Góc nhìn văn hóa
Thái độ, quan điểm của các nước Đông Nam Á về cuộc chiến tranh Trung - Việt năm 1979

Ngày 17-2-1979, Trung Quốc chính thức tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam - một cuộc chiến mà Trung Quốc gọi dưới cái tên “tự vệ”, “phản kích”, “trừng phạt”. Cuộc chiến tranh mà Trung Quốc gây ra không chỉ tổn hại đến quan hệ Việt - Trung, mà còn tác động, ảnh hưởng đến an ninh khu vực, mà trực tiếp là ở Đông Nam Á, khiến các quốc gia hết sức lo ngại. Trước hành động đó của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đã lên tiếng, thể hiện thái độ, quan điểm của mình.
1. Thái độ của các nước Đông Dương
Trên bán đảo Đông Dương, Việt Nam có hai quốc gia láng giềng là Lào và Campuchia. Ba nước vốn có quan hệ gần gũi, gắn bó với nhau, có mối liên hệ vǎn hoá - lịch sử lâu đời. Ba nước đều có chung một yêu cầu đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như đối với mỗi nước. Vì thế, cuộc chiến tranh của Trung Quốc đối với Việt Nam, ở những mức độ khác nhau, tất yếu ảnh hưởng đến Lào và Campuchia
Là quốc gia vốn có mối quan hệ truyền thống khá gắn bó với Việt Nam, ngày 18-2-1979, Chính phủ CHDCND Lào ra Tuyên bố “rất lấy làm lo ngại” trước việc “ngày 17-2-1979, phía Trung Quốc đã dùng nhiều sư đoàn bộ binh, thiết giáp, pháo binh có máy bay phối hợp, mở cuộc tiến công quy mô lớn vào khu vực biên giới phía Bắc của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”[1]. Chính phủ Lào cho rằng, hành động đó của Trung Quốc là “đi ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc cũng như của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đồng thời phá hoại tình hữu nghị và đoàn kết lâu đời giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc”[2]. Chính phủ CHDCND Lào kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam kiềm chế, “giải quyết vấn đề bằng thương lượng hòa bình, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc”[3]. Bản Tuyên bố nhấn mạnh: Để tạo điều kiện thương lượng giữa hai bên, “các đơn vị quân đội phía Trung Quốc phải rút ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để tình hình ở khu vực biên giới hai nước trở lại ổn định, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”[4].
Ngày 19-2-1979, tiếp ông Nguyễn Xuân - Đại sứ của Việt Nam tại Lào, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Kaysone Phomvihane nêu quan điểm: “Mọi vấn đề liên quan giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam phải được giải quyết bằng phương pháp hòa bình”[5]. Khẳng định “nhân dân Lào hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”[6], Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane cho rằng, “Trung Quốc phải chấm dứt mọi cuộc tiến công quân sự vào lãnh thổ Việt Nam, rút hết mọi lực lượng quân sự của họ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”[7]. Tiếp đó, ngày 21-2-1979, Mặt trận Xây dựng Tổ quốc Lào ra Tuyên bố bày tỏ sự lo ngại trước việc “phía Trung Quốc đã mở cuộc tiến công quân sự quy mô lớn vào lãnh thổ phía Bắc của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”[8], khẳng định “việc phía Việt Nam buộc phải đánh trả vì độc lập tự do chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình là hành động rất chính nghĩa”[9]. Mặt trận Xây dựng Tổ quốc Lào kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình; đồng thời, nêu cao tinh thần đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Nghiên cứu các động thái của Lào, có thể thấy rằng, trong Tuyên bố sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam lời lẽ của Viêng Chăn khá mềm dẻo, “đã không hề nặng lời chỉ trích Trung Quốc”[10] như đại đa số các nước XHCN đã làm vào thời điểm đó. Người Lào chủ yếu dùng các từ ngữ nhẹ nhàng để bày tỏ thái độ về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam như “rất lo ngại”; “rất lấy làm tiếc”… Lào cũng không gọi đó là “cuộc chiến tranh xâm lược” mà chỉ coi đó là “cuộc tiến công quy mô lớn”; “cuộc tiến công quân sự vào lãnh thổ Việt Nam”; “cuộc tiến công quân sự quy mô lớn vào lãnh thổ Việt Nam”….(đồng nghĩa với việc hạ thấp cấp độ từ chiến tranh xuống xung đột). Cũng chỉ có Chính phủ Lào và Mặt trận Xây dựng Tổ quốc Lào ra Tuyên bố, còn các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội khác thì hoàn toàn im lặng. Thêm nữa, trong khi ở đa số các nước XHCN dấy lên một phong trào lên án Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam với các cuộc mittinh, biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Trung Quốc, quyên góp vật chất cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam…., thì ở Lào tình hình khá im ắng. Không nhận thấy trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào đưa tin về những hoạt động tương tự.
Sở dĩ có lập trường tương đối trung lập đối với cuộc chiến tranh Trung - Việt là bởi Lào được hưởng lợi khá nhiều từ viện trợ của Trung Quốc - số viện trợ đó chiếm một tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế của Lào, một nền kinh tế mà viện trợ nước ngoài chiếm tới 70% ngân sách quốc gia[11]. Cũng cần nói thêm rằng, dù sau đó không lâu, Chính phủ Lào có yêu cầu đội làm đường của Trung Quốc rút khỏi Lào và từ chối các viện trợ khác của Trung Quốc[12], song thái độ cũng rất mềm dẻo. Trong công hàm gửi Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào đã giải thích lý do đề nghị Trung Quốc ngừng việc rải đường ở Bắc Lào là chỉ là “do tình hình phức tạp ở khu vực đó có thể không đảm bảo an toàn được cho công nhân Trung Quốc”[13]. Dù vậy, Trung Quốc vẫn đáp trả, tăng cường quân đội dọc biên giới với Lào, tung gián điệp, biệt kích vào sâu trọng nội địa Lào, hỗ trợ vũ khí cho các bộ lạc Mẹo, kích động các thành phần cực đoan nổi dậy chống Chính phủ[14]. Tình hình dọc biên giới Trung Quốc - Lào căng thẳng đến mức, ngày 6-3-1979, Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Nhân dân Tối cao Lào phải họp phiên liên tịch khẩn cấp, nhằm đề ra những biện pháp cấp bách ứng phó với tình hình[15].
Vào thời điểm Trung Quốc tấn công Việt Nam, dưới sự trợ giúp của Hà Nội, CHND Campuchia vừa ra đời chưa được bao lâu. Ngày 18-02-1979, Việt Nam và Campuchia đã ký kết “Hiệp định hòa bình, hữu nghị và hợp tác” có giá trị trong 25 năm, gồm chín điều, nêu ra các nguyên tắc tổng thể trong quan hệ Việt Nam - Campuchia và trách nhiệm mỗi bên trong việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Khẳng định “hai bên cam kết hết lòng và ủng hộ lẫn nhau về mọi mặt và bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công việc lao động hòa bình của nhân dân mỗi nước”[16], Hiệp ước cho thấy sự gắn bó hết sức chặt chẽ giữa hai Nhà nước. Với quan hệ khăng khít đó, Chính phủ Campuchia đã lập tức thể hiện thái độ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc. Ngày 18-02-1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia lên tiếng phê phán Trung Quốc, gọi cuộc tấn công Việt Nam “là hành động tiếp tục thực hiện chính sách của bọn phong kiến Trung Quốc và đế quốc thực đối với nhân dân Việt Nam, nhằm thực hiện âm mưu bá quyền của chúng ở Đông Dương, Đông Nam Á và trên thế giới”[17]. Ngày 18-02-1979, tại Phnom Penh, trong một cuộc mitinh, Chủ tịch Heng Samrin khẳng định: “Sẽ nguyện đem hết sức mình cùng nhân dân Việt Nam chống bọn bành trướng Bắc Kinh”[18]. Ngày 19-2-1979, trong Tuyên bố chung nhân cuộc gặp gỡ cấp cao giữa Việt Nam - Campuchia, Phnom Penh đòi Trung Quốc phải “lập tức chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân của chúng ra khỏi Việt Nam”[19]. Trong cuộc họp bàn về tình hình Đông Dương của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (24-2-1979), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia đã lên án những “tội ác cực kỳ man rợ đối với nhân dân Việt Nam”[20] của quân đội Trung Quốc. Sáng ngày 4-3-1979, với sự tham gia của nhiều nhân vật cấp cao trong Chính phủ CHND Campuchia, hàng ngàn nhân dân thủ đô Phnom Penh đã tổ chức mittinh, tuần hành phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Những người tham gia mittinh lên án chủ nghĩa bành trướng, bá quyền Trung Quốc đã “gây nên cảnh bạo tàn đầy tội ác với nhân dân Việt Nam”[21]. Bên cạnh đó, các tờ báo lớn của Campuchia đều đưa tin và có các bài viết về chiến tranh Trung - Việt, thể hiện thái độ dứt khoát đối với Trung Quốc, nhiệt liệt ủng hộ Việt Nam, kêu gọi Trung Quốc không chậm trễ rút quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
2. Quan điểm của các nước ASEAN
Chuẩn bị tiến hành chiến tranh với Việt Nam, Bắc Kinh hết sức quan tâm đến phản ứng của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực. Để tranh thủ sự hậu thuẫn của các nước ASEAN, tháng 11-1978, Đặng Tiểu Bình đã có chuyến công du 9 ngày đến Thái Lan, Malaysia và Singapore. Xuyên suốt chuyến đi qua các quốc gia này, Đặng Tiểu Bình cố gắng vẽ nên hình ảnh Việt Nam như một “Cuba ở phương Đông”; đồng thời, luôn thể hiện mình với vai trò là “người bảo vệ an ninh khu vực”[22]. Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam - Liên Xô (03-11-1978) được Đặng Tiểu Bình tuyên truyền như là mối đe dọa không chỉ cho hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, mà còn đối với cả thế giới. Đến Thái Lan vào ngày 06-11-1978, Đặng Tiểu Bình nói về Hiệp định này như sau:"An ninh, hòa bình của châu Á - Thái Bình Dương và của cả thế giới đang bị đe dọa bởi Hiệp ướcgiữa Việt Nam và Liên Xô. Hiệp ước này không chỉ nhằm vào một mình Trung Quốc... Nó là một âm mưu rất quan trọng của Liên Xô trên toàn thế giới. Người ta có thể tin rằng mục đích của Hiệp ước là bao vây Trung Quốc. Tôi đã nói với các nước bạn bè rằng Trung Quốc không sợ bị bao vây"[23].
Có vẻ như chuyến đi của Đặng Tiểu Bình đến Malaysia (10-11-1978) là kém thành công hơn cả. Chính phủ Malaysia bất bình về chính sách “hai mặt” mà Trung Quốc tiến hành nhiều năm đối với quốc gia này (một mặt, Bắc Kinh thúc đẩy quan hệ với Chính phủ đương nhiệm; mặt khác, hỗ trợ Đảng Cộng sản Malaysiachống Chính phủ)[24]. Ngay cả khi Đặng Tiểu Bình cố gắng xoa dịu những lo ngại của các nhà lãnh đạo Malaysia, giải thích rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Đảng Cộng sản Malaysialà cần thiết để ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô trong đảng này và chỉ giới hạn ở sự hỗ trợ về mặt đạo đức, thì Kuala Lumpur vẫn không bị thuyết phục. Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia còn đặc biệt lo ngại về chính sách của Trung Quốc coi Hoa kiều ở nước ngoài là “đội quân thứ năm” (người Malaysia gốc Hoa là cộng đồng lớn thứ hai sau người Malay, chiếm khoảng 20-25% dân số Malaysia và thường nắm giữ những lĩnh vực kinh tế quan trọng của quốc gia này).
Cùng với một phái đoàn hùng hậu lên tới 36 người, Đặng Tiểu Bình đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Singapore (12-11-1978) - điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du ba nước ASEAN. Trong thời gian ở Singapore, Đặng Tiểu Bình và Lý Quang Diệu đã có các cuộc thảo luận về mối đe dọa do Liên Xô liên minh với Việt Nam gây ra cho Đông Nam Á và Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình mô tả Việt Nam như một quốc gia hiếu chiến với sự hỗ trợ của Liên Xô, sẵn sàng mở rộng sự kiểm soát của mình tại khu vực Đông Nam Á mà đất nước đầu tiên bị xâm lược sẽ là Campuchia[25]. Đặng Tiểu Bình còn vẽ ra một viễn cảnh u ám rằng, rất có thể sẽ diễn ra một sự sụp đổ tương tự hiệu ứng domino đối với các quốc gia phía nam Việt Nam như Thái Lan, Malaysia và Singapore[26].
Sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, ngày 17-02-1979, Trung Quốc chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn đối với Việt Nam. Thái độ của các nước ASEAN trước sự kiện này không bị quy định đơn thuần bởi chính sự kiện đó, mà nó phụ thuộc vào bối cảnh khu vực (cuộc cạnh tranh quyền lực Trung - Xô; Mỹ rút khỏi Đông Nam Á; mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam - Liên Xô; sự hiện diện của quân đội Việt Nam tại Campuchia…) và lợi ích của mỗi nước. Đặc biệt, các nước ASEAN luôn gắn việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia với việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam, đặt cả hai sự kiện này trong dòng chảy chung của “cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba”.
Có vị trí chiến lược ở giữa lục địa Đông Nam Á, có chung đường biên giới với hai nước Lào và Campuchia, Thái Lan đặc biệt quan tâm đến việc ngăn chặn Việt Nam trở thành cường quốc thống trị tại khu vực, nhất là trước đó, trong chiến tranh Việt Nam, Thái Lan vừa là đồng minh thân cận của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, vừa trực tiếp tham gia vào cuộc chiến. Trong nhiều thập kỷ, Thái Lan luôn coi Campuchia là vùng đệm an toàn tránh sự “nhòm ngó” từ bên ngoài; vì thế, sự có mặt của bất kỳ quốc gia nào tại mảnh đất này đều làm người Thái lo ngại. Trên thực tế, không lâu sau khi Quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Phnom Penh, ngày 14-01-1979, một đoàn các nhân vật cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bay tới Bangkok hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Kriangsak, thảo luận về hợp tác liên quan đến việc “Việt Nam xâm lược Campuchia”. Thủ tướng Kriangsak đồng ý cho Trung Quốc sử dụng lãnh thổ Thái Lan để giúp đỡ Khmer Đỏ tiến hành chiến tranh du kích; đổi lại, Trung Quốc sẽ ngừng hỗ trợ Đảng Cộng sản Thái Lan. Sự kiện này đánh dấu việc hình thành liên minh Trung - Thái và biến Thái Lan thành quốc gia có mối liên hệ với Trung Quốc chặt chẽ nhất ASEAN. Thái Lan nhìn thấy ở Trung Quốc một đồng minh thích hợp hơn cả tại thời điểm đó - một đồng minh đủ sức gây áp lực lên Việt Nam đang được Liên Xô “bảo trợ” để ngăn chặn một cuộc tấn công của Việt Nam vào Thái Lan.
Có quan điểm khá gần gũi với Thái Lan, Singapore nhận thức xung đột ở Campuchia là một phần trong kế hoạch tạo vùng ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á; đồng thời, “coi sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hòa trong chủ nghĩa cộng sản là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất đối với khu vực”[27]. Giống như Thái Lan, Singapore cho rằng, bất chấp mọi tham vọng của Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn là sự lựa chọn khôn ngoan nhằm đối trọng với Việt Nam và Liên Xô, có khả năng cân bằng tương quan lực lượng ở Đông Nam Á.
Đối với Indonesia, có vị trí địa - chính trị hết sức đặc biệt, quốc gia này nhìn nhận sự xuất hiện của các mối đe dọa từ bên ngoài như một cơ hội để đưa ra cái nhìn đa hướng và dài hạn hơn về thế giới và khu vực. Với nỗi sợ hãi “kinh niên” về chính sách bá quyền của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Indonesialuôn xem yếu tố Việt Nam ở Đông Dương là có lợi đối với an ninh khu vực, tạo ra một vùng đệm cho các quốc gia ASEAN chống lại áp lực của Trung Quốc[28]. Tướng Benny Murdan - Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia đã nhận xét Việt Nam không phải là mối đe dọa đối với Đông Nam Á[29]. Ông thậm chí còn tuyên bố mạnh mẽ rằng, người dân Indonesia và lực lượng vũ trang chia sẻ mong muốn của Việt Nam hướng tới hòa bình, ổn định khu vực[30]. Có thể thấy rằng, Indonesia quan niệm một Việt Nam lớn mạnh giống như một rào cản đối với sự bành trướng về phía Nam của Trung Quốc.
Về phía Malaysia, Malaysia không muốn thấy bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào khu vực. Thủ tướng Mahathir phát biểu dứt khoát: Malaysia không ủng hộ cả Trung Quốc lẫn Liên Xô, vì cả hai nước này đều sẽ tạo ra những phức tạp, rối rắm như nhau và Kuala Lumpur “mong muốn giữ một khoảng cách nhất định đối với những nước lớn này”[31]. Về “mối đe dọa Việt Nam”, tương tự như Indonesia, Malaysia không coi Việt Nam là yếu tố gây mất ổn định mà nhìn thấy nhiều nguy cơ hơn từ phía Trung Quốc[32]. Kuala Lumpur nhận thức việc Hà Nội tăng cường quan hệ với Moscow là cần thiết, nhất là khi Việt Nam phải đối diện với những thách thức to lớn trước một Trung Quốc đầy tham vọng. Có vẻ như nếu phải lựa chọn, Malaysia sẽ lựa chọn Việt Nam và đứng đằng sau nó là Liên Xô chứ không phải Trung Quốc; có điều, tất yếu Kuala Lumpur sẽ “không muốn một Việt Nam quá mạnh - nó sẽ thống trị Đông Nam Á”[33]. Trên quan điểm đó, cuộc chiến tranh “trừng phạt” quy mô lớn của Bắc Kinh chống lại Việt Nam tháng 02-1979 đã khiến các nhà lãnh đạo Malaysia cảnh giác hơn đối với khuynh hướng sử dụng vũ lực của Trung Quốc trong việc trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia. Vì thế, sau cuộc chiến tranh Trung Quốc tiến hành đối với Việt Nam, “Malaysia coi Trung Quốc chứ không phải Việt Nam là mối đe dọa lâu dài, thực sự đối với Đông Nam Á”[34].
Trong các nước ASEAN, Philippines là quốc gia duy nhất có thái độ thờ ơ hơn cả trước những biến cố của khu vực. Bận bịu bởi các vấn đề nội bộ, ít bị ảnh hưởng bởi những xung đột đang diễn ra; đồng thời, sự tồn tại của các căn cứ Mỹ đã đảm bảo an ninh quốc gia cho Philippines ở một mức độ nhất định, quan điểm của Manila về mối đe dọa trực tiếp đối với các nước ASEAN không phải từ bên ngoài, mà từ bên trong - đó là các cuộc nổi dậy của lực lượng cộng sản.
Tuy có quan điểm và lợi ích khác nhau, song bị ràng buộc bởi những nguyên tắc nội khối, các nước ASEAN cố gắng giữ lập trường trung lập và thống nhất trong hành động. Sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam, các nước ASEAN đều kêu gọi hai bên kiềm chế, tránh mở rộng xung đột. Các quốc gia ASEAN đã đưa ra một Dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Cămpuchia và Trung Quốc phải rút quân khỏi Việt Nam và Dự thảo đã bị Liên Xô phủ quyết[35]. Lưu ý thêm rằng, thời điểm các nước ASEAN đưa ra Dự thảo nghị quyết thì quân đội Trung Quốc đang bắt đầu rút khỏi Việt Nam; do đó, về cơ bản, Dự thảo nghị quyết là nhắm tới Việt Nam. Ngày 14 -11-1979, tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, đa số các nước đã thông qua đề án của ASEAN đòi tất cả các quân đội nước ngoài rút khỏi Cămpuchia (lúc đó, ngoài quân đội Việt Nam, còn có các cố vấn quân sự Liên Xô ở Campuchia). Nhìn chung, ASEAN đề ra một chính sách có phần chống lại Hà Nội và nghiêng về Bắc Kinh. Sự thật thì “đối với Đông Nam Á mà nói, không chút nghi ngờ, ở một số quốc gia nào đó đã dấy lên một làn sóng ủng hộ Trung Quốc. Bất kể Chính phủ của họ có lập trường như thế nào, bất cứ họ kiêng kỵ ra sao đối với mọi cử chỉ và hành động của Hoa kiều tại nước họ, nhưng điều mà các quốc gia ASEAN quan tâm nhất chính là tham vọng của Liên Xô và Việt Nam ở khu vực này”[36].
3. Kết luận
Phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á trước việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam cho thấy lục địa này bị chia rẽ thành hai khối khác nhau như nó vốn đã từng bị chia rẽ ở thời kỳ trước đó: Khối các nước Đông Dương và khối các nước ASEAN.
Dù thể hiện thái độ ở các mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng các nước Đông Dương (CHDCND Lào, CHND Campuchia) đều lên tiếng phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng chấm dứt các hành động phiêu liêu quân sự chống một đất nước có chủ quyền. Đối với các nước Đông Dương, quan điểm, thái độ về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc là biểu hiện tập trung nhất sự gắn bó, mối dây liên hệ chặt chẽ của những quốc gia này với Việt Nam, cũng như sự chi phối của yếu tố lợi ích gắn với ý thức hệ.
Về phía các quốc gia ASEAN, yếu tố địa - chính trị và lợi ích quốc gia dân tộc đã dẫn đến những sự khác biệt nhất định trong quan điểm đối với cuộc chiến tranh Trung - Việt. Nhìn nhận các nguy cơ đối với khu vực từ rất nhiều tầng nấc và mức độ khác nhau (cạnh tranh quyền lực Trung - Xô, Việt Nam mở rộng ảnh hưởng…), các quốc gia ASEAN đều cố gắng cân nhắc thiệt hơn, dung hòa lợi ích và nỗ lực đảm bảo tính thống nhất trong hành động của ASEAN với tư cách là một thực thể chính trị độc lập. Đặt vấn đề Campuchia ở trung tâm mọi sự kiện, cuối cùng, các nước ASEAN lựa chọn nghiêng về phía Trung Quốc thay vì lên án chiến tranh xâm lược mà Bắc Kinh tiến hành chống Việt Nam. Dù vậy, một lần nữa, việc Trung Quốc không ngần ngại dùng vũ lực để “trừng phạt” Việt Nam đã cảnh báo các quốc gia ASEAN về sự bất đối xứng trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước lân bang cũng như cách hành xử nước lớn bất chấp nguyên tắc của Trung Quốc. Đặc biệt, cách thức mà Trung Quốc giành giật lợi ích bằng hình thức chiến tranh xâm lược đã khiến các nước ASEAN nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết về chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, chủ nghĩa Sô vanh nước lớn và mối đe dọa, nguy hiểm thực sự đối với Đông Nam Á - điều đó đã thực sự có ích, tác động đến việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia ASEAN ở những giai đoạn sau này theo hướng cảnh giác hơn với Trung Quốc và công bằng hơn với Việt Nam.
[1]Báo Nhân dân, Số 9021, 19 tháng Hai 1979, tr.1.
[2]Báo Nhân dân, Số 9021, Tlđd, tr.1.
[3]Báo Nhân dân, Số 9021, Tlđd, tr.1.
[4]Báo Nhân dân, Số 9021, Tlđd, tr.1.
[5]Báo Nhân Dân, Số 9024, 22 tháng Hai 1979, tr.4.
[6]Báo Nhân dân, Số 9024, Tlđd, tr.4.
[7]Báo Nhân dân, Số 9024, Tlđd, tr.4.
[8]Báo Nhân dân, Số 9025, 23 tháng Hai 1979, tr.4.
[9]Báo Nhân dân, Số 9025Tlđd, tr.4.
[10]Far Eastern Economic Review, March 16, 1979.
[11]China's Foreign Aid1978, Occasional Papers in Contemporary Asian Studies 29, No. 8, 1979, p.15.
[12]Bành Mộ Nhân: Quyết sách của Trung quốc trong cuộc Chiến tranh trừng phạt Việt Nam, Lưu tại Thư viện Quân đội, 1986, tr.141. Xem thêm: Nayan Chanda: Laos Caught in the Crossfire, Far Eastern Economic Review, Vol. 101, No. 24 June 16, 1978, p. 11.
[13]Bành Mộ Nhân: Quyết sách của Trung quốc trong cuộc Chiến tranh trừng phạt Việt Nam, Sđd, tr.142.
[14]Báo Nhân dân,Số 9035, 5 tháng Ba 1979 , tr.4.
[15]Báo Nhân dân, Số 9038, 8 tháng Ba 1979, tr.4.
[16]Báo Nhân dân, Số 9021, Tlđd, tr.1
[17]BáoNhân dân, Số 9021, Tlđd, tr.1.
[18]BáoNhân dân,Số 9022, 20 tháng Hai 1979, tr.3.
[19]Báo Nhân dân, Số 9022, Tlđd , tr.1.
[20]Báo Nhân dân, Số 9028, 26 tháng Hai 1979, tr.4.
[21]Báo Nhân dân, Số 9036, 6 tháng Ba 1979, tr.4
[22]Chanda, N: Brother Enemy: The War after the War, New York, Harcourt Brace Jovanovich Publishers, 1986, p.324.
[23]Henry Kamm: Teng Tells the Thais Moscow-HanoiTreaty Perils World’s Peace, NewYork Times,November9, 1978, p. 9.
[24]Robert O. Tilman and Jo H. Tilman:Malaysia and Singapore 1976: A Year of Challenge, A Year of Change, Asian Survey, Vol. 17, No. 2 ,1977, p. 153.
[25]Lee, K. Y: From third world to first: The Singapore story, 1965–2000: Memoirs of Lee Kuan Yew, Singapore: Times Editions and the Singapore Press Holdings, 2000, p.661.
[26]Go. K. S: The little-known role Deng played in S-E Asia, The Business Times, February 21 1997, p. 1.
[27]Petchompoo Taraga: Thailand, ASEAN and the Kampuchean problem from 1979 to 1986, The Australian National University, Canberra, September 1988, p.22.
[28]Petchompoo Taraga: Thailand, ASEAN and the Kampuchean problem from 1979 to 1986, Ibid, p.25.
[29]The Politics of Kampuchea: ASEAN's Catch 22,ASEANForecast, Vol.4, No.3 March 1984, p.37.
[30]S.Thana: The Kampuchea Crisis: Flurry of talks, only aglimmer of hope, Asian Defence Journal, May 1984, p.59.
[31]Interview Mahathir Mohamad, FEER 30 October-5 November, 1981, p.31.
[32]Sheldon W.Simon: The Two Southeast Asia and China: Security Perspectives, Asian Survey, Vol.24, No.5, May 1984, p.527.Nhận thức của Malaysia về mối đe dọa của Trung Quốc có nguồn gốc sâu xa. Malaysia cho rằng Trung Quốc đã áp dụng thái độ hiếu chiến đối vớiĐông Nam Á. Chính phủ Malaysia tin rằng, Đảng Cộng sản Malaysia đã hình thành chủ yếu từ người Malaysia gốc Hoa được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bắc Kinh. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho phép một bộ phận của Đảng Cộng sản Malaysia tổ chức Đài phát thanh phát sóng từ Vân Nam, gây ra những tác động tiêu cực đối với sự ổn định của Malaysia.
[33]Richard Nations: Flexible Diplomacy from Thailand's newpremier, FEER, 25 April,1980, p.11.
[34]Amitav Acharya: Constructing a Security Community in Southeast Asia: ASEAN and the Problem of Regional Order, London & New York: Routledge, 2001, p. 84.
[35]Soviet Union and China Trade Charges at the U.N, The New York Times, February 25, 1979.
[36]Far Eastern Economic Review, March 6, 1979.
tin tức liên quan
Videos
Cao Xuân Dục và thư viện Long Cương
Sơ qua về tư tưởng "Đại nhất thống" và "Đại thống nhất" của Trung Quốc
Giải mã bài thơ Vịnh cây thông của Nguyễn Công Trứ
Thư viện Phúc Giang và mạch chảy của thư viện tư nhân dòng họ ở xứ Nghệ
Lung linh Chương trình nghệ thuật và trình diễn Áo dài Sen
Thống kê truy cập
114561070

2183

2271

2183

228613

122920

114561070