Mình đang ngồi gõ bài để gửi cho một tạp chí khoa học trong nước. Bài tạp chí liên quan vấn đề CON NGƯỜI VIỆT NAM.
Mình bỗng nhớ tới chuyến đi năm 2005 đến Mỹ.
Mình đang ngồi gõ bài để gửi cho một tạp chí khoa học trong nước. Bài tạp chí liên quan vấn đề CON NGƯỜI VIỆT NAM.
Mình bỗng nhớ tới chuyến đi năm 2005 đến Mỹ.
Năm đó, tháng 3, mùa tuyết tan. Nhưng tan ở đâu thì không biết, chứ ở Boston, Massachusette thì tuyết còn dày lắm, vì vùng này là đông-bắc nước Mỹ. Gió hun hút. Bầu trời cứ bàng bạc, âm âm, u u. Lại còn cả tiếng quạ kêu nữa chứ. Nghe cứ não cả lòng. Co ro trong tuyết lạnh. Cây cối trơ xương. Tất cả cứ như đang ngủ hoặc đang bị ốm.
Nhưng, đó chỉ là bên ngoài thôi. Bên trong những tòa nhà kia là cả một khối khổng lồ tri thức nhân loại mà nhiều người mơ tới. Dòng tri thức thế giới, nhân tài nhân loại chảy về đây, kết thành những nguồn vàng ròng, óng sánh, lấp lánh, đầy quyến rũ!
Mình đến làm việc tại Trường Quản lý nhà nước Kennedy của Đại học Harvard, sau đó làm việc với Trường Quản lý nhà nước Macxell.
Đọng lại nhất trong đầu mình không phải là những điều mình nghe, mình thấy trong công việc đào tạo của hai trường này, mà lại là chuyện về con người Việt Nam, cụ thể là các cháu sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam học ở đó.
***
Mình đọc một số sách, nghe một số thầy giáo, nghe một số vị cán bộ lãnh đạo cứ hay nói là con người Việt Nam tuyệt lắm, tuyệt lắm. Nào là con người Việt Nam CẦN CÙ, con người Việt Nam THÔNG MINH, con người Việt Nam có tinh thần ĐOÀN KẾT, con người Việt Nam…Nghĩa là con người Việt Nam ở đây không phải là CON NGƯỜI VIỆT NAM XẤU XÍ như ông Vương Trí Nhàn và một số người hay viết, hay nói đâu.
Có lần, tại một cuộc tọa đàm khoa học ở cơ quan, mình đã "phản biện" khi nghe lại điệp khúc này ở một số diễn giả. Đại loại là CẦN CÙ ư? Thế người nước khác không cần cù à? THÔNG MINH ư? Thế người nước khác ngu đần chắc? ĐOÀN KẾT à? Thế người nước khác hay chia rẽ hay sao?
Phản biện đến thế, mình cho rằng, chỉ nên nói là người Việt Nam ta là người NĂNG ĐỘNG.
Nghe mình phản biện đấy nhưng không thấy ai hưởng ứng. Vấn đề rơi vào lặng im. Sau cuộc tọa đàm khoa học, mình thấy ngay cả nhận định của mình là con người Việt Nam NĂNG ĐỘNG cũng không hẳn vậy. NĂNG ĐỘNG là so với người nước nào chứ!
Cần cù, thông minh, đoàn kết, năng động thế sao nước mình bước đi cứ lẹt đẹt thế.
Sao nước mình có quá nhiều điều oái oăm thế. Bây giờ thua quá nhiều nước ngay trong khu vực ASEAN, chứ chưa nói gì so với thế giới.
Thua trên nhiều chỉ số cả kinh tế, xã hội chứ không chỉ kinh tế. Ngay cả cái năng suất lao động xã hội mà nay nhiều người cảnh báo có khi thua cả Lào và Campuchia rồi. Ông Nguyễn Tấn Dũng cứ nói là Việt Nam đang ở vị trí ASEAN 6. Sáu gì mà sáu. Có khi ASEAN 10 ấy chứ!
Ngay cả văn hóa, nhiều người trong nước la toáng lên là "Văn hóa Việt Nam đang xuống cấp nghiêm trọng". Cái này thì nguy hơn chứ không phải kinh tế kém phát triển mới là nguy đâu! Có một số nước không có bộ văn hóa mà văn hóa họ khá thế. Lạ!
***
Lan man vậy vì nếu không viết mình thấy không đặng. Giờ trở lại chủ đề mà đọng lại trong đầu mình tại nước Mỹ, tháng 3, năm 2005 ấy.
Nhiều em sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở vùng đông-bắc nước Mỹ nói với mình rằng, chúng cháu sang đây vất vả nhất là 6 tháng đầu. Hỏi tại sao. Trả lời vì chưa quen. Chưa quen nhiều thứ lắm. Thời tiết. Thức ăn. Nếp sinh hoạt. Múi giờ. Ngôn ngữ. Đặc biệt là cách học.
Gắng vượt qua 6 tháng ấy rồi thì coi như vượt được hàng rào khủng. Và, cứ thế thẳng tiến theo cái đà đang có. Vậy là, nhóm học sinh người Việt Nam vượt hẳn lên so với không ít học viên nước sở tại và lưu học sinh nước khác. Học sinh người Việt Nam, vì thế, được các thầy cô giáo ở đó và đám học sinh cùng trường nể trọng.
Mình thấy cháu nào cháu nấy người cứ gầy nhom, da xanh xao vàng vọt, cứ như bị suy dinh dưỡng. Hỏi, tại sao thế. Trả lời là có lẽ chúng cháu học nhiều quá. Hôm nay đi đây đi đó với bác là gắng lắm; chúng cháu ít được ra phố lắm, không được đi du lịch đâu. Tại sao vậy, hay là bị mất tự do. Hỏi thế chứ ai lại cấm đi picnic.
Hóa ra là bị/được thầy cô giáo bắt đọc mỗi tuần lễ đến 4-5 quyển sách dày cộp. Tóm tắt nội dung thu nhận được, trả lời những câu hỏi của thầy cô giáo rồi lại đến thư viện mượn tiếp 3-4 cuốn sách nữa theo hướng dẫn của thầy cô giáo. Cứ thế, bị cuốn vào đọc sách. Bị cuốn vào suy tư. Bị cuốn vào lập luận trong thảo luận. Rồi viết tiểu luận. Rồi vào xưởng. Rồi đến nơi thực tế lấy số liệu. Quay như chong chóng. Nghĩ suy. Suy luận. Giả định. Trả lời. Diễn thuyết.
Gầy gò, xanh xao, vàng vọt thế là phải.
Học thế để làm gì?
Hỏi gì mà ngốc thế! Học để có cái nghề chuyên sâu, giỏi giang, làm việc cho tốt. Học để làm việc, sau này trở thành chuyên gia.
Trong một buổi giao lưu. Buổi tối. Lạnh. Lưu học sinh Việt Nam Việt Nam tập trung ở Đại học Harvard. Mỗi nhóm mang tới một số món ăn. Coi như một liên hoan ẩm thực Việt Nam mỗi miền ở trong nước. Rôm rả lắm. Tuổi trẻ mà. Không diễn đàn gì. Chỉ đơn giản là gặp nhau, hàn huyên, tán gẫu, người ở trường này, lớp nọ, v.v. Có người trong nước sang. Hỏi han. Thế á, thế à…
Trong cái không khí đó, mình hỏi riêng một số cháu. Cháu thì bảo rằng, cháu học ngành quản lý bất động sản. Cháu thì bảo cháu học về quản lý thuế. Cháu thì học quản lý tài chính. Cháu thì bảo học luật quốc tế. Đa ngành nhưng thật cảm động. Đa nhưng chỉ một suy nghĩ thôi. Cảm động là cháu nào cũng bảo học xong cháu về nước để làm việc, mong đóng góp phát triển cái ngành này, nghề nọ cho đất nước.
Các cháu nói thật lòng.
Nghe mà ứa nước mắt.
Lại còn chuyện này nữa chứ. Một hôm, mình đến trường Kennedy, gặp một bà giáo đúng giờ giải lao. Bà giáo sư này có lẽ đến hơn 80 tuổi gì đó rồi thì phải. Lụ khụ lắm. Còn móm mém nữa. Nét mặt phúc hậu. Trông cứ như là một cụ già hưu trí đi tìm con cháu rồi bị lạc lối ở trường.
Trò chuyện, mình hỏi lớp bà đang dạy (8 người) có người nào Việt Nam không. Trả lời: có một cậu. À, thế a, thế a. Hỏi cậu ấy học hành thế nào. Trả lời: tôi và cả lớp vừa cho cậu ấy điểm cao tuyệt đối đấy. Lại thế a, thế a. Giỏi thế, giỏi thế. Thế cậu ấy làm về vấn đề gì mà điểm cao thế. Đây là lớp về luật quốc tế.
Cậu này làm bài luận về tôm Việt Nam vào Mỹ trong đó có việc chống bán phá giá. Hỏi, thế bà có đồng ý quan điểm của cậu ấy không. Trả lời là tôi không quan tâm đến quan điểm, mà tôi quan tâm đến lập luận của cậu ấy. Không chỉ tôi mà tôi bắt cả lớp phân tích, thảo luận, đánh giá. Cả lớp đều nhất trí cho điểm cao nhất.
Nghe mà sướng!
Các cháu, vâng, tất cả đều nặng lòng với đất nước Việt Nam yêu quý!
***
Giờ này, các cháu buổi tối tháng 3, năm 2005 đó ở vùng đông-bắc nước Mỹ xa xôi ấy, giờ đang ở nơi nao?
Có về với Tổ quốc không?
Đã trở thành chuyên gia được chưa?
Hay là lại bị chôn vùi trong mưu sinh?
Hay bị sự vùi dập của cơ chế?
Thôi, ở đâu cũng được mà!
Miễn là hướng về Tổ quốc.
Vẫn đau đáu nỗi lòng khôn nguôi mong nước nhà hùng cường.
.
HÀ NỘI
Những ngày này, tháng 3, 2016. Trời cũng âm u. Mù mù. Lành lạnh. Rờn rợn. Con đường trước nhà mình ầm ào. Một cánh chim đang chao. Nó lẻ loi quá!
.
Ngày 17-3-2016
231
2384
21992
225976
122920
114558433