Một thế giới đầy rẫy sợ hãi
Chắc chắn tôi không phải là người duy nhất cảm thấy điều này và vì vậy hẳn cũng không cần chứng minh quá nhiều cho kết luận trên. Thay vào đó, bằng ngôn ngữ, tôi sẽ phác họa , trong khả năng của mình, một bức tranh với đầy đủ diện mạo của nỗi sợ đang tồn tại trong cuộc sống của chúng ta từ quy mô toàn cầu đến cá nhân, từ xa xôi đến gần gũi nhất.
Một trong những nỗi sợ mà nhân loại đang đối diện là khủng bố. Bóng ma ấy đang hiện diện và bao trùm khắp nơi, tạo nên một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Sau Paris, châu Âu lại rúng động bởi những vụ đánh bom liên tiếp ở Bỉ ngày 22/3. Ngày 25/3, IS tấn công vào một sân vận động phía nam Baghdah khiến hàng trăm người chết và thương vong. Tổ chức khủng bố này còn đe dọa sẽ tái diễn vụ 11/9 ở Mỹ khiến người dân không khỏi hoang mang. Có vẻ như sau những đợt không kích, sau những chiến dịch chống khủng bố của Hoa Kỳ và các nước phương Tây, lực lượng này chưa có dấu hiệu sợ hãi hay lùi bước và chúng sẵn sàng làm bất cứ điều gì dù man rợ, điên rồ nhất.
Nỗi sợ hãi được vẽ lên bằng gam màu xám, đen của bom đạn và màu đỏ của máu ấy còn có hình ảnh của người dân trong những vùng chiến tranh, xung đột ở Trung Đông; của những vụ xả súng vào trường học Mỹ và còn ở nhiều nơi khác nữa.
Một hệ lụy đến từ xung đột, chiến tranh là tình trạng người dân buộc phải rời bỏ quê hương của mình để tìm kiếm nơi có thể sống tốt đẹp hơn. Những dòng người di cư ồ ạt từ Trung Đông, Bắc Phi lại gieo rắc nỗi sợ hãi lên Liên minh châu Âu. Làn sóng ấy đe dọa đánh gục một cộng đồng châu Âu thịnh vượng dựa trên tôn chỉ thống nhất trong đa dạng mà họ đã kỳ công xây dựng lâu nay.
Bất ổn chính trị tạo ra vô vàn nỗi sợ hãi và cuốn các quốc gia vào những cuộc chơi không hồi kết để rồi lắm khi chúng ta quên đi còn có nguy cơ đáng sợ không kém đến từ thiên nhiên, dịch bệnh. Nói một cách học thuật, đó là những nguy cơ an ninh phi truyền thống. Hiện nay, nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề mà Trung Quốc là minh chứng rõ nét nhất. Thiên tai cũng ngày một khó lường và có sức tàn phá kinh khủng. Ở Việt Nam, sau đợt rét kỷ lục và xuất hiện băng tuyết trên diện rộng, chúng ta đang chứng kiến đợt hán hán và nguy cơ thiếu nước trầm trọng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; tình trạng nhiễm mặn và thu hẹp diện tích đất trồng trọt. Và trước mắt là nỗi lo sợ của mùa mưa bão.
Hàng năm, nhân loại cũng phải đối mặt với nỗi sợ đến từ các dịch bệnh. Bên cạnh đó, mỗi ngày, mỗi giờ trôi qua chúng ta lại chứng kiến bao nhiêu người qua đời vì bệnh tật. Nỗi ám ảnh lớn hiện nay có lẽ là ung thư. Căn bệnh xuất hiện ngày một nhiều, cướp đi sinh mạng của con người ở mọi lứa tuổi. Tâm lý sợ ung thư và các thực phẩm có khả năng gây ra ung thư cũng khiến người dân không khỏi hoang mang. Giờ đây thức ăn, rau, quả, đồ chơi, sữa, nước,…đều có thể chứa chất gây ung thư.
Có lẽ đã đến lúc đưa vào bức tranh những chi tiết nhỏ hơn, những nỗi sợ tồn tại trong xã hội Việt Nam hiện nay. Người Việt may mắn đang được sống trong môi trường hòa bình, không có nỗi sợ bom đạn song lại có vô vàn nỗi sợ khác: tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm,…Đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh đến tâm lý sợ các hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và sợ đấu tranh.
Có lẽ không ít người Việt rơi vào trạng thái hoang mang khi chọn mua hàng bởi lẽ không dám chắc về nguồn gốc xuất xứ. Ai cũng được cảnh báo những độc hại của hàng hóa Trung Quốc song lại khó có thể biết chắc mặt hàng mình đang mua có phải của Trung Quốc hay không. Cứ thế tâm lý lo sợ, hoang mang, sự mất niềm tin và cảnh giác trở nên tràn lan.
Một bộ phận người Việt còn sợ đấu tranh với tiêu cực, sợ nói lên tiếng nói của chính nghĩa. Họ không dám lên tiếng vì sợ tổn hại lợi ích cá nhân. Nhà báo vì sợ mà viết sai sự thật, người dân vì sợ mà chịu đựng rồi bất mãn, cán bộ sợ mất chức mà im lặng đồng lõa với cái xấu,..v..v. Dường như nỗi sợ đã vây bủa lên tâm lý của mỗi một cá nhân để rồi như một phản ứng tự nhiên: hoặc người ta rút lui, im lặng, lẩn trốn; hoặc trở nên hoang mang, phản ứng không có phương hướng.
Tôi không phải là một họa sỹ tài tình, không phải là kẻ phù thủy ngôn ngữ để giúp người đọc hình dung được rõ nét chân dung nỗi sợ hãi đang ngự trị trên thế giới và trong mỗi cá nhân. Những điều tôi liệt kê trên đây chắc chắn còn chưa đủ song hẳn cũng khiến ta cảm thấy “sợ”?! Quan trọng hơn, mục đích của tôi ở bài viết này không phải là liệt kê để hù dọa, để góp thêm một nỗi sợ vào thế giới vốn đang đầy rẫy sợ hãi này mà tôi muốn nhận diện để vượt qua.
Nhận diện không phải để sợ hãi!
Những bài học về nguy cơ là rất đúng. Bước ra khỏi cánh cửa êm ấm của gia đình, mỗi cá nhân phải đối mặt với vô vàn nguy cơ khác nhau. Tuy nhiên chúng ta được dạy nhận diện để đối mặt chứ không phải để sợ hãi. Mục đích của chủ nghĩa khủng bố là gì nếu không phải là gieo rắc sợ hãi và tìm kiếm sức mạnh, quyền lực từ trên những nỗi sợ hãi ấy? Mahatma Gandhi từng nói: “Quyền lực có hai dạng. Một sinh ra từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt và một sinh ra từ những hành động yêu thương. Quyền lực dựa trên tình yêu hàng nghìn lần hiệu quả và lâu dài hơn quyền lực dựa trên sợ hãi.” Nếu chúng ta sợ nghĩa là ta đã tạo cơ hội cho khủng bố chiến thắng. Tương tự trước tất cả mọi tiêu cực, cái ác, cái xấu tồn tại trong xã hội, nếu ta sợ hãi và đầu hàng là ta đang tiếp thêm sức mạnh cho chúng lớn dậy. Vì thế,việc liên kết, xây dựng những giá trị chung tốt đẹp là lựa chọn không thể khác giữa các quốc gia, các cộng đồng để vượt qua nỗi sợ hãi, đảm bảo sự phát triển bền vững, để tạo ra “quyền lực từ tình yêu thương”.
Những liên minh chống khủng bố ra đời, những dòng người xuống đường biểu tình sau vụ khủng bố ở Paris là minh chứng cho việc liên kết, vượt qua sợ hãi. Trong những vấn đề có tính toàn cầu như hiện nay, một quốc gia đơn lẻ không thể nào giải quyết mà đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ. Những diễn đàn đa phương, những tổ chức quốc tế và khu vực cho chúng ta niềm tin vào sức mạnh của hợp tác.
Hay trước một Trung Quốc trỗi dậy, bành trướng bất chấp luật pháp quốc tế, các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những quốc gia trực tiếp có tranh chấp như Việt Nam không được phép sợ hãi. Bằng chính nghĩa, chúng ta phải đấu tranh đến cùng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Philippines đã đưa vấn đề biển Đông ra tòa án Quốc tế. Hành động đó là thông điệp gửi đến một Trung Quốc ngang ngược rằng: họ không sợ hãi!
Bên cạnh kiên quyết đấu tranh với Trung Quốc ở biển Đông, chúng ta còn đối mặt với cuộc chiến chống hàng kém chất lượng, độc hại từ Trung Quốc. Tôi muốn thấy sự mạnh mẽ, kiên quyết của chính quyền, của người buôn bán và người mua trước hàng kém chất lượng chứ không phải là nỗi hoang mang tràn lan như hiện nay. Chúng ta đang rơi vào nỗi sợ và ám ảnh mang tên hàng Trung Quốc để rồi không dám ăn, không dám uống, không dám mặc,…Nếu chúng ta tiếp tục hoang mang, sợ hãi thì bằng cách nào đó họ đã chiến thắng.
Đặc biệt, với những tiêu cực trong xã hội, chúng ta không được phép im lặng, sợ hãi. Nếu muốn thay đổi và có cuộc sống tốt đẹp hơn thì im lặng trước cái xấu, cái ác không bao giờ là lựa chọn đúng.
Cho dù hợp tác, bản chất của nó là dựa trên lợi ích và nó luôn là một tảng băng với 1 phần nổi còn rất nhiều phần chìm, nhưng trước thế giới đầy rẫy nguy cơ như hiện nay đó là lựa chọn không thể khác. Không có chỗ cho những “con sói cô độc”, không có chỗ cho những cá thể đơn phương hành động trong thế giới này. Và để chống lại tất cả những nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia, con người đó, không có chỗ cho sự sợ hãi.