“Sập bẫy” người ta...
Cái bẫy bỏ thầu giá rẻ của các nhà thầu Trung Quốc là chuyện xưa như Diễm; thế nhưng điều lạ là hết lần này đến lần khác, các chủ dự án của ta cứ lao vào như thiêu thân? Chẳng lẽ kinh nghiệm rút hoài không biết, “bài học” cả mấy chục năm trời chẳng thấm? Nhà thầu bỏ thầu giá rẻ, để đuổi các nhà đầu tư châu Âu, châu Mỹ chạy dài rồi, họ ung dung tăng giá với lý do còn cũ hơn cả... Diễm: “Quên” chưa tính khấu hao thiết bị dự phòng (TT, 29.3.2015, 06:00, GMT+7)? Cách nói ấy cha ông dạy là nói với cái đầu gối, thế mà cái đầu gối vẫn chịu, vẫn “hiểu”, thế mới kỳ.
Người ta đem công nghệ thử nghiệm chưa có ai làm để lấy tài nguyên khoáng sản nước nhà ra làm chuột bạch, nhuộm thành bùn đỏ, khiến cho cứ 3 tấn bô xít thì thất thoát mất 1 tấn(!)
Người ta sử dụng số lượng công nhân gấp 3 lần so với thế giới khiến cho chi phí tăng cao đồng thời ngang nhiên bóc trần sự thật rằng trình độ tự động hóa, cơ khí hóa của dây chuyền sản xuất là rất thấp nên nếu khai thác đủ số lượng dự kiến, ngay trong năm 2015 sẽ lỗ khoảng... gần 40 triệu USD, tương đương với gần 100 tỷ đồng....
Ta tự sập bẫy mình
Các chuyên gia cho biết, nếu thuê tư vấn thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ thì sẽ vừa tốt, vừa rẻ; trong khi đó, TKVtự mình làm lấy cho rẻ hơn(?), kết quả là lẽ ra chi phí chỉ khoảng 695 tỷ đồng thì lại đội lên 800 tỷ đồng! Cả trăm tỷ đồng tiền dân, của nước cứ như là bọt xốp để đánh bóng quặng nhôm.
Những thay đổi về thiết bị, dây chuyền công nghệ đâu phải là cái kim, con kiến để có thể dễ dàng giấu đi? Có lẽ nào các chuyên gia TKV không biết, không thấy? Ai phải chịu trách nhiệm trước việc đội giá từ mọi công đoạn, ai đã nhắm mắt làm ngơ để cho đến lúc lỗ chỏng gọng ra rồi mới biết?
Chỉ mới bắt tay vào khai thác, sản xuất có mấy năm mà nguy cơ tràn bùn đỏ đã lộ diện, đến nỗi đang có đề xuất mở rộng hồ chứa? Nếu điều này là thực thì quả là không tài nào hiểu nổi: Các nước trên thế giới, làm bất cứ công trình lớn nào cũng đều có kế hoạch dài hạn hàng chục năm, nhất là những dự án đầy hiểm họa như bô xít. TKV hầu như chẳng cần biết đến?
Bất ngờ hơn nữa là ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng Ban Alumin (Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam) thừa nhận rằng “Nước tiêu hao gấp đôi, tỉ lệ tiêu hao năng lượng tăng lên 25%, kiềm tăng 5-7kg /tấn alumin và đặc biệt là thực thu alumin của nhà máy chỉ đạt 85% trong khi bình quân của thế giới là 87%”. Sao khi làm Trưởng Ban, ông Ban không ban phát những lời vàng ngọc trên để đến nỗi lúc con mọc răng mới nói, mới năng?
Một dự án lớn mà năm nào cũng lỗ và, với sự hao mòn của máy móc (cũ đi, kém hơn) thì năm sau sẽ lỗ nhiều hơn năm trước, không tìm thấy bất cứ giải pháp khắc phục nào, sao không tạm dừng lại để bàn bạc thấu đáo, tìm cách tháo gỡ, kể cả giải pháp cắn răng chấp nhận ngừng hẳn? Hàng loạt sai phạm – sai lầm lớn đến như thế, trầm trọng đến mức ấy mà cho đến nay chưa thấy bất kỳ ai chịu trách nhiệm là can cớ làm sao? Không thể chấp nhận cứ rút đi rút lại mãi hoài cái gọi là “kinh nghiệm” mà ai cũng biết. Thử hỏi, nếu nước người khai thác tài nguyên rồi phung phí, lỗ lã như ở ta thì làm sao công nghiệp nhôm phát triển, làm sao lại có hàng trăm tỷ phú được “sinh ra” từ khai thác quặng nhôm?
Huế, 31.3.2015