Cuộc sống quanh ta

Trung thực

Trung thực với chính mình, với người khác, với xã hội. Đó là một câu chuyện quá cũ nhưng lại luôn có sức nóng bởi dường như càng ngày sự trung thực càng trở nên hiếm hoi hơn, ít được tôn trọng hơn. Suy cho cùng, bao căn bệnh tồn tại trong xã hội hiện nay cũng bởi thiếu trung thực mà ra: tham ô, tham nhũng, chạy chức chạy quyền, gian lận thi cử, những công trình kém chất lượng vừa xây đã hỏng,…Thậm chí, những cuộc thi mang tính giải trí trên truyền hình cũng được người ta phanh phui là sắp xếp, là không trung thưc. Sự thật bị bóp méo, con người quen với việc sắm cho mình thật nhiều những chiếc mặt nạ để thay đổi theo từng vai diễn. Sẽ là rất nguy hại nếu điều này tiếp tục tiếp diễn, phát triển. Sẽ là rất nguy hại nếu thế hệ trẻ hôm nay bị tiêm nhiễm tư duy đó, quen với những điều giả tạo đó.Chính vì thế, nhất thiết chúng ta phải thức dậy trong các bạn trẻ lòng trung thực, để họ hiểu tầm quan trọng của nó trong cuộc sống và gắng giữ gìn. Khi đặt những câu hỏi xung quanh nhận thức về sự trung thực, BBT không mong các bạn trả lời chính xác như sách vở mà mong được thấy nhiều góc nhìn và trên hết, để thêm một lần họ tự soi vào chính mình và nhận thức lại mình.

Hãy tiếp tục chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của các bạn xung quanh chủ đề này. Mọi ý kiến xin gửi về Email: trangdoanphan1412@gmail.comhoặc FB: Diễn Đàn Trẻ - Tạp chí Văn hoá Nghệ An. Trân trọng!

Nguyễn Minh Tuấn – Thiết kế đồ hoạ – Hà Nội

Theo tôi, người trung thực phải là người tôn trọng sự thật, tôn trọng giá trị gốc rễ và không bóp méo chúng.Người trung thực thường đấu tranh cho lẽ phải, chống bất công.Tuy nhiên, trung thực không có nghĩa phải công khai tất cả mọi chuyện và nói dối không phải lúc nào cũng xấu. Mỗi người có nhiều loại quan hệ khác nhau, tính trung thực bị giới hạn bởi phạm vi của mỗi cá nhân với môi trường họ tiếp xúc. Quan niệm về trung thực, theo tôi, có sự thay đổi theo thời gian, lứa tuổi,…song dù thế nào đi nữa, đó  là một đức tính vô cùng quan trọng vì nó là nền tảng của sự phát triển. Bằng chứng là để tăng trưởng bền vững thì mọi quốc gia đều phải dựa trên số liệu có thật. Chúng ta có thể thấy ở các nước phát triển thì tình trạng tham nhũng, lừa đảo, hay thành tích ảo cũng ít hơn hẳn. Đáng tiếc hiện nay tính trung thực không được đề cao.Trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực xã hội của chúng ta đều có dính dáng đến bệnh thành tích, nhận phong bì, đưa hội lộ. Vì sao sự giả dối có điều kiện lên ngôi? Xét về mặt chủ quan, dối trá, thiếu trung thực là một tính xấu, một điểm yếu của người Việt. Điều này dẫn đến một chuỗi các hệ quả theo sau như sự trì trệ về tư duy, tính tự phụ, giấu dốt và kiêu ngạo, v.v… mà hậu quả trực tiếp chính là chất lượng cuộc sống vẫn thấp và khả năng phát triển con người bị hạn chế. Về mặt khách quan, là một nước đang phát triển với nhiều khó khăn,trong những điều kiện phức tạp, nhiều áp lực, chúng ta thường chọn giải pháp an toàn, né tránh xung đột, không đấu tranh hoặc làm ngơ. Vô tình cách hành xử này trở thành điều kiện để những tính xấu, thói quen xấu bị duy trì và ít có cơ hội sửa chữa.Tôi rất tâm đắc một câu của Henry Fredrich Amiel rằng: "Sự thật không chỉ bị dối trá xâm hại; nó còn bị xúc phạm bởi sự câm lặng". Chính vì thế, để giữ sự trung thực, để đấu tranh, bảo vệ cho sự thật, chúng ta không được phép/không nên im lặng trước những điều sai trái.Chừng nào chúng ta còn làm ngơ, còn im lặng, chừng đó sự thật còn bị che giấu và giả dối sẽ lên ngôi.

Trần Thị Diệp – Nhân viên kinh doanh – Hà Nội

Tôi nghĩ trung thực là nghĩ sao nói vậy.Hành động và suy nghĩ phải nhất quán với nhau. Tôi từng nhớ đã đọc ở đâu đó rằng bên Mỹ người ta nghiên cứu được những người trung thực là những người hay chửi thề. Ngược lại những người hay trau chuốt câu nói thì thường là nói dối. Phải chăng đó cũng là một dấu hiệu để ta nhận biết người trung thực?!(Cười)Không bàn cãi gì nữa, trung thực là một đức tính quan trọng. Ít nhất là nó quan trọng đối với chính bản thân mình. Chúng ta phải thành thật đối với chính bản thân mình.Tuy nhiên, kỳ lạ thay, sự trung thực trong xã hội lại đang mất dần. Con người càng ngày càng trở nên thiếu trung thực hơn. Trẻ con cũng bị ảnh hưởng bởi những câu nói dối và cứ thế thành một thói quen. Chính vì thế, muốn cho con trẻ mình trung thực thì trước hết người lớn, bố mẹ, thầy cô phải làm gương cho giới trẻ; phải dũng cảm nhận khuyết điểm và dũng cảm đối mặt với sự thật.

Nguyên Vũ – Cử nhân kinh tế - Tp Vinh, Nghệ An.

Trong quan niệm của tôi, trung thực là trước sau như một. Người trung thực là người trước sau như một.Trung thực không có sự biến đổi về nội hàm nên không có sự chuyển biến theo thời gian. Nó là một đức tính quan trọng vì nó là nền tảng đạo đức cho mọi mối quan hệ xã hội. Kết quả của trung thực là niềm tin.Không có trung thực, không có niềm tin thì mất tất cả.Thật tiếc khi sự trung thực đang dần bị xói mòn trong xã hội chúng ta. Trong nhà trường, chúng ta cũng giáo dục về điều này song không hiệu quả. Có lẽ muốn trẻ con trung thực thì trước hết người lớn phải trung thực đã. Để tính trung thực được vẹn nghĩa có lẽ chúng ta phải cùng nhau làm một cuộc cách mạng xã hội toàn diện để bảo vệ, tôn vinh và nâng cao các giá trị đạo đức. Tất nhiên, văn hóa phải đi đầu.

Trịnh Sơn – Kiến trúc sư – Bà Rịa - Vũng Tàu

Tôi rất tiếc không thể trả lời hết những câu hỏi đặt ra vì tôi cho rằng đó là những câu rất sách vở và nếu phải trả lời, tôi cần ít nhất 2500 từ mới thể hiện được ý tứ. Điều tôi quan tâm, muốn nhấn mạnh ở đây là làm gì để giữ tính trung thực.Tôi nghĩ, trong xã hội ta hiện nay, muốn có trung thực, muốn đề cao tính trung thực, việc đầu tiên cần làm là phá tan tất cả những thứ giả dối đã thành đền đài thần tượng. Bàn về trung thực, có khi phải hỏi cái micro đang đặt trước miệng người phát biểu, vì chỉ có nó mới biết âm thanh phát ra là của nó có sẵn hay của ai. Giả dối đang lên ngôi, chính xác là ngự trị. Không phải trên một chiếc ghế chạm rồng khắc phụng, mà trong ý thức của mỗi công dân. Nhưng, tôi thấy người ta hay đánh đồng thiếu/không trung thực với giả dối. Thực ra, hai giá trị tưởng như ngược nhau là trung thực và giả dối không hề mâu thuẫn, vì chúng như hai mặt của 1 lá bài. Như cái công tắc tích hợp ON/OFF thường thấy ở các dụng cụ thiết bị điện tử ngày nay - cùng 1 nút, nhấn vào là MỞ, nhấn nữa là TẮT, nhấn nữa lại MỞ. Xã hội hiện đại kéo theo nhiều hệ quy chiếu xuất hiện, đối lập hoặc tương tự, nhưng dù đối lập hay tương tự thì vẫn luôn xen kẽ, đồng hành tồn tại. Trung thực cộng sinh giả dối, tính nào cũng có vẻ đẹp và xấu xí riêng, nhưng không thể so sánh giá trị nhánh tầm gửi và cây khế với nhau được, trái khế để làm đầy túi ba gang còn lá tầm gửi giúp hoa khế dễ thụ phấn hơn (theo 1 bài báo của Science). Lý Thông và Thạch Sanh, ai trung thực?Trung thực với trời đất, với nhân dân, với vua, và với chính mình?

Hoàng Bạch Diệp –Giáo viên - Quảng Trị.

Tôi luôn quan niệm rằng trung thực là sống ngay thẳng, thật thà, không dối trá, lươn lẹo, lừa lọc. Người trung thực luôn tạo dựng được niềm tin đối với người khác, khiến mọi người muốn hợp tác, làm việc. Bất cứ vị trí nào ở ngành nghề nào cũng cần những người trung thực. Hiện nay, tôi thấy xã hội đang thiếu điều đó. Con người sống và làm việc thiếu niềm tin, thiếu sự hợp tác với nhau. Người ta sẵn sàng vì lợi ích mà nhận đảm đương những việc không đúng với khả năng của mình hoặc khai man thành tích để đạt được vị trí mong muốn. Điều đó dẫn đến những hệ luỵ rất lớn. Là một giáo viên dạy văn, tôi luôn trăn trở dạy cho học sinh mình những điều tốt đẹp và hướng các em đến các giá trị thực, trong đó quan trọng hàng đầu là trung thực. Để làm được điều đó, bản thân tôi tự nhắc nhở mình phải là người trung thực. Điều này không hề dễ dàng bởi đôi khi bản thân sẽ bị tác động rất nhiều từ bên ngoài, từ áp lực cuộc sống, kinh tế,…Tuy nhiên khó nhưng không phải là không làm được. Tôi hy vọng không chỉ riêng tôi mà mỗi người, đặc biệt là các giáo viên sẽ luôn tự nhắc nhở mình giữ cho được sự trung thực.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441744

Hôm nay

2144

Hôm qua

2317

Tuần này

21648

Tháng này

216918

Tháng qua

112676

Tất cả

114441744