Cuộc sống quanh ta

Trẻ em lang thang và nhu cầu trợ giúp tâm lý

Trẻ em lang thang (TELT) là một hiện tượng xã hội khá phổ biến có tính chất toàn cầu. ở Châu Âu, trẻ em lang thang đã xuất hiện từ  thời Trung cổ và tăng lên qua các thời kỳ cách mạng công nghiệp. Dân số thế giới tăng nhanh, thiên tai, dịch bệnh, thất nghiệp... đã làm tăng nhanh số trẻ lang thang ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Cụm từ “trẻ em lang thang” được hiểu với nhiều cách khác nhau như là: “trẻ bụi đời”, “trẻ cơ nhỡ”, “trẻ đường phố” v.v… Tuy nhiên một cách hiểu chung nhất về TELT đó là “các em thiếu sự chăm sóc của gia đình và phải tự kiếm sống bằng nhiều hoạt động khác nhau diễn ra hàng ngày trên đường phố”. Về độ tuổi của TELT chưa có quan niệm thống nhất, có nước quy định tuổi của TELT dưới 16 tuổi, có nước quy định dưới 18 tuổi.
ở Việt Nam, TELT có thể phân ra 3 nhóm như sau:
- Nhóm 1: Gồm những trẻ không có bố mẹ và gia đình, hoặc bị gia đình bỏ rơi phải đi lang thang, sống theo băng nhóm, ăn ngủ ngoài đường phố.
- Nhóm 2: Gồm những trẻ sống lang thang hàng ngày, nhưng vẫn còn ít nhiều liên hệ với bố mẹ, với gia đình.
- Nhóm 3: Gồm những trẻ đi lang thang ban ngày, tối lại về với bố mẹ và gia đình. Hiện tượng trẻ em bỏ nhà đi lang thang hoặc đi lang thang cùng cha mẹ cũng xuất hiện từ lâu nhưng không phổ biến. Trước đây trẻ em lang thang, chủ yếu ở các thành phố, thị xã và thị trấn. Các em thường bỏ nhà đi lang thang ở khắp các đường phố để ăn xin, thậm chí là trộm cắp vặt, càn quấy nơi công cộng như nhà ga, chợ, bến xe. Khái niệm trẻ em lang thang lúc này đồng nghĩa với trẻ em chậm tiến, trẻ em hư. Biện pháp của Nhà nước là giáo dục tại chỗ, một số trường hợp đặc biệt được đưa vào các trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý và giáo dục. Theo báo cáo của Tổng thư ký Liên hiệp quốc tại khóa họp đặc biệt của Liên hiệp quốc về trẻ em với chủ đề “Chúng em là trẻ em” vào tháng 5/2002 tại New York thì hiện nay có khoảng “250 triệu trẻ em lứa tuổi 5 đến 14 đang hoạt động kinh tế”, và Tổ chức lao động thế giới (ILO) ước tính “có khoảng 50 - 60 triệu trẻ em đang tham gia vào hình thức lao động tồi tệ. Những trẻ em này là những em đang lao động tại gia đình, đồng ruộng, nhà máy trong số hàng triệu em bị tước đoạt mối liên hệ với gia đình, không được đăng ký khai sinh và không được học hành và phải sống trên đường phố” (Mục 78, trong báo cáo “chúng em là trẻ em”, tài liệu do CPCC dịch năm 2001, tr.32). Theo kết quả khảo sát ở 7 quận, huyện thuộc Thủ đô Hà Nội vào tháng 8/1997 là 2.772 em và cuộc khảo sát vào giữa năm 1999 số TELT đã tăng lên tới 4.558 em. Trẻ lang thang đã trở thành vấn đề xã hội rất lớn đối với chính quyền Sài Gòn và đã cho lập các đoàn xã hội, trung tâm giáo hoá thu gom trẻ từ 13 - 18 tuổi để chăm sóc, giáo dục, dạy nghề… Sau này do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
Ngoài trẻ em của Việt Nam lang thang thì những năm gần đây cũng xuất hiện khá nhiều người nước ngoài và trẻ em nước ngoài cũng lang thang xin ăn tại Việt Nam (trẻ em Lào, Campuchia). Đây là vấn đề không nhỏ đối với xã hội, chúng ta đang phải giải tìm biện pháp và xây dựng các mô hình để khắc phục trong thời gian tới.
Trẻ em lang thang đang là vấn đề “nhức nhối” trong giáo dục, cần được chăm sóc, bảo vệ, hạn chế sự xâm hại của tệ nạn xã hội đối với các em, giáo dục các em trở thành người công dân tốt. Việc nắm được thực trạng cuộc sống, việc làm và những đặc điểm tâm lý, trong đó có nhu cầu của TELT là những vấn đề cần được nghiên cứu.
Thực trạng trẻ em lang thang qua một khảo sát.
Từ khi đất nước đổi mới, xoá bỏ cơ chế bao cấp, các làng nghề thủ công ở nông thôn bị thu hẹp nhiều. Mặt khác, Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế, mở rộng đô thị, đồng thời cho phép người dân được tự do đi lại, cư trú. Do vậy, người dân từ các vùng nông thôn có thể tìm kiếm việc làm, kiếm sống hoặc việc làm có thu nhập cao hơn ở các đô thị. Hiện tượng trẻ đi theo cha mẹ hoặc tự rủ nhau ra thành phố ăn xin, đánh giày, bán báo bắt đầu tăng nhanh. Theo số liệu của ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam (trước đây) năm 1999, cả nước có khoảng 23.039 trẻ lang thang, riêng tại Hà Nội là 4.558 em.
Kết quả một số nghiên cứu về trẻ em lang thang từ năm 1995 cho thấy, phần lớn trẻ lang thang bị mù chữ hoặc chỉ học ở bậc tiểu học. Những năm gần đây, số trẻ lang thang học đến cấp PTCS tăng lên. Các em từ nông thôn ra thành phố phần lớn là làm một số nghề như bán báo, đánh giày, bán hàng rong, bán bánh mỳ, nhặt rác, xin ăn, hát rong, giúp việc gia đình, một số ít làm trái pháp luật như móc túi, trộm cắp vặt… Cá biệt, một số em bỏ nhà ra thành phố tụ tập sống thành băng nhóm, quậy phá, vi phạm pháp luật, thậm chí cả tham gia buôn bán và sử dụng ma túy. Nơi ở của các em thường là nhà ga, bến xe và một số có nhà trọ, mái ấm, nhà mở… Trẻ em ra thành thị lúc đầu là tự phát cá nhân nhưng gần đây đã hình thành các tổ chức tự do, lôi kéo, thu gom các em từ gia đình, các em làm việc vất vả và bị bóc lột sức lao động, tước mất quyền cơ bản của mình. Nhiều em đã trở thành nạn nhân của một số vụ bạo hành, bị lạm dụng, bị đánh đập gây thương tích. 
Kết quả khảo sát ở 51 xã thuộc 8 tỉnh Dự án hỗ trợ trẻ em lang thang (pha2) của các tỉnh: Vĩnh Phúc; Hưng Yên; Thanh Hóa; Hà Tĩnh; Thừa Thiên Huế; Quảng Ngãi; Phú Yên; Khánh Hòa vào tháng 9 năm 2010 xác định có 7.716 em, trong đó có 977 trẻ em lang thang và 6.739 trẻ em có nguy cơ lang thang. Độ tuổi của TELT từ khoảng 10 đến dưới 16 tuổi là phổ biến, độ tuổi dưới 10 tuổi chiếm khoảng 4-5%. Khoảng hơn 90% số TELT có trình độ tiểu học và THCS, còn lại 3-4% số TELT mù chữ, một số ít khoảng 2% số em đã được học tới lớp 10 THPT. TELT kiếm sống tập trung nhiều ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, và đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Công việc chủ yếu của các em là đánh giầy, bán vé số, giúp việc gia đình, phụ giúp việc trong các nhà hàng, quán cơm với mức thu nhập bình quân khoảng từ 700.000đ đến 2.000.000đ/tháng.
- Trong những năm gần đây tình hình TELT phức tạp và có xu hướng gia tăng. Theo số liệu của 63 tỉnh thành, tính đến cuối năm 2008, cả nước có khoảng 28.500 trẻ em lang thang, tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Ngoài ra, còn có khoảng 1,7 triệu trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và khoảng trên 3 triệu trẻ em sống trong các gia đình nghèo, đây là những em nằm trong diện có nguy cơ lang thang rất cao.
Nhu cầu tâm lý của trẻ em lang thang.
Thế giới tâm hồn nói chung và nhu cầu tâm lý nói riêng của TELT đều có những đặc điểm chung của con người, của trẻ em, nhưng cũng có những sắc thái riêng do hoàn cảnh cụ thể và cuộc sống cụ thể của từng người tạo nên. Trong báo cáo tham luận về mô hình dạy nghề cho trẻ em lang thang hồi gia và trẻ em nguy cơ lang thang của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010, thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có hơn 1.800.000 trẻ em chiếm tỷ lệ 27,3% dân số thành phố. Trong đó gần 18.000 trẻ em là con gia đình nhập cư, chiếm tỷ lệ 10% số trẻ em toàn thành phố và có 1.150 trẻ em phải lang thang kiếm sống. Hầu hết trẻ em lang thang kiếm sống bằng nhiều công việc như: Bán báo, bán vé số, đánh giầy, bán mỳ gõ, thuốc lá, tranh ảnh, bánh kẹo, lượm rác và ăn xin... Một báo cáo về “Trẻ bụi đời tại thành phố Hồ Chí Minh” vào tháng 9/1992 do Timothy W. Bond nêu lên (trên cơ sở kết quả khảo sát cho tổ chức Terre des homes) (Lausanne, Thụy Sỹ) đỡ đầu có nêu: “Điều đáng chú ý ở đây là tất cả trẻ bụi đời trên khắp thế giới đều rất giống nhau, cả trong hành vi lẫn vẻ bề ngoài của chúng. Người dân ở Bangladesh, ở Népal và ở Việt Nam đều rất khác nhau. Họ có những tôn giáo, những phong tục và những giá trị tinh thần khác biệt. Nhưng không hiểu tại sao trẻ bụi đời ở các quốc gia vừa nêu trên, cũng như ở mọi quốc gia khác đều rất giống nhau, dù chúng không hề có những “chương trình trao đổi văn hóa”, hay bất cứ một cơ hội nào để ảnh hưởng đến nhau cả. Điều này do đâu? Điều ấy có thể có những điểm đúng với thực tế biểu hiện nhu cầu tâm lý của trẻ lang thang”.
Trở lại, từ thực tiễn, ta có thể thấy các nhu cầu tâm lý cơ bản của trẻ em lang thang là:
Nhu cầu được yêu thương và đồng cảm.
- Một số trẻ đi lang thang vì gia đình ruồng bỏ hoặc gia đình quá khó khăn không đáp ứng được một số nhu cầu hết sức cơ bản như: ăn, mặc, học và nhất là tình thương. Mặt khác bị xã hội bình thường ruồng bỏ về mặt tâm lý, các em tìm thấy mối quan hệ thân tình ấm cúng của người đồng cảnh, tương thân, tương trợ lẫn nhau. (Người ta vẫn gọi đây là một nền “tiểu văn hóa” trùng với giá trị, tín điều ngôn ngữ riêng).
- Với vẻ bề ngoài bướng bỉnh, phong trần nhưng bên trong đứa trẻ lang thang rất cần tình thương và sự che chở đùm bọc.
+ Trẻ cần một tình yêu thương thực sự và một sự cảm thông, đồng cảm sâu sắc tự đáy lòng. Đã bao lần bị xua đuổi, bị đánh đập hoặc bị giao cho cảnh sát, vì thế trẻ lang thang đường phố khó tin vào chúng ta. Trước khi gắn bó với một ai, các em muốn được bảo đảm là các em có thể tin nơi người đó được. Vì thế những người làm công tác tiếp xúc với trẻ lang thang đường phố, đặc biệt với các em có tâm lý tuyệt vọng, chán chường phải biết hòa nhập với các em, xác lập một tình cảm và sự tin cậy ở các em.
Nhu cầu an toàn, yên ổn:
+ Khi lang thang trên đường phố để kiếm sống trẻ rất sợ những hành động của mình bị người khác nhòm ngó, theo dõi, ngăn chặn bắt bớ, thu gom. Vì thế trẻ luôn có một nhu cầu được an toàn trong hành động.
+ Khi ăn uống, tụ tập, đàm đạo với bạn bè đồng cảnh, cũng như với những giấc ngủ với màn sương chiếu đất, trẻ luôn mong có sự an toàn. Những trẻ ngủ trên đường phố có nhiều nguy cơ gặp tai họa hơn so với các em ngủ với gia đình (hoặc những em ngủ lang thang ngoài phố nhưng có gia đình cùng đi theo). Các em này thường bị mất cắp, bị đánh đập hoặc bị “dân anh chị” trấn lột. Các em thường nơm nớp lo âu về cuộc sống mất an toàn.
- Trong cuộc sống cô đơn cũng như trong cuộc sống “đồng bọn lang thang” các em luôn mong muốn một sự yên ổn, thường bị xua đuổi, hăm dọa, bắt bớ, thu gom hoặc trở lại cuộc sống nghiệt ngã, khó thở, khó sống nổi trong những gia đình rạn vỡ (hoặc quá nghèo đói, khó khăn). Nỗi lo sợ bị bắt, nhất là khi có chiến dịch thu gom, khiến cho các trẻ em có nhiều phản ứng và thái độ khác nhau. Có những em trốn kỹ, có em có thái độ khiêu khích vì lo lắng, có một số em về nhà tạm lánh một thời gian để lại xuất hiện khi không còn chịu nổi không khí gia đình nữa, hay khi “chiến dịch” đã qua.
Nhu cầu được “tự do”, “độc lập”.
- Rất nhiều TELT, bụi đời thích cuộc sống “tự do”, “độc lập” có thể thiếu thốn và đầy bất trắc hơn là cuộc sống trong những môi trường khá cởi mở và đầy tình thương mà chúng ta dành cho chúng (trong đó có thể là các mái ấm, nhà mở, lớp học tình thương v.v...)
- Nhiều trẻ bụi đời không muốn từ bỏ sự độc lập của mình để quay về với cuộc sống bình thường của con trẻ. Quay trở về đối với chúng là đồng nghĩa với việc phải chịu đựng đau khổ, chán chường hay đè nén, nhất là khi chúng đã dám bước qua bước ngoặt quan trọng và cần thiết là thoát ly khỏi cuộc sống đó rồi.
+ Khi trẻ lang thang, bụi đời đã chọn cách sống lang thang đường phố là phương sách tối ưu đối với chúng thì nhiều em không thể hoặc không muốn đưa ra lời giải thích nào khác cho động cơ của chúng ngoài việc chúng muốn được “độc lập”, “tự do” không bị ràng buộc vào gia đình và các tổ chức xã hội mà muốn gắn bó với bạn bè đồng cảnh.
+ Khi trẻ lang thang đã tụ tập lại với nhau thành nhóm, chúng thường tỏ thái độ khiêu khích một cách công khai, tỏ ra xem thường các quy ước xã hội, muốn tách mình ra khỏi những ràng buộc của xã hội, chúng tự đặt ra những quy ước riêng với nhau với mong muốn được tự do cá nhân. Đối với các em kỷ luật và tình đoàn kết gắn bó với nhau theo quy ước riêng của nhóm là nguyên tắc cần thiết để chúng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Một đặc điểm của TELT đường phố mà chúng ta ít quan tâm là sự hào hiệp của các em và tinh thần đoàn kết với người yếu đuối và người nghèo - đó cũng là cơ chế phòng thủ và tự bảo vệ của nhóm trẻ lang thang.
Nhu cầu tự khẳng định.
+ Nhu cầu này xuất hiện sớm, ngay từ lúc trẻ chập chững biết đi: Lên hai tuổi trẻ đã tự làm lấy một số việc như tự cầm lấy thìa, lấy chén… đến 3 tuổi trẻ đã xuất hiện xu thế “ngang bướng”, thích làm ngược lại để khẳng định sự độc lập của mình, ý thức về bản thân mình được coi là một bước chuyển biến cơ bản, là trung tâm của sự hình thành và phát triển cá tính của các em.
+ Đối với trẻ lang thang thì nhu cầu tự khẳng định thể hiện ở chỗ trẻ muốn tỏ ra mình đã có đủ khả năng tự kiếm sống, muốn thoát khỏi sự ràng buộc, kiểm tra, giám sát của gia đình, của người lớn, của xã hội.
+ Trong quan hệ với bạn bè đồng cảnh lang thang, trẻ em thuộc loại này cũng luôn tỏ ra mình độc lập với người khác, không phụ thuộc vào người khác, hoặc muốn trẻ khác chịu “lép vế” hơn, phải phụ thuộc vào mình, tôn mình lên là “dân anh chị”.
+ Nhu cầu tự khẳng định ở trẻ lang thang còn thể hiện ở chỗ chúng dám nhận mình là ai, tỏ phản ứng khó chịu, khi người khác tỏ ra thương hại hoặc đánh giá thấp chúng. Trong một tình huống chúng tôi dẫn ra dưới đây (theo Pabibo Dallape “Một kinh nghiệm với trẻ lang thang đường phố”) chúng ta sẽ thấy trẻ em lang thang tự nhìn nhận bản thân như thế nào?: “Một hôm cha Grol tới một trường cải tạo thiếu niên ở một thị trấn vùng quê. Ông được mời nói chuyện với các em trai. Ông hỏi các em ai là trẻ lang thang và ai là trẻ ở bãi đỗ xe? Chẳng có ai giơ tay. Khi ông hỏi ai là kẻ cắp thì phần lớn các em giơ tay. Các em rất ngạc nhiên khi người ta coi các em là trẻ lang thang, ăn mày. Các em rất tự hào giới thiệu mình là người có nghề nghiệp. Đáng tiếc là các em vẫn nghĩ rằng để bị bắt là sai lầm của các em. Ăn trộm không phải là một điều sỉ nhục mà là một công việc”.
Nhu cầu giao lưu
+ Nhu cầu giao lưu là một nhu cầu xã hội có từ khi trẻ mới sinh (ở mức thấp) phát triển ngày càng phong phú và đa dạng. Đó là nhu cầu đặc biệt của mối quan hệ giữa con người với con người, con người và xã hội. Giao lưu là điều kiện tồn tại của con người và xã hội loài người. Thông qua giao lưu và con người gia nhập vào các quan hệ xã hội, lĩnh hội tiếp thu nền văn hóa xã hội và các chuẩn mực đạo đức xã hội, hình thành các phẩm chất tâm lý - nhân cách của cá nhân.
Cũng qua giao lưu mà con người đối chiếu mình với người khác, thấy rõ bản thân mình, hình thành tự ý thức, hình thành bản chất của mình. Vì thế, nhu cầu giao lưu là một nhu cầu xã hội đặc trưng của con người.
+ Cũng như mọi trẻ em khác, trẻ lang thang đường phố muốn bước vào một cuộc sống “độc lâp”, “tự do”, các em muốn giao lưu với bạn bè cùng lứa tuổi, cùng cảnh ngộ, để tìm thấy trong cuộc sống phiêu bạt, lang thang một tình thương yêu, đùm bọc của những người cùng cảnh ngộ để chia sẻ niềm tâm tư với các bạn mà các em tìm thấy ở đó niềm tin yêu và đồng cảm.
+ Mặt khác trẻ lang thang bị xô đẩy vào những hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã, thiếu thốn, khó khăn đủ điều, các em càng ngại tiếp xúc thân tình với người lớn, với các trẻ em bình thường khác. Sự khép kín thế giới tâm hồn trong phạm vi nội tâm, hoặc chỉ bộc lộ nó trong mối “quan hệ đồng bọn” làm cho các em dễ trở nên xa lánh mọi người.
+ Trong mối quan hệ giao lưu phức tạp trên đường phố, số trẻ lang thang dễ dàng bắt chước, a dua với những hành vi trái quy tắc xã hội (như trộm cắp, trấn lột, đánh lộn lẫn nhau… ) hoặc dễ dàng tiếp thu những mặt xấu, tiêu cực của đời sống xã hội, của những phim ảnh, sách báo thiếu văn hóa, khiêu dâm, đồi trụy. Vì thế việc giao lưu của trẻ lang thang đường phố dễ dàng đem lại những suy thoái, những biến chất trong tâm hồn trẻ thơ.
Trên đây là một số nhu cầu tâm lý cơ bản có thể biểu hiện ở trẻ lang thang. Những nhu cầu tâm lý này đã trở thành động lực hành vi của trẻ. Chắc chắn đây chưa phải là toàn bộ các nhu cầu tâm lý của trẻ lang thang. Và tất nhiên từng nhu cầu tâm lý nêu trên có thể biểu hiện khác nhau ở từng loại trẻ lang thang khác nhau, với những độ tuổi khác nhau của trẻ.
Trong thời gian tới, để công tác quản lý nhằm phòng ngừa và giải quyết vấn đề trẻ em lang thang đạt hiệu quả, giúp các em hoà nhập với cộng đồng, các giải pháp cơ bản được đưa ra là:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trong đó giải quyết giúp đỡ trẻ em lang thang và có nguy cơ lang thang.
Hai là, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động xã hội với nội dung và hình thức phù hợp với từng khu vực, gia đình và trẻ em, tập trung cụ thể vào chính các em và gia đình có trẻ lang thang và nguy cơ lang thang.
Ba là, nâng cao chất lượng giáo dục, tổ chức các hình thức học tập, giáo dục phù hợp nhằm thu hút trẻ em trong độ tuổi đến trường, giảm tối đa tình trạng trẻ em bỏ học để đi lao động và lang thang kiếm sống.
Bốn là, phát động phong trào toàn dân thi đua thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng ngừa trẻ em đi lang thang và giúp trẻ lang thang trở về với gia đình một cách bền vững.
Năm là, củng cố và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở các cấp. Tăng cường theo dõi giám sát tình hình thực hiện quyền trẻ em tại cơ sở để phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Sáu là, xây dựng mô hình giúp đỡ trẻ em lang thang hồi gia bền vững và ngăn chặn trẻ em đi lang thang thông qua việc giáo dục pháp luật đối với việc bảo vệ chăm sóc trẻ em; tạo điều kiện trợ giúp các gia đình có trẻ lang thang và có nguy cơ lang thang trong diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, hạn chế, ngăn ngừa trẻ em đi lang thang.
Bảy là, phối hợp đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em ở cộng đồng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng.
Tám là, huy động tối đa mọi nguồn lực sẵn có trong nước, mở rộng hợp tác quốc tế để huy động sự hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ưu tiên đặc biệt giải quyết vấn đề trẻ em lang thang.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513209

Hôm nay

2310

Hôm qua

2436

Tuần này

21146

Tháng này

220082

Tháng qua

121356

Tất cả

114513209