Cuộc sống quanh ta

Đi với ai, mặc gì?

Cuối đời nhìn lại, những điều trông thấy quả có phần đau đớn ở các mức, tùy người. Tôi thì có một viên giảm đau, là cái tính lãng trí. Nếu không quên bớt, chắc với những kích thích tố dạng ô nhiễm tiếng ồn(như Loa phường), thì cuối đời không khéo chuyển hộ khẩu về…trại tâm thần.

Nhưng thỉnh thoảng trong óc, chợt dội lại câu này, nghe vào những năm xuất hiện lý thuyết lãnh đạo ê kíp (kỷ nguyên Gorbachev):

“Vị này (một thủ trưởng mới) đi với trí thức, VNS thì làm ra vẻ chính trị gia, đi với chính giới (lãnh đạo các cơ quan đoàn thể) thì làm ra vẻ trí thức”.

Hôm nay cảm nhậnvề “chú Hàn” nào đó (vẫn nhờ đậu lạy quan xin nên lên nhanh?) - họ thường chỉ thoáng qua trên màn ảnh nhỏ cùng với các tin trang nhất, hoặc khi lướt web, với tốc độ truy cập rùa, ta thấy cần phải sống thêm đôi chục năm nữa để xem cú bắt bài trên của sĩ phu thời đầu đổi mới, báo ứng gì?

Lục lại trong bộ sưu tập chánh khách thế kỷ 21 thấy cũng khá xôm tụ, có mấy vị thuộc diện nếu là thời bao cấp được mua hàng ở Tôn Đản – chốn vua quan, gồm cả một vị hàm Bộ trưởng, đôi ba vị Thứ trưởng, thuộc nhóm Bộ quan trọng.

Ký ức của tôi về các vị này không giàu lắm. Hẳn vì họ cũng không mấy gây chú ý lúc hàn vi. Rồi khi đã lên to,  có vị làm bộ không nhận ra tôi (chắc cũng do tôi theo chủ nghĩa kính nhi viễn chi). Còn nếu “đụng hàng”, thì họ thường chân tình, thể hiện một tác phong không rời quần chúng, dù khả năng kéo thuốc lào như hồi kèn tiến quân nay đã lỗi mốt.

Trong các vị này, một ông bự từng được thân mẫu tôi ngợi ca “lên là đúng”.Vì (vào ‘thời một yêu anh có may ô’) vị này từng nói với bà là nước mình còn chân đất mắt toét, (phát triển) hạt nhân hạt nhiếc mà chi. (Hôm nay, đọc về một nước châu Á xứ lạnh, tứ phương kiệt nguyên liệu, nhưng vẫn cố thử vũ khí hạt nhân như chế một “cái áo giáp”, từ chỗ chê xứ ấy khen người xứ ta nhanh“đi tắt”, nay thân mẫu tôi đã dịch về thái cực đối diện).

Còn một ông khá “cốp” (nay được tổ chức cho nghỉ theo chế độ), từng cùng trong đội… bóng đá với tôi “ngày xưa”. So với các cầu thủ khác, các giảng viên và sinh viên, thường thư sinh, ông này trâu bò hơn, chen khỏe hơn. Nhưng cũng chỉ rê dắt làng nhàng thế thôi, cũng chẳng mấy ghi bàn, trong cuộc sống lại có cả những “trò”, mà thế hệ sĩ diện tràn trề thời bao cấp khó chấp nhận…

Một ông nay phẩm hàm rực rỡ, từng có một “tuổi thơ dữ dội” đối với người khác, không phải đổi với ông con trời này. Rồi ông đã biết “bình phương” cái hậu duệ của mình lên, trở thành rể hiền của một thượng quan không nổi lắm nhưng quyền lực (thời đó) thâm hậu… Ngài này quả là hiện thân cho cuộc chơi mặc áo giấy, rồi bỗng mặc cà sa.

Nhìn chung, họ cũng chẳng quá “xấu”.Về tài cán chắc chắn không thuộc hàng “sao buổi sớm”, “lá mùa thu”.Tuyhọ vẫn có thể thuộc diện “tài… tình”trongquá trình tự tời mình lên thời thị trường màu sắc này kia.

Một quá trình quan tắt hôm nay hẳn là kết hợp tài tình các phạm trù hậu duệ - quan hệ - tiền tệ, hoặc quan hệ - hậu duệ (kể cả do lấy con một sếp, hoặc thông gia với một đại diện của một đại sản nghiệp chính trị) – tiền tệ (chắc vẫn phải có tí bôi trơn), hoặc tiền tệ - hậu duệ … Ối a là đèn cù.

Kẻ sĩ chê tam giác này dù chành ra mà vẫn chật chội, bức bối.Nhưng nó có cái “hay” là dù lật ngửa, cắm xuống, hay đặt cạnh nào làm đáy, trên mặt đất, nó luôn vững vàng, tin tưởng trong những giá trị phi vật thể (?) của văn vật ngàn năm?

Nói thực là thời hàn vi, tôi đồ rằng các vị thuộc danh sách VIP mà tôi biết hôm nay cùng lắm chỉ lên được trưởng phòng, quản đốc, cùng lắm là giám đốc nhà máy (cũng không chắc lắm), mà hồi ấy chúng tôi gọi (trong nội bộ) là hàng “cán bộ phọt phẹt” (rất xin lỗi). Nay chắc nhờ tam giác vàng kia, họ đã vượt lên rất xa so với đánh giá của tôi. Thảo nào dạo đi công tác ở Hoa lục, tôi bị đồng nghiệp ở đó nhận xét, dù về đại thể là hảo à, nhưng thiếu ý thức tôn vinh thượng cấp (!)

Mạng Hồi đáp Nga (otvet@mail.ru) đặt câu hỏi: Vì sao đến hôm nay người ta vẫn miệt mài đọc “Những linh hồn chết” của nước Nga thời chiếm hữu nô lệ (tới giữa thế kỷ 19).Câu trả lời được ưa thích nhất là: (thưa) rằng hôm nay các nhân vật chính của thời kỳ nông nô mông muội tàn bạo ấy vẫn “sống”, chỉ có tính danh là “hay”, hơn so với thời của “Văn Sò”, “Thị Hến” (tạm dịch từ собакевичииноздревы), và họ vẫn đông đảo; rằng trên quan lộ thênh thênh vẫn đang thong dong những cỗ xe ngựa chở các “quan ngài, không đẹp lắm, nhưng cũng chưa đến mức kém mã, cũng chẳng quá béo, cũng chẳng gày, nom cũng chẳng già, mà cũng chẳng trẻ”.

Về chuyện tính danh hay hơn, chợt nhớ mình nhận thấy ngày một nhiều hơn quan chức (và cả trai gái “hot”) của thế kỷ 21 mang tên họ trùng tính danh của những văn hào Việt, của các nhà cách mạng, hay của các nhân vật lịch sử. Phải chăng có (những) ai đó lợi dụng cái trí nhớ hay chuyện nọ xọ chuyện kia của một số người Việt để kiếm phiếu dễ dàng khi bầu bán?

Quay lại với (danh sách VIP tôi được biết nói trên), như Gogol từng chỉ ra, họ chẳng quá “mèng” (xin lỗi), thời cơ hàn thì cơ bản là tốt (tuy cũng có anh bị xem là “xấu”, nhưng hậu duệ bự, sau lại biết lũy thừa cái vốn CCCC lên). Vấn đề là theo một ông tướng (người Việt ta) được xem là vua tên lửa (SAM 2) tổng kết, là các Văn Sò, Thị Hến càng lên thì càng… gây thất vọng (nguyên văn: càng xấu). Lý do tại sao, cụ Tướng về hưu của binh chủng công nghệ cao không giải được, chắc ta phải tìm cách kiến giải hiện tượng “rớt giá” về phẩm chất chánh trị trong một bài khác. Còn với danh sách VIP trên, xin dẫn lời một thày giáo của tôi, là “cái anh đánh xà đơn, xà kép được dăm cái lại đưa vào đội tuyển quốc gia về thể dục dụng cụ”.

Xin tóm lại, đi với ai mặc áo gì có khi chẳng quan trọng, quan trọng là áo … có túi, nơi ta dắt xèng, phòng cũng được, chữa cháy càng xuya. Vì cái thứ chuyên bị những kẻ có chữ chê bai, là cái đồng tiền, vẫn là cao đỉnh trong tam giác quan hệ - tiền tệ - hậu duệ. Đến trẻ con cũng biết rằng cứ có tiền là tra được dầu cho những bước ren quan hệ, kể cả bánh răng “chính trị” của mình cỡ hơi bé. Rằng nhiều tiền hôm nay chính là thứ “voi chín ngà, gà chín cựa”, để chắc suất phò mã, như một hình thái hậu duệ.Đồng thời, khi gặp quan, dù chỉ hàng cửu phẩm, không thấy đầu gối sụm xuống thành thế quỳ, như AQ (trong AQ chính truyện của Lỗ Tấn), dưng mà tay ta lại cứ lần về hướng cái túi (?)

Thời cuối bao cấp nảy ra câu: “Tiền là tiên là phật…”. Ta có nên liều mạng thêm: và còn là áo giáp, ngàn năm?

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558433

Hôm nay

231

Hôm qua

2384

Tuần này

21992

Tháng này

225976

Tháng qua

122920

Tất cả

114558433