừa mặc sức lạm quyền, lộng quyền lại vừa không dám sử dụng thực quyền cho dù đúng và, cần thiết!

Cái tréo ngoe lạ kỳ đó, có lẽ chỉ có ở nước ta!

Một nền hành chính  muốn làm gì theo lệ làng cứ làm; thế nhưng lỡ ra có chuyện động đến ‘ai đó’, ‘cái giây nào đó’ theo kiểu bứt đứt giây sợ động rừng thì y như rằng, ca ngay cái bài leo phải cành cụt leo ra leo vào?

Xin lấy ví dụ từ chuyện của tỉnh Hà Tĩnh hay chuyện Thừa Thiên Huế cho thuê vùng nhạy cảm ở đèo Hải Vân (đã tạm dừng) là sự vượt quyền sờ sờ mà ai cũng thấy, cũng biết. Ngược lại, những căn nhà xây trái phép ở  đèo Hải Vân của ông tướng và đại gia cho mãi đến hôm nay, nhiều năm đã trôi qua; và, cái miếu thờ xây trái phép ở Vũng Áng, nhiều tháng nữa cũng đã trôi qua, vẫn không hề được giải quyết(?!)

Đó chỉ là vài ví dụ cho muôn vàn dẫn chứng muốn nói về cái lẽ kêu trời chẳng thấu.

Căn nguyên có nhiều nhưng chung quy lại chỉ có một chuyện thôi: Luật pháp thiếu nghiêm minh, chế tài không hợp lý thành thử cái muốn làm cho hợp lòng dân, chuyện nước thì… không dám; cái lẽ ra phải cẩn trọng, phân minh thì à uôm theo kiểu lệ làng vì biết rõ rằng cùng lắm chỉ… rút kinh nghiệm, nặng hơn thì kiểm điểm, cảnh cáo là cùng!

Xét về mặt tổ chức nhà nước, đó là nền hành chính kém hiệu năng, thiếu tự tin, được điều hành bởi sự chủ quan, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Rõ ràng, việc Hà Tĩnh cho thuê đất với giá rẻ hơn bèo (80 đồng/1m2/năm và giá mặt biển 10 đồng/1m2/năm) với thời hạn… 70 năm là điều khó hình dung. Điều 52 Luật Đầu tư nói rõ là địa phương chỉ được cho thuê đất trong thời hạn không quá 50 năm và nếu cần thiết thì Chính phủ sẽ cho phép kéo dài nhưng cũng không quá 70 năm. Vượt 20 năm không cần biết đến Luật Đầu tư thì chỉ có người… ngoài hành tinh mới biết thực chất đó là cái gì. Giá cả cũng là chuyện cần bàn: Cho người ta thuê đất suốt 70 năm trời, không hề có điều khoản trượt giá, lạm phát, mãi đến năm 2070, mỗi km2, mỗi năm, chỉ thu được số tiền đủ mua một chiếc xe máy SH theo thời giá bây giờ là 80 triệu đồng, mấy chục năm sau còn mua nổi cái bánh xe? Tại sao cho thuê 70 năm không tính đến lạm phát?Nhiều người biết rõ rằng nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế mạnh nhất thế giới, nhưng lạm phát luôn là điều tất nhiên. Năm 1950, 35 USD mua được một oz vàng (1 troy ounce = 31,1 gr = 8,3 chỉ vàng), thời điểm này là trên 1.200 USD, tức vàng tăng giá 35 lần, giá trị tiền giấy cũng giảm từng đó lần. Thử hình dung sau nửa thế kỷ nữa, giá trị của đồng tiền bị giảm chỉ còn bằng vài % so với hôm nay, thì 1m2 đất cho thuê chỉ còn lại… 3 VNĐ!?

33 triệu m2 đất và mặt nước, mỗi năm thu tiền thuê khoảng, đủ mua… hơn một nửa chiếc Lexus thì, cho thuê để làm gì? Tỉnh Hà Tĩnh đã có hàng trăm chiếc xe như thế của cả tư lẫn công, do vậy, 100 năm sau, từng đó tiền thuê một vùng biển – trời – đất chiến lược, nhạy cảm đến mức sống còn với dân tộc, chưa đủ để nâng số Lexus hiện nay lên gấp đôi.

Tất nhiên, sẽ có lập luận rằng thiệt về thuê đất, thuê biển nhưng lợi về công ăn, việc làm, lợi về phát triển kinh tế… Thế nhưng, cái khiên (hay thuẫn) đó giống như chuyện về mâu thuẫn ngày xưa: Một người bán cả mâu lẫn thuẫn, quảng cáo rằng mâu này đâm cái gì cũng thủng; và lại nói thêm rằng, thuẫn này chẳng cái gì đâm thủng?

Đâm thủng tất cả mọi thứ cần lách, cần cho qua miễn có lợi ích cục bộ (chưa dám bàn đến lợi ích cá nhân) và che chắn hiệu quả trước bất cứ sai phạm nào, bất kể quy mô và mức độ nào; đó là thực trạng của không ít nền hành chính ở nhiều địa phương nước ta hiện nay.

Đừng vin vào số lượng hàng chục ngàn lao động hiện nay ở Vũng Áng để chống chế: Xây xong nhà xưởng, công trình, đặt xong máy móc rồi, may lắm chỉ còn vài trăm công nhân sở tại được tuyển dụng mà thôi.

Không thể chấp nhận một nền hành chính rằng cho rằng A sai nhưng B cũng đúng. Cũng không thể nói rằng các nhà quản lý ở Thừa Thiên Huế hay Hà Tĩnh không biết Luật Đầu tư. Càng không thể hứa rằng sẽ dỡ nhà thờ của người Trung Hoa ở  Vũng Áng, dỡ nhà trái phép ở đèo Hải Vân nhưng lâu rồi, báo chí cứ hỏi và cứ trả lời rằng… chưa thì thật là chưa!

Một khi nền hành chính cứ sợ bất cứ cái gì gây nên nỗi sợ (mất ghế) và dám làm tất cả những gì chưa đủ sợ, làm sao có sự phát triển bền vững, ổn định? F.D. Roosevelt có nói một câu rất hay trong Diễn văn nhậm chức năm 1933, khi nước Mỹ trong hoàn cảnh ‘tang tóc’ trước Đại khủng hoảng kinh tế rằng, “Điều duy nhất đáng sợ chính là nỗi sợ” (The only thing we have to fear is fear it’s self). Các quan chức Hà Tĩnh và nhiều nơi khác sợ những điều không đáng sợ và không sợ những điều luật pháp tin rằng lẽ ra, nên phải sợ…

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443601

Hôm nay

2159

Hôm qua

2333

Tuần này

21414

Tháng này

218775

Tháng qua

112676

Tất cả

114443601