Cuộc sống quanh ta

Chơi hoa xin hãy vì hoa đẹp!

Thú chơi hoa, cây cảnh là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt. Đó là biểu hiện của lòng yêu mến, hòa hợp với thiên nhiên; của tâm hồn luôn hướng đến chân – thiện – mỹ. Từ xưa cho đến nay, mỗi dịp Tết đến, các gia đình lại rạo rực mua cây, hoa trang trí nhà cửa. Dẫu rằng thói quen chơi hoa còn đó song cách chơi và mục đích cũng đã khác xưa nhiều.

Trước đây, chơi hoa, cây cảnh là lối tiêu khiển của các gia đình khá giả, các bậc trí thức phong lưu. Việt Nam văn hóa sử cương viết: “Người ta thường xây bể cạn, đắp non bộ, xung quanh trồng các cây cối cỏ hoa, ở trong chậu sành như lan, cúc, sơn trà, mẫu đơn, hồng, sói nhài, huệ là những thứ có hoa thơm, hay những cây sanh, cây si, cây tùng, cây mai, có cành lá đẹp, uốn thành những hình long phượng rất khéo[1]. Trong Văn minh vật chất của người Việt, tác giả Phan Cẩm Thượng cũng chỉ ra thú chơi cây cảnh trước đây chủ yếu tập trung ở các tầng lớp: vua chúa, quan lại, thị dân. Cách chăm sóc, tạo hình, nghệ thuật cắm hoa lắm khi trở thành thước đo văn hóa của người chơi. Nói đến điều này hẳn phải kể đến thú chơi thủy tiên của người Hà Nội. Để có một bình thủy tiên đẹp, nở hoa vào đúng giao thừa, người chơi phải biết lựa chọn củ; gọt, cắt, tỉa tỷ mỷ trước đó khoảng một tháng.  Gọt, tỉa thủy tiên là cả một nghệ thuật bởi chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể làm hỏng mầm hoa hay mất đi dáng, thế đẹp. Ai đã từng đọc “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải hẳn không quên hình ảnh cô Hiền bên những bát thủy tiên như biểu tượng cho sự thanh lịch của người Tràng An. “Cô đang lau đánh một cái bát thủy tiên men đỏ, hai cái đầu rồng gắn nổi bằng đồng, miệng chân cũng đều bịt đồng, thật đẹp. Bên ngoài trời rét, mưa rây lả lướt chỉ đủ làm ẩm áo chứ không làm ướt, lại nhìn một bà lão (nếu là một thiếu nữ thì phải hơn) lau đánh cái bát bày thủy tiên thấy tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn một cái tết Hà Nội.” Thế đấy, cái thú tiêu diêu “Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên” (Nguyễn Du) thường chỉ thuộc về bậc trí thức, vương giả. Tuy nhiên người Việt hầu hết đều yêu hoa. Những gia đình không có điều kiện cũng trồng xen vài khóm hoa nhỏ trước sân nhà, trong vườn, cạnh ao. Tết đến, nhà nào cũng có cành đào, cành mai, đóa lay ơn, thược dược,…

 Người xứ Nghệ nhìn chung không có truyền thống chơi hoa cầu kỳ như miền Bắc nhưng cũng là những người yêu hoa, cây cảnh. Ngày nay, khi đời sống khá giả hơn, xu hướng trồng hoa và đặc biệt chơi hoa ngày Tết càng trở nên phổ biến. Vì thế các hàng hoa, cây cảnh trên đường Lênin, thành phố Vinh ngày một nhiều, đa dạng về chủng loại. Tìm hiểu xu hướng chọn hoa của người dân tại địa bàn thành phố Vinh và lân cận, chúng ta sẽ thấy được phần nào những đổi thay trong thú chơi hoa hiện nay.

Chủ nhà vườn Cường Hoa trên đường Lênin cho biết, giờ đây, người không chỉ mua hoa vào dịp Tết mà quanh năm. Các loại hoa thường mua là hoa hồng, hoa lan, Dạ Yến Thảo, và một số chậu hoa cây cảnh để treo như cây nắp ấm, son môi... Vào các ngày thứ 7, Chủ nhật, không ít gia đình tới chọn mua cây hoa về trồng. Trong số đó có những người đến từ các địa phương khá xa như: thành phố Hà Tĩnh, Diễn Châu,...

Tuy nhiên thị trường hoa rộn ràng nhất vẫn là vào tháng cuối năm. Không chỉ tại trục Đại lộ Lênin mà các làng hoa ở Nghi Liên, Nghi Ân không khí cũng rạo rực không kém. Ngoài những giống hoa có thể tự trồng như cúc, thược dược, các chủ vườn còn nhập về rất nhiều chủng loại phục vụ cho ngày Tết như hoa Trà, Đỗ quyên, Trạng nguyên, hoa hồng, đào, quất, địa lan,…Đây là những loại được khách hàng ưa chuộng. Vào những ngày gần Tết, các xe hoa từ nhiều nơi cũng đổ về thành phố Vinh, tập trung tại khu vực Quảng trường, công viên trung tâm với đủ chủng loại, nhiều nhất là đào, quất, địa lan, lay ơn.

Các chủ vườn hoa cho biết, người Nghệ hiện nay chuộng đào đá, đào rừng hơn đào Nhật Tân. Vì thế cuối năm họ thường ngược ra miền núi phía Bắc lấy hàng. Chủ nhà vườn Cúc Lân, xóm 3, Nghi Ân, Tp. Vinh cho biết: “Tỷ lệ đào chị lấy về thường là 10 đào đá, 1 Nhật Tân. Cành tiền trăm cũng có, tiền triệu cũng có. Trong số đó có 10% là cành từ 10 triệu đồng trở lên.” Anh Đặng Minh Cung, vườn hoa Long Phượng lại cho hay các cành đào từ 1,5 triệu đồng trở lên người mua  nhiều còn những cành hàng chục triệu thường chỉ ai đặt mới mang về. Anh Đinh Văn Công, vườn hoa Công Hiếu chia sẻ số lượng người mua những cành đào hàng chục triệu không hề hiếm. Có người từ Hương Khê, Hà Tĩnh còn đặt gốc đào 120 triệu đồng và trả tiền chăm sóc 10 triệu đồng/năm cho vườn hoa. Bên cạnh đào, mai, thì các chậu địa lan giá hàng chục triệu cũng được bán nhiều vào dịp Tết. Những chậu tầm 5-7 triệu thuộc loại phổ biến. Thực tế này khiến tôi không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay nhanh chóng điều kiện kinh tế người dân xứ Nghệ. Tìm hiểu về đối tượng mua các chậu hoa có giá hàng chục triệu, các chủ cửa hàng đều cho hay những người mua loại này cá nhân cũng có, tập thể cũng có nhưng nhìn chung là mua để làm quà biếu. Loại khách hàng này cũng chọn lựa hoa kỹ hơn. Có khi phải đi đến 3 ngày mới tìm chọn được một cành đào có dáng, thế ưng ý. Phải chăng chính bởi xu hướng biếu, tặng mà tiêu chuẩn khi chọn hoa của họ là loại đắt tiền, hình thù lạ, to lớn,…Nghĩa là phải làm sao phô bày được cái giá trị đắt đỏ của nó ngay khi nhìn chứ không phải chuộng những loại cây, hoa nhỏ nhắn, thanh nhã, tinh tế. Hoa trở thành một món quà biếu “lịch sự”, thay thế những chiếc phong bì…“không đẹp mắt”.

Đối với dân thường, họ lựa chọn những cành vừa túi tiền, có giá từ tiền trăm đến dưới 5 triệu đồng. Nhìn chung, không nhiều người biết tường tận về ý nghĩa các loại hoa, về lối tạo hình hay các thế cây. Họ thường chọn mua nếu thấy vừa mắt, cành hoa tươi, chưa nở nhiều và loại nào được giới thiệu mang may mắn, tài lộc đến vào năm mới sẽ được ưa chuộng như: tháp cây phát lộc, cây phát tài, hoa đồng tiền,…

Thực tế này hẳn khiến những ai yêu hoa, những người chơi hoa như một nghệ thuật không khỏi chạnh buồn. Ừ thì vui đấy khi người dân đã no đủ hơn, đã biết làm đẹp cho không gian sống của mình song sao cái cách chọn hoa ngày Tết cứ trở nên “vật chất hóa” như thế? Hoa trở thành phương tiện để trao đổi, để nịnh bợ, chạy chọt chức quyền. Hoa trở thành thứ đồ để khoe mẽ, thể hiện đẳng cấp, sự giàu có. Người ta chọn hoa với những mong muốn tài, lộc mà chẳng mấy để ý đến cái đẹp thanh cao, tinh tế của từng nhánh cây, từng nụ hoa. Người ta không đủ kiên nhẫn, thời gian để chơi những loại hoa cần sự công phu, tỉ mỉ. Không khí chợ hoa vì thế dường như cũng trở nên xô bồ hơn. Nếu những bông hoa rực rỡ sắc hương mà ta mang về ấy không khiến lòng hướng đến cái đẹp, cái thiện; không khiến ta tạm quên đi bao ồn ào của một xã hội đang quay cuồng với những giá trị vật chất ngoài kia thì quả thực đáng buồn.

Có lẽ vì thế, mỗi dịp Tết đến, tôi lại mải miết tìm giữa những đường phố ngập tràn sắc hoa của thành Vinh một ai đó biết nâng niu hoa, chơi hoa như một nét văn hóa và không vì gì khác ngoài cái đẹp. Kiếm tìm chỉ để kiếm tìm thôi, kiếm tìm như một sự an ủi…



[1] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Thế giới - Nhã Nam, HN, 2014, tr. 167. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558437

Hôm nay

235

Hôm qua

2384

Tuần này

21996

Tháng này

225980

Tháng qua

122920

Tất cả

114558437