Cuộc sống quanh ta

Sự tha hoá quyền lực ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta hiện nay và một số giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục nó

 1. Tha hoá quyền lực ở một bộ phận cán bộ nước ta hiện nay
Nhân loại, trên đường tìm về bản chất đích thực của mình, không tránh khỏi phải trải qua một giai đoạn bị tha hoá. Đó là một giai đoạn lịch sử trong tiến trình nhân loại chuyển từ “vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do”, như Ph.Ăngghen đã khẳng định.

Tư tưởng về sự tha hoá được lý giải một cách có hệ thống bắt đầu từ triết học cổ điển Đức với đại biểu nổi tiếng là Ph.Hêghen. Tuy nhiên, Hêghen đã lý giải sự tha hoá theo kiểu duy tâm. Xuất phát từ  quan niệm bản nguyên của thế giới không phải là vật chất, mà là “ý niệm tuyệt đối” hay “tinh thần thế giới”, Hêghen cho rằng giới tự nhiên, kể cả con người, chẳng qua chỉ là sự “tha hoá của ý niệm tuyệt đối”. Mặc dầu đứng trên lập trường duy tâm thần bí, song tư tưởng của Hêghen về sự tha hóa cũng đã chứa đựng những dự đoán hợp lý về một số đặc điểm của lao động trong xã hội có đối kháng.
Phoiơbắc là người có công lớn trong việc đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa duy tâm và thần học nói chung, là người đã giáng một đòn mạnh mẽ vào hệ thống triết học duy tâm của Hêghen nói riêng. Khác với Hêghen, ở Phoiơbắc, tha hóa là sự tha hoá của bản chất con người vào Thượng đế. Do vậy, có thể nói, các nhà tư tưởng trước C.Mác (kể cả Phoiơbắc) đã không tìm ra con đường hiện thực để giải phóng con người khỏi mọi sự tha hoá.
C.Mác không xem xét sự tha hoá con người một cách chung chung, trừu tượng, phi lịch sử, mà xuất phát từ những con người cụ thể đang sống và hoạt động trong những quan hệ xã hội nhất định, trong những điều kiện lịch sử của một thời đại nhất định. Hành vi lịch sử đầu tiên đánh dấu bước ngoặt của sự chuyển biến từ loài vật sang loài người chính là lao động: “Bản thân con người bắt đầu bằng tự phân biệt với súc vật ngay khi con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình”(1). Đây cũng là xuất phát điểm khoa học nhất để C.Mác đi vào phân tích sự tha hoá con người bắt đầu từ sự tha hoá của lao động.
C.Mác lý giải sự tha hoá của lao động là một tất yếu lịch sử, gắn liền với một giai đoạn phát triển nhất định của nền sản xuất xã hội. Sự tồn tại và phát triển của “lao động bị tha hoá” gắn liền với sở hữu tư nhân. Theo C.Mác, sở hữu tư nhân được sinh ra do “lao động bị tha hoá”, nhưng đến lượt nó, sở hữu tư nhân lại trở thành nguyên nhân của sự tha hoá lao động và sự tha hoá của con người. Trên cơ sở đó, C.Mác chứng minh sự tha hoá của lao động là cơ sở của mọi hình thái tha hoá khác, trong đó có sự tha hoá quyền lực. Đồng thời, ông cũng đã luận chứng cho việc thủ tiêu mọi sự tha hoá của con người bằng việc thủ tiêu chế độ sở hữu tư nhân, xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Đây là một tất yếu khách quan, nhưng các nhà tư tưởng trước C.Mác chưa hề đạt được.
Theo quan điểm mácxít, điều kiện, tiền đề để thực sự giải phóng nhân loại hoàn toàn thoát khỏi mọi sự tha hoá chỉ có được khi xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản, cũng là khi nhà nước tiêu vong hẳn.
Tha hoá quyền lực - một hình thái biểu hiện của tha hoá - là một phạm trù mang tính lịch sử, gắn liền với một giai đoạn phát triển nhất định của nền sản xuất xã hội. Sự tan rã của chế độ cộng sản nguyên thuỷ dẫn đến sự ra đời của chế độ xã hội có đối kháng giai cấp và sự xuất hiện của nhà nước là một tất yếu khách quan đã được C.Mác phân tích một cách khoa học. Vấn đề cần quan tâm ở đây là, trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ đã tồn tại quyền lực công cộng (quyền lực xã hội), nhưng đó là thứ quyền lực do dân cư tự tổ chức, là thứ quyền lực hoà nhập với xã hội, không mang tính chính trị và giai cấp. Nét đặc trưng của quyền lực công cộng sau khi nhà nước xuất hiện là quyền lực đó không thuộc về tất cả thành viên của xã hội nữa. Nó chỉ thuộc về giai cấp thống trị và phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị.
Nhà nước ra đời là một yêu cầu khách quan do đối kháng giai cấp không thể điều hoà được. Sự đối kháng mà dẫn tới nguy cơ các giai cấp đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và huỷ diệt luôn cả xã hội. Bởi vậy, trong bản thân nhà nước đã bao hàm mặt đối lập là sự tha hoá quyền lực. Ngay cả trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì sự tha hoá bản chất con người nói chung và sự tha hoá quyền lực nói riêng vẫn còn là điều khó tránh khỏi. Cần phải thấy rằng, trong điều kiện nhà nước dù được tổ chức dưới hình thức tối ưu nhất (nhà nước của dân, do dân, vì dân) thì cũng không hoàn toàn loại trừ nguy cơ tha hóa quyền lực ở một số cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền.
Trong thời kỳ chuyển biến cách mạng từ xã hội cũ sang xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa, sự tha hoá quyền lực là điều khó tránh khỏi. Sự tha hoá quyền lực dĩ nhiên xâm phạm quyền và nghĩa vụ của các công dân, thậm chí nếu ở mức độ nghiêm trọng có thể dẫn đến nguy cơ làm cho cách mạng lâm vào khủng hoảng, thoái trào hoặc thất bại.
Con người ta sinh ra ai cũng có quyền được hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần, đó là một quyền tự nhiên của con người. Không ai có thể ban phát hay tước bỏ quyền tự nhiên đó của con người. Quyền được hưởng thụ ngày càng đầy đủ những giá trị vật chất, tinh thần phản ánh trình độ phát triển, tiến bộ của nhân loại.
Sự tha hoá quyền lực không phải bắt nguồn từ quyền hưởng thụ của con người, mà là từ việc gắn quyền hưởng thụ với quyền lực có khả năng chiếm đoạt các giá trị vật chất, tinh thần của xã hội, xâm phạm tới lợi ích của các thành viên khác trong xã hội.
Lãnh đạo, quản lý, về thực chất, là việc thực hiện một quyền lực nhất định đối với xã hội. Bất cứ xã hội nào, từ buổi đầu bình minh của nhân loại cho đến xã hội cộng sản trong tương lai, luôn cần phải có người lãnh đạo, quản lý dưới hình thức này hay hình thức khác. Điều đó có nghĩa sự tồn tại quan hệ giữa người lãnh đạo, quản lý và người bị lãnh đạo, quản lý là một tất yếu khách quan. Quan hệ này cũng không phải là bất biến, mà nó luôn biến đổi gắn với từng giai đoạn phát triển, tiến bộ nhất định của xã hội; và là sự thay đổi căn bản về mặt bản chất.
Trong xã hội còn tồn tại mâu thuẫn đối kháng giai cấp, còn tồn tại sự tha hoá bản chất con người, sự độc ác đang ngự trị, thì quyền lực của người lãnh đạo được xác lập bằng bạo lực trấn áp đối với người bị lãnh đạo là điều không tránh khỏi. Cũng không loại trừ trường hợp nếu cơ quan quyền lực lạm dụng quyền lực xâm phạm tới lợi ích của các công dân và của xã hội thì công dân có quyền thông qua các tổ chức xã hội của mình để chống lại những ai làm điều đó. Tuy vậy, trong các xã hội còn đối kháng giai cấp, còn chế độ người bóc lột người thì quyền của các công dân chống lại sự lạm dụng quyền lực cũng chỉ là lời hứa được ghi nhận trong các văn bản luật mà thôi. Còn thực chất, trên thực tế, quần chúng vẫn hoàn toàn bất lực. Ngược lại, trong xã hội không còn tồn tại sự đối kháng, không còn sự tha hoá bản chất con người thì quyền lực của người lãnh đạo được xác lập bằng uy tín và lòng tôn kính tự nguyện có được một cách không cưỡng ép từ phía những người bị lãnh đạo cũng là một tất yếu khách quan.
Có thể nói, chủ thể của sự tha hoá quyền lực trong Nhà nước ta là một bộ phận những người có chức, có quyền nhưng đã thoái hóa, biến chất. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh từng căn dặn cán bộ: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(2). Người chỉ rõ: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân”(3).
Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. ở bất cứ đâu, ai cũng cảm thấy bầu không khí náo nhiệt; tính tích cực, năng động, sáng tạo của quần chúng nhân dân được phát huy cao độ trong việc hiện thực hoá đường lối của Đảng, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều đó không chỉ khẳng định đường lối của Đảng là đúng đắn, hợp lòng dân, được quần chúng nhân dân đồng tình và ủng hộ, mà còn khẳng định đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã thể hiện vai trò là những chiến sĩ cách mạng tiên phong, vì Đảng, vì nhân dân mà phục vụ.
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ bị tha hoá, biến chất làm ảnh hưởng tới đường lối của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Sự chuyên quyền, độc đoán của một số cán bộ thoái hóa, biến chất đã gây tâm lý bức xúc trong nhân dân. Khi đề cập đến vấn đề này, Đảng ta nhận định rằng, “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở đảng thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh”(4). Bộ phận cán bộ, công chức đó là những kẻ mang nặng tác phong quan liêu, óc địa vị, háo danh, luôn đặt lợi ích cá nhân, vị kỷ của mình lên trên hết.
Bởi vậy, ngăn ngừa, khắc phục sự tha hoá quyền lực ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta là yêu cầu vừa cấp bách, vừa thường xuyên. Đặc biệt, cần phải tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí - một hình thái của sự tha hoá quyền lực rất nguy hiểm đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng, nhằm xây dựng bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta”(5).
2. Một số biện pháp mang tính định hướng nhằm ngăn ngừa, khắc phục sự tha hoá quyền lực ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta hiện nay
Thứ nhất, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và nhân dân.
Tiến hành cách mạng nhằm cải tạo xã hội cũ xấu xa thành xã hội mới và tốt đẹp là sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Bởi vậy, muốn cách mạng giành được thắng lợi, tất yếu cần có sự giáo dục thường xuyên, liên tục. Sinh thời, V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Cần phải giáo dục cho toàn quần chúng lao động vai trò chiến sĩ đấu tranh để giải phóng cho cả loài người thoát khỏi mọi sự áp bức, khỏi nghèo nàn và lạc hậu, cần phải biết cách đối xử với những người ít được giáo dục nhất, thiếu văn hóa nhất và không được tiếp xúc với khoa học, để cùng bàn bạc trao đổi với họ, gần gũi họ, nhẫn nại và hết sức kiên trì nâng cao họ lên trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa”(6). Bất cứ một tổ chức nào nếu không tiến hành thường xuyên và đều đặn công tác đó thì sự nghiệp cách mạng khó mà thành công. Để không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, cần:
Một là, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vấn đề đặt ra là, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào để không biến học thuyết mácxít đó thành một thứ giáo điều, cằn cỗi? Trang bị cho quần chúng và cán bộ học thuyết đó không phải chỉ căn cứ vào sách vở, mà còn phải đưa họ tham gia vào thực tiễn đấu tranh thiết thực hàng ngày. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những chỉ dẫn rất sâu sắc và thiết thực, có ý nghĩa phương pháp luận đối với việc nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên. Người nói: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi đem nó chứng minh trong thực tế. Đó là lý luận chân chính”(7). Điều đó cho thấy, phải bám sát thực tiễn, biết nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật để rút ra những kết luận mới, chứ không nên bị ru ngủ bởi những thành tích ban đầu. Điều này giúp không chỉ nâng cao được trình độ lý luận cho cán bộ, mà còn khắc phục được bệnh “thành tích”, làm thì “láo”, báo cáo thì “hay”.
Hai là, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ đảng viên và nhân dân bằng cách ra sức củng cố mối liên hệ giữa cán bộ với quần chúng nhân dân. Chỉ có như vậy, mới phát huy được tính chủ động và tích cực của quần chúng, thúc đẩy họ tự nguyện tự giác tham gia vào công việc của Đảng, vào công việc quản lý nhà nước, vào sự nghiệp cải biến xã hội nói chung và chống sự tha hoá quyền lực ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng.
Thứ hai, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.
Bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân và đấu tranh chống tha hoá quyền lực là hai mặt thống nhất hữu cơ với nhau trong quá trình vận động và phát triển của xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa. Bất cứ tổ chức nào mà quyền dân chủ của nhân dân được bảo đảm và phát huy cao độ thì sự tha hoá quyền lực ở đó được ngăn chặn và đẩy lùi. Khi sự tha hoá quyền lực được ngăn chặn và đẩy lùi thì quyền dân chủ của nhân dân lại càng có điều kiện để thực hiện đầy đủ, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.
Ở đây, phải nói đến vai trò đội tiên phong cách mạng của Đảng Cộng sản. Một khi Đảng chưa hiểu được tâm trạng của quần chúng, chưa biết kết thành một khối với quần chúng và phát động quần chúng nhân dân, thì những cuộc đấu tranh riêng lẻ chống bọn tha hoá biến chất không mang lại hiệu quả, thậm chí còn bị các phần tử quá khích lợi dụng. Bởi vậy, đoàn kết chặt chẽ với quần chúng, phát huy sức mạnh của quần chúng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh ngăn ngừa, khắc phục tha hoá quyền lực ở nước ta hiện nay.
Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ, mở rộng tự phê bình và phê bình trong và ngoài Đảng là một việc tuyệt đối cần thiết để nâng cao sức chiến đấu. Cần phải luôn làm cho công tác này có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Bất cứ một tổ chức nào, nếu không thường xuyên và đều đặn tiến hành công tác đó, thì nó không thể được coi là tổ chức dân chủ thực sự. Chúng ta phải thường xuyên tiến hành một cách kiên trì, bền bỉ công tác phê bình và tự phê bình, để toàn thể quần chúng nhân dân không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Không tiến hành tốt công tác đó thì hoạt động chính trị của Đảng sẽ không có hiệu quả; bởi lẽ, hoạt động chính trị chỉ có ý nghĩa thực sự khi và chỉ khi nó phát động được quần chúng nhân dân, thúc đẩy họ tích cực tham gia quá trình cải biến xã hội. Mọi sự xem nhẹ hoặc lơ là hoạt động phê bình và tự phê bình đều có thể làm tổn hại đến sự nghiệp cách mạng.
Thứ ba, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ thông qua đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
Để đấu tranh chống tha hóa quyền lực có hiệu quả thì việc nâng cao đạo đức cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, công tác bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên luôn là nhiệm vụ trọng yếu nhất của Đảng, quyết định sự sống còn của chế độ ta.
Đương nhiên, muốn thay đổi ý thức xã hội, xét đến cùng, cần phải thay đổi tồn tại xã hội. Nhưng hiện nay vẫn có không ít người hiểu chưa đúng vấn đề này, họ tuyệt đối hoá vai trò của kinh tế, xem đó như là yếu tố duy nhất để thay đổi ý thức xã hội.
Chúng ta phải khẳng định rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của mọi người, mọi nhà, mọi cá nhân, đơn vị tham gia phát triển kinh tế vì dân giàu, nước mạnh. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đang là miếng đất màu mỡ cho lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, v.v.. trỗi dậy. Chủ nghĩa cá nhân được dịp “mọc như cỏ dại khi gặp mưa rào”. Chính chủ nghĩa cá nhân đã dẫn đến khuynh hướng tôn thờ đồng tiền, đam mê khoái lạc và sự tha hoá quyền lực ở một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất.
Thực tiễn đổi mới đất nước hiện nay cho thấy, không thể có được một nền đạo đức cách mạng chân chính, nếu không kiên quyết đấu tranh gột rửa chủ nghĩa cá nhân. Những gì trái với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân. Cho nên, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng phải gột rửa chủ nghĩa cá nhân và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là con đường chắc chắn nhất để nâng cao đạo đức cách mạng. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng là hai nhiệm vụ gắn bó hữu cơ với nhau.
Những giải pháp trên phải được thực hiện một cách đồng bộ thì việc ngăn ngừa, khắc phục sự tha hoá quyền lực ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta mới có hiệu quả. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và sự tích cực trước hết của mỗi cán bộ, đảng viên.
  

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.3. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.29.
(2) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.104.
(3) Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.105.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.65.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Sđd., tr.45 – 46.
(6) V.I.Lênin. Toàn tập, t.10. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.395.
(7) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.233.
 
Nguồn:vientriethoc.com.vn

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513587

Hôm nay

260

Hôm qua

2313

Tuần này

21524

Tháng này

220460

Tháng qua

121356

Tất cả

114513587