Cuộc sống quanh ta

“Thanh niên Phan Anh” - Có những phút làm nên lịch sử

Luật sư Phan Anh là một trí thức yêu nước, từng làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, một chính phủ do đế quốc Nhật dựng lên, sau khi Nhật làm cuộc đảo chính thực dân Pháp ở Đông Dương (9-3 - 1945). Bộ Thanh niên là một bộ mới hoàn toàn trong chính phủ này. Thế nhưng chỉ trong vòng 4 tháng, từ Nam chí Bắc ở nước ta đã có một lực lượng thanh niên đông đảo hưởng ứng lời thề: “Hết lòng hy sinh cho Tổ quốc”. Hồi đó gọi lực lượng này là lực lượng “thanh niên Phan Anh”.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, lực lượng này có 4 tổ chức sau đây: Lực lượng thanh niên Hướng đạo (Tráng sinh), thanh niên Tiền phong, thanh niên xã hội và thanh niên tiền tuyến. Mỗi một lực lượng đều có một người chỉ huy (thủ lĩnh) có những lời tuyên thệ giống nhau, mặc dầu ở cách xa nhau, thậm chí còn trùng khớp cả ngày giờ tổ chức làm “lễ tuyên thệ” cho mỗi lực lượng thanh niên hồi bấy giờ. Có được một lực lượng thanh niên hùng hậu gồm hàng chục vạn người như trên là nhờ sự cảm thông cùng một chí hướng, cùng một tư tưởng giữa luật sư Phan Anh và các nhân sĩ trí thức yêu nước, muốn nhân cơ hội này xây dựng một lực lượng chờ thời cơ cùng nhân dân giành độc lập cho Tổ quốc. Trong số 4 lực lượng thanh niên kể trên, thì lực lượng “thanh niên Hướng đạo” là một tổ chức quen sinh hoạt xã hội, có kỷ luật tự giác đã ra đời từ thời Pháp thuộc. Giờ đây thời thế đã thay đổi, các huynh trưởng đã bí mật gặp nhau, lấy cớ đi cắm trại ở núi Mã Yên (Hoa Lư – Ninh Bình), hai tổng hội ủy viên là ông Hoàng Đạo Thúy (Bắc kỳ) ông Tạ Quang Bửu (Trung kỳ) đã thống nhất đường lối hướng dẫn cho thanh niên Hướng đạo sẵn sàng ứng phó với thời cuộc. Cụ thể là: Thực hiện chương trình 10 điểm của Việt Minh, ủng hộ cụ Nguyễn Ái Quốc, Tổ quốc độc lập, không theo Anh – Mỹ, không theo Đại Đông Á. Hai vị tổng ủy viên cho rằng làm được như trên tức là lực lượng “thanh niên Hướng đạo” đã thực hiện tốt “Lời khai nguyện: trung thành với Tổ quốc”. Từ năm 1942 cho đến khi Cách mạng tháng Tam thành công, nhìn bề ngoài thanh niên Hướng đạo (còn gọi là tráng sinh) chỉ làm những việc có ích cho xã hội, cho đồng bào với một tinh thần yêu nước như mọi người dân khác, tuyệt đối không tham gia đảng phái chính trị. Nhưng trên thực tế thì hầu hết các tráng sinh Hướng đạo đều có cảm tình với Việt Minh, hoặc đã là Việt Minh nhưng bí mật giấu nhau. Theo hai ông tổng hội ủy viên thì lực lượng thanh niên Hướng đạo đã quen sinh hoạt tập thể nên có kỷ luật tự giác, có thể dễ dàng chuyển thành những tổ chức theo hướng quân sự kiểu “Thanh niên xung kích” (Jeunesse de choc) ở Tây Âu và Đông Âu hồi những năm 30, sẵn sàng làm lực lượng hậu bị cho lực lượng vũ trang khi thời cơ đến... Luật sư Phan Anh hoàn toàn tin tưởng vào lực lượng này, bởi các thành viên trong nhóm Thanh Nghị mà ông từng tham gia, phần đông đều là huynh trưởng Hướng đạo, ngay cả ông Hoàng Đạo Thúy đã là người quen thân trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ. Còn đối với ông Tạ Quang Bửu thì luật sư Phan Anh đã mời làm “cố vấn đặc vụ ủy viên” cho Bộ Thanh niên hồi bấy giờ để tiện bàn bạc công việc. Sau đây là lời kêu gọi lực lượng tráng sinh Hướng đạo: “... Anh em tráng sinh ta hãy quên hết những chia rẽ cá nhân hay đảng phái để một lòng hy sinh phụng sự nước nhà. Anh em tráng sinh ta hãy nhớ đến mấy nhà chí sĩ cách mạng trong mấy chục năm vừa qua từ Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Đoàn Trần Nghiệp, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, đều toàn là mấy nhà thanh niên trẻ tuổi đã hiến cho Tổ quốc một tinh thần cứng cỏi đấu tranh. Ta nên cúi đầu trước bóng người xưa mà nhận lãnh từ nay một sứ mạng chiến đấu để khỏi thẹn với non sông – Hỡi anh em huynh trưởng! Ta là tiên tiến trong đoàn Thanh niên ta, phải một lòng cương quyết để đem mỗi tráng sinh lên con đường tráng sĩ”.

Lực lượng “Thanh niên tiên phong” ở Nam bộ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm thủ lĩnh lúc đầu có đến 2 vạn thanh niên tham gia, sau tăng dần lên đến 5 vạn. Lực lượng này đã tổ chức 2 lần tuyên thệ nhằm tác động tâm lý hướng họ vào mục đích yêu nước. Ngày 1 tháng 7 năm 1945, nhằm này chủ nhật (không phải ngày 5 – 7 như hồi ký GS Trần Văn Giàu ghi), 25.000 thanh niên tiền phong tập hợp thành đội ngũ chỉnh tề tại vườn hoa Ông Thượng (Tao Đàn) nghe thủ lĩnh thanh niên bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra kêu gọi: (trích)
“Hỡi anh em thanh niên!
Ngày nay là một ngày long trọng của đời ta, cũng là một ngày đáng ghi lại trong lịch sử sau khi nước ta đắm chìm trong vòng nô lệ thực dân. Ngày nay chúng ta được hân hạnh đứng dưới ngọn cờ Thanh niên tiền phong, giữa trời xanh, dưới con mắt chứng kiến của quốc dân và đồng bào, quỳ gối tuyên thệ:
- Tôi luôn luôn hết lòng hy sinh cho Tổ quốc!
- Tôi luôn luôn theo luật lệ của Thanh niên tiền phong!(1)
Mà ngày nay cũng là một ngày kỷ niệm đau đớn trong lịch sử, vì chính ngày này, tháng này, cách đây 60 năm, năm 1985, kinh đô Thuận Hóa thất thủ. Bọn đế quốc Pháp đặt lên toàn bộ giang sơn ta một cái ách đô hộ, làm cho anh hùng nước ta khó vùng vẫy, làm cho quốc dân ta mất tinh thần đấu tranh hy sinh, làm cho nước ta biết bao nhiêu chậm trễ trên con đường tiến hóa. Vậy ngày nay là ngày tuyên thệ của Thanh niên tiền phong mà cũng là ngày kỷ niệm thất thủ giang sơn.
Lịch sử nước ta từ xưa đến nay đều hoàn toàn là một lịch sử cách mạng. Từ đời Hùng Vương cho đến Nguyễn Thái Học, trải qua Bà Trưng, Lê Lợi, anh em Tây Sơn, máu anh hùng nhuộm đỏ giang sơn chỉ vì hai mục đích: giải phóng dân tộc Việt Nam và tìm chỗ sống dưới bầu trời” (hết trích).
Ở miền Trung và miền Bắc hồi đó còn có một lực lượng gọi là “thanh niên xã hội”. Mỗi tỉnh có một thủ lĩnh thanh niên, lấy trong các huynh trưởng Hướng đạo. Theo hồi ức của ông Lê Duy Thước, nguyên Chánh văn phòng Bộ Thanh niên, thì chính ông cố vấn Tạ Quang Bửu đã bàn với luật sư Phan Anh tìm chọn các huynh trưởng Hướng đạo ở các tỉnh, ai có tinh thần yêu nước, có đạo đức, được tín nhiệm thì lập danh sách bằng văn bản, trình bộ trưởng Thanh niên ra quyết định bổ nhiệm. Có người còn nhớ hồi đó thủ lĩnh thanh niên ở tỉnh Thừa Thiên là ông Tráng Thông, ở Nghệ An là ông Phan Đăng Tài, ở Hà Tĩnh là ông Nguyễn Đổng Chi... Hoạt động của “thanh niên xã hội” hồi bấy giờ thường làm những công việc như đi quyên góp cứu đói, chôn cất người bị chết đói, làm công việc cứu thương những người bị bom đạn do đế quốc Mỹ gây ra, tham gia hội truyền bá quốc ngữ, làm công tác từ thiện trong tổ chức cứu tế xã hội... Sau khi các tỉnh đã hình thành tổ chức thanh niên do Ty Thanh niên - Thể dục - Thể thao phụ trách, luật sư bộ trưởng Phan Anh đề xuất nên triệu tập một cuộc họp các thủ lĩnh thanh niên cấp cơ sở nhằm thống nhất mục đích “trung thành với Tổ quốc” và khơi dậy lòng yêu nước trong lực lượng “Thanh niên xã hội” chờ đợi thời cơ giành lại nền độc lập. Trung tuần tháng 6 năm 1945, giấy triệu tập dự “đại hội thanh niên” đã được gửi đi. Hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu còn chỉ đạo. Ông Lê Duy Thước Chánh văn phòng bộ thông qua các đoàn tráng sinh Hướng đạo ở Huế và một số thầy giáo như: Tôn Quang Phiệt, Lê Xuân Phương, Cao Văn Khánh, Nguyễn Lân, Đào Duy Anh, Hoài Thanh, Hữu Ngọc v.v.. đang dạy ở các trường: Thiên Hựu (providence), Thuận Hóa, Việt Anh, Hồng Đức, Khải Định... huy động các học sinh trung học đến để chào mừng "kết quả đại hội" và nghe thủ lĩnh thanh niên Phan Anh diễn thuyết tại sân vận động Olimpic Huế vào chiều chủ nhật (1-7-1945). Hôm đó luật sư Phan Anh, bộ trưởng bộ Thanh niên mặc một bộ đồ trắng, tóc cắt ngắn, bước lên bục khán đài diễn thuyết. Luật sư nói giọng Hà Nội, vừa vang, vừa ấm, nghe rất rõ, lời lẽ khúc chiết hùng hồn, nhất là những đoạn ông đề cao lòng tự tôn dân tộc, nêu gương các vị anh hùng xưa đã từng đem lại cho giang sơn một địa vị độc lập trên trường quốc tế. Là một luật sư nên ông có tài hùng biện xung quanh chủ đề yêu nước. Cả một quảng trường có hàng ngàn thính giả yên lặng nghe những lời tâm huyết “rót vào tai”, bỗng ông giơ tay chỉ lên trời, dõng dạc hô to câu lời thề: “Trên có trời, dưới có đất, ở giữa có chư vị thần linh, chúng ta hứa không để kinh đô Huế thất thủ lần thứ hai! Xin thề!”. Câu này về sau có người gọi đó là “lời thề độc lập”; bởi suy rộng ra là quyết không để mất nước một lần nữa. Cái hay, cái giỏi của câu này là diễn giả đã đánh trúng tâm lý và yếu tố văn hóa tâm linh của người xứ Huế, lại vừa có tính chất lịch sử. Ngày 23 tháng 5 âm lịch hàng năm, đồng bào Huế có tục cúng các cô hồn bị đạn lạc tên bay chết trong ngày thất thủ kinh đô năm Ất Dậu – 1885(2). Chỉ một lời thề đã ngầm động viên tinh thần yêu nước cho lực lượng thanh niên hồi bấy giờ. Ở Huế hiện nay, những cụ tuổi trên 85 vẫn còn nhớ tới lời thề này. Cụ Nguyễn Hữu Cự, nguyên là một học sinh bậc tú tài trường Khải Định (nay là Quốc học Huế) năm nay đã bước sang tuổi 88, hiện nhập cư ở xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) đã gửi thư cho chúng tôi viết: “65 năm sau giờ tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai lời thề độc lập ấy”.
Ba lực lượng thanh niên nêu trên có ở từng miền hay toàn quốc. Riêng ở Huế còn có một lực lượng thanh niên nữa, đó là “thanh niên tiền tuyến”. Có thể nói đây là lực lượng ưu tú nhất, tiếc rằng số lượng không nhiều, vì có sự tuyển chọn khá khắt khe, phải có trình độ đại học, ít nhất là đã đỗ tú tài toàn phần. Hầu hết anh em ở lực lượng này đều là sinh viên đang học đại học ở Hà Nội. Sau khi Nhật làm cuộc đảo chính Pháp, các trường đại học bị đóng cửa. Theo gợi ý của ông Tạ Quang Bửu, bộ Thanh niên nên lập ra một trường quân sự trá hình thu nhận những sinh viên này, với tên gọi “Trường Thanh niên tiền tuyến Huế”. Chỉ sau vài ba tuần lễ, bộ khung của trường đã được hình thành và lần lượt nhận học viên vào học. Toàn trường có 47 thành viên. Một thời gian ngắn sau đó, lực lượng này đã được “Việt Minh hóa”, về sau có người nói đây là một ngôi trường “xanh vỏ đỏ lòng”.
*
*   *
Cách mạng tháng Tám thành công, các lực lượng thanh niên nói trên đã tự giải thể. Nhìn chung họ đã thực hiện được những điều mà họ đã tuyên thệ với Tổ quốc, với các bậc anh hùng dân tộc... để rồi họ tìm được chỗ sống dưới bầu trời cách mạng. Trong lực lượng “thanh niên Hướng đạo” ở cả ba miền về sau có người đi theo Đảng suốt cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ như các đồng chí: Trần Duy Hưng, Hà Đổng, Lê Duy Thước, Cao Văn Khánh, Huy Cận, Nguyễn Mạnh Hào, Tôn Thất Hoàng, Quách Tử Hấp, Mai Văn Bộ, Bạch Văn Quế... Trong lực lượng “thanh niên tiền phong” có rất nhiều người trở thành cán bộ trong lực lượng vũ trang đứng trong hàng ngũ cùng nhân dân chiến đấu trên chiến trường Nam bộ, một chiến trường đi trước về sau như các đồng chí: Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tấn Nhơn, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bửu Kiếm, Lưu Hữu Phước... Đó là chưa kể gần 100 thanh niên tiền phong được đào tạo lớp cảnh sát cấp tốc, mà số đông về sau theo cách mạng như Nguyễn Đại Thành, Nguyễn Văn Thức... Theo ông Huỳnh Văn Tiểng thì “những anh em cảnh sát xuất thân từ thanh niên tiền phong là những hạt nhân chính trị tích cực để tạo điều kiện thuận lợi cho tổng khởi nghĩa sắp tới”. (trích Xưa và Nay số 361). Còn lực lượng “Thanh niên xã hội” ở miền Trung và miền Bắc thì hầu hết đều là lực lượng nòng cốt trong Tổng khởi Cách mạng Tháng Tám ở địa phương từ tỉnh đến huyện, xã xin dẫn chứng: ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) hồi ấy có khoảng hơn 20 “thanh niên xã hội” như các anh Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Hiền, Đặng Giá... dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chung Anh đã cùng quần chúng nhân dân, chiều ngày 16/8/1945 xông vào huyện đường, treo cờ đỏ sao vàng, buộc viên tri huyện phải nộp ấn tín, sổ sách... và những yêu cầu khác của thanh niên nêu ra. Sau đó lực lượng này lại kéo đến đồn lính bảo an trước vũ khí, xong họ lại gặp ban lãnh đạo Việt Minh huyện đề nghị lập chính quyền cách mạng (theo tài liệu lịch sử Đảng bộ huyện Can Lộc, trang 82 – 83). Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có những dòng ghi về trường “Thanh niên tiền tuyến” như sau: “Học viên trường Thanh niên tiền tuyến một số là cơ sở Việt Minh..., lực lượng bảo an binh và nhiều anh em học viên dưới quyền chỉ huy của anh Phan Tử Lăng cũng đã đứng về phía cách mạng” (trang 179). Trường này đã có những đóng góp tích cực cho chính quyền cách mạng như bắt gọn 6 tên biệt kích của Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ cách Huế 15km về phía Bắc; bắt một số sĩ quan và thuyền trưởng lính thủy Pháp đổ bộ lên cửa biển Thuận An; bảo về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền; giữ gìn trật tự và làm hàng rào danh dự trong cuộc mít tinh lễ thoái vị của vua Bảo Đại trước cửa Ngọ Môn; trực tiếp làm chỉ huy 25 phân đội “giải phóng quân Huế” lên đường Nam tiến hoặc sang Lào, chi viện cho chiến trường ở Nam Bộ và nước bạn... Sau hai cuộc kháng chiến lực lượng Thanh niên tiền tuyến đã đóng góp cho cách mạng 2 vị từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là ông Phan Anh và ông Tạ Quang Bửu; có 8 người được phong quân hàm cấp tướng như: Trung tướng Cao Văn Khánh, các thiếu tướng: Cao Pha, Nguyễn Kèn, Đoàn Huyên, Phan Hàm; 4 đại tá; 10 liệt sĩ - thương bệnh binh;... một số chuyển ngành làm công tác quản lý ở các bộ, các vụ, hoặc dạy ở các trường đại học như giáo sư Nguyễn Đức Thừa, Lê Quang Long, Nguyễn Huy Nam, Tôn Thất Hoàng...; các chuyên viên cao cấp có: Hoàng Xuân Bình, Phan Văn Diên, Đặng Văn Việt, Hà Đổng, Hồ Văn Điềm... Lực lượng này hiện có một ban liên lạc của trường nên đã biết rõ ai còn, ai mất, ai đang định cư ở nước ngoài... Với những thành tích nêu trên, sau một thời gian nghiên cứu, ngày 6 tháng 9 năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 1607-QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh địa điểm trường Thanh niên tiền tuyến – Huế - 1945. Cuộc đời binh nghiệp của thiếu tướng Võ Quang Hồ, một học viên của trường Thanh niên tiền tuyến, khi về già đã tâm sự: “Năm tháng đã đi qua nhưng còn đọng lại trong lòng chúng ta sự biết ơn nhân dân, đảng bộ các địa phương đã cưu mang, tận tình giúp đỡ chúng ta hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta bùi ngùi tưởng nhớ anh em đã ngã xuống, động viên nhau cống hiến sức mình, sức con cháu cho đất nước trong những năm tháng còn lại của cuộc đời”.
 
 
(1).Theo báo “Điện tín” số ra ngày thứ 3, 3/7/1945 đưa tin thì có 3 lời thề như sau:
- Trung thành với Tổ quốc! Xin thề!
- Trung thành với nhân dân! Xin thề!
- Giữ gìn phẩm chất cao đẹp! Xin thề!
 Sau lời tuyên thệ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đứng lên chỉ huy hát bài “ Tiếng gọi thanh niên” bằng lời mới: “Nào thanh niên ơi! Đứng lên dưới cờ giải phóng” thay cho câu: “Đứng lên đáp lời sông núi”. Theo hồi kí của GS Trần Văn Giàu đây là lần thứ nhất “Thanh niên tiền phong” làm lễ tuyên thệ.
(2). Dương lịch là ngày 7-5-1885.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hồi ký Trần Văn Giàu 1940 – 1945 (Tạp chí Xưa và Nay số 368, trích đăng)
- Hồi ký Huỳnh Văn Tiểng về Cách mạng Tháng Tám (Tạp chí Xưa và Nay số 361)
- BS Anh hùng Phạm Ngọc Thạch và sự tiếp nối. NXB Văn hóa Thông tin và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. 2009.
- Trường Thanh niên tiền tuyến – Huế - Một hiện tượng lịch sử - (NXB Công an nhân dân. 2008)
- Lời thề độc lập của thủ lĩnh thanh niên Phan Anh (Huế Xưa và Nay số 163).


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513213

Hôm nay

2314

Hôm qua

2436

Tuần này

21150

Tháng này

220086

Tháng qua

121356

Tất cả

114513213