Cuộc thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 1-11 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 đã trở thành cuộc “truy” trách nhiệm thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề thua lỗ của Vinashin.
"Vinashin thực sự đã sụp đổ mặc dù chúng ta dùng những từ ngữ tu từ nhẹ nhàng để diễn đạt. Nói cách gì đi nữa thì thực sự Vinashin cũng đã sụp đổ. Vinashin sụp đổ vì thua lỗ khoảng 100.000 tỷ đồng, sồ tiền này người dân phải gánh chịu. Một phần trong số này lẽ ra chúng ta đã xây dựng được những con đường cho người dân miền núi. Ngoài lãnh đạo Vinashin thì ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này?".
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã mở đầu vấn đề Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) như vậy.
Ông Lê Văn Cuông cũng tán thành ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Quốc hội lập ủy ban lâm thời nhằm điều tra chấn chỉnh kịp thời những yếu kém của các tập đoàn khác.
Các đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam), Phạm Thị Loan (Hà Nội) cũng nhấn mạnh về vấn đề thua lỗ của tập đoàn Vinashin. Bà Loan đặt vấn đề việc không tuân thủ pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng như Vinashin, trách nhiệm thuộc về ai. Những người làm sai nên có lời xin lỗi với nhân dân và nên có văn hóa từ chức.
Buổi chiều 1-11, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trình bày về việc tại sao qua 11 lần thanh tra nhưng không phát hiện sai phạm cho đến khi Ủy ban kiểm tra của Quốc hội vào cuộc. Theo ông Truyền, 11 lần thanh tra là số lượng các lần thanh tra giám sát của nhiều cơ quan khác nhau từ năm 2006 đến 2010. Tuy nhiên, pháp luật hiện chưa quy định cơ quan nào chịu trách nhiệm thanh tra toàn diện. Đó là một phần do lỗi cơ chế.
"Chúng ta chưa phân định trách nhiệm rõ ràng. Các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ tài chính, Bộ xây dựng... cùng có chức năng thanh tra từng khâu ở Vinashin, khó có cơ quan nào tiến hành thanh tra ngay từ đầu... Về vấn đề Vinashin, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét chỉ đạo nhiều lần về mua sắm nhưng lãnh đạo Vinashin không khắc phục và chưa có cơ chế chế tài", ông Truyền nói.
Từ giữa năm 2008, Thanh tra Chính phủ đã có đề xuất thanh tra nhưng cùng lúc đó có 2 cuộc thanh tra của Bộ Tài chính tại đơn vị này nên Thanh tra Chính phủ hoãn lại. Năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã được phê duyệt để thanh tra toàn bộ Vinashin và các tập đoàn kinh tế nhà nước nhưng khủng hoảng xảy ra, Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoãn lại. Năm 2010, Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra lần 3, nhưng vào tháng 1-2010 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện dấu hiệu sai phạm ở tập đoàn này.
Như vậy, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch 3 lần nhưng chưa có cuộc thanh tra toàn diện, kịp thời. Điều này, một phần là do cơ chế chồng lấn nhau, chờ đợi nhau và trong công tác điều hành còn nhiều khiếm khuyết.
Nói về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, cho rằng Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện chủ sở hữu của nhà nước tại tập đoàn, trong đó Bộ Giao thông Vận tải cho rằng về mặt quản lý ngành thì Vinashin thực hiện tương đối rõ ràng về lĩnh vực hàng hải biển, đã đúng pháp luật, phù hợp với quốc tế. Tuy nhiên, đối với chức năng đại diện phần vốn nhà nước được phân công thì đã có những khó khăn lúng túng.
Theo cơ chế, Bộ phải báo cáo với Chính phủ khi tập đoàn trình Chính phủ những nội dung liên quan đến các vấn đề như: mục tiêu, điều lệ, cơ cấu, nhân sự của tập đoàn Vinashin... Do đó, với những nội dung liên quan nêu trên, Bộ không có quyền quyết định, mà quyết định chính thuộc về Chính phủ. Bộ chỉ quản lý ngành đối với tập đoàn chứ không có nhiệm vụ như Bộ một chủ quản.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã cùng các Bộ khác giám sát đầu tư tập đoàn. Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Bộ đã làm rất rõ nội dung thứ nhất khi tập đoàn trình Chính phủ. Còn nội dung giám sát đầu tư, Bộ hoàn toàn không phát hiện được những thất thoát. "Chúng tôi thấy nhiều lúng túng trong thực hiện chức năng giám sát ở Vinashin", Bộ trưởng Hồ nghĩa Dũng kết luận.
Phát biểu về vấn đề đồng bộ trong quy hoạch, xây dựng, quy hoạch cầu và đường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng nói: Chúng ta đồng bộ trong quy hoạch nhưng trong trong thực tiễn, do có nhiều nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu chính phủ..., chúng ta sử dụng những dự án từ các nhà tài trợ, có những nguồn tài trợ cho cầu chứ không tài trợ cho đường, nên phải chờ nguồn vốn khác. Ví dụ cầu Nhật Tân và đường Nhật Tân, cầu Nhật Tân đã xây xong nhưng đường chưa triển khai được vì vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Tại buổi thảo luận sáng 1-11, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) kiến nghị việc thiếu quy hoạch các dự án ximăng - thép để các dự án ra đời ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu. Cần công khai minh bạch các quy hoạch để địa phương và nhân dân giám sát. Đề nghị Chính phủ tăng cường thanh tra, giám sát các "quy hoạch thiểu năng"
Cùng vấn đề trên, đại biểu Lê Văn Cuông gay gắt hơn: Việc để thiếu điện nhiều năm liên tục, ai là người chịu trách nhiệm?
Trao đổi tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng để khắc phục tình trạng thiếu điện, giải pháp quyết liệt nhất là đẩy mạnh xây dựng nhà máy điện theo Tổng sơ đồ VI được xây dựng cho giai đoạn 2006 - 2015 có xét triển vọng đến 2025. Thời gian qua đã đưa một số nhà máy nhiệt điện chạy than vào hoạt động. Đầu năm 2011 sẽ đưa vào hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét đề án tái cơ cấu ngành điện vào cuối 2010.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: đến năm 2011-2012 phải đảm bảo đủ điện thiết yếu cho nông dân. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục xây dựng đề án điều chỉnh giá điện thị trường đảm bảo nguyên tắc hộ nghèo sẽ được hỗ trợ thông qua hình thức trực tiếp và gián tiếp của nhà nước. Bên cạnh đó là việc vận động người dân tiết kiệm điện.
Về vấn đề quy hoạch ngành thép hiện nay, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận đúng là có tình trạng một số dự án thép nằm ngoài quy hoạch. Quy hoạch thép phải là quy hoạch cứng. Vì thế, các dự án nằm trong quy hoạch mới được thông qua. Các dự án lạc hậu phải kiên quyết chấm dứt hoạt động.
Tăng cường kiểm tra, giám sát ở các địa phương. Hạn chế các dự án thép sản phẩm mà cần tập trung dự án sản xuất phôi thép, chẳng hạn như các dự án thép Vũng Áng, Thái Nguyên, Lào Cai. Quy hoạch ngành thép phải tập trung vào thép chế tạo và hạn chế dự án thép xây dựng.
Về nhập siêu, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, dự báo năm 2010 kim ngạch nhập siêu đạt 13,5 tỷ USD theo theo số liệu thống kê của Hải quan cho thấy tình hình nhập siêu trong 10 tháng qua giảm lại và có thể cuối năm chỉ đạt con số 12 tỷ USD.
Liên quan đến việc quy hoạch ngành xi măng hiện nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết theo dự báo mỗi năm nước ta tăng thêm 4,5 đến 5 triệu tấn ximăng. Trong năm 2010 cả nước tiêu thụ khoảng 51 triệu tấn, dự báo đến cuối năm nay đạt 56 triệu tấn. Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch ngành ximăng theo hướng bình ổn thị trường.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh tăng cung nhưng hạn chế nhập khẩu clinker. Tăng cường kiểm soát gắn kinh tế xã hội từng vùng để đảm bảo sản xuất ximăng có hiệu quả, điều tiết giữa vùng nguyên liệu và vùng sản xuất để cung phù hợp với cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, trong những năm tới, nước ta thừa khoảng 2 triệu tấn/năm. Do đó, Bộ cũng đã tính đến việc xây dựng các nhà máy sản xuất gạch không nung thay thế cho các nhà máy gạch, ngói đất sét nung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nguồn: TTO