Cuộc sống quanh ta

“Chợt thấy hoang vu quanh mình”

Nhớ lần đầu tiên bước tới toà tháp đôi Petronas cao nhất thế giới (lúc đó) lòng tôi dửng dưng tuy có ít  nhiều xao động về tài năng con người. Người Malay đã khéo chọn chổ cho tòa tháp để mọi người đến đặng mà tấm tắc. Thế nhưng tôi đến là đến, tôi đi là đi.Vậy thôi!

Nhớ lần đầu tiên bước chân trên những phiến đá mòn bóng quảng trường Đỏ, ngước nhìn điện Kremli, lăng Lénine, quay lại nhìn tòa nhà bách hóa MGU, lòng tôi run run xúc động. Bước chân trên các phiến đá đỏ đầu tôi vang lên giai điệu Chiều ngoại ô Matcơva. Đầu nầy quảng trường là ngôi giáo đường Tòa thánh Basil ,đầu kia là Viện bào tàng lịch sử Nga, trước mắt tôi hiển hiện những lời văn giàu hình tượng, nhẹ nhàng và du dương trong các truyện ngắn của Turgenhev. Tôi đến quảng trường lần đầumà tôi không xa lạ. Tôi đến quảng trường Đỏ lần đầu chính như một cuộc trở về. Tôi rời quảng trường Đỏ, tôi vẫn ở lại. Miền ký ức của tôi.

Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển

Vẫn trở về lưu luyến bến sông.

(Nhớ Con Sông Quê Hương - Tế Hanh)

Tình yêu là một xúc cảm tâm lý, nó đọng trong ta một nỗi niềm nhưng tình yêu không siêu hình. Tình yêu không là cảm xúc hữu thể, nó là một tri nhận vị nhân thế. Tình yêu luôn nở từ những gì xác định – một con người, một góc phố, một dòng sông, v.v. Tình yêu là một sự diệu kỳ riêng sinh ra từ con-người-xã-hội, cái cảm xúc phi hữu thể đó xác định mà không nhất thiết gắn với một vật thể mà có là một ý niệm, một lòng hoài mong, một tâm tưởng, ví dụ vậy. Người có khuất, vật có xa nhưng tình vẫn ở lại. Tình ở lại bởi tính phi hữu thể màvị nhân thế còn quanh đâu đó đây thôi mà. Bá Nha và Tử Kỳ thoạt kỳ thủy là hai kẻ xa lạ, gặp nhau một lần là mãi trong nhau ở một tiếng đờn, một tiếng lòng. Tình trong ta, tình tại miền ký ức. Tình yêu cũng như ký ức, dù có buồn và có dữ dội, nó là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, làm nên nhân cách và định danh con-người-xã-hội trong đẳng thức nghĩa vụ-quyềnlợi. Không còn ký ức, tình yêu phiêu dạc chốn nao? Không còn ký ức, ta là ai?

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Bạn tôi về thăm chiến trường xưa. Khi đi, bạn tôi háo hức nhiều với những mong. Bạn tôi mất ngủ đêm trước ngày lên đường. Khi về, bạn tôi tư lự – đâu rồi mô đất xưa, con mương cũ, rồi những “người xưa đâu tá?”, v.v. Trưng mấy tấm hình chụp chốn cũ với bạn bè, đồng đội, bạn tôi tư lự kể. “Chổ nầy tao từng…”. “Chổ nầy thằng G đã …”. “Ở đây tụi địch hay …”. Cả đám chia nhau xem hình và nhớ lại phần đời mình qua bóng đời bạn.Lòng rưng rưng! Đã về mấy ngày rồi mà bạn tôi vẫn thao thức đêm đêm, bạn tôi người cứ lơ lửng như ngày vừa cởi áo lính. Bạn tôi nhớ đất đã xa (cho dù là đất dữ), bạn tôi nhớ người đã vắng (ngay cả chẳng thân mấy). Ôi! Cái tuổi trẻ ùng ùng kéo về mà cơm áobấy lâu khuất lấp.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở 
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn.

(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)

Sau một loạt bức tử, hổm rầy dồn dập nghe ba tin dồn cục: tượng Trần Nguyên Hãn, tượng Quách Thị Trang, thương xá Tax sẽ cuốn gói ra đi, tôi bật khóc. Ừ thì, tượng làm bằng vật liệu không bền vững. Ừ thì, giá trị mỹ thuật không cao (dù người thành phố thấy nó vẫn đẹp hơn nhiều bức tượng mới sau nầy – kịp và chưa kịp “hóa tâm hồn” chăng?). Ừ thì, tòa nhà không còn nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Ừ thì, thành phố cần hiện đại. Ừ thì, … Và, ừ thì, …Tôi chỉđôi lần vào ngồi quán Givral, màđã từ lâu lắm, rồi chỉ ngang qua, có đôi khi tình cờ nhìn vàorồi thôi. Grivral không còn, tôi mất đi những giá trị Givral riêng mang trong nó và từ đó nó cùng làm giàu cuộc sống, tôi thấy đời còn nhiều nghĩa tình nơi quán sang trọng ngaycả khi quán không dành cho mình. Cả khối phố không còn, cái rêu phong đã mất, cái hào nhoáng thay vào, tôi càng không muốn bước vô. Tôi thấy lành lạnh sống lưng với cái gạch đá mới.Cái đèn đêm sáng choang mới.Xa lạ sao!Rồi tôi  tự an ủi: ừ thì đời mình cũng qua như khối phố đã xa, tòa nhà mới tạo dựng vùng ký ức mới cho lớp người mới. Song, tôi không thể nào trả lời được câu hỏi vì cớ làm sao mà lớp người mới và lớp người cũ không thể chia sẽ chung sống một tình yêu, cùngdưỡngmột miền ký ức? Nếu cứ mãi “bể dâu-dâu bể” thì đời còn lại gì ở mai sau?

Còn chi nữa những mùi hương

Những màu sắc cũ trên trường mộng xưa

(Bùi Giáng)

Mọi sự đứt gẫy của cuộc sống đều tồi tệ, đời chông chênh đi… Hai người dù có tương diện vẫn nhìn nhau xa lạ, thậm chí họ nhìn nhau mà như trong suốt không thấy nhau.Dòng sông có chảy thẳng hay uốn khúc, con nước đoạn đục đoạn trong, dòng sông vẫn hòa vào biển cả. Dòng sông có còn là dòng sông nếu nó tù đọng loanh quanh mãi đâu đó. Cuộc đời có thịnh có suy, có loạn có an. Cuộc đời là cõi ta bà với những ai-ố-hỷ-nộ cùng sinh- lão-bệnh- tử. Nhưng cuộc đời vẫn phải là chốn đi về của mình với ta, của trước với sau..Cuộc đời tự bản nguyên đã là những truyền nối cho nhau , trước trao sau nhận, trước xây sau bồi. Không như vậy cấu trúc xã hội có đứng vững hay rồi gẫy đổ, cấu trúc văn hóa có được hun đúc hay rồi sẽ rã rời? Không gì để lại mai sau, mai nầy lấy gì đế (hay cần?) biết tới? Không trước với sau thì làm sao nhận ra bản lai diện mục? Rồi cái gọi là bản sắc có phải chỉ là sáo ngữ mụ mị mê sảng không khi mà không gì lưu truyền, bồi đắp cho mai sau, bởi mai sau? Ừ, thì cũng phôi pha theo vô thường nhưng nào có nghĩa không gì và không bao giờ bền vững trong tương quan của khoảnh khắc và vô tận, khoảnh khắc trong vô tận. Đập chắn nước làm dòng sông phẩn nộ và gây thảm họa sinh thái. Cuộc đời bị đứt gẩy -  lòng người ly tán. Lòng người ly tán thì không chỉ người nhìn người xa lạ mà đối diện dễ trở thành đối thủ, từ đối thủ càng dễ dàngchuyển sang tử thù bởi nguyên cớ vu vơ ngay giữa những máu cùng mủ với nhau...đâu xa lạ, ví dụ vậy. Thảm họa thế thái, một khải thị!

Từng mảnh tình yêu, từng miền ký ức gục ngã vì sự phát triển và hiện đại?

An sinh chỉ có nghĩa là cơm ngon, áo đẹpvà túi rổng rẻn đồng xu?

Rồi phải chăng, đến một ngày nào đó, người thành phố đi trên đường phố mà “chợt thấy hoang vu quanh mình” (Vết Lăn Trầm – Trịnh Công Sơn)?                                                                                                                              

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440581

Hôm nay

2176

Hôm qua

2309

Tuần này

2485

Tháng này

215755

Tháng qua

112676

Tất cả

114440581