Góc nhìn văn hóa
Nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam tại Liên bang Nga

Tóm tắt
Việc nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam tại Liên bang Nga đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ngay từ thế kỷ XIX, các nhà khoa học Nga đã quan tâm đến văn học, văn hóa Việt Nam nhưng công việc này chỉ thật sự đạt đến đỉnh cao vào nửa sau thế kỷ XX với các tên tuổi tiêu biểu như N.I. Nikulin, M. Tkachop, B.L. Riptin… Họ đã góp phần tạo ra một tầm nhìn và một khuôn khổ mới trong việc tìm hiểu và nghiên cứu văn học Việt Nam nói chung và văn học trung đại nói riêng, góp phần đổi mới phương pháp nghiên cứu và truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới.
Truyện Kiều được dịch ra tiếng Nga
Văn học trung đại là một trong những bộ phận khó tiếp cận nhất của lịch sử văn học dân tộc, ngay cả đối với các nhà nghiên cứu văn học là người Việt Nam. Nhưng đây cũng là bộ phận chứa đựng nhiều những giá trị tiêu biểu của văn học, văn hóa dân tộc, vì vậy rất được các nhà nghiên cứu nước ngoài quan tâm. Các nhà khoa học Nga ngay từ thế kỷ XIX đã bắt đầu tiến hành việc tìm hiểu văn học Việt Nam, trong đó có văn học trung đại. Nhưng việc nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam như một đối tượng khoa học chỉ thực sự có được những thành tựu đỉnh cao vào những năm 70 đến 90 của của thế kỷ XX khi mà mối quan hệ giữa hai quốc gia trở nên mật thiết.
I. Các giai đoạn của quá trình nghiên cứu
1. Từ thế kỷ XIX đến những năm 50 thế kỷ XX
Theo những tư liệu mà chúng ta có được thì sự quan tâm của báo chí, của các nhà văn, nhà văn hóa Nga tới Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XIX và đặc biệt là từ sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam [11, tr. 652 và 16, tr. 75]. Những tác phẩm ở thời kỳ đầu này chủ yếu là bút ký của các nhà văn, nhà hàng hải Nga nổi tiếng, những người đã có dịp ghé thăm đất nước xa xôi này.
Sau tháng Mười năm 1917, một số nhà ngữ văn Nga bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam. Đã xuất hiện những công trình ngữ văn đầu tiên về tiếng Việt. Từ tháng Giêng năm 1950 khi Liên Xô và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao thì tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcova mang tên Lômônôxốp và Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Xôviết việc nghiên cứu văn hóa, văn học Việt Nam một cách bài bản được bắt đầu tiến hành. Nhiều cuốn sách dịch văn học Việt Nam đã xuất hiện nhưng việc dịch thuật và nghiên cứu mới chỉ dừng ở phạm vi văn học hiện đại.
2. Giai đoạn từ những năm 60 đến những năm 90 thế kỷ XX
Việc nghiên cứu văn học Việt Nam tại Nga đặc biệt có nhiều thành tựu từ khoảng đầu những năm 60 đến những năm 90 của thế kỷ XX do hoàn cảnh lịch sử và quan hệ văn hóa, văn học mật thiết giữa hai nước thời kỳ này. Số lượng các nhà khoa học người Nga nghiên cứu văn học Việt Nam khá đông đảo, đa số tập trung tìm hiểu về văn học Việt Nam hiện đại, chỉ một số ít tiến hành việc nghiên cứu văn học trung đại, vốn là một lĩnh vực khó, bởi văn học giai đoạn này được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Nhưng điều đó không hề ngăn cản các nhà khoa học Nga, họ đã cố gắng tiếp cận văn học trung đại Việt Nam một cách khoa học và sâu sắc nhất.
Những công trình nghiên cứu, giới thiệu, dịch thuật văn học trung đại Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trong thành tựu chung của giới nghiên cứu Nga về văn học, văn hóa Việt Nam. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt mang tính hệ thống với một quy mô lớn, việc cố gắng tìm về cội nguồn của đối tượng khoa học, thể hiện một cách rõ rệt mối quan tâm và những thành tựu của nền nghiên cứu văn học Nga ở giai đoạn này. Sau đây là những nhà khoa học tiêu biểu đã có những công trình, bài viết về văn học cổ điển Việt Nam:
* Trước tiên phải nói đến GS.TSKH N.I. Nikulin (1931 - 2005), nhà khoa học đã dành cả cuộc đời mình cho việc nghiên cứu, dịch thuật, giới thiệu văn học, văn hóa Việt Nam. Ngay từ đầu ông đã nhận ra vai trò quan trọng của văn học trung đại trong nền tảng văn học, văn hóa Việt Nam. Luận án Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học của ông đều tìm đề tài từ văn học trung đại Việt Nam, nơi có đủ các điều kiện và cơ sở cho các công trình khoa học tầm cỡ. N.I. Nikulin đã tìm hiểu một cách có hệ thống lịch sử văn học Việt Nam từ cổ chí kim. Ông có đến hơn 300 công trình, bài báo về văn học Việt Nam, trong đó có đến gần một nửa số bài viết về văn học trung đại từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Các công trình khoa học và dịch thuật tiêu biểu của ông về văn học trung đại Việt Nam có: Văn chiêu hồn (thơ văn Nguyễn Du, dịch cùng A. Zhteinberg), 1965; Sáng tác của Nguyễn Du, 1965; Văn học Việt Nam - Sơ khảo, 1971 (trong đó có phần quan trọng trình bày về văn học trung đại Việt Nam); Văn học Việt Nam: từ trung đại đến thời mới, thế kỷ X - XIX, 1977.
Các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Dữ, bản dịch Chinh phụ ngâm, các tác phẩm của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương… đã được giới thiệu rộng rãi trên khắp Liên bang Xôviết và được bạn đọc quan tâm tìm hiểu. Cùng với việc văn học trung đại Việt Nam được dịch ra tiếng Nga, thì các công trình nghiên cứu khoa học công phu của N. I. Nikulin, đặc biệt là về nhà thơ lớn của Việt Nam và thế giới Nguyễn Du và Truyện Kiều, là những dấu mốc quan trọng trong việc giúp bạn đọc và các nhà khoa học hiểu sâu sắc hơn những giá trị tiềm ẩn của nền văn học Việt Nam. Đây là những công trình khoa học rất có giá trị. N.I. Nikulin là người đầu tiên đã giới thiệu Nguyễn Du một cách đầy đủ và bài bản nhất ở Liên Xô. Từ 1965 ông đã có hẳn một chuyên luận về nhà thơ nhân đạo vĩ đại của Việt Nam. Cho đến nay N.I. Nikulin vẫn là nhà Việt Nam học người Nga có nhiều thành tựu nhất. Có khá nhiều bài viết, công trình học thuật mà ông chủ trì còn chưa được giới thiệu ở Việt Nam.
* I.P. Zimonina, thuộc thế hệ đầu tiên các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam ở Nga, có đến hơn 50 bài viết, kể cả các bản dịch về văn học Việt Nam. Bà có công trình nghiên cứu về tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII Chinh phụ ngâm khúc (Bản dịch do nhà thơ Paven Antokolski thực hiện).
* Marian Tkachеv (1932 - 2006): Ông là nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu đặc biệt say mê văn học Việt Nam. Ông đã dịch nhiều tác phẩm văn học trung đại Việt Nam sang tiếng Nga và viết bài giới thiệu về các tác phẩm này. Marian Tkachev viết khoảng 200 bài về văn học Việt Nam, trong đó có nhiều bài về văn học trung đại. Các bài viết và công trình dịch thuật tiêu biểu của ông về văn học trung đại Việt Nam gồm có: Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên; Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh, Kiều Phú; Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, (ba cuốn này đều trong tập Văn xuôi cổ điển Viễn Đông, Мatxcova, 1975); Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông; … Các bài viết: “Thi ca Đại Việt” (trong Thơ cổ điển Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản, Matxcova, 1974); “Bậc thầy của những truyện kỳ diệu sáng tạo từ đất Hải Dương” (Lời bạt Nguyễn Dữ: Truyền kỳ mạn lục, Matxcova, 1974); “Văn xuôi Việt Nam thời trung đại” (trong Văn xuôi cổ điển Viễn Đông, M., 1975)… Đây đều là những tác phẩm trung đại khó tiếp cận trong dịch thuật nhưng đã được Marian Tkachev với một tâm hồn nghệ sĩ đã chuyển tải thành công, giúp cho bạn đọc rộng rãi ở Liên Xô có thể tiếp cận được với những tác phẩm văn xuôi và thơ ca quan trọng trong tiến trình phát triển của văn học trung đại Việt Nam. Các bài viết của ông đều rất công phu và luôn đem đến một sự cảm nhận mới mẻ, giàu cảm xúc, giàu tính liên tưởng, phát hiện.
* Tiến sĩ E. Yu. Knorodova, Phân viện Saint - Peterburg của Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAN) với luận án Phó Tiến sĩ "Tác phẩm Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án (đầu thế kỷ XIX) và văn xuôi hình thức nhỏ trong truyền thống Việt Nam” (1989).
* Các nhà Trung Quốc học như Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, TSKH. B.L. Riptin và TSKH K.I. Golưgina, trong một tầm nhìn từ văn học Đông Á và thế giới, đã có những bài viết sắc sảo về văn học trung đại Việt Nam. B.L. Riptin viết khá nhiều về văn học Đông Á. Ông là chuyên gia về văn học Trung Quốc nhưng luôn dành một sự quan tâm đặc biệt tới văn học Việt Nam. Về văn học trung đại Việt Nam ông có các bài: “Loại hình học và mối tương quan giữa các nền văn học trung đại” (Trong cuốn sách Loại hình học và mối tương quan giữa các nền văn học phương Đông và phương Tây, M. 1974, “Văn xuôi cổ điển Viễn Đông” (Trong cuốn Văn xuôi cổ điển Viễn Đông, NXB Văn học nghệ thuật, M., 1975), “Sự ra đời và phát triển của tiểu thuyết cổ điển Việt Nam” (Trong Tướng Dạ Xoa, M., 1969), “Hoàng Lê nhất thống chí và truyền thống của tiểu thuyết Viễn Đông” (Trong cuốn sách Cái truyền thống và cái mới trong văn học Đông Nam châu Á, NXB Khoa học, M., 1982), “Thử so sánh Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu (Trung Quốc) với Kim Ngao tân thoại của Kim Thời Tập (Triều Tiên), Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Việt Nam) và Ca Tỳ Tử của Asai Rey (Nhật Bản)” - Bài viết tham dự Hội thảo quốc tế về văn học Việt Nam và khu vực Đông Á tại Viện Văn học Việt Nam, in trên Tạp chí Văn học số 12. 2006... Các bài viết của Viện sĩ B.L. Riptin rất được bạn đọc Việt Nam yêu thích và đánh giá cao.
K.I. Golưgina với phần viết so sánh giữa Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ và Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu trong cuốn Truyện ngắn Trung Quốc thời trung đại đã tiến hành việc so sánh giữa Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu với Kim Ngao tân thoại của Kim Thời Tập (Triều Tiên), Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ và Ca Tỳ Tử của Asai Rey (Nhật Bản)”, qua đó cho thấy những sáng tạo đáng ghi nhận của Nguyễn Dữ so với các nhà văn khác trong cùng khu vực.
Văn học Việt Nam trong đó có văn học trung đại với các tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đã được đưa vào các cuốn từ điển, bách khoa thư, bộ Lịch sử văn học thế giới, số đặc biệt của tạp chí Văn học nước ngoài (số 6, 1996)…, trong các báo cáo tại các cuộc hội thảo khoa học phối hợp giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Trong những năm từ 1983 đến 1993 có đến 4 luận án Phó tiến sĩ của các nghiên cứu sinh Việt Nam làm đề tài về văn học trung đại Việt Nam đã được bảo vệ tại Matxcova.
II. Ý nghĩa và những giá trị khoa học của việc nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam tại Nga:
Với một tầm nhìn rộng, khách quan, xem xét sự hình thành, phát triển và những đặc điểm, thành tựu của văn học Việt Nam một cách hệ thống trong sự so sánh loại hình với văn học, văn hóa khu vực Đông Á và Đông Nam Á, các nhà ngữ văn Nga đã chứng minh rằng: Văn học Việt Nam trung đại, mặc dù chịu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, nhưng là một nền văn học có sự phát triển độc lập, mang màu sắc dân tộc rõ nét, chứ không phải là một bộ phận hay một “nền văn học Trung Quốc thu nhỏ” như quan niệm của một số học giả nước ngoài thời gian trước đó. Việc so sánh giữa văn học Việt Nam và các nước trong khu vực (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản) đã cho thấy sự độc đáo, riêng biệt cũng như những đóng góp mang tính khu vực, tính nhân loại của văn học trung đại Việt Nam. Những đặc điểm cơ bản và lịch sử phát triển của toàn bộ nền văn học đã được nghiên cứu trong bức tranh chung của văn học, văn hóa khu vực và toàn thế giới, thoát ra khỏi tình trạng đối tượng nghiên cứu chỉ được tìm hiểu một cách cô lập và manh mún trong khuôn khổ của các mối quan hệ nội tại, hoặc nhiều lắm thì cũng chỉ dừng lại trong các mối quan hệ một chiều với văn học Trung Quốc.
N.I. Nikulin trong Văn học Việt Nam: từ trung đại đến thời mới, thế kỷ X-XIX, M., 1977 đã đặt văn học Việt Nam trong văn hóa khu vực Viễn Đông (cách gọi từ góc độ địa lý của nước Nga. Từ góc độ địa lý toàn cầu thì đây là khu vực Đông Á) để xem xét mọi vấn đề đặt ra. Đây là một chuyên luận nghiên cứu văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX như một tiến trình vận động, mà đỉnh cao là văn học thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX. Ông cũng có rất nhiều bài viết so sánh văn học Việt Nam với văn học Trung Quốc và Triều Tiên như: So sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện để thấy được cội nguồn văn hóa dân tộc đã làm nên thiên tài Nguyễn Du, nghiên cứu Ảnh hưởng của truyền thống dân gian trong biên niên sử Việt Nam và Triều Tiên, Quan hệ văn học Việt Nam - Triều Tiên cuối thế kỷ XVI - giữa thế kỷ XVIII (bản dịch từ tiếng Nga trên Tạp chí Văn học, số 2. 1987); hoặc tìm hiểu văn học trung đại Việt Nam trong giao tiếp với phương Tây: Sự phản ánh những mối giao tiếp văn hóa với Châu Âu trong văn học Việt Nam thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX (1986) [11]. N.I. Nikulin đã chỉ ra tính chất nhân loại trong tư tưởng và sáng tác của Nguyễn Du (qua thơ chữ Hán và Truyện Kiều) cũng như qua thơ Hồ Xuân Hương. Còn B.L. Riptin thì từ thế mạnh của một nhà Trung Quốc học, với tầm bao quát Đông Á và Đông Nam Á đã nghiên cứu văn học Việt Nam dưới góc độ loại hình trong sự so sánh với văn học các nước khu vực (so sánh văn xuôi Việt Nam: truyện truyền kỳ, tiểu thuyết chương hồi… với văn xuôi Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản và với truyền thống Đông Nam Á). Các bài viết của ông đặc biệt hấp dẫn bạn đọc Việt Nam với một cái nhìn mới mẻ, bám sát văn bản nhưng qua đó lại làm nổi bật những đặc điểm độc đáo riêng biệt mà chỉ có người có tầm bao quát đối tượng sâu và rộng như ông mới có thể có được những phát hiện như vậy (như khi tìm hiểu đặc điểm của thể loại tiểu thuyết trong khu vực, nhà nghiên cứu đã chỉ ra cho người đọc thấy rằng: truyện thơ Nôm là một thể loại độc đáo của văn học Việt Nam trong khu vực Đông Á, bởi đây là tiểu thuyết được viết bằng thơ, bằng ngôn ngữ dân tộc, khác với tiểu thuyết của các nước trong cùng khu vực văn hóa khi tiểu thuyết của họ được viết bằng văn xuôi chữ Hán. Có được điều đó là bởi truyện thơ Nôm là sự kết hợp giữa truyền thống văn học, văn hóa Đông Nam Á, Việt Nam và văn học, văn hóa Đông Á. Hoặc khi so sánh các văn bản chữ Hán của Hoàng Lê nhất thống chí, ông đã chỉ ra nét đặc sắc của tác phẩm này so với các cuốn tiểu thuyết chữ Hán trong khu vực và khẳng định không nên gọi đây là tiểu thuyết lịch sử hoặc ký sự lịch sử, bởi khác với tiểu thuyết lịch sử của Trung Quốc, tiểu thuyết chương hồi Việt Nam viết về hiện thực đương thời và nhà văn luôn có ý thức sáng tác nghệ thuật).
Đây là điều hết sức quan trọng vào giai đoạn những năm 60, 70 của thế kỷ XX, khi các nhà nghiên cứu Việt Nam chưa có điều kiện để có được tầm nhìn và sự so sánh khu vực và thế giới như vậy về nền văn học truyền thống lâu đời và có nhiều giá trị mang tầm vóc nhân loại của mình.
Văn học trung đại Việt Nam không chỉ được nhìn từ các nhà văn, từ các tác phẩm lớn mà được nghiên cứu một cách có hệ thống cả lịch trình phát triển, hệ tư tưởng, triết lý, tính thẩm mỹ và các bước vận động, phát triển. Các nhà ngữ văn Nga cũng đã chỉ ra một cách có ý thức những mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa, tôn giáo, các hệ tư tưởng và văn học dân gian Việt Nam với sự phát triển của văn học viết. Đây là điều không hoàn toàn xa lạ với các nhà nghiên cứu Việt Nam, nhưng lại hết sức mới mẻ ở chỗ những bài viết và công trình của các nhà ngữ văn Nga đã đem lại một cái nhìn có tính chất hệ thống, tính phương pháp luận với những luận cứ khoa học độc đáo về tính dân tộc và sự vận động tự thân của nền văn học Việt Nam cổ trung đại. Cội nguồn lịch sử và văn hóa có ý nghĩa quyết định giá trị dân tộc của nền văn học đó trong văn học khu vực. Các bài viết của N.I. Nikulin về thần thoại Việt-Mường về “cây thế giới” và sự hình thành nền văn xuôi trung đại Việt Nam, về các giá trị truyền thống trong sáng tác của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…; các bài viết của B.L.Riptin về các thể loại văn xuôi trung đại Việt Nam… là những bài viết tiêu biểu về vấn đề này.
Việc áp dụng những phương pháp nghiên cứu văn học mới và phù hợp cũng đã đem lại một cái nhìn dưới những góc độ khác nhau về văn học trung đại Việt Nam. N.I. Nikulin đã lý giải cái dâm, tục, tính hai mặt trong thơ Hồ Xuân Hương từ lý thuyết của M. Bakhtin, từ lý thuyết về “sự trôi nổi của cốt truyện” để nghiên cứu các cốt truyện được sử dụng qua các thời kỳ văn học: từ văn học dân gian, qua văn học trung đại đến văn học hiện đại, từ văn học nước ngoài (Trung Quốc, Triều Tiên) sang môi trường văn hóa Việt Nam. B.L. Riptin đã nhìn nhận Hoàng Lê nhất thống chí dưới lý thuyết loại hình học và văn bản học, M. Tkachop chỉ ra yếu tố kỳ ảo và tính triết lý trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ… Các nhà khoa học cũng rất có ý thức trong việc áp dụng các lý thuyết về thể loại vào nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam. Trong các công trình về văn học Việt Nam của họ, văn học đã được nhìn nhận như một bộ phận quan trọng của văn hóa, dưới cái nhìn văn hóa, trong mối quan hệ tổng hòa với văn hóa và từ văn hóa.
Sự quan tâm của các nhà khoa học Nga vào truyền thống phônclo như một cội nguồn quan trọng của văn học và việc so sánh văn học Đông - Tây là để chỉ ra tính loại hình mang giá trị khu vực và tính nhân loại của văn học các dân tộc, đem lại cho văn học Việt Nam một vị thế mới trên bản đồ văn học khu vực và thế giới.
Bên cạnh các hướng nghiên cứu quan trọng đó, các nhà khoa học ở Viện Văn học thế giới M. Gorki còn tập trung tìm hiểu ảnh hưởng của các tôn giáo và các hệ tư tưởng tới văn học. Trong công trình tập thể của Viện Văn học thế giới mang tên M. Gorki mà B.L. Riptin và N.I. Nikulin chủ trì trước khi mất có liên quan đến văn học Việt Nam là Phật giáo và văn học (2003) và Những tượng đài của tư tưởng văn học (2004). Trong hai công trình này GS Nikulin đã viết những bài quan trọng, trong đó đề cập đến văn học Phật giáo và ảnh hưởng của Phật giáo đến văn học trung đại Việt Nam, đặc biệt là trong thơ ca thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, về vai trò của âm nhạc trong đời sống văn hóa, văn học Việt Nam thời trung đại... Liên quan đến các vấn đề này, trước đó ông cũng đã có nhiều bài viết sâu sắc.
Các bài viết và công trình này đã đem lại cho các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, một tâm thế mới trong việc áp dụng một cách nhuần nhuyễn, hợp lý các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu văn học hiện đại vào việc nghiên cứu, phát hiện và làm mới nền văn học của dân tộc mình.
Tài liệu tham khảo
[1] К.И. Голыгина (1980), Новелла средневекового Китая,Москва.
[2] Нгуен Зы (1974), Пространные записи рассказов об удивительном,Москва.
[3] Институт Мировой литературы им. А.М. Горкого (2003), Буддизм и литература,Москва.
[4] Институт Мировой литературы им. А.М. Горкого (2004), Памятники литературной мысли,Москва.
[5] Институт Мировой литературы им. А.М. Горкого (2004), Восток в Русской литературе ХVIII - начала ХХ века,Москва.
[6] (1975), Классическая проза Дальнего Востока, Москва.
[7] Е.Ю. Кнорозова (1989) Записи о том, как тутовые посадки превращаются в синее море" Фам Динь Хо и Нгуен Ана (начало ХIХ) и вьетнамская традиционная проза малых форм,(Диссертация на соискание ученой степени кандидата филологических наук), Москва.
[8] Н.И. Никулин (1965), Творчество Нгуен Зу,Москва.
[9] Н.И. Никулин (1971), Въетнамская литература, кракий очерк,Москва.
[10] Н.И. Никулин (1977), Въетнамская литература Х - ХIХ вв.,Москва.
[11] N.I. Nikulin (2000): Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr 652.
[12] Б.Л. Рифтин (1969), “Зарождение и развитие классической вьетнамской новеллы” (- Повелитель демонов ночич), Москва.
[13] Б.Л. Рифтин (1974), “Типология и взаимосвязь средневековых литератур” (вместо введения Типология и взаимосвязь средневековых литератур Востока и Запада), Москва.
[14] Б.Л. Рифтин (2006), “Thử so sánh Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu (Trung Quốc) với Kim Ngao tân thoại của Kim Thời Tập (Triều Tiên), Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Việt Nam) và Ca Tỳ Tử của Asai Rey (Nhật Bản)” - Bài viết tham dự Hội thảo quốc tế về văn học Việt Nam và khu vực Đông Á tại Viện Văn học Việt Nam, in trên Tạp chí Văn học số 12. 2006.
[15] (1988), Роль фолклора в развитии литератур Юго-Восточной и Восточной Азии,Москва.
[16 ] A.A. Sokolov (1998): “Việc nghiên cứu văn học Việt Nam ở Nga”, Tạp chí Văn học số 11, Hà Nội, tr 75.
[17] (1974), Типология и взаимосвязь средневековых литератур Востока и Запада, Москва.
[18] Мариан Ткачев (1974), “Мастер рукотворных чудес из края светлого моря” (- Нгуен Зы, Пространные записи рассказов об удивительном),Москва.
[19] Мариан Ткачев (1975) “Вьетнамская проза средних веков” (- Классическая проза Дальнего Востока), Москва.
tin tức liên quan
Videos
Hoàng Ngọc Hiến: mấy mảnh ghép chân dung đời thường
Hồ Viết Thắng và bão táp cải cách ruộng đất
Trần Đình Sử và quan niệm đọc văn
Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh
Xôviết Nghệ Tĩnh và một số vấn đề về chính quyền cách mạng Việt Nam
Thống kê truy cập
114567085

2168

2343

21778

225609

129483

114567085